Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Phần 1)

Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Phần 1)

Theo Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22 tháng 10 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 03 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh là hạt điều, gỗ và thực phẩm (thịt heo, thịt gà và trái cây), với 03 nhiệm vụ chính là tạo vùng nguyên liệu, chế biến sâu và hình thành liên kết chuỗi trên địa bàn theo định hướng xuất khẩu.Để tạo điều kiện cho 3 nhóm sản phẩm trên phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Ngày 9/9/2022, UBND tỉnh đã ký quyết định số 1657/QĐ-UBND ban hành Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với các nội dung chính như sau:

I. Thực trạng chế biến 3 nhóm ngành của tỉnh

1. Chế biến sản phẩm điều:

Chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh đóng góp vào GRDP hàng năm khoảng 11%. Chế biến và xuất khẩu hạt điều được ưu đãi của nhà nước về thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nên hàng năm ngành này đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh khoảng 14,0 tỷ đồng. Hiện, Bình Phước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất – nhập khẩu sản phẩm điều, chiếm 70% số doanh nghiệp và chiếm 50-80% năng lực chế biến hạt điều của cả nước, với 03 dòng sản phẩm chính: (1) hạt điều nhân trắng (216.613 tấn, chiếm 99% sản lượng hạt điều nhân); (2) Hạt điều nhân chế biến sâu (rang muối, phủ wasabi, mật ong, nước cốt dừa,…, 2.004 tấn, chiếm 1% sản lượng hạt điều nhân) và (3) Chế biến dầu vỏ hạt điều (CNSL) chưa tinh lọc (29.412 tấn, chiếm 1% trong kim ngạch xuất khẩu của điều).

– Công nghệ chế biến nhân trắng đã từng bước được cơ giới hóa, tự động hóa, nội địa hóa ngày càng cao, làm cho năng lực chế biến của tỉnh vượt quá 3,4 lần sản lượng hạt điều nguyên liệu của Bình Phước. Công nghệ chế biến nhân trắng thành sản phẩm dinh dưỡng ăn liền (bánh, kẹo, nhân hạt điều rang muối, phủ wasabi, mật ong, nước cốt dừa,…) đến nay cơ bản đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Công nghệ chế biến dầu vỏ hạt điều (CNSL) và dầu chiết xuất từ vỏ lụa hạt điều còn thô sơ và chưa ở mức tinh lọc để đáp ứng nhu cầu rất lớn tại thị trường Châu Âu.

– Tổng sản lượng hạt điều thô đưa vào chế biến năm 2020 khoảng 984.000 tấn. Trong đó, cả vùng nguyên liệu trồng điều của tỉnh với quy mô 140.000 ha cung ứng sản lượng hạt điều thô 189.000 tấn. Do đó, để đảm bảo nguyên liệu hạt điều thô phục vụ cho chế biến, năm 2020 các doanh nghiệp trên địa bàn đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ khoảng 15 quốc gia (gồm Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Ivory Coast, Nigeria, Tanzania,…) với sản lượng gần 645.000 tấn, bên cạnh đó vẫn phải thu mua ngoài tỉnh khoảng 150.000 tấn.

– Sản phẩm nhân hạt điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng rất tốt trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế khó tính và nhiều tiềm năng như: Trung Quốc, Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc, Nhật Bản, Singapore,… Mỗi năm, ngành chế biến hạt điều của tỉnh đóng góp từ 30-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tính đến cuối năm 2021, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến điều của tỉnh đạt 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, do giá bán hạt điều qua chế biến còn cao so với thu nhập của người dân nên sản lượng tiêu thụ trong nước còn hạn chế.

2. Chế biến sản phẩm gỗ

– Chế biến sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh đóng góp vào GRDP hàng năm chỉ khoảng 2,3%. Chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ được ưu đãi của nhà nước về thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nên hàng năm ngành này đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh khoảng 396 tỷ đồng.

