Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nghĩ khác, mới
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần cách tiếp cận mới
Thứ Tư 18/05/2022 , 10:42 (GMT+7)
Luật Công nghệ cao năm 2008, văn bản quan trọng nhất là Nghị định hướng dẫn thi hành Luật lại không được ban hành. Trong triển khai tại địa phương còn rất lúng túng.
LTS: Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất và ngày này đã được luật hóa thành “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam” (quy định tại Điều 7, Luật KH&CN sửa đổi – Luật số 29/2013/QH13).
Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả một vài suy nghĩ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam, để góp phần thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định 150/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Mô hình sản xuất nho trong nhà màng công nghệ cao tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.
Nông nghiệp Việt Nam đã phát triển qua rất nhiều phương thức sản xuất, từ thấp đến cao, song phương thức sau dù tiến bộ hơn, tiên tiến hơn cũng không phủ nhận các phương thức đã tồn tại trước mà kế thừa, chọn lọc các kỹ thuật tiến bộ để tiếp tục áp dụng. Có thể nói, trong phương thức sản xuất sau luôn có một hoặc nhiều thành tố phương thức sản xuất trước.
Thế giới ngày càng chịu áp lực về suy giảm tài nguyên, gia tăng dân số, tăng nhu cầu về nguyên, nhiên liệu cho công nghiệp… mà các phương thức sản xuất nông nghiệp “dựa vào đất” đã phải thay thế bằng phương thức sản xuất “dựa vào khoa học và công nghệ”. Và khái niệm Nông nghiệp công nghệ cao ra đời trong bối cảnh đó.
Hiện tại, có thể nói chưa có một định nghĩa nào thật sự thuyết phục về “Công nghệ cao” cũng như “Nông nghiệp công nghệ cao”. Theo Luật Khoa học công nghệ 2008, thì công nghệ cao được định nghĩa “là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”. Cũng theo luật này thì, bất cứ công nghệ nào thuộc các lĩnh vực sau đều được gọi là “cao”, đó là: Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, tiêu chí cho xác định công nghệ cao trong nông nghiệp cũng mới chỉ dừng ở mức định tính, do vậy, trong triển khai rất khó để phân biệt đâu là công nghệ cao và đâu là công nghệ thường. Đơn cử, nếu nói công nghệ sinh học là công nghệ cao thì hàng ngàn năm nay người Việt Nam đã ứng dụng “công nghệ cao rồi”, đó là ứng dụng công nghệ enzym trong sản xuất tương, nước mắm, rượu…; công nghệ tế bào trong chiết, ghép cây ăn quả, giâm cành với mía, dứa, khoai lang, dâu tằm… và công nghệ vi sinh vật trong muối dưa, cà, làm nem chua…
Do thiếu các tiêu chí và bộ chỉ số mang tính định lượng nên việc hiểu đúng “công nghệ cao trong nông nghiệp” còn rất mơ hồ. Nhiều người cho rằng, công nghệ cao trong nông nghiệp phải luôn gắn với nhà lưới, nhà màng, thậm chí nhà kính, tưới nhỏ giọt tự động kiểu Israel kết hợp bón phân, canh tác thủy canh. Trong các nhà lưới có hệ thống điều khiển nhiệt độ, cảm biến độ ẩm… Đây là tư duy sản xuất nông nghiệp trong môi trường được bảo vệ (Proteted Environment), đầu tư lớn, vốn chỉ phù hợp cho nông nghiệp đô thị, ven đô hoặc những vùng quá bất thuận về điều kiện thời tiết.
Trồng dưa lưới trong nhà màng ở Hậu Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Thêm nữa, việc đặt ra mục tiêu cho ứng dụng công nghệ cao cũng chưa chuẩn xác. Sản xuất ứng dụng công nghệ cao có 5 chức năng cơ bản là: i) Thương mại, ii) đào tạo/ươm tạo công nghệ, iii) Nghiên cứu phát triển công nghệ, iv) Trình diễn và chuyển giao công nghệ và v) vui chơi, giải trí/du lịch. Tuy nhiên, phần lớn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao thời gian qua có quy mô còn nhỏ, nhiều mô hình mới chỉ dừng ở “trình diễn công nghệ” mà chưa phải là “sản xuất thương mại”.
Kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Công nghệ cao năm 2008, qua 14 năm, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành 01 Nghị định, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 13 Quyết định và Thông tư của các Bộ, ngành, chưa kể các văn bản của địa phương. Tuy nhiên, rất tiếc là hầu hết các văn bản trên là quyết định cá biệt, còn văn bản quan trọng nhất là Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao lại không được ban hành (Nghị định đã có lại là Nghị định 99/2003/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế Khu Công nghệ cao). Do vậy, trong triển khai tại địa phương còn rất lúng túng
Theo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thì đến nay mới có 6/63 địa phương công nhận được 16 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Lâm Đồng có 5 vùng, Đắc Nông 4, Kiên Giang 3, An Giang 2, Bà Rịa-Vũng Tàu 1, Phú Yên 1 vùng. Trong đó có 6 vùng nuôi trồng thủy sản, 2 vùng trồng hoa, 2 vùng trồng rau, 2 vùng trồng hồ tiêu, 2 vùng trồng lúa, 1 vùng trồng cà phê và 1 vùng nuôi bò sữa). Cũng chỉ có 56 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là những con số rất thấp so với kỳ vọng của Chính phủ và các địa phương. Đặc biệt, còn thiếu thông tin liên quan đến diện tích các vùng sản xuất, quy mô doanh nghiệp đầu tư và nhất là hiệu quả kinh tế.
Trình diễn thiết bị bay phun thuốc BVTV ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Vậy đâu là nguyên nhân của việc chậm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả về quy mô và hiệu quả.
Trước hết, có lẽ chúng ta tiếp cận chưa hoàn toàn đúng với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết mọi người mặc nhiên coi công nghệ cao trong nông nghiệp là nhiệm vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp và luôn lấy nhà lưới, nhà màng thậm chí nhà kính, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel làm tiêu chuẩn cho công nghệ cao.
Vậy làm thế nào để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực sự đi vào cuộc sống, phát triển trên quy mô rộng lớn và đem lại hiệu quả thuyết phục cho tất cả mọi người tham gia vào chuỗi sản xuất.
Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải là sự nghiệp của toàn dân, vừa được sản xuất tại các khu vực được quy hoạch tập trung (khu nông nghiệp công nghệ cao), vừa ứng dụng một hoặc nhiều công nghệ tiên tiến tại các hộ nông dân, các trang trại, doanh nghiệp.
Thứ hai, các mô hình, dự án, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có mục tiêu “ứng dụng” và “thương mại”, thay vì chỉ dừng lại ở trình diễn công nghệ.
Thứ ba, tổ chức sản xuất phải có bước đi cụ thể, tránh phong trào, đi từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, phù hợp với năng lực đầu tư của doanh nghiệp, người dân, tiến tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên phạm vi của cả tỉnh, vùng sinh thái và toàn quốc (tại các nước phát triển không có khái niệm khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vì cả đất nước họ đã sản xuất ứng dụng công nghệ cao).
Thứ tư, sản phẩm lựa chọn phải có sự khác biệt (sản phẩm đặc thù, đặc sản), có lợi thế cạnh tranh cao, có quy mô sản xuất (hiện tại hoặc tiềm năng) lớn, có dư địa thị trường và có thể truy xuất nguồn gốc.
Thứ năm, phải có công nghệ phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế về điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu và các kịch bản biển đổi khí hậu để sản xuất sản phẩm có lợi thế đã lựa chọn. Ứng dụng hài hòa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống, kiến thức bản địa.
