Phát triển kĩ năng sống cho học sinh trung học cơ sở qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Phát triển kĩ năng sống cho học sinh trung học cơ sở qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo

1. Khái niệm kĩ năng sống (KNS), trải nghiệm sáng tạo (TNST)

1.1. Kĩ năng và kĩ năng sống:

Kĩ năng: là khả năng vận dụng những kiến thức đã thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó áp dụng vào thực tế [1; tr.644].

Vốn sống: là tổng thể nói chung những tri thức, kinh nghiệm tích lũy được về cuộc sống của một người [1; tr.1389].

Từ hai khái niệm trên, có thể hiểu kĩ năng sống (KNS) là năng lực tâm lí xã hội, là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống. Đó cũng là khả năng của một cá nhân để duy trì trạng thái khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, biểu hiện qua các hành vi phù hợp và tích cực khi tương tác với người khác, với nền văn hóa và môi trường xung quanh; là khả năng phân tích tình huống và ứng xử các tình huống một cách hợp lí. Trong đó, KNS giúp chuyển dịch kiến thức “đã biết” với quá trình tư duy thành hành động thực tế để biết “làm gì và làm cách nào” là tích cực và hiệu quả nhất; là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Đó là khả năng làm cho hành vi và sự thay đổi của bản thân phù hợp với cách ứng xử tích cực, giúp kiểm soát, quản lí có hiệu quả các nhu cầu và những thách thức trong cuộc sống hàng ngày.

1.2. Trải nghiệm sáng tạo.Là hoạt động giáo dục, trong đó từng cá nhân học sinh (HS) được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong môi trường nhà trường, cũng như môi trường gia đình và xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, phẩm chất, nhân cách, các năng lực… từ đó tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình [2; tr.10].

Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục như: giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giá trị sống, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường… điều này giúp cho các nội dung giáo dục thiết thực hơn, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống, giúp các em vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

2.Giáo dục kĩ năng sống qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trung học cơ sở

2.1. Đặc điểm tâm sinh lí của học sinh THCS

Học sinh THCS bắt đầu xuất hiện sự quan tâm đến bản thân, đến những phẩm chất nhân cách của mình, các em có biểu hiện nhu cầu tự đánh giá, so sánh mình với người khác. Điểm nổi bật ở lứa tuổi này là dễ xúc động, dễ bị kích động, vui buồn thường hay đan xen, tình cảm còn mang tính bồng bột. Đặc điểm này là do ảnh hưởng của sự phát dục và sự thay đổi về tâm sinh lí, nhiều khi do hoạt động hệ thần kinh không cân bằng, quá trình hưng phấn thường mạnh hơn quá trình ức chế, khiến các em không tự kiềm chế được bản thân. Khi tham gia các hoạt động vui chơi, học tập, lao động các em đều thể hiện tình cảm rõ rệt và mạnh mẽ.

Về học tập, động cơ học tập của học sinh THCS rất phong phú đa dạng, nhưng chưa bền vững, nhiều khi còn thể hiện sự mâu thuẫn.Nhìn chung, các em đều ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của học tập, nhưng thái độ và sự biểu hiện rất khác nhau. Trong quá trình học tập, các em có khả năng phân tích, tổng hợp phức tạp hơn khi tri giác các sự vật, hiện tượng. Khối lượng tri giác tăng lên, tri giác trở nên có kế hoạch, có trình tự và hoàn thiện hơn.Ở lứa tuổi này trí nhớ thay đổi về chất, mang tính chất của những quá trình được điều khiển, điều chỉnh và có tổ chức. Các em có nhiều tiến bộ trong việc ghi nhớ tài liệu trừu tượng, từ ngữ, bắt đầu biết sử dụng những phương pháp đặc biệt để ghi nhớ và nhớ lại.

Ở lứa tuổi này,  giao tiếp là một hoạt động đặc biệt giúp các em rèn kĩ năng sống cho bản thân. Đối tượng giao tiếp hàng ngày thường là thầy, cô, bạn bè và những người thân trong gia đình. Qua hoạt động giao tiếp giúp các em nhận thức được người khác và bản thân mình, từng bước phát triển các kĩ năng cần thiết như: so sánh, phân tích, khái quát hành vi của mình và của người khác, trên cơ sở đó từng bước tự điều chỉnh hành vi, hoạt động để hoàn thiện nhân cách bản thân.

2.2. Giáo dục kĩ năng sống qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Hoạt động TNST là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc rèn luyện KNS cho HS. Hoạt động này tạo điều kiện cho HS tiếp xúc và mở rộng ứng dụng thực tế, trải nghiệm được nhiều vấn đề trong thực tiễn cuộc sống xã hội, đồng thời gây hứng thú trong học tập và có vai trò to lớn trong việc phát triển năng lực cá nhân cho các em.

Trong Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, mục tiêu giáo dục chuyển hướng từ coi trọng trang bị kiến thức sang tăng cường trang bị những năng lực và phẩm chất cần thiết cho người học. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng trong việc giáo dục KNS cho HS thông qua việc tích hợp, lồng ghép trong các môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong đó có giáo dục TNST. Các hoạt động TNST có thể thực hiện dưới các hình thức rất phong phú và đa dạng, hấp dẫn đối với HS, giúp các em hình thành, phát triển năng lực như: năng lực tự phục vụ thông qua các hoạt động tham quan dã ngoại, tổ chức sinh nhật, tự học ở lớp và ở thư viện…Năng lực giao tiếp thông qua các hoạt động hội thi, mít tinh, các trò chơi, tổ chức sinh nhật, tổ chức các trò chơi dân gian, năng lực tự học, từ các hoạt động, các cuộc thi vui mà học, tham gia trồng và chăm sóc cây xanh..… Các sự kiện sinh hoạt tập thể như: mít tinh, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước, nhà máy, xí nghiệp, một số đơn vị quân đội,… giúp các em có sự trải nghiệm một cách toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội.

2.3. Nhóm các KNS cần giáo dục cho HS thông qua các hoạt động TNST

-Nhóm kĩ năng học tập, làm việc, vui chơi giải trí,gồm: các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, quan sát, đưa ra ý kiến chia sẻ trong nhóm;kĩ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung; kĩ năng làm việc theo nhóm;các kĩ năng tư duy logic, sáng tạo, suy nghĩ nhiều chiều, tư duy xuyên môn.

-Nhóm kĩ năng giao tiếp, hòa nhập, ứng phó với các tình huống trong cuộc sống, gồm: kĩ năng biết chào hỏi lễ phép ở trường, ở nhà, ở nơi công cộng; kĩ năng kiểm soát tình cảm, kìm chế thói hư tật xấu, sở thích cá nhân;kĩ năng biết phân biệt đúng – sai, phòng tránh tai nạn; kĩ năng trình bày ý kiến, diễn đạt, thuyết trình trước đám đông; kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu như động đất, sóng thần, bão lũ, cháy nổ; kĩ năng ứng phó với tai nạn đuối nước; kĩ năng hiểu biết về giới tính, chống lại sự cám dỗ từ tệ nạn xã hội, chống xâm phạm tình dục; kĩ năng ứng phó với một tình huống bạo lực trong  trường học.

3.Một số giải pháp giáo dục kĩ năng sống qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo

3.1. Với nhóm kĩ năng học tập, làm việc, vui chơi giải trí

Để giúp HS rèn luyện các kĩ năng này, nên tổ chức cho các em tham gia các hoạt động như:Em tập làm phóng viên báo chí; Em tập tường thuật bóng đá; Thuyết trình một vấn đề thời sự xã hội mà em quan tâm; Kể truyện theo sách ở thư viện trường…để hình thành các kĩ năng nghe, đọc, nói, viết, quan sát, đưa ra ý kiến chia sẻ trong nhóm; Tham gia các hoạt động sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm lớp; Câu lạc bộ nói tiếng Anh (Pháp, Nga, Nhật, Trung…); Tham gia các diễn đàn HS, thuyết trình sách, sân khấu học đường, hướng nghiệp, sinh hoạt Đội, sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt hè, tuyên truyền cổ động để hình thành kĩ năng trình bày ý kiến, diễn đạt, thuyết trình trước đám đông; tham quan, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, sân khấu học đường, vẽ tranh cổ động, ngày chủ nhật xanh, mùa hè xanh tình nguyện để hình thành kĩ năng làm việc theo nhóm.

Với nhóm kỹ năng này nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: Đố vui để học, trình bày suy nghĩ của em về một hiện tượng xã hội mà em quan tâm, thực hành thí nghiệm, em yêu khoa học, hành trình khám phá, lao động, hướng nghiệp để hình thành các kĩ năng tư duy logic, sáng tạo, suy nghĩ nhiều chiều, tư duy xuyên môn.

