Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống

Ngành Khoa học và Công nghệ (KHCN) Lâm Đồng đã và đang chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, sản phẩm chế biến nông nghiệp mới, có năng suất, chất lượng, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các chương trình, đề án, dự án ứng dụng CNSH đã tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo bước đột phá trong ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Lâm Đồng đi đầu cả nước trong công nghệ nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô

Lâm Đồng đi đầu cả nước trong công nghệ nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô

Toàn tỉnh hiện có 34 tổ chức và cá nhân được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN, gồm 21 tổ chức công lập, 5 tổ chức ngoài công lập, 4 cơ sở giáo dục và 4 cá nhân; có 6 doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp KHCN, trong đó, có 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực y dược, 2 doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, 1 doanh nghiệp công nghệ thông tin; có 56 cơ sở nuôi cấy mô rau, hoa, nấm thuộc khối cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, sản xuất hàng năm 72,3 triệu cây giống và 27,8 tấn nấm. 

Nguồn nhân lực có trình độ KHCN của tỉnh cũng không ngừng tăng lên về số lượng, chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.482 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động trong các lĩnh vực như: y dược (35); nông nghiệp (171); môi trường (148); quản lý – xã hội nhân văn (298); lĩnh vực và trình độ khác (975). Riêng nguồn lực trong lĩnh vực CNSH có 64 cán bộ tham gia nghiên cứu thuộc các lĩnh vực như: y dược (6); nông nghiệp (42); môi trường (4); lĩnh vực và trình độ khác (12). 

Không ngừng phát triển, hoàn thiện nâng cao năng lực mạng lưới, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng CNSH, đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh triển khai 14 nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến công nghệ sinh học, trong đó 10 nhiệm vụ trồng trọt và bảo vệ thực vật, 4 nhiệm vụ lâm nghiệp. 

Cụ thể, ngành KHCN đã thực hiện nhiệm vụ bảo tồn lưu giữ nguồn gen “Sưu tầm bộ giống lan hài có giá trị kinh tế phục vụ công tác bảo tồn và phát triển“,đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu về sinh học, sinh thái, đang xây dựng quy trình nhân giống bằng hạt. Nhiệm vụ “Nghiên cứu, bảo tồn và khai thác các chủng, loài nấm ăn, nấm dược liệu tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà“, đến nay, đã thực hiện điều tra, định danh, tư liệu hóa và xây dựng bộ tiêu bản các chủng, loài nấm ăn được và nấm dược liệu thuộc ngành nấm tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Khu dự trữ sinh quyển LangBiang; các nội dung còn lại đang tiếp tục thực hiện.

Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong công nghệ nuôi cấy mô (invitro) sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất. Ảnh: Ngọc Ngà

Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong công nghệ nuôi cấy mô (invitro) sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất. Ảnh: Ngọc Ngà

Về nghiên cứu chọn tạo giống, ngành đã xây dựng mô hình đánh giá tính phù hợp của giống bưởi da xanh tại 3 huyện phía Nam; đến nay, đã tiếp nhận quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh; xây dựng 3 mô hình bưởi da xanh đã ghép từ tỉnh Hậu Giang, diện tích 6.000 m2, mỗi mô hình 100 cây bưởi da xanh đã ghép; xây dựng 2 mô hình ghép cải tạo bưởi da xanh (tại xã Quảng Ngãi – Cát Tiên và xã Quốc Oai – Đạ Tẻh).

Nghiên cứu khả năng nhân giống sâm Ngọc Linh invitro bằng phương pháp giâm hom gốc trong điều kiện nhà kính tại Đà Lạt, đã xây dựng vườn ươm giống 50 m2 tại Đà Lạt phục vụ cho việc nhân giống cây sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô tế bào; đồng thời, theo dõi, đánh giá lại khả năng ra hoa, tạo hạt của cây sâm Ngọc Linh invitro trong điều kiện nhà kính tại Đà Lạt và đang thực hiện nghiên cứu khả năng nhân cây giống sâm Ngọc Linh invitro bằng phương pháp giâm hom gốc.

Ngành đã tiến hành chuyển giao cho người dân ứng dụng nhân rộng kết quả từ các đề tài nghiên cứu như: Xây dựng 2 mô hình trồng giống khoai lang mật được nhân cấy bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tại xã Tà Nung (Đà Lạt) đã cung cấp giống cây khoai lang mật phục vụ sản xuất đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, sản lượng đạt từ 10 – 15 tấn/ ha. Nhân giống một số loài lan rừng bản địa giá trị cao tại huyện Lâm Hà, đã xây dựng 3 mô hình nuôi trồng các giống lan rừng sinh trưởng phát triển tốt, người dân nắm được quy trình chăm sóc lan nuôi cấy mô ngoài vườn ươm; cây giống hoa lan invitro cao từ 3 – 4 cm, cây sinh trưởng khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Xây dựng Mô hình Sản xuất giống chuối Laba tại huyện Đam Rông, đã hoàn thiện được quy trình sản xuất cây giống chuối Laba phù hợp điều kiện địa phương.

Cùng đó, ngành đã xây dựng Mô hình Vườn ươm giống rau tại xã Đạ K’nàng (Đam Rông), đã xây dựng được 1 mô hình ươm giống rau bắp sú, cà tím, dưa leo baby đảm bảo chất lượng giống cung cấp cho người dân. Xây dựng mô hình vườn đầu dòng sản xuất giống cà phê vối ghép, bơ ghép tại xã Đồng Nai Thượng (Cát Tiên), đã chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm, xây dựng mô hình vườn cây đầu dòng 500 m2 cà phê vối ghép, 2.000 m2 bơ ghép và 50 lượt nông dân được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc…

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành KHCN đã thực hiện bảo tồn, phát triển một số loài cây huỳnh đường thuộc họ xoan bản địa phục vụ trồng rừng, phát triển tài nguyên cây gỗ ở Lâm Đồng; đến nay, đã xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh học, sinh thái, tiếp tục tiến hành xây dựng quy trình nhân giống bằng hạt. Thực hiện sưu tập, lưu trữ và bảo tồn nguồn gen 45 họ thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm của Lâm Đồng tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, đã khảo sát phân bố, tuyển chọn, đánh giá hiện trạng bảo tồn và xây dựng cơ sở dữ liệu số cho 110 loài thực vật bản địa có tính đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm thuộc 45 họ thực vật trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu khai thác và phát triển nhanh nguồn gen các loài cây có giá trị làm cảnh như cây lá phong, cây đa tử trà và cây đỗ quyên phục vụ làm cây trồng đường phố tại Đà Lạt. 

Ngoài ra, ngành KHCN đã hợp tác, liên kết với các tỉnh lân cận thực hiện các nhiệm vụ cấp Nhà nước như: Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò nhà và bò tót tại vùng rừng giáp ranh Ninh Thuận – Lâm Đồng; Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Khánh Hòa; Nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tập trung phát triển và ứng dụng CNSH, ngành đã kịp thời sưu tập, lưu trữ và bảo tồn nguồn gen, khảo nghiệm các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật, quy trình mới trong sản xuất,… góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Trong thời gian tới, ngành KHCN Lâm Đồng sẽ tiếp tục ứng dụng kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực CNSH trong việc phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị và góp phần nâng cao thu nhập của người dân, phát triển kinh tế địa phương.