Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu

Z7_21E4H4S0PG5E90Q67GUNCP30A6

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu

24/01/2020

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà ở trên thế giới. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ đem lại những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường mà còn đem lại thu nhập tốt cho người nông dân. Và Agribank là ngân hàng đi đầu trong hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Đi lên từ đồng vốn ngân hàng

Việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi người nông dân không ngừng học hỏi những kiến thức quan trọng trong việc chăm sóc cây trồng đồng thời phải có đủ vốn để đầu tư công nghệ, cây giống… Chị Thoa – hẻm Nguyễn Đình Quân, Phường 5, thành phố Đà Lạt đang là chủ của 1,4 mẫu trồng hoa cây cảnh các loại cho hay: “Khi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì điều tôi lo lắng nhất đó là kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cây, đầu ra cho sản phẩm và đặc biệt là vốn phải lớn để đầu tư đủ cho vườn cây”. Vườn cây của chị trồng gần chục loại hoa cảnh: đồng tiền, trạng nguyên, sống đời, tùng thơm… và được trồng theo công nghệ của Isarel.

Chị Thoa chăm chút từng giỏ hoa trong vườn nhà

Áp dụng công nghệ của isarel trong sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam, bởi nó mang lại những hiệu quả sản xuất rõ rệt. Người nông dân chỉ cần mở chế độ tưới nước tự động là khoảng 10 phút sau toàn bộ cây trồng đã được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng. Người nông dân không phải mất quá nhiều công sức để tưới cho từng gốc cây như trước và cây trồng cũng giảm thiểu sâu bệnh.

Chị khẳng định: “Để đầu tư cho vườn hoa được như hôm nay thì vốn là vô cùng quan trọng, phải có vốn để đầu tư công nghệ chăm sóc, đầu tư giống cây, chậu, quy hoạch lại vườn hoa… Khi được vay vốn ngân hàng Agribank với lãi suất thấp đã giúp cho người dân như chúng tôi thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, dễ thở, dễ sống hơn, không phải lo lắng nhiều”. Mỗi năm, sau khi trừ các loại chi phí, chị còn thu được 3 tỷ đồng lãi. Chị là khách hàng trung thành của Agribank nhiều năm nay, ngay từ những khi khởi nghiệp. Lúc đầu chị vay ngân hàng vài chục triệu, sau đó đến năm 2014 khi chuyển sang trồng cây hàng loạt bằng chậu thì chị vay khoảng 400 – 600 triệu đồng, và khi đầu tư công nghệ của Isarel thì chị vay nhiều hơn, hiện nay chị vay ngân hàng Agribank 2,7 tỷ với lãi suất ưu đãi dành cho lĩnh vực nông nghiệp.

Vườn cây cảnh của chị Thoa mỗi năm đem lại cho gia đình thu nhập lãi ròng trên 3 tỷ đồng

Cũng đi lên từ nguồn vốn vay ngân hàng Agribank, ông Cao Xuân Sơn ngụ tại thị trấn Di Linh huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng đang theo mô hình trồng lan xuất khẩu sang Nhật. Trước đây, ông đã trồng cà phê vì khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với việc phát triển cây cà phê. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cà phê không được ổn định và có xu hướng đi xuống, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng hoa lan xuất khẩu. Ông trồng hoa vũ nữ và cho thu nhập thường xuyên, cứ 10 ngày thì hoa được thu hoạch và chuyển về công ty, thu nhập của gia đình cũng ổn định.

Ông Sơn hàng ngày vẫn kiểm tra từng gốc lan trong vườn

Để được hỗ trợ về kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm, ông đã ký hợp đồng lâu dài với công ty Hoa mặt trời. Ông cho rằng: “Người nông dân nếu không kết hợp với công ty sẽ khó khăn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Lan vũ nữ chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản. Nắm vững kỹ thuật là khâu rất quan trọng vì giống lan nhạy cảm với thời tiết, dễ bị bệnh. Ngoài vấn đề kỹ thuật, đất đai, con người thì đầu tư trên một đơn vị diện tích đòi hỏi nhiều vốn. Vốn để trang bị máy móc, phương tiện kỹ thuật. Do ngân hàng nông nghiệp có chính sách phù hợp với nhà nông, có nhiều ưu đãi nên chúng tôi chủ yếu giao dịch với ngân hàng Nông nghiệp, gắn bó với ngân hàng Nông nghiệp là nhiều nhất. Năm ngoái chúng tôi được hưởng lãi suất 6%/năm, rẻ nhất so với các ngân hàng khác, chúng tôi rất phấn khởi. Khi làm ra sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm hoa vũ nữ này chúng tôi có thu nhập thường xuyên theo tuần, mà lãi suất ngân hàng đóng theo tháng, nên vấn đề trả lãi ngân hàng chúng tôi không ngại, và chúng tôi luôn giữ được uy tín với ngân hàng”.