– Sản phẩm gỗ của Bình Phước tiêu thụ nội địa chủ yếu là hàng mộc mỹ nghệ và gia dụng với quy mô nhỏ. Do đó, phần lớn sản phẩm gỗ của tỉnh chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2021 đạt 263,8 triệu USD, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 6,7% và chỉ chiếm bình quân 1,4% tỷ trọng xuất khẩu gỗ của cả nước. Thị trường xuất khẩu tập trung ở một số nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc với các dòng sản phẩm như: viên nén, ván lạng, ván MDF, gỗ xẻ hộp, gỗ xẻ thanh và ván ghép các loại.

– Bình Phước hiện có khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ (trong đó 96 doanh nghiệp có quy mô lớn bao gồm 10 doanh nghiệp FDI). Đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc) vào tỉnh trong hoạt động chế biến gỗ ngày càng tăng. Tập đoàn Dongwha VRG trên địa bàn đầu tư quy mô được xếp hạng lớn nhất Đông Nam Á với công nghệ hiện đại. Đặc biệt quan trọng, trên địa bàn tỉnh đã hình thành cụm ngành gỗ theo chuẩn quốc tế tham gia từ trồng, khai thác và chế biến (như Công ty Hải Vương), nhập khẩu, chế biến và sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu (như các Công ty: Eastwood Energy, SG Vina, S&K Luxury Packing Vina, Thuận Lợi BP, Thuận Phú Wood và Thiên Phú Wood).

– Các doanh nghiệp lớn trong chế biến gỗ đang ứng dụng công nghệ khá tiên tiến, có suất đầu tư khá cao, ít thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp có quy mô, năng lực sản xuất/chế biến nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ như hộ cá thể thường chủ yếu sản xuất đồ gỗ gia dụng, mộc mỹ nghệ, nội thất văn phòng, gỗ xây dựng,…

– Mặc dù tỉnh có diện tích lớn đất trồng cây công nghiệp và khoảng 5.000 ha rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, khối lượng gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến hàng năm vẫn thiếu hụt, phải nhập khẩu và mua ngoài tỉnh từ khoảng 25-80% tùy năm, tương ứng lượng thiếu hụt tới 49.000 m3/năm. Do đó, doanh nghiệp trong tỉnh đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu mua gỗ nguyên liệu.

3. Chế biến thực phẩm từ thịt heo, thịt gà và trái cây

– Chế biến thực phẩm từ thịt heo, thịt gà mới hình thành trên địa bàn tỉnh nên đóng góp vào GRDP hàng năm và thuế là chưa nhiều. Sản phẩm chế biến từ thịt heo, thịt gà được vận hành chính bởi khu vực FDI. Trước mắt, Công ty Japfa Comfeed Vietnam đầu tư Nhà máy giết mổ tại KCN Minh Hưng Sikico với công suất 37,4 triệu con gà/năm (đáp ứng hơn 50% tổng đàn gà nuôi hàng năm) và 374.400 con heo/năm (đáp ứng hơn 22% tổng đàn heo nuôi hàng năm). Công ty TNHH CPV Food đầu tư 230 triệu USD vào khu phức hợp, trong đó có đầu tư Nhà máy giết mổ phục vụ công suất chế biến 36.000 tấn sản phẩm gà/năm (cho năm 2021, tương đương 15 triệu con gà), từ năm 2022 đến năm 2025 phục vụ công suất chế biến 171.400 tấn sản phẩm gà/năm (tương đương 71,4 triệu con gà).

Như vậy, năng lực giết mổ gà của hai công ty sẽ vượt quá quy mô đàn hiện có. Riêng năng lực giết mổ heo còn thấp. Tổng đàn heo hiện nay của tỉnh chỉ cung cấp cho hoạt động giết mổ (dừng ở sơ chế, quy mô hộ cá thể), đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

– Cả hai Tập đoàn CPV Food và Japfa Comfeed Vietnam sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Châu Âu; với quy mô hiện tại CPV Food được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Công suất chế biến sản phẩm gà 36.000 tấn năm 2021 mới chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, CPV Food đã xuất khẩu thử nghiệm thành công được sản phẩm gà vào Hồng Kông. Sản lượng sản phẩm heo và gà đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và khoảng 70% tiêu thụ ngoài tỉnh. Từ năm 2022 sẽ ổn định ở mức 170.400 tấn (trong đó xuất khẩu là 103.000 tấn, tương ứng hơn 60%). Đến năm 2025 tỉnh sẽ có thêm 1.000 tấn sản phẩm gà từ Japfa Comfeed Vietnam (trong cụm dây chuyền chế biến thịt heo và gà xuất khẩu với sản lượng cả hai là 2.000 tấn sản phẩm/năm, tương ứng 50% sản lượng mỗi loại) để ổn định tổng sản lượng sản phẩm heo và gà chế biến toàn tỉnh 171.400 tấn.

– Trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 12 tập đoàn chăn nuôi lớn đã đầu tư phát triển đàn heo và gà phục vụ nguyên liệu để chế biến thực phẩm như: CPV Food, Japfa Comfeed Vietnam, Emivest, CJ, Hòa Phước, Thái Việt Swine Line, Tân Long, New Hope, Vietswan, Dabaco, Sunjin, Velmar,…. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 349 trang trại heo, 80 trang trại gà và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng đàn heo quy mô trang trại 1.945.038 con và tổng đàn gà 8.921.660 triệu con. Mô hình vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, truy suất nguồn gốc đang mới được tỉnh quan tâm triển khai để đáp ứng nhu cầu chế biến và tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế trong thời gian tới.

– Trong thời gian qua, ngành chế biến thực phẩm từ thịt heo, thịt gà của tỉnh mới hình thành, do đó, chỉ mới cung cấp cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công đoạn chế biến sâu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng tốc xuất khẩu. Sản phẩm gà chế biến của tỉnh gồm: thịt gà tươi, thịt gà đông lạnh, thịt gà tươi tẩm ướp, thịt gà đông lạnh tẩm ướp, thịt gà chế biến.

– Bên cạnh vùng chăn nuôi lớn, Bình Phước cũng đang hình thành vùng cây ăn trái với diện tích hơn 12.000 ha như: sầu riêng, bưởi, mít, cam, quýt, nhãn, xoài, chuối, bơ,… cho sản lượng sầu riêng hơn 10.000 tấn, mít hơn 9.500 tấn, bưởi gần 7.200 tấn, cam và quýt gần 11.200 tấn, nhãn hơn 7.700 tấn. Năng lực hiện tại của tỉnh chủ yếu sơ chế và bảo quản trái cây ở điều kiện thông thường với công suất nhỏ. Qua khảo sát năm 2021 tỷ lệ nông sản sơ chế, bảo quản, chế biến trái cây chỉ đạt khoảng 10%, tổn thất sau thu hoạch còn cao (20%); đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế; có rất ít sản phẩm chế biến sâu.

II. Đánh giá chung

1. Những kết quả đạt được

– Vốn đầu tư vào công nghệ chế biến hạt điều ngày càng tăng, sản lượng chế biến, trình độ công nghệ, tự động hóa, tỷ lệ thu hồi nhân, hiệu quả đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hạt điều ngày càng tăng và ngày càng nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Ngành chế biến hạt điều Bình Phước đã giải quyết tốt đầu ra cho hạt điều nguyên liệu của tỉnh; một số sản phẩm điều chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, bán ở phân khúc tốt nhất của chuỗi giá trị và bắt đầu có thương hiệu trên thị trường ở cả tầm quốc gia và quốc tế. Lợi nhuận của ngành chế biến điều chủ yếu được giữ lại trong nước.

– Trên địa bàn tỉnh đã hình thành cụm ngành chế biến gỗ theo chuẩn quốc tế tham gia từ trồng/khai thác, nhập khẩu, chế biến và sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Chế biến sâu các sản phẩm gỗ xuất khẩu đã được các nhà đầu tư định hướng sản xuất như đồ dùng nội/ngoại thất; vật liệu xây dựng khung nhà ở cao cấp; sản phẩm sáng tạo tiết kiệm không gian, tiện dụng và thân thiện môi trường; công nghệ mới sản xuất viên nén gỗ. Công nghệ mới, hiện đại nhất đang dần được thay thế; quy mô chế biến lớn nhất Đông Nam Á đã hội tụ về Bình Phước để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Ngành chế biến gỗ cũng giải quyết đầu ra cho hàng chục ngàn m3 gỗ từ các cây trồng chủ lực của tỉnh (điều, cao su, gỗ tạp khác) sau thời gian khai thác, qua đó, giúp nâng cao giá trị cây công nghiệp của tỉnh.

– Trên địa bàn tỉnh đang hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn (3F, tiếng Anh: Feed, Farm, Food). Hầu hết nhà đầu tư FDI trên địa bàn sẵn có thị trường tiêu thụ, thương hiệu nên chỉ cần tăng quy mô chăn nuôi gà, đầu tư vào chế biến heo, mở rộng thêm thị trường trong nước, tăng thị phần xuất khẩu.

– Ngành chế biến trái cây đang có cơ hội phát triển nhanh từ sự dịch chuyển vùng trồng vào tỉnh kết hợp với công nghệ chế biến hiện nay sẽ tạo tiền đề cho hoạt động chế biến sâu, nâng cao chất lượng, tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm tỉnh nhà.

2. Hạn chế

– Ngành chế biến hạt điều và chế biến gỗ của tỉnh đóng góp vào GRDP và ngân sách hàng năm của tỉnh Bình Phước chưa tương xứng với tiềm năng là do hai ngành này vẫn đang trong giai đoạn hưởng ưu đãi đầu tư, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, ít sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng (như điều tẩm gia vị, sữa hạt điều, gỗ trang trí nội – ngoại thất, bàn ghế cao cấp…); chưa tạo thành chuỗi liên kết ngành để nâng cao giá trị gia tăng.

– Nội tại của nhóm sản phẩm chế biến điều và chế biến gỗ đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế như: Năng lực chế biến sâu đang còn yếu và thiếu nên chưa thể chinh phục được thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối – bán lẻ tiềm năng ở nước ngoài; Chưa có khả năng truy xuất nguồn gốc hạt điều và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp một cách hiệu quả.

– Ngành chế biến thực phẩm từ thịt heo, thịt gà, trái cây mới hình thành trên địa bàn tỉnh nên chưa đa dạng về sản phẩm và sản lượng chế biến sâu, nội tại của nhóm sản phẩm này cũng đã bộc lộ những khó khăn cần giải quyết ngay: ổn định mô hình sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Việc chăn nuôi phân tán, nhất là các trang trại chăn nuôi gia công, đang ảnh hưởng đến môi trường như mùi và ô nhiễm nguồn nước ngầm mà tiêu chuẩn quốc tế xem là chưa phù hợp.

3. Nguyên nhân của hạn chế

– Trong hơn 10 năm qua, hầu hết các sản phẩm chế biến hạt điều, gỗ được xuất khẩu nhiều vào các thị trường dễ tính như: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ,… ở dạng nguyên liệu, chỉ tập trung tăng số lượng sản phẩm mà thiếu động lực cải tiến, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

– Tỉnh đã triển khai truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý của hạt điều và truy xuất nguồn gốc gỗ nhưng hiệu quả áp dụng chưa cao.

– Tỉnh có thế mạnh lớn phát triển vùng chăn nuôi heo, gà và trồng cây ăn trái nhưng rất phân tán do tiêu chuẩn quốc tế trước đó chưa đòi hỏi gay gắt. Thị trường trong nước hiện đang rất cạnh tranh với thực phẩm nhập khẩu, nhưng với yêu cầu hiện tại của thị trường tiêu thụ quốc tế lại đòi hỏi vùng chăn nuôi heo, gà và trái cây phải tập trung theo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh khắt khe mà khó có khả năng hình thành vùng lớn khi quy hoạch sử dụng đất đã phân tán. Điều này phải giải quyết trước khi hoàn thiện việc đa dạng về sản phẩm và sản lượng chế biến sâu đã làm ngành chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, từ trái cây xuất khẩu bị chậm lại./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại – VIOIT