Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc

(VTR) – Địa hình và khí hậu độc đáo, thiên nhiên thuần khiết hoang sơ, núi non trùng trùng điệp điệp đã tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú cho vùng miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó là sự đa dạng và hấp dẫn của cuộc sống đầy sắc màu truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đó chính là những yếu tố tạo nên tính đặc thù cao của du lịch vùng miền núi phía Bắc so với các vùng khác trên cả nước mà có thể được định hướng phát triển theo các dòng sản phẩm đặc thù với thứ tự ưu tiên

Nhóm sản phẩm du lịch chinh phục thiên nhiên và thể thao mạo hiểm

Đi bộ, leo núi

Trải nghiệm đi bộ theo các cung đường, thưởng ngoạn cảnh quan, leo núi dã ngoại là hoạt động có thể tổ chức tại nhiều tỉnh vùng miền núi phía Bắc phục vụ nhóm khách có mục đích vận động, khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thưởng ngoạn khí hậu trong lành và có thể kết hợp lưu trú tại nhà dân.

Ở Lào Cai, nhiều tuyến đi bộ đã được và có thể tổ chức: dọc thung lũng Mường Hoa hay xuống bản Tả Phìn (Sapa); đi bộ theo các tuyến: Bắc Hà – Lầu Thí Ngài – Tả Văn Chư – Hoàng Thu Phố – Cốc Ly – Sông Chảy – Trung Đô (Bắc Hà). Các tuyến đi bộ quan trọng khác ở Lào Cai là tuyến Bát Xát: Lào Cai – Tả Phìn – Bát Xát – Mường Hum – Lào Cai; Si Ma Cai – Bắc Hà – Cán Cấu – Sín Chéng – Quan Thần Sán – Tả Van Chư – Bắc Hà. Ở Điện Biên, tuyến đi bộ leo núi phù hợp là tuyến Điện Biên Phủ – Mường Chà – Mường Nhé – A Pa Chải – Cột mốc số 0. Ở Sơn La, tuyến từ bản Hồng Ngài – huyện Bắc Yên. Ở Cao Bằng các tuyến đi bộ Hang Pắc Bó – suối Lê Nin, thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao. Đây là tuyến đường đi bộ được tạp chí SkyScanner đánh giá  là một trong 5 điểm đi bộ tuyệt vời nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tại nhiều địa phương khác cũng còn nhiều địa điểm có địa hình và cảnh quan tuyệt đẹp để tổ chức sản phẩm này.

Trải nghiệm, thử thách bản thân (chinh phục các cung đường đèo, đỉnh núi)

Địa hình hiểm trở và đa dạng của vùng miền núi phía Bắc thách thức sức chinh phục của những người khách can đảm, đó là những đỉnh Fansipan, đỉnh Tây Côn Lĩnh, Bạch Mộc Lương Tử…, là những đường đèo ngoạn mục như Mã Pì Lèng, đèo Pha đin, đèo Khâu Phạ, đặc biệt, cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu với hệ thống núi đá vôi và những dạng địa hình đầy hiểm trở luôn thu hút những khách du lịch có lòng can đảm, muốn khám phá, trải nghiệm. Đây là sản phẩm du lịch đặc thù quan trọng của vùng miền núi phía Bắc, tuy nhiên khá kén chọn đối tượng khách. Khách phải có sức khỏe, có quyết tâm cao, yêu thiên nhiên, muốn khám phá thiên nhiên và thử thách bản thân. Các sản phẩm trong nhóm này gồm: trải nghiệm các cung đường (tổ chức cho khách thực hiện trải nghiệm các cung đường địa hình kết nối đầy hiểm trở vắt qua các sườn núi giữa phong cảnh hữu tình bằng ô tô, xe máy như đường QL 4, đường Tuần Giáo (Điện Biên) qua Lai Châu; các cung đường Hà Giang, đường QL 6 cổ qua Hòa Bình – Sơn La); trải nghiệm, chinh phục các đường đèo đẹp của Việt Nam (chinh phục những con đường đèo ngoạn mục bằng ô tô hay xe máy qua: đèo Mã Pì Lèng, dốc Chín Khoanh, Cua M (Hà Giang); đèo Pha Đin cũ (Lai Châu); đèo Khâu Phạ (Yên Bái); đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai)); chinh phục các đỉnh núi cao (đỉnh Fansipan 3.143m (Lào Cai), đỉnh Pu Ta Leng 3.096m, đỉnh Pu Si Lung 3.076m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử 3.045m (Lai Châu), đỉnh Tà Xùa – Trạm Tấu 2.865m (Sơn La); chinh phục các điểm “cực của Tổ quốc” (cột cờ Lũng Cú, điểm Cột mốc số 0 A Pa Chải, Cột mốc số 92, Lũng Pô – Y Tý, Bát Xát); thể thao mạo hiểm (lượn dù, vượt thác) (tổ chức hoạt động dù lượn ở: Chí Đạo, Lạc Sơn (Hòa Bình); Chiềng Hặc, Yên Châu (Sơn La); Cao Phạ, Mù Căng Chải (Yên Bái); Ô Quý Hồ, Sa Pa (Lào Cai); Mia Xu, Mèo Vạc (Hà Giang); hoạt động bơi thuyền ngược sông Nho Quế, Mèo Vạc (Hà Giang).

