Phát triển du lịch miền núi: Mở ra kho báu đại ngàn

Phát triển du lịch miền núi: Mở ra kho báu đại ngàn

Lượt xem:
2821

Sở hữu “kho báu” tài nguyên đa dạng và đặc sắc của đại ngàn hùng vĩ nhưng hoạt động du lịch của khu vực miền núi phía tây vẫn rất nhạt nhòa. Đã có một vài tín hiệu khởi sắc, liệu rằng các huyện miền núi có nắm bắt được cơ hội để “hái ra tiền” từ ngành “công nghiệp không khói” này?



NHIỀU RÀO CẢN

Định hướng lan tỏa du lịch về các huyện miền núi phía tây của tỉnh đã manh nha hơn một thập kỷ qua nhưng đến nay hầu như vẫn “giẫm chân tại chỗ” vì nhiều rào cản chủ quan lẫn khách quan.  

Năm 2018, ngành du lịch Quảng Nam đón hơn 6,5 triệu lượt khách, tập trung chủ yếu ở đồng bằng còn miền núi vẫn hiu hắt. Đơn cử như huyện Tây Giang chỉ đón khoảng 10 nghìn lượt khách chủ yếu là khách quốc tế đi phượt tự do. Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận: “Ngành du lịch của tỉnh thực tế vẫn chủ yếu dựa vào hai di sản Hội An, Mỹ Sơn trong khi miền núi phía tây sở hữu một kho tàng tài nguyên có thể khai thác thì hoạt động du lịch vẫn quá khiêm tốn”.

Khó khăn lớn nhất trong việc thúc đẩy du lịch ở miền núi lâu nay vẫn nằm ở vấn đề hạ tầng. Điều này khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều và là nỗi trăn trở thường trực của các địa phương. Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My bộc bạch: “Xúc tiến mời gọi doanh nghiệp thì làm nhiều rồi, đại diện doanh nghiệp nào lên cũng khen phong cảnh đẹp, tiềm năng nhiều, lặn lội khảo sát suốt cả ngày xong đến hôm sau địa phương liên lạc thì không thấy phản hồi bởi đường sá nhiêu khê quá nên doanh nghiệp bỏ ngỏ khả năng đầu tư”.

Với khoảng cách từ trung tâm huyện lỵ đến điểm du lịch, từ điểm du lịch này đến điểm du lịch kia rất xa, việc kết nối, tạo sản phẩm thực sự độc đáo để du khách hào hứng với những chuyến khám phá đại ngàn vẫn chưa được như mong đợi. Ông Nguyễn Thế Phước cho biết: “Khoảng cách từ trung tâm huyện đi vườn sâm Tắk Ngo rất xa, đi lên một ngày về phải mất thêm một ngày nghỉ mà chưa có điểm du lịch khác để kết nối thì không nhiều du khách mặn mà”. Một vấn đề nữa là phiên chợ sâm Ngọc Linh chỉ diễn ra 3 ngày trong tháng, những ngày còn lại Nam Trà My vẫn chưa có gì đặc sắc để thu hút du khách. Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Sơn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My cho rằng: “Sản phẩm lưu niệm cho khách tham quan ở khu vực miền núi còn rất sơ sài. Chợ phiên ở Bắc Trà My vừa qua có hình thành được một thời gian nhưng rất khó duy trì bởi hàng hóa không có sức hút trong khi đồng bào ở Trà Ka, Trà Giáp vượt đường xa mang hàng đến nhưng không tiêu thụ được thì rất dễ nản lòng”. 

Nhiều điểm du lịch tại các huyện vùng núi cao Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang không thể đón xe khách 45 chỗ – điều này thành rào cản không nhỏ để phát triển tour tuyến du lịch. Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: “Về việc nâng cấp tuyến quốc lộ 40B, đoạn từ cao tốc lên tới Tiên Kỳ (Tiên Phước) sẽ làm bằng ngân sách của tỉnh; đoạn từ Tiên Kỳ đi Bắc Trà My sẽ thực hiện bằng vốn vay ODA Hàn Quốc còn từ Bắc Trà My đi Nam Trà My hiện vẫn chưa có nguồn lực”. Bà Nobuko Otsuki – Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế (FIDR) tại Việt Nam chia sẻ: “Những người bạn, đối tác lữ hành của tôi thường xuyên thắc mắc về việc còn tour tuyến nào ở miền núi Quảng Nam ngoài việc khám phá làng du lịch cộng đồng Cơ Tu ở Nam Giang hay không, nhưng tôi cũng không nắm rõ được thông tin nên không thể cung cấp cho họ”.

CẦN LINH ĐỘNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Xác định vùng núi phía tây của tỉnh cần thêm nhiều “đòn bẩy” để tạo sức bật phát triển ngành du lịch, nhiều chính sách hỗ trợ đã và đang được tính đến nhưng vẫn cần sự linh hoạt để phù hợp với đặc thù của khu vực nhằm tạo ra hiệu quả tối đa.