Hiện nay, ông Sơn có khoảng gần 1ha trồng hoa lan, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động đồng bào, họ được đào tạo thành người lao động chuyên nghiệp, làm tốt công việc chăm sóc và thu hoạch cây. Ông Sơn hay chị Thoa ở Lâm Đồng đều là những khách hàng thân thiết gắn bó với Agribank, đi lên từ nguồn vốn Agribank. Agribank đã hỗ trợ tích cực cho người nông dân trên con đường sản xuất nông nghiệp, vươn lên thành những nông dân tỷ phú thời hiện đại.

Từ vườn lan của ông Sơn mà nhiều người nông dân có công ăn việc làm ổn định

Agribank Lâm Đồng trợ lực cho nền nông nghiệp tỉnh nhà

Lâm Đồng là một trong những nơi sớm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước. Tỉnh ủy Lâm Đồng có định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2003 và bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2004. Nông nghiệp công nghệ cao là chương trình kinh tế trọng tâm tạo ra bước đột phá mới trong phát triển cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức thu nhập cho người dân. Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng.

Ngay từ đầu năm 2004 Agribank Lâm Đồng đã đề ra kế hoạch đầu tư vốn tín dụng cho chương trình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Tính đến nay, chi nhánh đã giải ngân với doanh số lên đến trên 10.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Đến 31/10/2019, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chi nhánh Lâm Đồng (gồm Lâm Đồng và Lâm Đồng II) đạt khoảng trên 2.653 tỷ đồng với hơn 6.500 khách hàng còn dư nợ, trong đó có 88 doanh nghiệp. Đáng chú ý là dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN giảm lãi suất so với lãi suất cho vay thông thường từ 0.5 – 1.5% là  trên 300 tỷ đồng. Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này.

Agribank Lâm Đồng luôn là điểm tựa cho người dân nơi đây phát triển sản xuất

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng,  Agribank Lâm Đồng là một trong những chi nhánh ngân hàng thương mại vững mạnh, nắm giữ hơn 18,2% thị phần huy động vốn và 15% thị phần đầu tư tín dụng trong tổng số 52 chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng trong toàn tỉnh, nhiều năm liền dẫn đầu khối thi đua ngành ngân hàng tỉnh Lâm Đồng, được Nhà nước, Chính phủ và các cấp các ngành ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý.

Agribank Lâm Đồng có mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp xuống tận huyện, xã tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận dễ dàng và an toàn nguồn vốn vay và các dịch vụ ngân hàng. Đội ngũ cán bộ nhân viên đông đảo, đặc biệt là cán bộ tín dụng bố trí đến tận địa bàn thôn, xã nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Cán bộ tín dụng gắn bó và am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán sản xuất truyền thống văn hóa của địa phương, tư vấn cho khách hàng đầu tư vốn vào những lĩnh vực có hiệu quả. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng được đầu tư chủ yếu là nuôi trồng rau, hoa, tái canh cà phê, phát triển chăn nuôi bò sữa… Những sản phẩm trên đã đem lại những thay đổi tích cực và cơ bản trong cuộc sống của người dân.

Trên quy mô cả nước, bắt đầu từ tháng 11/2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”. Kết quả, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch năm 2017 đạt 5.705 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 11.565 tỷ đồng với 3.877 khách hàng tại 24 chi nhánh. Đến 30/6/2018, dư nợ đạt 5.180 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 16.505 tỷ đồng tại 30 chi nhánh trên toàn quốc. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ lĩnh vực này tiếp tục ổn định và đạt 5.221 tỷ đồng, doanh số cho vay chương trình này đạt trên 20.000 tỷ đồng.

 

Thanh Bình

Các tin khác

  • Agribank và những giải pháp góp phần nâng tầm nông thủy sản Việt
  • Cải thiện cuộc sống nhờ vốn Agribank
  • Ở đâu có Tam nông – ở đó có Agribank
  • Agribank điểm tựa vững chắc cho nền nông nghiệp
  • Agribank góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thủy sản Việt
  • Những kỷ lục khó vượt qua của Agribank sau 35 năm
  • Định vị thương hiệu trong lòng Dân
  • Tháng Ba trên đỉnh Chư Tan Kra
  • Mô hình nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nổi tại Bạc Liêu
  • Chính sách đầu tư của Agribank trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao