Phát triển chợ truyền thống ở Việt Nam theo quan điểm hiện đại về phân phối hàng hóa

1. Chợ “xưa” và “nay” đều là một kiểu tổ chức thị trường, tổ chức mua bán/phân phối hàng hóa có tính dân gian. Hình thức có thể đổi thay ít nhiều nhưng bản chất thì vẫn vậy.

 Như một triết gia thời kì Hi-La cổ đại đã nói: “Nếu mọi sự vật, hiện tượng đều được định nghĩa rõ ràng thì loài người sẽ tránh được quá nửa những lỗi lầm”. Theo cách hiểu thông thường và được sử dụng phổ biến trong thực tế, chợ là “nơi tập trung nhiều người tụ họp để trao đổi, mua bán hàng hóa hàng ngày hoặc vào một ngày theo phiên nhất định”. Khái niệm này cũng gần gũi với khái niệm thị trường trong Từ điển Kinh tế học hiện đại: “Thị trường là bất kỳ khung cảnh không gian nào đó diễn ra việc mua bán các loại hàng hoá và dịch vụ”. Hai khái niệm này đều đề cập đến “nơi” hay “khung cảnh không gian” và ở đó diễn ra việc “mua, bán” hàng hóa. Chính vì sự tương đương giữa hai khái niệm này, mà chợ và thị trường trong nhiều trường hợp cũng được coi là đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa. Trong tiếng Anh, thì “chợ” và “thị trường” đều được gọi chung là “market”. Như vậy, có thể nói rằng, chợ chính là thị trường, là hình ảnh trực quan, nhưng cô đọng và tập trung nhất của thị trường. Chợ nằm trong hệ thống thị trường và khái niệm chợ nằm trong phạm vi của khái niệm thị trường. Trong hệ thống thị trường hiện nay, chợ truyền thống được xếp vào loại thị trường hàng hoá giao ngay, ở đó người bán và người mua đàm phán, mặc cả trực tiếp, người mua tiếp cận trực tiếp với hàng hoá, thoả thuận xong là giao nhận hàng và thanh toán, không sử dụng công nghệ hoặc thiết bị tân tiến nào cả, khối lượng giao dịch thường là nhỏ và phương thức thanh toán duy nhất là trả bằng tiền mặt. Ưu thế nổi bật của mô hình tổ chức giao dịch này là việc mua bán được thoả thuận trực tiếp, công khai, giao nhận hàng và thanh toán tiền diễn ra đồng thời, ít có rủi ro. Tuy nhiên hạn chế nhất của nó là giá cả phụ thuộc vào cung – cầu trực tiếp tại nơi giao dịch và thời điểm giao dịch nên thiếu tính ổn định, tạo sự chênh lệch giá khá lớn giữa các thị trường, người mua và người bán đều có thể bị thiệt hại do biến động thất thường của thị trường, người mua thường có lợi hơn người bán vì người bán thiếu thông tin, không có đủ hiểu biết về thị trường. Do vậy, để quản lý và phát triển mạng lưới chợ với hiệu quả cao, cần hướng tới giảm thiểu những hạn chế của chợ truyền thống. 

Khái niệm trên đây bao hàm những cấu thành cơ bản nhất của chợ và thị trường: 1) “nơi” – xác định không gian cụ thể; 2) “ngày, buổi nhất định” – xác định thời gian cụ thể; 3) “nhiều người tụ họp để mua bán” – xác định qui mô người tham gia; 4) “mua và bán” – xác định hành vi giao dịch, quan hệ trao đổi hàng – tiền. 

Trong thực tế, khái niệm chợ còn được phát triển theo hai cách hiểu chủ yếu: Một là, xuất phát từ khái niệm này có thể đưa ra nhiều khái niệm hẹp hơn trên cơ sở cụ thể hoá những cấu thành cơ bản nhất của chợ. Chẳng hạn, chợ phiên, chợ mùa vụ là chợ mà khoảng cách giữa các lần tụ họp của nhiều người để mua bán có độ dài nhất định về thời gian. Hay chợ nông sản là chợ mà hàng hoá mua bán chủ yếu là những mặt hàng nông sản, thực phẩm…; Hai là, theo cách nhìn nhận chợ là một loại hình tổ chức để thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá, hay để cung cấp các dịch vụ phân phối thì chợ cũng giống các loại hình tổ chức thương mại khác, như trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn… Do đó, chợ cũng có thể được hiểu là một loại hình tổ chức hoạt động thương mại tại một địa điểm nhất định, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá trực tiếp, phục vụ sản xuất và tiêu dùng của một cộng đồng cư dân nhất định. 

Cả hai cách tiếp cận về chợ như trên đều có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý và phát triển chợ. Cách hiểu chợ là thị trường sẽ cho thấy rõ về chức năng, điều kiện, nội dung, sự phân khúc và đặc biệt là các quan hệ thị trường trong chợ. Cách hiểu chợ là một loại hình tổ chức thương mại lại cho thấy những điểm khác biệt giữa chợ với các kiểu, các loại hình tổ chức thương mại khác, đặc biệt là xu hướng phát triển của chợ trong quá trình phát triển tổng thể mạng lưới kinh doanh thương mại nói chung của nền kinh tế. 

2. “Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar”! Dù là quan điểm truyền thống hay hiện đại về phân phối hàng hóa, chợ vẫn có vị trí, vai trò và công năng riêng biệt, độc đáo như một thuộc tính của nó. 

Đứng nhầm chỗ, đóng nhầm vai hoặc sử dụng sai mục đích, chợ đều trở nên vô duyên. Theo “lát cắt” dọc, trong quá trình vận động của hàng hóa, từ sản xuất đến tiêu dùng, chợ nằm ở vị trí trung gian. Theo “lát cắt” ngang, chợ giữ vị trí trung tâm của mạng lưới các tổ chức lưu thông hàng hóa trên một không gian (địa bàn) thị trường nhất định. Đặc biệt, trên thị trường nông thôn và miền núi, vị trí của chợ lại càng quan trọng. Đối với hàng nông sản thực phẩm, chợ là khâu khởi đầu của quá trình lưu thông, là nơi hàng hóa bắt đầu bước vào quá trình lưu thông. Đối với hàng công nghiệp tiêu dùng (và vật tư cho sản xuất), chợ là khâu kết thúc của quá trình lưu thông. Mặc dù sự phát triển của sản xuất và tiêu dùng kéo theo sự ra đời và phát triển của các loại hình tổ chức lưu thông (phân phối) hàng hóa khác, nhưng rất nhiều sản phẩm hàng hóa, để từ sản xuất đến được tiêu dùng, trên con đường ấy, nhất là ở thị trường nông thôn và miền núi, vẫn phải qua chợ. 

– Là nơi để mua (tiêu thụ) sản phẩm đầu ra, thu hồi vốn, bán (cung ứng) vật tư đầu vào, phản ánh tín hiệu của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng…, chợ đóng vai trò định hướng cho sản xuất, thúc đẩy sản xuất và tái sản xuất không ngừng phát triển. 

– Là nơi để bán (cung ứng) hàng tiêu dùng cho cộng đồng cư dân, chợ cũng đóng vai trò định hướng cho tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng ngày càng phát triển cả về lượng và chất, cả về qui mô và trình độ, cả về chiều rộng và chiều sâu. 

Với vai trò đó, xét trên một địa bàn (không gian kinh tế) nhất định, chợ sẽ là hạt nhân làm cho mua bán trở nên nhộn nhịp, thị trường trở nên sống động, kích thích các hoạt động kinh tế và kéo theo nó là các quan hệ xã hội cùng vận động dưới “bóng mát” của chợ, từng bước phát triển sản xuất và cải thiện tiêu dùng, nâng cao mặt bằng về đời sống kinh tế – xã hội của cả địa bàn, cả khu vực. 

Đặc biệt, ở thị trường nông thôn và miền núi, ở những khu vực mà điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn khó khăn, xuất hiện một cái chợ sẽ làm sống động một vùng kinh tế, làm hưng thịnh một loạt ngành nghề sản xuất, làm cải biến một triết lý kinh doanh và làm giàu có một cộng đồng cư dân. Chợ đem hình thái hàng hóa đến cho sản phẩm nông nghiệp, chợ đem cơ chế thị trường đến cho kinh tế nông thôn và miền núi. 

Từ khái niệm, vị trí và vai trò của chợ trên thị trường xã hội và trong nền kinh tế, theo quan điểm hiện đại, công năng (hay chức năng) của chợ là để thực hiện (hay cung cấp) một cách tập trung và trực tiếp các dịch vụ:
– Mua bán (bán buôn, bán lẻ) hàng hóa; 

– Hình thành giá cả thị trường của hàng hóa; 

– Kiểm soát chất lượng hàng hóa; 

– Tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa; 

– Xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, trao đổi thông tin, tiếp cận thị trường; 

– Các dịch vụ bổ sung, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. 

Ngoài ra, chợ cũng còn là nơi để tuyên truyền, phổ biến chính sách và luật pháp, tiến hành các phong trào và các cuộc vận động xã hội, giao lưu văn hóa, tổ chức các sinh hoạt tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống cho/của cộng đồng cư dân trong khu vực có chợ. 

3. Phát triển chợ truyền thống trong kịch bản hiện đại về các điều kiện và yếu tố có liên quan, trong kịch bản hiện đại về tổng thể thương mại bán lẻ. 

Các điều kiện tự nhiên, xã hội 

Các điều kiện tự nhiên và xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí được lựa chọn để xây dựng chợ. Các điều kiện tự nhiên, xã hội tham gia vào việc xác định vị trí không gian hay địa điểm cụ thể của chợ, như: địa hình, vị trí địa lý bảo đảm sự thuận tiện về giao thông, về nguồn cung cấp và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, điều kiện tự nhiên, xã hội không chỉ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư xây chợ, mà còn ảnh hưởng đến những lợi ích của chủ thể đầu tư, của nhà kinh doanh, của người tham gia trao đổi mua bán hàng hóa trong chợ cũng như của cả cộng đồng xã hội. 

Về chi phí, khi điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng được lựa chọn để xây dựng chợ thuận lợi sẽ góp phần làm giảm chi phí đầu tư xây dựng như: chi phí san lấp mặt bằng, chi phí vận tải vật liệu xây dựng, chi phí làm đường giao thông nội bộ, xây lắp hệ thống cung cấp điện nước,… và cũng làm giảm chi phí hoạt động thường xuyên như chi phí sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị,… 

Các điều kiện tự nhiên và xã hội cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút người mua và người bán đến chợ. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến những lợi ích của chủ đầu tư và của nền kinh tế. Đối với các chủ đầu tư chợ, khả năng thu hút được nhiều người mua, người bán sẽ làm tăng doanh số mua vào, bán ra hay tăng khả năng khai thác cơ sở vật chất – kỹ thuật đã được đầu tư, qua đó làm tăng thêm thu nhập hay lợi nhuận của chợ. Đối với nền kinh tế, qui mô và phạm vi qui tụ người mua, người bán của chợ càng rộng lớn thì tác động của các hoạt động thương mại đối với sản xuất, tiêu dùng cũng như đối với các hoạt động kinh tế khác càng được phát huy và mang lại lợi ích chung càng lớn. 

Điều kiện kinh tế 

– Quá trình phát triển lĩnh vực sản xuất tạo ra cơ sở nguồn hàng cung cấp cho các mạng lưới chợ. Trong đó, cơ cấu kinh tế và cơ cấu sản xuất là cơ sở quyết định đến cơ cấu nguồn hàng và cơ cấu sản phẩm được cung ứng qua mạng lưới chợ và tạo mối liên kết kinh tế giữa các khu vực trong vùng và giữa các vùng sản xuất với nhau. Trình độ phát triển của sản xuất đòi hỏi những hình thức trao đổi, mua bán phù hợp và tạo khả năng để tổ chức các kênh phân phối qua chợ. Qui mô và trình độ tổ chức sản xuất có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của các phương thức kinh doanh. Khi sản xuất ở qui mô cá thể, hộ gia đình và trình độ tổ chức sản xuất thấp thì số lượng người bán, người mua sẽ lớn và phương thức mua bán chủ yếu là giao dịch trực tiếp từng lô hàng nhỏ lẻ. Khi sản xuất ở qui mô lớn là chính thì số lượng người bán là người sản xuất trực tiếp sẽ giảm đáng kể và số lượng người phân phối chuyên nghiệp sẽ tăng lên… Vì vậy, trình độ phát triển của sản xuất có thể ảnh hưởng đến phát triển chợ trên các khía cạnh làm tăng hay giảm lợi ích từ hoạt động chợ tuỳ theo mức độ phù hợp của nó và làm tăng hay giảm chi phí hoạt động thường xuyên của chợ; đồng thời làm thay đổi cơ cấu hàng hóa, cơ cấu người bán trong chợ. 

– Quá trình phát triển lĩnh vực tiêu dùng ảnh hưởng rõ rệt đến phát triển mạng lưới chợ. Qui mô thu nhập và chi tiêu của các tầng lớp dân cư xác định khả năng mua sắm, yêu cầu về chất lượng hàng hoá, chu kỳ hay nhịp độ mua sắm,…và từ đó ảnh hưởng đến thời gian hoạt động, số lượng khách hàng, doanh số mua vào, bán ra của các loại hình chợ; Những xu hướng phát triển của nhu cầu tiêu dùng và các điều kiện sống của dân cư quyết định cơ cấu, chất lượng, mức giá cả hàng hoá có thể bán ra qua mạng lưới chợ; Phương thức tiêu dùng của các tầng lớp dân cư có ảnh hưởng đến việc tổ chức và thực hiện các hoạt động dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, tạo ra tính lợi ích hay giá trị kinh tế – xã hội của mạng lưới chợ. Những phong tục, tập quán, thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng ở từng nơi khi “đi chợ” cũng có những ảnh hưởng nhất định đến phát triển chợ. 

– Quá trình phát triển lĩnh vực lưu thông phụ thuộc chặt chẽ vào quá trình tập trung hoá trong sản xuất và tiêu dùng. Qui luật của tổ chức lưu thông thường phát triển từ qui mô nhỏ lẻ lên qui mô lớn hơn, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng lớn hơn. Tương ứng với qui mô và phạm vi lưu thông nhỏ hẹp là phương thức trao đổi, mua bán giao ngay và trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong một khu vực nhỏ. Khi qui mô và phạm vi lưu thông rộng lớn hơn, tầng lớp trung gian thương mại giữa người sản xuất và người tiêu dùng xuất hiện và đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các thương nhân cố định ở chợ sẽ thực hiện các mô hình và phương thức kinh doanh mới, tiến bộ hơn và tham gia tích cực vào hoạt động đầu tư phát triển chợ. Ngày nay, trong mạng lưới chợ, ngoài những phương thức mua bán truyền thống như mua bán, mặc cả, thanh toán trực tiếp và bằng tiền mặt, còn có phương thức giao dịch, thanh toán điện tử, mua bán đấu giá, mua bán hợp đồng và các hoạt động xuất – nhập khẩu… 

Các yếu tố về cơ sở hạ tầng 

Các yếu tố về cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước và các dịch vụ như thông tin, liên lạc, vận tải… có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển mạng lưới chợ. Sự đầy đủ và thuận tiện của cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy các dòng lưu chuyển hàng hóa và người, phương tiện đến các chợ. Đặc biệt trong đó là yếu tố giao thông đường bộ. Cư dân, hàng hóa và đường đi là 3 “đỉnh” của “tam giác” chợ. 

Các yếu tố về hội nhập kinh tế khu vực và thế giới 

Hội nhập kinh tế quốc tế vừa có những ảnh hưởng trực tiếp, vừa có những ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển mạng lưới chợ biên giới. 

– Những ảnh hưởng gián tiếp được biểu hiện qua những ảnh hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế đến cơ cấu sản xuất, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng, cách thức mua sắm, tiêu dùng hàng hoá của dân cư… 

– Những ảnh hưởng trực tiếp của hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đến sự phát triển mạng lưới chợ biên giới được biểu hiện cụ thể như: 

+ Các dòng lưu chuyển hàng hóa, người, phương tiện và vốn qua khu vực biên giới 

+ Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ phân phối, đặc biệt là đầu tư vào các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối bán buôn… Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh và tính hiệu quả trong đầu tư đối với mạng lưới chợ; 

+ Với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, cạnh tranh trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại tăng lên có thể sẽ làm tăng chi phí đầu tư phát triển mạng lưới chợ (chủ yếu do mặt bằng giá cả trong nước được đẩy lên gần với mặt bằng giá cả quốc tế); đồng thời, cũng làm gia tăng các khoản chi cho hoạt động kinh doanh thường xuyên của mạng lưới chợ. 

Năng lực của các nhà đầu tư 

Các nhà đầu tư nói chung khi đưa ra quyết định đầu tư luôn mong muốn và nỗ lực để thu được hiệu quả tài chính cao. Tuy nhiên, nhiều khi các nhà đầu tư vẫn gặp phải những tổn thất do nguyên nhân chủ quan gây ra. Những nguyên nhân chủ quan từ phía các nhà đầu tư có thể phân thành hai nhóm chủ yếu: Một là, những nguyên nhân trong quá trình đầu tư xây dựng; Hai là, những nguyên nhân trong quá trình khai thác năng lực phục vụ của mạng lưới chợ đã được đầu tư. 

Trong quá trình đầu tư, về phía chủ quan, những nguyên nhân gây tổn thất và làm giảm hiệu quả đầu tư bao gồm: 

– Công tác quản lý đầu tư thiếu chặt chẽ, gây lãng phí và làm tăng chi phí đầu tư; 

– Quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng và các chợ cụ thể chưa được cân nhắc cẩn thận làm giảm khả năng hoạt động của chính cơ sở vật chất – kỹ thuật được đầu tư xây dựng; 

– Quyết định về qui mô đầu tư chưa được dự tính đúng, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, xu hướng lưu thông hàng hoá, dẫn đến tình trạng hoặc là dư thừa công suất, hoặc là quá tải làm cho công trình nhanh xuống cấp; 

– Những hạn chế của các nhà đầu tư về khả năng huy động và thực hiện vốn đầu tư xây dựng chợ để đạt được qui mô, các điều kiện hoạt động cần thiết đảm bảo tối đa hoá lợi nhuận; 

Trong quá trình khai thác năng lực phục vụ của mạng lưới chợ, về phía chủ quan, các nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư bao gồm: 

– Việc tổ chức các hoạt động mua, bán hàng hoá thiếu khoa học làm tăng chi phí hoạt động của cơ sở kinh doanh tại chợ; 

– Trong điều kiện thị trường cạnh tranh, nhà đầu tư thiếu những chi phí cần thiết để thực hiện các hoạt động thu hút, xây dựng nguồn hàng, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh bán ra; 

– Đối với các chợ, việc xác định giá bán hay cho thuê diện tích kinh doanh, các chính sách thu hút lực lượng tham gia kinh doanh tại chợ, các chính sách tổ chức và cung ứng dịch vụ phục vụ kinh doanh,… sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và hiệu quả đầu tư xây dựng chợ. 

Các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước 

Nhà nước gây tác động đến hiệu quả đầu tư phát triển mạng lưới chợ thông qua các chính sách và qui định quản lý mạng lưới chợ. Việc áp dụng hệ thống các biện pháp nhằm thực hiện những yêu cầu quản lý phát triển mạng lưới chợ sẽ làm thay đổi những cơ sở ra quyết định, điều kiện thực hiện đầu tư và khả năng khai thác năng lực phục vụ của mạng lưới chợ đã được đầu tư. 

Những tác động của Nhà nước đến cơ sở ra quyết định, điều kiện thực hiện đầu tư của các chủ thể đầu tư vào mạng lưới chợ bao gồm: 

– Chính sách sử dụng đất chợ; 

– Các qui định về thủ tục đầu tư, qui mô tối thiểu, tối đa của các hạng mục đầu tư…; 

– Các chính sách sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư chợ; 

– Các chính sách, qui định của Nhà nước có liên quan khác, như chính sách tín dụng, chính sách kiểm soát giá, nhất là đối với các mặt hàng vật tư, nguyên liệu… 

Những tác động của Nhà nước đến khả năng khai thác năng lực phục vụ của mạng lưới chợ được đầu tư bao gồm: 

– Các qui định về điều kiện gia nhập và rút lui kinh doanh tại các chợ đối với các hộ, các đơn vị kinh doanh; 

– Các chính sách thuế đối với các hộ, các cơ sở kinh doanh hàng hoá và dịch vụ tại các chợ; 

– Các chính sách quản lý giá cả, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, qui định điều kiện kinh doanh các mặt hàng và các chính sách quản lý lưu thông hàng hoá khác; 

– Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý chợ, phát triển mạng lưới thông tin thị trường, áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại và phát triển các dịch vụ của chợ…; 

– Các biện pháp cưỡng chế, giải toả đối với chợ tự phát và các hoạt động mua bán tràn lan không đúng nơi quy định. 

Nhìn chung, những yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển mạng lưới chợ được tập hợp từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau. Để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển chợ, việc đánh giá đầy đủ và đúng các nhân tố ảnh hưởng khách quan và chủ quan không chỉ là vấn đề đặt ra đối với các nhà đầu tư vào mạng lưới chợ, mà còn đối với cả Nhà nước. Đặc biệt, hiệu quả đầu tư phát triển chợ phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách phát triển kinh tế nói chung và chính sách phát triển chợ nói riêng của Nhà nước. 

Như vậy, theo quan điểm hiện đại về phân phối hàng hóa (một trong các ngành dịch vụ quan trọng nhất của thương mại dịch vụ), chợ truyền thống vẫn giữ nguyên vị trí, vai trò và giá trị của nó. Nói cách khác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn phải có không gian riêng biệt cho chợ truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vật chất và văn hóa giàu bản sắc của một cộng đồng cư dân nhất định, với tính cách như là một thiết chế trong đời sống thường ngày của họ. Tiếp cận theo quan điểm trên, xu hướng đưa chợ truyền thống cùng các loại hình bán lẻ khác vào trong cái gọi là Trung tâm mua sắm (Shopping Center) như Hà Nội hiện nay có lẽ nên xem lại. Trong trường hợp này, không phải “mọi con đường đều dẫn tới La Mã”!