Nhờ sự hỗ trợ của FIDR, đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang đã tự tin tiếp cận với du khách
để khai thác doanh thu từ các hoạt động du lịch. Ảnh: Q.T

Đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam” đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón được khoảng 600 nghìn lượt khách với tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 1.200 tỷ đồng. Để cụ thể hóa đề án, các huyện miền núi cần những sự hỗ trợ sát sườn và phù hợp với thực tế của từng huyện và sâu hơn là từng điểm du lịch. Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Để triển khai đề án, UBND tỉnh có quyết định 364 với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng. Đây chỉ mới là khởi đầu. Với chừng đó kinh phí chưa thể vực dậy, làm lột xác du lịch khu vực miền núi ngay nhưng nó là dấu khởi đầu để khởi động việc đánh thức tiềm năng to lớn của khu vực này”.

Nhìn nhận chung của 9 huyện miền núi sở hữu 21 điểm du lịch được hỗ trợ kinh phí từ Quyết định 364 của UBND tỉnh đều mong muốn sớm được “rót” vốn để thúc đẩy du lịch thay vì có một số địa điểm tiềm năng lớn phải chờ đến năm 2024, 2025. Ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức (Hiệp Đức và Nông Sơn cùng được nhận hỗ trợ để đầu tư Hòn Kẽm Đá Dừng) chia sẻ: “Hòn Kẽm Đá Dừng rất có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng trong danh mục thì phải đợi đến năm 2025 mới được đầu tư và cũng chỉ có 900 triệu đồng để làm đường dẫn nối vào điểm du lịch. Điều này có thể làm mất thời cơ khai thác địa điểm này”. Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nhận định: “Việc đầu tư một số hạng mục, công trình ở điểm du lịch cũng cần có sự khảo sát, góp ý của phía doanh nghiệp, để tránh trường hợp hạng mục được nâng cấp không hỗ trợ được cho doanh nghiệp đầu tư thì rất lãng phí và khó khắc phục”.  

Theo kế hoạch dự kiến, 21 điểm du lịch khu vực miền núi tùy vào đặc thù và hiện trạng sẽ được hỗ trợ với từng mức kinh phí khác nhau trong đó thấp nhất là Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ – Nước Oa (Bắc Trà My) với 87 triệu đồng vào năm 2023 và cao nhất là Làng du lịch cộng đồng thôn Ariêu, xã Tr’hy (Tây Giang) với 7 tỷ đồng vào năm 2024. Tuy nhiên theo bà Ating Tư – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, mức phân bổ cho từng hạng mục hạ tầng ở các điểm du lịch vẫn còn bất cập. “Ở Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng 1, nhà đón tiếp đã xuống cấp rất trầm trọng nhưng trong phân bổ chỉ có 300 triệu đồng thì việc tu sửa rất khó khả thi trong khi hạng mục đường nội bộ du lịch thì được bố trí tới 2 tỷ đồng. Cần linh động điều chỉnh phân bổ, cân đối vốn hợp lý ở từng hạng mục để đạt hiệu quả cao nhất, nâng tầm các điểm đến du lịch” – bà Ating Tư băn khoăn.

XÁC ĐỊNH SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG

Với nguồn lực có hạn, các huyện núi cần xác định sản phẩm, điểm du lịch trọng tâm để tạo ra điểm nhấn thay vì đầu tư dàn trải và chỉ chú trọng nguồn ngân sách dẫn đến lãng phí nhưng không thu được kết quả.

Tránh dàn trải

Hoạt động thúc đẩy du lịch khu vực phía tây có chuyển biến là hầu hết các huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch, qua đó xác định dư địa phát triển ngành du lịch tại khu vực rất rộng mở. Dẫu vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng: “Các địa phương nên cố gắng phát triển tốt ít nhất một điểm du lịch, còn tùy vào tình hình tại mỗi nơi để tính toán chứ không phải tất cả đều xác định lấy du lịch làm trọng tâm”. Theo ông Lê Ngọc Tường, du lịch miền núi là du lịch đặc thù cần chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng, qua đó hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường và tổn thương đến văn hóa của đồng bào.

Chính thức khai trương đón khách năm 2008, làng du lịch Bhờ Hôồng (Sông Kôn, Đông Giang) được kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn trên hành trình khám phá miền tây xứ Quảng, giúp du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Tuy vậy, quá trình hoạt động vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo Công ty TNHH Du lịch Bhờ Hôồng, năm 2018 chỉ có khoảng 510 khách lưu trú qua đêm tại làng và 82 khách đi về trong ngày. Riêng 5 tháng đầu năm nay cũng chỉ có 243 khách tham quan lưu trú tại làng.

Mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) do FIDR hỗ trợ là một điểm sáng về phát triển du lịch miền núi. Điểm này được bình chọn là một trong 3 điểm du lịch dựa vào cộng đồng tiêu biểu ASEAN 2019 – 2021 và có một nghệ nhân Cơ Tu nằm trong danh sách 20 nhân vật câu chuyện du lịch Việt Nam. Bà Trần Thị Thu Oanh – Quản lý FIDR chia sẻ: “Bên cạnh phát triển du lịch, chúng tôi cố gắng hỗ trợ để xây dựng các đặc sản địa phương như thổ cẩm, mật ong… Qua thời gian đồng bào ngày càng tự tin để tiếp cận với du lịch”.

Cần “kiến trúc sư trưởng” về du lịch

Miền núi Quảng Nam được xác định phù hợp để phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa, sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề truyền thống; du lịch mạo hiểm; du lịch nông nghiệp. Trong đó, du lịch văn hóa, sinh thái và làng nghề được xem là những lợi thế đặc thù. Tuy nhiên, sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương đã làm giảm sức hấp dẫn của du lịch miền núi. Đơn cử, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang việc kết hợp du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa dù thời gian đầu được đánh giá cao nhưng do không có sự khác biệt đã dẫn đến nhàm chán cho khách, điều này vừa gây lãng phí nguồn lực địa phương vừa mất đi sự hấp dẫn.

Theo ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng, sản phẩm du lịch ở Quảng Nam hiện có tình trạng vừa thừa vừa thiếu: thừa những sản phẩm giống nhau và thiếu sản phẩm độc đáo. “Đến Nam Giang cũng xem dệt thổ cẩm, múa hát cồng chiêng, uống rượu cần, thăm thú cảnh quan thiên nhiên; sang Đông Giang cũng xem dệt thổ cẩm, múa hát cồng chiêng, uống rượu cần…, rồi lên Tây Giang cũng thế, chắc chắn khách sẽ nhàm chán. Điều này thể hiện vai trò quản lý của ngành du lịch tỉnh khi chưa có định hướng, quy hoạch tổng thể trong xây dựng sản phẩm dịch vụ, dẫn đến việc mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương làm theo ý chí chủ quan dẫn đến lãng phí nguồn lực và tài nguyên du lịch” – ông Lực phân tích.

Một yếu tố khá quan trọng là ý thức của người dân về du lịch chưa cao. Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bhờ Hôồng cho rằng, nỗi lo hiện nay chính là biến dạng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, thể hiện từ kiến trúc nhà moong, gươl; ăn mặc, sinh hoạt đến cảnh quan làng cũng đã dần bị bê tông hóa; vệ sinh môi trường không đảm bảo; không gian làng luôn ồn ào làm ảnh hưởng đến sự bình yên cho du khách. “Ngoài lượng khách ngày càng ít do ảnh hưởng thị trường khách Âu, Mỹ không tăng thì các yếu tố trên cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh luôn trong tình trạng lỗ, khả năng chúng tôi sẽ đóng cửa một thời gian để tìm thêm nhà đầu tư mới có tiềm năng và tâm huyết” – ông Dũng cho biết.

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam khẳng định: “Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư không khó, vấn đề là nhận thức người dân khó thay đổi, mà điều này thì doanh nghiệp không đủ khả năng và chức năng để làm. Do đó, trách nhiệm của Nhà nước và chính quyền địa phương không chỉ ở việc hoàn thiện hạ tầng, tạo cơ chế thông thoáng mà còn ở việc đào tạo, cải thiện nhận thức người dân… Chỉ khi nhận thức của người dân được nâng cao thì hiệu quả đầu tư sẽ tốt, lúc đó doanh nghiệp sẽ vào đầu tư, du lịch miền núi sẽ có cơ hội phát triển”.

MỞ HƯỚNG MỚI

Đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, các huyện miền núi đón 600.000 lượt khách du lịch mỗi năm, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho 4.500 lao động. Đi cùng đó là những giải pháp, phương thức hỗ trợ cụ thể.


Duy trì bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa là điều quan trọng để thu hút du khách. Ảnh: V.L


Từ chính sách…

Ngày 31.1.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết Định số 364/2019/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 6.12.2018 về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Theo đó, sẽ có 21 điểm du lịch tại 9 huyện miền núi Quảng Nam (Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My) được hỗ trợ kinh phí đầu tư với tổng số tiền gần 92 tỷ đồng (ngân sách tỉnh đảm bảo 80%; ngân sách huyện và xã hội hóa đảm bảo 20%).