Thứ sáu, điều kiện có ý nghĩa quyết định chính là sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, trong đó doanh nghiệp thực hiện chức năng “kéo”, nhà nước “đẩy” (thông qua cơ chế chính sách) và người dân trực tiếp tham gia. Chỉ doanh nghiệp mới là người quyết định sản phẩm, công nghệ, vốn đầu tư và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tôi rất thích câu nói của nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong: “Chỉ có qua tay doanh nghiệp, sức mạnh của ngành khoa học công nghệ mới được bộc lộ và phát huy. Nhưng chỉ doanh nghiệp thì chưa đủ mà người lãnh đạo quốc gia cũng phải quan tâm đến điều này”.
Trong tổ chức triển khai Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất cần lấy địa bàn tỉnh, thành phố là trọng tâm, do vậy, các cơ chế chính sách cũng nên hưởng về địa phương thay vì chỉ dừng ở các Bộ, ngành. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ biết được lợi thế và hạn chế của mình để đưa ra chiến lược và kế hoạch phù hợp.
Mỗi địa phương cần quy hoạch và xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, trong đó, UBND tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp quyết định đầu tư vào lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên
Lồng ghép nguồn vốn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn vốn của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nguồn vốn của nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”.
Địa phương cần cụ thể hóa chính sách để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bởi theo Viện Chiến lược Chính sách Phát triển Nông nghiệp, nông thôn, có đến 70% doanh nghiệp nông nghiệp “kêu” khó tiếp cận tín dụng.
Tại Nhật Bản, xoài được trồng trong nhà kính. Ảnh: ST.
Tồn tại lớn nhất của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là không xác định được thị trường của “sản phẩm công nghệ cao”. Do vậy, để chương trình thực sự hiệu quả thì vấn đề phát triển thị trường rất quan trọng và đôi khi mang tính quyết định. Thị trường sẽ quyết định sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng nào cần đáp ứng để tổ chức sản xuất. Bài toán muôn thuở là phải “sản xuất sản phẩm mà thị trường cần chứ không phải thứ mà chúng ta có” dù biết đáp án nhưng cũng chưa được giải quyết thỏa đáng. Có thể nói, không có thị trường thì sản phẩm làm ra dù là ứng dụng công nghệ nào cũng trở nên vô dụng.
Về nguồn lực cho phát triển, hiện chúng ta đang chủ ý nhiều đến màng lưới khuyến nông với các chương trình chủ yếu về kỹ thuật. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, chúng ta lại cần đào tạo đội ngũ quản lý doanh nghiệp, chủ trang trại, giám đốc HTX với nội dung về quản trị sản xuất, nhân lực, phân tích và dự báo thị trường. Với nông dân, kỹ thuật viên nên đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm tại các trang trại công nghệ cao hoặc nếu đủ điều kiện cử đi học tại các nước và vùng lãnh thổ có trình độ phát triển nông nghiệp cao như Israel, Hà Lan, Đài Loan…
Tổ chức thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng. Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải hướng đến tích hợp đa giá trị trên cơ sở liên kết các đối tác theo chuỗi (sản xuất và giá trị). Hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao không chỉ dừng ở kinh tế mà còn phải đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm, ứng phó phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu.
Với cách tiếp cận như trên, phải chăng chúng ta nên chuyển từ “sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” thành “Chương trình sản xuất nông nghiệp thông minh”. Bởi vì trong sản xuất nông nghiệp, mục tiêu của ứng dụng công nghệ, thậm chỉ công nghệ cao chỉ để sản xuất ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt. Song sản xuất thông minh sẽ tiếp cận đa chiều hơn, tiếp cận sản xuất trước hết và trên hết dựa vào nhu cầu và dư địa thị trường của sản phẩm, trên cơ sở đó mới tổ chức sản xuất, tìm kiếm công nghệ. Chương trình canh tác lúa thông minh mà công ty CP phân bón Bình Điền đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiến hành tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cứu Long là theo hướng này và chứng minh trong thực tiễn sản xuất rất hiệu quả.
Chúng ta hy vọng rằng với việc sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần thực hiện thành công “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để chúng ta có nền “Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh”
Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam