Phát triển dịch vụ môi trường là gì?
Mục Lục
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực tăng trưởng nền kinh tế quốc gia, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển nền kinh tế công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và chất lượng sống của cộng đồng. Vì vậy, các hoạt động bảo vệ môi trường trong thời kỳ hiện nay cũng được chú trọng và quan tâm hàng đầu. Trước thực tế này, đòi hỏi Việt Nam phải đưa ra các quy định cụ thể về phát triển dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả trong các công tác bảo vệ môi trường, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững và kích thích lợi ích kinh tế để phát triển đất nước.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các nội dung về phát triển dịch vụ môi trường theo Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Khái niệm
Căn cứ vào khoản 1 Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:
“1. Dịch vụ môi trường là ngành kinh tế cung cấp dịch vụ đo lường, kiểm soát, hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; xử lý chất thải, các chất ô nhiễm khác; bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ khác có liên quan.”
Như vậy, có thể hiểu đơn giản dịch vụ môi trường là những dịch vụ được cung cấp nhằm giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu, khắc phục hoặc xử lý các tác động xấu đến môi trường, qua đó bảo vệ môi trường sống của con người một cách có hiệu quả hơn.
Chính sách của Nhà nước
Khoản 2 Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Nhà nước có chính sách phát triển thị trường dịch vụ môi trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đối với dịch vụ môi trường theo lộ trình phù hợp với cam kết quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, cung cấp dịch vụ môi trường.
Trong đó, tự do hóa thương mại là loại bỏ hoặc giảm bớt các hạn chế hoặc rào cản đối với trao đổi hàng hóa tự do giữa các quốc gia. Những rào cản này bao gồm thuế quan, chẳng hạn như thuế và các phụ phí; các khoản không phải thuế quan, chẳng hạn như các qui tắc được cấp phép và hạn ngạch.
Phát triển dịch vụ môi trường là việc sử dụng những biện pháp tác động để làm tăng số lượng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội và tạo điều kiện để cho họ thực hiện tốt nghĩa vụ về bảo vệ môi trường.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường
Nội dung này được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường trong các lĩnh vực sau đây:
a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;
b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường;
c) Cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái;
d) Tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;
đ) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng;
e) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;
g) Giám định thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học; giám định các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người;
h) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.
Giá cung cấp dịch vụ môi trường
Khoản 4 Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:
“4. Giá cung cấp dịch vụ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”
Việc thực hiện các quy định về giá dịch vụ môi trường dựa trên nguyên tắc: Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và nguyên tắc người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền.
Theo đó, trong phát triển thị trường dịch vụ môi trường, các bên có thể thỏa thuận giá dịch vụ với một mức giá hợp lý nhất và tuân thủ các quy định của pháp luật về giá.
Ví dụ: Luật Giá số 10/VBHN-VPQH ngày 11 tháng 12 năm 2014.
Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường
Luật Hoàng Anh