Quyết định 364 cũng xác định đối tượng được áp dụng ngoài UBND huyện, UBND cấp xã thuộc 9 huyện miền núi còn có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn các huyện miền núi. Đặc biệt, 5 nhóm nội dung chính được đề án xác định tập trung hỗ trợ kinh phí gồm: hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch (đường giao thông, bãi đổ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng…); hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng Phòng VH-TT huyện Đông Giang nhìn nhận, việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 364 rất quan trọng, nhất là trong tình hình kinh phí của địa phương còn eo hẹp. Theo phân kỳ của đề án, năm 2019 huyện Đông Giang được hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ và nhà đón tiếp tại làng du lịch Bhôồng và năm 2024 là làng du lịch Đrôồng. Hiện địa phương đã làm hồ sơ đầu tư gửi tỉnh chờ thẩm định. “Hạn chế nhất của du lịch Đông Giang hiện nay là nguồn kinh phí nên việc đầu tư hạ tầng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh… tại điểm du lịch rất khó khăn, vì vậy việc UBND tỉnh ban hành đề án với những cơ chế hỗ trợ kinh phí dù chưa thể đáp ứng tất cả yêu cầu thực tế nhưng vẫn là tín hiệu đáng mừng, mang đến nhiều kỳ vọng cho du lịch Đông Giang nói riêng và miền núi Quảng Nam nói chung” – ông Lê chia sẻ.

Năm 2019, ngoài xây dựng hạ tầng giao thông tại làng du lịch Bhôồng, đề án cũng hỗ trợ kinh phí cho Làng du lịch cộng đồng Lộc Yên (Tiên Phước) và Khu Bảo tồn văn hóa người Bhnong Phước Sơn, tổng nguồn vốn khoảng 8,3 tỷ đồng.

… đến thực tiễn

Thẳng thắn nhìn nhận, số tiền gần 92 tỷ đồng đề án hỗ trợ cho 21 điểm du lịch 9 huyện miền núi trong vòng 5 năm là không nhiều, thậm chí quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế. Chưa kể, thời gian, thủ tục hỗ trợ mỗi điểm khá lâu và phức tạp. Dù vậy, việc ra đời của Quyết định 364 đã giúp tạo cú hích mở lối mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Nổi lên nhất gần đây là dự án Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang (thôn A Sờ, xã Ma Cooih, Đông Giang), diện tích 120ha, tổng mức vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, sức lưu trú khoảng 100 nghìn khách/năm do Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) đầu tư, dự kiến sẽ chính thức hoàn thành, đưa vào hoạt động cuối năm 2021. Tháng 3 vừa qua, đại diện Tổng công ty FVG Travel đã ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND huyện Đông Giang triển khai việc tuyển dụng nhân sự địa phương để đào tạo, chuẩn bị cho dự án khi đi vào hoạt động. Bà Nguyễn Thị Hà – Trưởng ban Hành chính nhân sự (Tập đoàn FVG) cho biết: “Để khắc phục khó khăn trong công tác tuyển dụng do dự án đặt tại miền núi, tập đoàn FVG đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức đào tạo miễn phí cho đồng bào dân tộc tại địa phương từ 3 đến 6 tháng tùy vào vị trí công việc”.

Trong vài năm gần đây, nhất là từ khi thương hiệu sâm Ngọc Linh được quảng bá rộng rãi, cái tên Nam Trà My cũng bắt đầu được nhiều công ty lữ hành và du khách khắp nơi chú ý. Qua khảo sát, Nam Trà My không chỉ có sâm mà còn sở hữu nhiều tiềm năng về thiên nhiên và nhân văn, từ sông suối, hang động hoang sơ đến các di tích lịch sử, danh thắng kỳ thú… Đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã công nhận vườn sâm Ngọc Linh – Tăk Ngo, xã Trà Linh là điểm du lịch đầu tiên của huyện Nam Trà My, tổng diện tích khoảng 85ha. Từ diểm du lịch này sẽ liên kết với phiên chợ sâm Ngọc Linh và các làng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương như Xê Đăng, Mơ Nông… nhằm tạo ra một hành trình trải nghiệm độc đáo cho khách.

Để thúc đẩy du lịch vùng sâm, thời gian qua bên cạnh việc rà soát, thống kê các tiềm năng du lịch địa phương, huyện Nam Trà My cũng đã triển khai các bước đi cấp thiết như xây dựng kế hoạch đầu tư, bảo tồn làng văn hóa, phục hồi và duy trì các làng nghề, hỗ trợ tu sửa kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục các lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, đề án phát triển du lịch trên vùng sâm cũng đã xác định cụ thể những sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng; du lịch sức khỏe; du lịch tâm linh; trải nghiệm vùng trồng sâm, rừng nguyên sinh; du lịch về nguồn cách mạng… Một số doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm như thung lũng hoa, trồng dược liệu, thiết lập tour tuyến tham quan.

Tác giả:
Theo Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: