Phát triển sản phẩm mới | 5 bước, quy trình phát triển sản phẩm mới!
Phát triển sản phẩm mới là một trong những nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp. Động lực chính để phát triển sản phẩm là nhu cầu người tiêu dùng luôn thay đổi và đối thủ canh tranh luôn phát triển. Nhiệm vụ của các nhà làm marketing là cần nhạy bén nắm bắt những sự biến đổi, xu hướng trên thị trường từ đó tạo ra sản phẩm mang lại sự thỏa mãn cho khách hàng.
Trong bài viết này, GEM sẽ chia sẻ đến các bạn 5 bước xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm mới. Hãy cùng theo dõi ngay!
Bước 1: Hình thành và lựa chọn ý tưởng phát triển sản phẩm mới
Để tồn tại và phát triển được trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ý tưởng phát triển sản phẩm mới là một trong những tài nguyên quan trọng nhất của doanh nghiệp.
“Đứng im là tụt hậu”. Nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng biến đổi không ngừng qua các năm, đòi hỏi các nhà làm marketing cần nắm bắt được sự thay đổi để có nhiều giải pháp đáp ứng.
Hình thành ý tưởng
Ý tưởng về sản phẩm mới chắc chắn phải bắt nguồn từ sự biến đổi trong insight của khách hàng. Tuy nhiên, Bạn có thể tham khảo các nguồn ý tưởng sau đây:
-
Khách hàng
:
Bạn sẽ tìm được một số ý tưởng phát triển sản phẩm mới qua việc quan sát cách khách hàng đánh giá và lựa chọn sản phẩm, những vấn đề họ gặp phải khi sử dụng, những nhận xét, phàn nàn của họ…Các công cụ như phiếu khảo sát, email đánh giá…sẽ hỗ trợ đắc lực cho bạn khi cần thu thập thông tin.
-
Nguồn thông tin nội bộ
:
Những ý tưởng về sản phẩm mới thường do bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) đề xuất. Đôi khi bạn cũng có thể có được những thông tin hữu ích từ các nhân viên bán hàng, bộ phận sản xuất…Đội ngũ bán hàng là những đối tượng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Họ hiểu rõ về cảm nhận, mong muốn của khách hàng về sản phẩm.
-
Đối thủ cạnh tranh
:
Từ việc phân tích và nghiên cứu các chiến lược marketing của đối thủ cạnh tranh, xu hướng phát triển sản phẩm mới…doanh nghiệp cũng có thể thống kê được một số thông tin hữu ích.
-
Các đơn vị nghiên cứu bên ngoài
:
Các nhà làm marketing có thể tìm kiếm ý tưởng từ báo cáo dữ liệu…của các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, đối tác.
-
Báo cáo digital marketing
:
từ những số liệu tổng hợp của digital, bạn có thể nhận biết được xu hướng tìm kiếm, những từ khóa “hot” nào đang được khách hàng quan tâm nhiều nhất, nhận xét, đánh giá, phản hồi của họ trên internet…
Đừng vội nghĩ về việc triển khai như thế nào, có khả thi hay không, hãy khích lệ nhân viên của bạn đưa ra nhiều ý tưởng nhất có thể từ những thông tin thu thập được, kể cả những ý tưởng điên rồ nhất. Sau khi đã lên được danh sách ý tưởng, chúng ta sẽ nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn ý tưởng phát triển sản phẩm mới khả thi nhất.
Lựa chọn ý tưởng
Không phải mọi ý tưởng đều có thể thực hiện và mang lại kết quả cho doanh nghiệp. Sau khi đã có danh sách ý tưởng, các nhà quản trị cần cân nhắc mức độ hợp lý của ý tưởng để triển khai hiệu quả.
Một số tiêu chí có thể dùng để đánh giá ý tưởng như:
-
Mức độ “mới” của ý tưởng:
Đã có đối thủ nào thực hiện ý tưởng này trước đó hay chưa? So với những sản phẩm hiện có của doanh nghiệp thì ý tưởng này “mới” ở mức độ nào?
-
Mức độ thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng:
Sản phẩm dù mới nhưng không nhận được sự yêu thích của khách hàng thì vô ích. Các nhà quản trị cần cân nhắc xem ý tưởng phát triển sản phẩm mới này có thực sự mang lại giá trị cho người dùng hay không? Khách hàng mục tiêu sẽ hài lòng với màu sắc, tính năng…của sản phẩm chứ?
-
Ưu thế cạnh tranh so với đối thủ:
Sản phẩm mới đối với doanh nghiệp, nhưng so với những sản phẩm cùng loại khác trên thị trường thì mức độ cạnh tranh như thế nào? Khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm này thay vì sản phẩm của đối thủ hay không?
-
Mức độ khả thi của ý tưởng:
Doanh nghiệp có đủ nguồn lực (tài chính, nhân lực…) để biến ý tưởng này thành hiện thực hay chưa? Một ý tưởng phát triển sản phẩm mới dù rất hay nhưng công ty không có đủ nguồn lực để thực hiện thì cũng chẳng bao giờ thành hiện thực được.
