Phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam

Phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam

Hiện nay dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô khoảng 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ logistics trong những năm qua là từ 16 – 20%/năm. Thống kê mới đây của Hiệp hội doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 DN logistics đang hoạt động, bao gồm cả DN có vốn nước ngoài. Các DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ngành Logistics hiện đang phải đối diện với không ít thách thức đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ký rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Thống kê cho thấy, DN logistics nội chiếm hơn 80% tổng số DN kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng… Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách.

1. Dịch vụ Logistics

Logistics là một thuật ngữ có nguồn gốc Hy Lạp – logistikos – phản ánh môn khoa học nghiên cứu tính quy luật của các hoạt động cung ứng và đảm bảo các yếu tố tổ chức, vật chất và kỹ thuật để cho quá trình chính yếu được tiến hành đúng mục tiêu. Bắt nguồn từ quân sự, đến những năm 1970, logistics mới bắt đầu được thừa nhận như một hoạt động nội bộ trong tổ chức, với vai trò chính là tối ưu hóa cung ứng các nguồn lực cho các bộ phận vận hành. Trong những năm 1980, khái niệm “just-in-time”, gắn liền với các dòng lưu chuyển hàng hóa và thông tin, mở rộng logisitics là một chức năng xuyên suốt trong tổ chức, theo chiều ngang, hỗ trợ phối hợp vận hành của các bộ phận khác, theo chiều dọc, hỗ trợ kết nối cấp nghiệp vụ và cấp chiến lược của tổ chức. Từ những năm 1990, nỗ lực giảm chi phí và tăng chất lượng dịch vụ trong nghiên cứu và thực tế hình thành khái niệm chuỗi cung ứng (Supply Chain), tối ưu hóa vượt ra ngoài phạm vi một tổ chức (Ballou, 2007).

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Logistics, có rất nhiều khái niệm về thuật ngữ này. Từ “Logistics” được giải nghĩa bằng tiếng Anh trong từ điển Oxford (1995) như sau: “Logistics có nghĩa là việc tổ chức cung ứng và dịch vụ đối với một hoạt động phức hợp nào đó”. Theo Nguyễn Hồng Thanh (2007), logistics là quá trình lập kế hoạch, chọn phương án tối ưu để thực hiện việc quản lý, kiểm soát việc di chuyển và bảo quản nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm để đạt hiệu quả về chi phí và ngắn nhất về thời gian, cũng như các thông tin tương ứng từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Khái niệm logistics là một loại hình dịch vụ cũng đã được sử dụng chính thức trong Luật thương mại 2005, tại Điều 233: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Như vậy có thể thấy các hoạt động cơ bản của Logistics bao gồm: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi kí mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa. Và bằng việc kinh doanh các dịch vụ này thì các doanh nghiệp logisitcs sẽ nhận được thù lao từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cá nhân sử dụng dịch vụ.

 

Các thành phần và hoạt động cơ bản của hệ thống logistics

2. Chức năng, vai trò của dịch vụ logistics

Về cơ bản, dịch vụ logistics có hai chức năng cụ thể như sau:

Thứ nhất, dịch vụ logistics có chức năng hỗ trợ quá trình sản xuất và phân phối lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đến người tiêu dùng cuối cùng. Dịch vụ logistics cung cấp trực tiếp cho doanh nghiệp những yếu tố đầu vào hoặc tư vấn cho doanh nghiệp các nguồn hàng đảm bảo. Trong quá trình sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ logistics tư vấn cho doanh nghiệp về quy trình sản xuất, lượng hàng hóa cần sản xuất và lượng hàng hóa cần dự trữ … Bên cạnh đó, nhà cung ứng dịch vụ logistics cung ứng dịch vụ vận tải, vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng đúng thời gian và địa điểm với chi phí thấp nhất (Duncan và các cộng sự, 2016).

Thứ hai, dịch vụ logistics có chức năng gắn hoạt động sản xuất với thị trường, và gắn nền kinh tế nội địa với nền kinh tế quốc tế thông qua cung ứng yếu tố đầu vào, đầu ra, dịch vụ tư vấn, dịch vụ vận tải,…Các nhà cung ứng dịch vụ logistics thực hiện nghiên cứu nhằm nắm bắt nhu cầu thị trường; huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực nhằm cung cấp cho doanh nghiệp các dịch vụ logistics có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, các nhà cung ứng dịch vụ logistics cũng chủ động tìm kiếm các yếu tố đầu vào ở nước ngoài có chi phí rẻ cho quá trình sản xuất của các doanh nghiệp nội địa. Nhờ vậy, dịch vụ logistics gắn kết nền kinh tế nội địa với nền kinh tế quốc tế, hỗ trợ hiệu quả quá trình mở cửa kinh tế của các quốc gia (Maisam và Fredrik, 2017).

3. Các dịch vụ logistics

Các dịch vụ logistics chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho… còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistisc mặc dù cũng có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa thực sự được quan tâm phát triển.

– Dịch vụ vận tải:

Trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, trước tiên phải kể đến dịch vụ giao thông vận tải. Hiện nay, có khoảng 80% doanh nghiệp giao nhận vận tải Logistics/Forwarder có quy mô vừa và nhỏ, và chỉ tham gia rất ít vào quy trình chuỗi cung ứng giá trị logistics. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm một phần dịch vụ cho các công ty, các hãng tàu quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) muốn chuyển hàng hóa ra nước ngoài chủ yếu dựa vào đường hàng không và đường biển. Do hạn chế về năng lực cạnh tranh nên phạm vi hoạt động của tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á và hiện chỉ đảm đương khoảng 10% thị phần vận tải hàng hoá XNK của Việt Nam.

Nghiên cứu của Limao và Nenables (2001), thông qua mô hình trọng lực phân tích chi phí vận tải – một thành tố cấu thành logistics đã chỉ ra rằng nếu giải quyết được bài toán vận tải thì tổng chi phí doanh nghiệp XNK sẽ giảm xuống rất nhiều.

Những rủi ro, khó khăn trong giao thông vận tải đã làm tăng chi phí logistics từ đó làm tăng giá thành sản phẩm của nhiều ngành hàng hóa.Một khảo sát của World Bank năm 2017 cũng cho thấy chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Đơn cử với ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành. Chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực, cụ thể so với Thái Lan cao hơn 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore.

– Dịch vụ kho bãi

Dịch vụ kho bãi được chia làm hai phân khúc chính là kho bảo quản hàng khô và kho lạnh.Một số công ty hiện tại mạnh về cho thuê và quản lý kho hàng như BS Logistics, Sotrans, Transimex, Gemadept, U&I Logistics, Vinafco Draco Seaborne, BK Logistics, ALS, ITL. Dịch vụ nhà kho hàng khô phục vụ chủ yếu cho các nhà sản xuất, các nhà phân phối, và các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh. Nhu cầu logistics chủ yếu từ xuất khẩu công nghiệp và thị trường tiêu dùng tăng nhanh. Trong đó xuất khẩu và những nhà bán lẻ tạp hóa được trông đợi là những nhân tố hàng đầu về nhu cầu logistics trong tương lai nhờ vào số lượng FTAs ký kết.

Thương mại nông lâm thủy hải sản, thực phẩm phát triển dẫn tới tăng nhu cầu về kho lạnh. Kho lạnh thương mại đầu tiên ở nước ta được xây dựng vào năm 1996 nhờ liên doanh của một công ty Nhật Bản với ba công ty Việt Nam là Vinatrans, Vinalink và Vinafreight. Nhìn chung, thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà cung cấp kho lạnh cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp nước ngoài đang tận dụng tốt hơn tiềm năng thị trường kho ở Việt Nam và dẫn đầu thị trường về chất lượng nhờ hệ thống quản lý kho chuyên nghiệp và công nghệ vượt trội, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Một số công ty có tên tuổi trên thị trường được biết đến như SWIRE, Prefered Freezer Services, Lotte Sea. Các kho lạnh ở nước ta tập trung chủ yếu ở phía Nam nơi có nhu cầu lớn về lưu kho hàng thủy hải sản và nông nghiệp phục vụ cho XNK. Những ngành hàng này ngày càng phát triển sẽ là động lực cho việc tăng nhu cầu sử dụng kho lạnh trong nhiều năm tới. Mức độ đáp ứng nhu cầu về kho, bãi phục hàng hóa XNK và hoạt động XNK tuy có khác nhau giữa các cửa khẩu nhưng nhìn tổng thể đạt 70 – 80% nhu cầu hàng XNK cần phải lưu kho, lưu bãi trong giai đoạn hiện tại. Hệ thống kho bãi tại các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) phát triển nhỏ lẻ, manh mún khiến cho doanh nghiệp XNK phải ký kết hợp đồng với nhiều đối tác để kí gửi một khối lượng hàng hóa lớn, gây lãng phí và khó khăn cho việc hình thành mối quan hệ lâu dài trong chuỗi cung ứng.

– Công nghệ thông tin

Trong nhiều trường hợp, chủ hàng không biết rõ về lịch trình dự kiến của chuyến hàng, với một lượng hàng hóa trung chuyển dẫn đến các rủi ro về giao hàng sai cũng như lưu kho không hợp lý hay nhầm lẫn, làm giảm chất lượng hàng hóa. Phương thức trao đổi giữa các đối tác chủ yếu qua email, văn bản giấy tờ và phương thức giao nhận bằng tay vẫn còn phổ biến trong suốt quá trình vận chuyển. Nhiều loại hàng hóa vẫn được thực hiện giao nhận bởi công nhân bốc vác ít nhất là ở hai đầu của quá trình chuyên chở. Nguyên nhân là do can thiệp quá ít của công nghệ thông tin, ứng dụng các trang thiết bị hỗ trợ hiện đại trong hoạt động logistics. Ngoài ra, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do đội tàu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu XNK và chỉ đi được các chuyến xuất khẩu đường ngắn, 80% thị phần xuất khẩu container nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài bởi họ có đủ khả năng để đáp ứng được tuyến đường dài vận chuyển như Mỹ, EU.Thậm chí các công ty nước ngoài có thể liên minh với nhau để đưa ra một mức phí quá cao, tăng phí liên tục với nhiều lý do khiến cho doanh nghiệp XNK Việt Nam không còn cách nào khác là phải chấp nhận.

– Hoạt động giao nhận

Khi hoạt động XNK phát triển mạnh cũng là lúc phát sinh nhu cầu ủy thác của các công ty nhận hàng xuất khẩu hoặc ngược lại. Hoạt động giao nhận truyền thống gồm hai mảng là: (i) giao nhận hàng container với các công ty tiêu biểu như GMD, HMH, STG và (ii) dịch vụ CFS (container freight station) hay dịch vụ gom hàng, chủ yếu do các công ty nước ngoài thống lĩnh thị trường. Các công ty trong nước cho thuê kho như TBS, Tân Cảng Sóng Thần, Tân Cảng Long Bình…

Đối với dịch vụ gom hàng (CFS): Các đại lý giao nhận đóng vai trò người gom hàng và cấp vận đơn nội bộ. Những người này là phải có đại lý độc quyền tại các cảng lớn để thực hiện việc đóng hàng/rút hàng xuất nhập khẩu. Theo ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khoảng 10% các tổ chức giao nhận Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ gom hàng tại CFS của chính họ hoặc do họ thuê của nhà thầu. Những người này sử dụng vận đơn nhà như những vận đơn của hãng tàu nhưng chỉ có một số mua bảo hiểm trách nhiệm giao nhận vận tải.

– Thủ tục hải quan và một số giấy tờ

Mục tiêu của ngành logistics là 100% hoạt động thông quan thực hiện qua đại lý hải quan. Tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp hiện nay trong lĩnh vực dịch vụ hải quan chủ yếu là người “khai thuê hải quan” trong khi đại lý hải quan không được sử dụng rộng rãi vì vai trò của đại lý hải quan không rõ ràng. Chủ trương đại lý hải quan đã có cách đây 5 năm, hiện vẫn đang hoạt động cầm chừng và chưa phát triển, chưa thể hiện được vai trò cánh tay nối dài của Cục hải quan để tư vấn cho khách hàng. Các doanh nghiệp là đại lý hải quan phải cập nhật các quy định chính sách chuyên ngành, thủ tục hải quan. Mặc dù được ưu tiên trong một số hoạt động như: được hỗ trợ về thủ tục hải quan thủ tục thuế liên tục cập nhật các quy định mới và tập huấn bồi dưỡng pháp luật hải quan nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ lớn hơn không đi đôi với quyền lợi nên chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát triển đại lý hải quan.

Trong việc hoàn thành thủ tục hàng hóa XNK hiện nay thủ tục hải quan chiếm khoảng 28% và kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 72% thời gian. Những cố gắng của Hải quan trong việc cải tiến thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin là đáng kể nhưng sẽ ít có tác dụng nếu các ngành liên quan vẫn mất nhiều thời gian và chi phí (Aznat Gani, 2017).

Tài liệu tham khảo

– Chính phủ (2017), Nghị định 163/2017/NĐ-CP về Kinh doanh dịch vụ logistics.

– Chính phủ (2018), Nghị định số 82/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

– Chính phủ (2018), Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

– Chính phủ (2018), Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương.

– Đoàn Thị Hồng Vân (2006), Quản trị logistics, Nxb Thống kê.

– Xây dựng khu trung chuyển hàng hóa thuộc KKT Đồng Đăng- Lạng Sơn”, Báo Hải Quan, http://www.baohaiquan.vn/Pages/Trien-khai-xay-dung-khu-trung-chuyen-hang-hoa-thuoc-KKT-Dong-Dang-Lang-Son.aspx

– Nguyễn Hồng Thanh (2007), Khái niệm, vai trò, đặc điểm và các cam kết quốc tế của Việt Nam về dịch vụ Logistics, NCIEC.

– Domingo Laura Galindo (2016), The Challenges of Logistics 4.0 for the Supply Chain Management and the Information Technology, Norwegian University of Science and Technology.

– Duncan McFarlane, Vaggelis Giannikas, Wenrong Lu (2016), “Intelligent logistics: Involving the customer”, Computers in Industry Volume 81, September 2016, Pages 105-115.

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại – VIOIT