3.2. Với nhóm kĩ năng giao tiếp, hòa nhập, ứng phó với các tình huống trong cuộc sống

Với nhóm kỹ năng này nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm như:

– Sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm lớp, tham quan, thăm hỏi gia đình chính sách, mừng sinh nhật thầy cô, biết nói lời xin lỗi, biết nói lời cám ơn để hình thành kĩ năng biết chào hỏi lễ phép ở trường, ở nhà, ở nơi công cộng;

-Sử dụng mạng xã hội, tư vấn học đường, hộp thư trường em, tham quan phiên tòa xét xử lưu động, chơi TDTT, tham gia văn nghệ trường học để hình thành kĩ năng kiểm soát tình cảm, kìm chế thói hư tật xấu, sở thích cá nhân;

-Tư vấn học đường; học bơi; học luật giao thông; đọc báo; xem truyền hình; tập thể dục;lắng nghe và trao đổi với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, các chuyên gia; hộp thư truyền hình để hình thành kĩ năng; biết phân biệt đúng – sai, phòng tránh tai nạn;

-Tham gia các lớp tập huấn kĩ năng ứng phó khi có động đất (chạy ra khu đất trống), sóng thần (chạy lên khu đất cao, nhà cao tầng), bão lũ (học bơi), cháy nổ (báo động, tìm lối thoát, dùng khăn ướt lau mặt khi đang tìm lối thoát cháy nhà để tránh khói độc);

 -Phân biệt luồng nước nguy hiểm của ao, hồ, sông, biển; mặc áo phao khi đi trên tàu, ghe, phà; học bơi; cách cứu bạn bị đuối nước để hình thành các kĩ năng ứng phó với tai nạn đuối nước;

 -Nghe tư vấn của chuyên gia; nghiên cứu sách, báo, tài liệu liên quan; dự các phiên tòa xét xử có nội dung liên quan; diễn đàn HS để hình thành các kĩ năng, những kiến thức về giới tính, chống lại sự cám dỗ từ tệ nạn xã hội, chống lại các hành vi xâm phạm tình dục;

-Trao đổi, thảo luận nhóm về vấn đề bạo lực học đường; biết sử dụng mạng xã hội sao cho phù hợp với lứa tuổi để phát huy được những điểm tích cực và hạn chế những tiêu cực (để kết bạn, giao lưu mở rộng tầm hiểu biết mối quan hệ, nhìn nhận đánh giá các vấn đề của xã hội để phát triển tri thức và hoàn thiện nhân cách).

3.3. Thiết kế và tổ chức triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo để giáo dục kỹ năng sống

Việc thiết kế các hoạt động TNST cụ thể được tiến hành theo các bước sau (ví dụ như kỹ năng giao tiếp tiếng Anh) cho học sinh THCS:

Bước 1:Xác định nhu cầu tổ chức hoạt động TNST. Công việc này bao gồm một số việc như: căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu và chương trình giáo dục, giáo viên cần tiến hành khảo sát nhu cầu, điều kiện tiến hành; xác định rõ đối tượng thực hiện; việc hiểu rõ đặc điểm học sinh tham gia giúp giáo viên thiết kế hoạt động phù hợp đặc điểm lứa tuổi THCS. Nhu cầu giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh là cần thiết với học sinh THCS.

Bước 2:Đặt tên cho hoạt động TNST. Đặt tên cho hoạt động là một việc làm cần thiết vì tên của hoạt động tự nó đã nói lên được chủ đề, mục tiêu, nội dung, hình thức của hoạt động. Tên hoạt động cũng tạo ra được sự hấp dẫn, lôi cuốn, tạo ra được trạng thái tâm lý đầy hứng khởi và tích cực của học sinh. Vì vậy cần có sự tìm tòi, suy nghĩ để đặt tên cho hoạt động sao cho phù hợp và hấp dẫn. Việc đặt tên cho hoạt động đảm bảo các yêu cầu: rõ ràng, chính xác, ngắn gọn; phản ánh được chủ đề và nội dung của hoạt động; tạo được ấn tượng ban đầu cho học sinh. Ví dụ như: “Câu lạc bộ giao tiếp tiếng Anh”.

Bước 3:Xác định mục tiêu của hoạt động TNST. Mục tiêu của hoạt động là dự kiến trước kết quả của hoạt động. Các mục tiêu hoạt động cần được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp; phản ánh được các mức độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ và định hướng giá trị. Khi xác định mục tiêu phải trả lời các câu hỏi sau: hoạt động này có thể hình thành cho học sinh những kiến thức ở mức độ nào? Những kỹ năng nào có thể được hình thành ở học sinh và các mức độ đạt được sau khi tham gia hoạt động? những thái độ, giá trị nào có thể được hình thành hoặc thay đổi ở học sinh sau hoạt động? Ví dụ như: “Giao tiếp tiếng Anh phổ thông cho HS ở trường THCS”.

