Phát triển kinh tế (Economic development) là gì? Mối liên hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế

Tăng trưởng kinh tế phản ánh sự thay đổi thuần túy về mặt lượng của nền kinh tế. Trong khi đó, phát triển kinh tế (tiếng Anh: Economic development) không chỉ phản ánh sự thay đổi về lượng mà phản ánh cả sự thay đổi về chất của nền kinh tế.

ECONOMIC-DEVELOPMENT

Hình ảnh minh họa (Nguồn: https://www.myespanolanow.com)

Phát triển kinh tế (Economic development)

Khái niệm

Phát triển kinh tế (Economic development) là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về mọi mặt của nền kinh tế, bao gồm sự thay đổi  cả về lượng và về chất, là quá trình hoàn thiện cả về kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia.

Nội dung

Phát triển kinh tế bao gồm những nội dung cơ bản sau:

– Tăng trưởng kinh tế thể hiện sự gia tăng tổng thu nhập của nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người trong dài hạn.

– Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, hợp lí. Đối với các nước đang phát triển, đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đó không chỉ là quá trình thay đổi trong cơ cấu kinh tế theo ngành, theo hướng tiến bộ, mà còn bao hàm việc mở rộng chủng loại và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, gia tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo cơ sở cho việc đạt được tiến bộ xã hội một cách sâu rộng.

– Các vấn đề xã hội được giải quyết theo hướng tốt hơn: Thay đổi cơ cấu xã hội theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng cuộc dống của người dân, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội.

Phát triển kinh tế đòi hỏi phải có cơ cấu kinh tế hợp lí, sử dụng tối ưu các nguồn lực, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nền kinh tế tri thức, không nhừng nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp, của ngành và toàn bộ nền kinh tế nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế lâu dài, ổn định.

Mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế

Tăng trưởng kinh tế (Economic growth) là sự gia tăng về lượng kết quả đầu ra hoạt động của nền kinh tế trong một thời kì nhất định (thường là năm) so với kì gốc.

Phát triển kinh tế (Economic development) là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về mọi mặt của nền kinh tế, bao gồm sự thay đổi  cả về lượng và về chất, là quá trình hoàn thiện cả về kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia.

Tăng trưởng và phát triển kinh tế là hai khái niệm khác nhau, rõ ràng nhất ở chỗ, tăng trưởng kinh tế phản ánh sự thay đổi thuần túy về mặt lượng của nền kinh tế. Trong khi đó, phát triển kinh tế không chỉ phản ánh sự thay đổi về lượng mà phản ánh cả sự thay đổi về chất của nền kinh tế; phản ánh không chỉ sự tiến bộ về mặt kinh tế, mà còn phản ánh cả sự thay đổi về xã hội của quá trình phát triển của mỗi quốc gia.

Song cũng vì thế chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau:

Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần để phát triển kinh tế. Sự tích lũy về lượng của nền kinh tế là điều kiện để tạo ra sự nhảy vọt về chất của nền kinh tế và cũng là điều kiện cơ bản giúp cho cải thiện cuộc sống của con người.

Tăng trưởng kinh tế cao và dài hạn là cơ sở để nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, mở ra cơ hội cho việc thu hút các nguồn lực vào hoạt động kinh tế, nhờ đó tạo điều kiện cho mọi người tham gia hoạt động kinh tế, tạo thu nhập và cải thiện đời sống.

Tăng trưởng kinh tế cũng tạo điều kiện để tăng thu ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, Nhà nước có thể tăng đầu tư công và chi tiêu công, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa có điều kiện để thực hiện xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội.

Ngược lại, phát triển kinh tế tạo cơ sở kinh tế xã hội vững chắc để đạt được những thành tựu tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Vì tăng trưởng kinh tế có thể được thực hiện bởi những phương thức khác nhau và dẫn đến những kết quả khác nhau. 

Nếu phương thức tăng trưởng kinh tế không gắn với sự thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, không làm gia tăng mà thậm chí xói mòn năng lực nội sinh của nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế như vậy không tạo ra phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải đem lại sự đồng đều lợi ích cho tất cả các nhóm dân cư, nhóm vùng, tối thiểu hóa bất bình đẳng xã hội thì phát triển kinh tế mới đem lại hiệu quả.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế phát triển, Đồng chủ biên: TS. Đinh Văn Hải, TS. Lương Thu Thủy, năm 2014, NXB. Tài Chính)