-
Mức độ phù hợp của ý tưởng:
Ý tưởng này có phù hợp với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp hay không? Có phù hợp với định vị thương hiệu của doanh nghiệp?…
Từ việc đối chiếu với những tiêu chí trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn được ý tưởng cho chiến lược sản phẩm mới hay nhất, khả thi nhất.
Bước lựa chọn này rất quan trọng trong cả một kế hoạch phát triển sản phẩm, lựa chọn chính xác, doanh nghiệp bạn sẽ thu về rất nhiều “trái ngọt” do hiệu ứng sản phẩm mới mang lại. Tuy nhiên, nếu lựa chọn một ý tưởng sai lầm, bạn cũng sẽ phải trả giá bằng thiệt hại về thời gian, công sức, nhân lực, tài chính không hề nhỏ.
Bước 2: Soạn thảo và thẩm định dự án
Sau khi đã lựa chọn được ý tưởng phát triển sản phẩm mới, các nhà kinh doanh cần xây dựng bản dự án chi tiết để đưa ra thẩm định. Dự án này sẽ bao gồm các phương án sản xuất và kinh doanh sản phẩm, số liệu xác định tính khả thi của sản phẩm mới.
Bản dự án cần đảm bảo các thông tin sau:
-
Tham số và đặc tính của sản phẩm.
-
Chi phí nguyên vật liệu.
-
Các yếu tố đầu vào của sản phẩm.
-
Tổng chi phí sản xuất.
-
Phân tích khả năng sản xuất của doanh nghiệp.
-
Thống kê các nguồn lực: tài chính, nhân lực, marketing…đáp ứng việc sản xuất.
-
Dự báo lượng tiêu thụ sản phẩm: mùa cao điểm, mùa thấp điểm.
-
Phân tích điểm hòa vốn.
-
Khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp.
Bước 3: Xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm
Ở bước này, doanh nghiệp cần làm rõ được các thông tin về:
-
Mục tiêu marketing cho từng giai đoạn: Giai đoạn tung sản phẩm ra thị trường, phát triển sản phẩm, giai đoạn chín muồi, suy thoái…
-
Thị trường mục tiêu: quy mô thị trường, cơ cấu thị trường, các yếu tố về văn hóa, chính trị, xã hội…
-
Khách hàng tiềm năng: đặc điểm hành vi, thói quen mua hàng; các thông tin về nghề nghiệp, thu nhập, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân…
-
Chiến lược định vị sản phẩm
-
Thiết lập cơ cấu giá bán cho sản phẩm
-
Xây dựng hệ thống kênh phân phối
-
Chiến lược xúc tiến hỗn hợp
-
Dự toán chi phí marketing
-
Dự toán doanh số
-
Xây dựng kế hoạch mở rộng sản phẩm
Ấn vào liên kết để tìm hiểu thêm về: Định vị sản phẩm và các bước để định vị sản phẩm
Bước 4: Thiết kế và Thử nghiệm sản phẩm
Dựa trên ý tưởng đã được lựa chọn ở bước 1, bộ phận R&D cần tiến hành nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới để thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
Có hai hướng đi chính mà các doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện là: phát triển sản phẩm mới hoàn toàn (100%) hoặc cải tiến sản phẩm đã có (phát triển một phần). Do tỷ lệ rủi ro và chi phí cao nên đến 80% doanh nghiệp hiện nay đi theo định hướng cải tiến sản phẩm đã có thay vì phát triển sản phẩm mới hoàn toàn.
Lưu ý trong giai đoạn thiết kế sản phẩm:
-
Mẫu mã sản phẩm (hình dáng, bao bì,…):
Từ ý tưởng đi đến hiện thực hóa là cả một con đường dài. Đừng chỉ tập trung vào chất lượng, tính năng sản phẩm mà bỏ qua hình dáng, bao bì.
Bao bì sản phẩm chính là “đại sứ thường trực” của thương hiệu, là “nhân viên bán hàng” tiếp xúc đầu tiên với đối tượng tiềm năng.
Qua những hình ảnh đồ họa, màu sắc, thông số…trên bao bì mà doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp truyền thông đến khách hàng. Khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thất bại trong cuộc chiến giành thị phần do chưa đầu tư đúng mức vào yếu tố này.
-
Chất lượng, tính năng sản phẩm mới:
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của chiến lược sản phẩm. Đôi khi chưa cần tạo ra một tính năng mới, các nhà làm marketing chỉ cần tập trung nhấn mạnh vào những tính năng sẵn có mà các đối thủ cạnh tranh từ trước đến giờ chưa để ý đến là đã thành công rồi.
Ví dụ:
Sản phẩm kem đánh răng trước giờ chỉ tập trung vào 2 khả năng chính làm trắng răng, chống sâu răng. Thay vì lại đi theo lối mòn cũ mà các đối thủ đã đi, bạn có thể định hướng khách hàng vào một khả năng mới “bổ sung Flo giúp răng chắc khỏe”, hoặc sản phẩm kem đánh răng chuyên khoa dành cho người niềng răng…hoặc kem đánh răng chống tê buốt …kem đánh răng than đen hoạt tính.