Bước 4:Xác định nội dung và phương pháp, phương tiện, hình thức của hoạt động. Căn cứ vào từng chủ đề, các mục tiêu đã xác định, các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của lớp, của nhà trường và khả năng của học sinh để xác định các nội dung phù hợp cho hoạt động. Liệt kê đầy đủ các nội dung hoạt động phải thực hiện. Từ nội dung, xác định cụ thể phương pháp tiến hành, xác định những phương tiện cần có để tiến hành hoạt động. Từ đó lựa chọn hình thức hoạt động tương ứng. Có thể một hoạt động nhưng có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện đan xen hoặc trong đó có một hình thức nào đó là chủ đạo, còn hình thức khác là phụ trợ. Ví dụ như: Giao tiếp tiếng Anh với nội dung về Tình bạn (bạn học trong lớp, bạn láng giềng, bạn đội viên,…); phương pháp nghe – nói trực tiếp giữa các học sinh với nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên; phương tiện cần có là phòng học, hội trường, các trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, …; hình thức chủ đạo là Câu lạc bộ tiếng Anh giao tiếp (hoạt động ngoại khóa).

Bước 5:Lập kế hoạch. Lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu, tức là tìm các nguồn lực và thời gian, không gian, … cần cho việc hoàn thành các mục tiêu. Tính cân đối của kế hoạch đòi hỏi giáo viên phải tìm ra đủ các nguồn lực và điều kiện để thực hiện mỗi mục tiêu. Ví dụ như: Người tham gia là học sinh; không gian trong trường hoặc ngoài trường; thời gian là ngoài giờ lên lớp chính khóa; nguồn lực cần có là nhân lực (giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, mạnh thường quân, nhà tài trợ,…), vật lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị, …), tài lực (kinh phí, tài chính cho hoạt động).

Bước 6:Thiết kế chi tiết hoạt động TNST. Bước này cần xác định: Bao nhiêu việc phải thực hiện? Các việc đó là gì? Nội dung của mỗi việc đó ra sao? Tiến trình và thời gian thực hiện các việc đó như thế nào? Các công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, cá nhân? Yêu cầu cần đạt của mỗi việc? Ví dụ như: Chủ nhiệm CLB, thành viên CLB, số lần sinh hoạt CLB trong một năm học, những nội dung chính, những chủ đề chính, thời gian tiến hành, không gian tổ chức, phương tiện hỗ trợ, mục tiêu cần đạt trong năm học, mức độ đạt được về kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của từng thành viên qua mỗi lần hoạt động (nghe, nói, diễn đạt, từ vựng, vốn sống, tình cảm, thái độ, sự hiểu biết, …)

Bước 7:Kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động. Rà soát, kiểm tra lại nội dung và trình tự của các việc, thời gian thực hiện cho từng việc, xem xét tính hợp lý, khả năng thực hiện và kết quả cần đạt được. Khi phát hiện những sai sót, bất hợp lý ở khâu nào, bước nào, nội dung nào hoặc việc nào thì kịp thời điều chỉnh. Hoàn thiện bản thiết kế chương trình hoạt động và cụ thể hóa chương trình đó bằng văn bản. Đó là giáo án tổ chức hoạt động sinh hoạt CLB giao tiếp tiếng Anh cho học sinh THCS.

Bước 8:Lưu trữ kết quả hoạt động vào hồ sơ của học sinh. Thông qua lưu trữ hồ sơ để biết và nắm chắc năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh của các em HS. Từ đó, giáo viên có phương pháp giáo dục phù hợp với từng HS, giúp các em hình thành kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thông qua hoạt động TNST là sinh hoạt CLB tiếng Anh của nhà trường. 

Tóm lại, Hoạt động TNST có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển KNS cũng như nhân cách cho HS. Điều này đòi hỏi nội dung, các hình thức và phương pháp tổ chức của hoạt động TNST phải  được thiết kế theo hướng tích hợp nhiều lĩnh vực, môn học thành các chủ điểm mang tính chất mở. Hình thức và phương pháp tổ chức đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng,… để HS có nhiều cơ hội trải nghiệm, từng bước tự hoàn thiện nhân cách.