Phát triển kinh tế biển bền vững – Bài 1: Động lực phát triển của địa phương

Chú thích ảnhNhững tấm lưới màu xanh hòa quyện cùng màu xanh trong của nước biển. Ảnh: TTXVN phát

Bài 1: Động lực phát triển của địa phương

Phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Những chuyển biến tích cực

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế phát triển chung toàn cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững. Công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ngành kinh tế biển từng bước trở thành động lực cho phát triển kinh tế – xã hội: Du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển đạt hơn 85 triệu tấn. Sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (dầu thô đạt 10,97 triệu tấn). Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn; nuôi trồng đạt hơn 4.805 nghìn tấn…

Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập. Đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người. Quy hoạch không gian biển quốc gia được định hướng phân vùng, sử dụng không gian biển bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, lợi ích giữa các bên liên quan, các thế hệ hôm nay và mai sau; từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, bao gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc; Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển đã được tăng cường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích hơn 206 nghìn ha, trong đó có 185 nghìn ha biển.

Các địa phương đã quan tâm, chú ý nhiều hơn tới việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của biển và kinh tế biển; từng bước hình thành các cộng đồng văn minh, văn hóa sinh thái biển ở nhiều địa phương.

Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển đã được tăng cường. Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển.

Nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành có biển, ven biển với hệ sinh thái vùng ngập mặn phong phú và đa dạng. Vùng biển Kiên Giang rộng lớn với diện tích trên 63 ngàn km2, bờ biển dài khoảng 200km, với hơn 140 đảo nổi lớn, nhỏ, tạo thành 5 quần đảo, trong đó đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Chương trình hành động, quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng lên nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế biển, từ đó tạo được sự quyết tâm trong hành động.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng ven biển và hải đảo được quan tâm đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2016-2020, Kiên Giang huy động 140.000 tỷ đồng vốn đầu tư vùng biển, đảo, chiếm 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhiều dự án, công trình lớn đã được triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Cái Lớn – Cái Bé; lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải… Đặc biệt là Thành phố Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam được quan tâm đầu tư với nhiều dự án, công trình quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng An Thới, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước…

Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ du khách trong nước và quốc tế; góp phần để du lịch biển Kiên Giang những năm gần đây có bước phát triển khá mạnh với tổng lượng khách du lịch từ năm 2015 đến 2020 đạt 40,8 triệu lượt với tổng doanh thu trên 70.000 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã hoàn thành nhiều công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản; các công trình gia cố đê biển; đầu tư phát triển hệ thống điện, nước, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng ven biển, hải đảo đến nay đạt 99,1%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81%. Tỉnh xây dựng 08 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biển đổi khí hậu, như nâng cấp đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ…

Tiềm năng to lớn