-
Dịch vụ hỗ trợ đi kèm sản phẩm:
Không chỉ phát triển những “phần cứng” của sản phẩm, các dịch vụ hỗ trợ đi kèm, bảo hành cũng rất quan trọng.
Vai trò của nó dường như không nổi bật trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhưng đối với ngành điện tử, điện lạnh…thì lại vô cùng quan trọng. Đây là một trong những yếu tố quyết định mức độ hài lòng của khách hàng về sản phẩm. Vì vậy, trong quá trình xây dựng các bước phát triển sản phẩm mới, các nhà làm marketing cần cân nhắc đưa ra các dịch vụ hỗ trợ bổ sung để hoàn thiện.
-
Chủng loại sản phẩm:
Doanh nghiệp sẽ không dừng lại ở một sản phẩm mới mà cần phải liên tục cải tiến và cập nhật.
Nếu mỗi lần lên chiến lược sản phẩm mới lại nghiên cứu, tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới 100% thì quá tốn kém chi phí và rủi ro cao vì có thể không được người tiêu dùng đón nhận. Vì vậy, việc xây dựng một chủng loại sản phẩm bao gồm các nhãn hiệu liên quan là một ý tưởng hay, vừa giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, vừa dễ triển khai các chương trình marketing.
Thử nghiệm sản phẩm mới
Trước khi triển khai phân phối sản phẩm về các đại lý và đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường, các nhà làm marketing cần tiến hành thử nghiệm sản phẩm mới. Việc này giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ chấp nhận của thị trường với kết quả nghiên cứu ở bước 3.
Bước này rất quan trọng, giúp các marketers khách quan trong việc đánh giá sản phẩm để điều chỉnh kế hoạch phát triển sản phẩm mới, giảm thiểu rủi ro khi tung sản phẩm ra thị trường.
-
Nếu sản phẩm được thị trường đánh giá cao, mức độ hài lòng lớn, thì lúc này doanh nghiệp có thể triển khai sang bước 4 của chiến lược sản phẩm.
-
Nếu sản phẩm vẫn còn một số đặc điểm khách hàng chưa hài lòng, các nhà làm marketing cần có kế hoạch giúp đội R&D cải tiến và hoàn thiện để tạo ra thành phẩm tốt nhất.
-
Nếu sản phẩm bị thị trường ngó lơ thì doanh nghiệp cần lựa chọn ý tưởng khác hoặc thực hiện nghiên cứu lại để phát triển một sản phẩm mới khác.
Bước 5: Triển khai sản xuất, tung sản phẩm mới ra thị trường
Từ những kết quả thử nghiệm, doanh nghiệp sẽ quyết định xem có nên sản xuất và tung sản phẩm ra ngoài thị trường hay không. Nếu dự án được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ triển khai phương án tổ chức, xây dựng chương trình marketing, giới thiệu sản phẩm mới…
Tung sản phẩm ra thị trường
Để việc đưa sản phẩm mới ra thị trường có hiệu quả, doanh nghiệp cần xem xét một số vấn đề sau đây:
-
Thời điểm tung sản phẩm mới:
Trước đó có sản phẩm mới nào được đưa ra thị trường, có dự án nào sắp được triển khai? Thời điểm có đang đúng lúc nhu cầu của khách hàng? Đó là một số câu hỏi người làm marketing phải trả lời.
-
Địa điểm giới thiệu sản phẩm mới
Mức độ thuận lợi chú ý của khách hàng mục tiêu, giới truyền thông.
-
Chiến lược marketing cho sản phẩm mới:
Tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm, thực hiện các giải pháp truyền thông, quảng cáo sản phẩm mới…để phủ sóng nhãn hiệu mới đến người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống kênh phân phối rộng khắp, thúc đẩy đội ngũ bán hàng giới thiệu sản phẩm đến đối tượng mục tiêu.
-
Lựa chọn kênh truyền thông:
Tùy từng nhóm khách hàng mục tiêu và đặc tính sản phẩm mà các nhà làm marketing có thể lựa chọn các kênh truyền thông khác nhau. Nếu đối tượng là giới trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội, internet…thì marketing online là sự đầu tư tuyệt vời. Các video quảng cáo của một số thương hiệu gần đây đã tạo nên hiệu ứng viral mạnh mẽ đến khách hàng, giúp các doanh nghiệp đạt được thành công lớn trong chiến lược sản phẩm mới.
Phát triển sản phẩm mới chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Đây là một hạng mục đầy tính rủi ro và thách thức, cần sự kết hợp đồng bộ của tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. Hy vọng qua bài viết này bạn đã rõ ràng hơn về vấn đề này. Chúc bạn thành công với các chiến lược marketing sắp tới!
ID bài viết: (+84) 089 806 1234
GEM DIGITAL – DIGITAL MARKETING AGENCY
Liên hệ hợp tác cùng GEM:
Hotline: 0906 222 886
Email: [email protected]