Mùa hoa cải. Ảnh: Hoàng Thu Hương

Nhóm sản phẩm tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số

Vùng miền núi phía Bắc là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc giàu bản sắc văn hóa. Cuộc sống sinh hoạt, tập tục, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc của các dân tộc nhiều nơi được gìn giữ nguyên vẹn là sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch.

Tham quan, tìm hiểu bản làng dân tộc thiểu số

Các hoạt động trải nghiệm cuộc sống cộng đồng các dân tộc thiểu số được tổ chức cả ở các vùng Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên nét đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc có sức hút riêng biệt, có tính đặc thù cao. Sản phẩm được tổ chức cho khách tham quan, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cùng cuộc sống của cộng đồng, ngủ tại nhà dân, lên nương, làm bếp, dệt vải cùng dân.

Các hoạt động du lịch mang tính chất du lịch cộng đồng, đặc điểm trải nghiệm của mỗi sản phẩm lại khác nhau phụ thuộc vào bản làng và dân tộc cụ thể ở từng địa phương.

Tham gia các phiên chợ, lễ hội vùng cao: tham quan tìm hiểu, tham gia các hoạt động lễ hội, mua sắm. Nhiều địa phương có những hoạt động tiêu biểu mang tính đặc thù cao có sức hấp dẫn đối với du khách, đó là: Lào Cai (Tết Nhảy của người Dao đỏ, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội xuống đồng của người Giáy, chợ phiên Cốc Ly, chợ Bắc Hà, chợ Cán Cấu Si Ma Cai, đua ngựa Bắc Hà); Hà Giang (chợ tình Khâu Vai, lễ hội cấp sắc của người Dao, Lễ hội tam giác mạch); Yên Bái (Lễ hội lúa chín – Mù Căng Chải, Lễ hội cầu mưa của người Thái đen Mường Lò, Lễ hội đền Đông Cuông); Điện Biên (Lễ hội hoa Ban của người Thái, Lễ cúng Bản của người Cống); Lai Châu (Lễ hội cúng Bản của người Cống, Lễ cơm mới của người La Hủ, chợ Dào San, chợ Sìn Hồ); Sơn La (Lễ hội chọi trâu, Lễ hội đua thuyền, Lễ hội gội đầu của người Thái, Lễ hội Mợi của dân tộc Mường, Tết độc lập tại Mộc Châu (H’Mông)); Hòa Bình (Hội Cầu Phúc, Lễ hội đền Vua Bà, Lễ cơm mới của người Mường, Lễ hội cầu mưa của người Mường, của người Thái)

Thưởng thức ẩm thực địa phương

Thưởng thức các món ẩm thực địa phương là nội dung quan trọng của sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng. Du khách có thể kết hợp với việc tham quan, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cuộc sống trong bản với thưởng thức các món ẩm thực các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao. Bên cạnh đó, các loại sản vật địa phương, đặc sản núi rừng như mật ong, măng… cũng hấp dẫn nhiều du khách. Hầu như địa phương nào cũng có nền ẩm thực dân tộc phong phú, trong đó quan trọng nhất là ẩm thực tại các tỉnh: Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La.

Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái núi và trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ

Thưởng ngoạn khí hậu núi cao

Với địa hình núi cao, nhiều khu vực có khí hậu ôn hòa rất thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng như Sapa, Mộc Châu, Mẫu Sơn, Phia Đén, Hoàng Su Phì, vùng miền núi phía Bắc có lợi thế về nghỉ dưỡng núi, đây sẽ là sản phẩm du lịch quan trọng trong thời gian tới. Nhiều khu du lịch đã có sẵn cơ sở vật chật kỹ thuật phù hợp được xây dựng từ thời Pháp nhưng cần được cải tạo, tổ chức tốt các hoạt động để phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp hiện nay như Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Sapa (Lào Cai); Khu du lịch quốc gia Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La); Hoàng Su Phì, Yên Minh (Hà Giang); Phia Đén (Cao Bằng); Sìn Hồ (Lai Châu).

Ngắm cảnh theo mùa nông nghiệp (các mùa hoa, ruộng bậc thang)

Khí hậu núi cao cũng tạo cho vùng miền núi phía Bắc nhiều giá trị sản vật và cảnh quan nông nghiệp như những mùa hoa đào, hoa mận, hoa tam giác mạch; những vườn cam quýt, vườn hồng, vườn đào, vườn mận; những ruộng bậc thang óng ả xếp tầng tầng đẹp như tranh vẽ như Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, Y Tý, Sin Súi Hồ với sự đa dạng, phong phú, sự khác biệt về phong cảnh trải đều qua các mùa trong năm. Sản phẩm đặc thù với lợi thế về khí hậu, địa hình và phương pháp canh tác tạo nên những nét hấp dẫn lớn đối với du khách.

Tháng 2: ngắm hoa đào, hoa mận (Sơn La, Hà Giang); thu hoạch cam Cao Phong (Hòa Bình)

Tháng 3: ngắm hoa cải (Sơn La), ngắm hoa Ban (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu)

Tháng 4: hái đào, mận (Sơn La, Sapa)

Tháng 5: hái vải (Bắc Giang), xem ruộng bậc thang mùa tưới nước (Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang)

Tháng 7-8: thu hoạch lê (Sapa)

Tháng 8: tìm hiểu, trải nghiệm phương thức thu hoạch na (Lạng Sơn)

Tháng 9: ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín Hoàng Su Phì (Hà Giang), ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái)

Tháng 10 – 11: ngắm hoa tam giác mạch (Hà Giang) hoa dã quỳ (Lai Châu)

Tháng 12 đến tháng 2: ngắm hoa anh đào (Sapa), thăm hồ Pá Khoang (Điện Biên); thu hoạch cam chanh, cam sành (Hà Giang, Hàm Yên – Tuyên Quang), quýt (Bắc Sơn – Lạng Sơn); trải nghiệm mùa băng tuyết (Lào Cai, Lai Châu)

Ngoài ra, có thể phát triển một số trang trại hoa, phong lan, ươm giống khu vực Mộc Châu (Sơn La) và Sapa (Lào Cai) để làm phong phú hơn sản phẩm trải nghiệm ngắm hoa.

Trải nghiệm cảnh quan hùng vĩ (núi, sông, thác, ghềnh)

Với địa hình hết sức đa dạng, vùng miền núi phía Bắc có có hệ thống hang động, sông, suối, thác nước, hồ lớn như hồ Pá Khoang, hồ sông Đà, hồ Thác Bà, hồ Na Hang, hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể; những thác nước hùng vĩ như thác Bản Giốc, thác Dải Yếm; các hang động quan trọng như hang Pắc Pó, động Ngườm Ngao… Tham quan, trải nghiệm, đi bộ, đi thuyền, lội suối… là những hoạt động hấp dẫn trong nhóm sản phẩm trải nghiệm cảnh quan hùng vĩ khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhóm sản phẩm du lịch về nguồn

Miền núi phía Bắc là nơi chứa đựng những giá trị hào hùng về lịch sử. Âm vang Điện Biên nhắc tới chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, sự hiển hách của lịch sử cách mạng gắn với các cuộc kháng chiến khởi nghĩa và tiền khởi nghĩa như Pắc Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa, Bắc Mê… có giá trị đặc biệt hấp dẫn du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng. Các giá trị lịch sử có thể được khai thác trong các sản phẩm du lịch như:

Tìm hiểu chiến khu Việt Bắc (tham quan, tìm hiểu di tích cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Kim Quan (Tuyên Quang), ATK Bằng Lũng (Bắc Kạn); hang Pắc Bó (Cao Bằng); thăm lại chiến trường xưa (tham quan quần thể khu di tích Điện Biên Phủ – Mường Phăng; thăm Pháo đài Đồng Đăng, Ải Chi Lăng (Lạng Sơn); thăm quan Nhà tù Sơn La); tìm về cuội nguồn (tham quan đền Hùng; tìm hiểu, tham gia Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương).

Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp

Vùng trung du của miền núi phía Bắc có nhiều đồi chè trải dài xanh ngát, những trang trại bò sữa trên thảo nguyên có thể cung cấp các giá trị trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp vô cùng hấp dẫn. Các sản phẩm du lịch tìm hiểu giá trị sinh thái nông nghiệp đặc thù của vùng cao nguyên, trung du miền núi phía Bắc cung cấp cho khách nhiều hoạt động như tham quan, tìm hiểu đơn giản hoặc tham gia trải nghiệm các quy trình vắt sữa, quy trình chế biến và đóng gói các sản phẩm sữa, quy trình hái chè, chế biến chè. Những địa điểm có thể tổ chức sản phẩm du lịch này là khu vực trang trại bò sữa (Mộc Châu – Sơn La); các nông trường chè (Mộc Châu – Sơn La, Thái Nguyên, Phia Đén – Cao Bằng); các trang trại hoa, phong lan (Sapa và Mộc Châu); các trang trại cá hồi (Sapa – Lào Cai, Phia Đén – Cao Bằng); trang trại thuốc Nam (Sìn Hồ – Lai Châu); trang trại dược liệu (Quản Bạ – Hà Giang).

Miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong quá trình đầu tư phát triển, cần coi trọng các giá trị làm nên tính đặc thù này để có định hướng phù hợp.

TS. Đỗ Cẩm Thơ

(Tạp chí Du lịch)