Phát triển cây gai xanh hiệu quả cao ở phía Bắc

Phát triển cây gai xanh hiệu quả cao ở phía Bắc

Sau 5 tháng triển khai, đến nay, mô hình trồng cây gai xanh AP1 ở một số địa phương của Điện Biên bước đầu đã cho thu hoạch và đem lại hiệu quả cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa, ngô, sắn.

Triển vọng

Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập, đặc biệt góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, từ tháng 9/2021, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) phối hợp với Tập đoàn An Phước trồng thử nghiệm 13ha cây gai xanh tại các xã vùng cao. Bước đầu đánh giá cây gai xanh sinh trưởng tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân vùng khó.

 

00.jpg

Lãnh đạo UBND tỉnh, huyện Tuần Giáo tham quan gian trưng bày sản phẩm từ cây gai xanh.

 

Có dịp trở lại xã Rạng Đông chúng tôi nhận thấy sự đổi thay của mảnh đất và con người nơi đây. Nếu trước đây  đất đồi bị người dân bỏ hoang hóa nhiều năm, cỏ mọc um tùm thì nay đã phủ một màu xanh mướt của cây gai xanh. Là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm, tới nay 1ha cây gai xanh của gia đình anh Cà Văn Trang, bản Nậm Mu đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Trang chia sẻ: “Việc chuyển diện tích đất sang trồng cây gai xanh, chúng tôi không phải mất tiền đầu tư giống, phân bón, vì được Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Tây Bắc cung ứng trước. Cùng với đó, chúng tôi được cán bộ HTX hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, dù đất đồi nhà tôi cằn cỗi, nhiều sỏi đá, nhưng sau 6 tháng trồng, cây phát triển tốt và đã cao khoảng 1m, dự kiến cuối tháng 6 cho thu hoạch lứa đầu tiên. Trồng cây gai xanh chỉ vất vả những ngày đầu mới trồng phải làm cỏ, từ lứa thứ hai trở đi chủ yếu chăm sóc, bón phân sau thu hoạch”.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây gai xanh, xã Rạng Đông đã phối hợp với HTX Dược liệu Tây Bắc tuyên truyền, vận động người dân cải tạo đất đồi hoang hóa, bạc màu, năng suất kém sang trồng cây gai xanh (hiện toàn xã đã trồng 8ha cây gai xanh). Ông Lầu A Sính, Chủ tịch UBND xã Rạng Đông cho biết: “Cây gái xanh được trồng tập trung ở các bản: Nậm Mu, Nong Luông, Bon A… theo đánh giá ban đầu cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt; dự kiến cuối tháng 6 những diện tích trồng đầu tiên sẽ cho thu hoạch lứa đầu. Đặc biệt, đầu ra được HTX bao tiêu, nên các hộ gia đình rất yên tâm”. Ông Sính khẳng định: “Việc phát triển cây gai xanh không những góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn tạo thêm sinh kế, hướng đi mới để người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”.

Là đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, HTX Dược liệu Tây Bắc đã đồng hành với nông dân vùng cao Tuần Giáo trong suốt quá trình triển khai, thực hiện. Ông Quàng Văn Hưng, Phó Giám đốc HTX Dược liệu Tây Bắc cho biết: Khi tham gia mô hình, bà con được HTX ứng trước giống cây, phân bón và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Gai xanh là loại cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Tùy vào điều kiện thời tiết, khí hậu từng vùng miền để bố trí mùa vụ trồng thích hợp, ưu tiên thời gian bắt đầu có mưa, nhiệt độ không khí vừa phải, tránh khí hậu cực đoan (gió Lào, bão lũ, quá nóng hay quá lạnh…).

Đối với cây trồng mới thường cho thu hoạch sau 4 tháng, các vụ kế tiếp thu hoạch sau 75 ngày. Trung bình, 1ha cây gai xanh cho thu từ 800 – 1.000kg vỏ khô, cho giá trị 70 – 80 triệu/ha/năm; mỗi năm có thể thu hoạch từ 4 – 5 vụ. Đây là loại cây rất có giá trị kinh tế, bởi có thể sử dụng tất cả bộ phận của cây để làm ra sản phẩm như: Thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải; lá được sử dụng trong chế biến bánh gai và tách chiết lấy tinh dầu; thân cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy… Sau 10 năm, HTX tiếp tục thu mua củ gai xanh để làm dược liệu. Củ gai xanh được sử dụng làm vị thuốc, giúp an thai và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho thai phụ. Ngoài ra, còn được sử dụng làm vị thuốc chữa các chứng bệnh về mụn nhọt.

Với mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển cây gai xanh, UBND huyện Tuần Giáo đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn An Phước về việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm vỏ khô cây gai xanh AP1 trên địa bàn huyện. HTX Dược liệu Tây Bắc là đơn vị đứng ra cam kết phối hợp với Tập đoàn An Phước cung ứng giống cây gai xanh đảm bảo chất lượng cho nông dân…

Đồng hành hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để cây gai xanh AP1 sinh trưởng, phát triển cho năng suất tốt. Tập đoàn An Phước cam kết thu mua sản phẩm theo cơ chế thị trường đảm bảo các bên cùng có lợi, góp phần phát triển sản xuất cây gai xanh theo hướng bền vững, hiệu quả; cam kết phối hợp tốt giữa các nhà để duy trì và phát triển mối quan hệ liên kết chặt chẽ, lâu dài giữa chính quyền, doanh nghiệp, HTX và người dân.

Ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện, toàn huyện đã trồng được 13ha cây gai xanh, tập trung ở các xã: Rạng Đông, Mường Thín; trong đó xã Rạng Đông được trồng thí điểm từ tháng 9/2021. Theo đánh giá bước đầu cho thấy cây gai xanh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, dự kiến cuối tháng 6 sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên; trên cơ sở kết quả năng suất, sản lượng thu hoạch và đánh giá hiệu quả kinh tế của cây gai xanh đối với diện tích đã được trồng thử nghiệm tại xã Rạng Đông; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương tham mưu cho UBND huyện triển khai mở rộng ra một số địa phương khác để tạo vùng nguyên liệu, đến năm 2025 quy mô đạt khoảng 50 – 100ha.

Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng quy mô dự án tại những khu vực phù hợp, phối hợp với tập đoàn đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ dự án, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.

Thu nhập cao

 

001.jpg

Người dân bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) thu hoạch cây gai xanh.

Cũng hợp tác với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước (Tập đoàn An Phước Viramie), mô hình trồng khảo nghiệm giống cây gai xanh AP1 được Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên triển khai từ tháng 2/2022, tại bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), trên diện tích gần 14ha.

Sau 4 tháng trồng khảo nghiệm cho thấy, cây gai xanh AP1 thích ứng khá tốt với điều kiện địa phương, tỷ lệ cây sống cao, gần như không phải trồng giặm; sinh trưởng nhanh. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ khi toàn bộ vỏ gai làm ra được Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên – đối tác duy nhất của Tập đoàn An Phước Viramie tại tỉnh bao tiêu toàn bộ theo đúng hợp đồng đã ký kết với nông dân.

Đại diện lãnh đạo xã Núa Ngam, huyện Điện Biên chia sẻ, trước đây một số gia đình bản Pá Ngam 2 chuyên trồng các loại cây nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ đầu năm nay người dân chuyển sang trồng cây gai xanh nguyên liệu theo mô hình của Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Đặc biệt, trồng cây gai xanh hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác vì cây gai xanh dễ trồng, đầu tư một lần cho thu hoạch kéo dài nhiều năm; trong khi, có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm.

Đến nay, diện tích cây gai xanh đã cho thu hoạch lứa 1, năng suất bình quân đạt 500kg – 600kg vỏ cây gai xanh/ha. Qua tính toán, với mức sinh trưởng như hiện tại của cây gai xanh ở Núa Ngam sẽ cho năng suất vỏ khô tốt, nếu chăm sóc đúng quy trình với mức thâm canh như khuyến cáo thì từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm cho doanh thu tối thiểu 142 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 45 – 75 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ triển khai mô hình cây gai xanh ở Núa Ngam, sau 5 tháng đưa vào triển khai mô hình cây gai xanh AP1, đến nay cây gai xanh đã có mặt tại 6/10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích trồng khoảng 74ha; trong đó, chủ yếu ở huyện Điện Biên 37,5ha và Mường Nhé 20,5ha.

Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên cho biết: Gai xanh là cây trồng dễ tính, trồng 1 lần thu hoạch ổn định trong 10 năm. Rất ít, thậm chí là không phải dùng tới hóa chất bảo vệ thực vật, vì cây trồng không có đối tượng sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Trong khi đó, doanh nghiệp cam kết thu mua 100% sản lượng sản xuất ra.

Nếu cây trồng được chăm sóc đúng quy trình thì thu nhập trung bình cao hơn trồng ngô, sắn 3 – 4 lần. Cụ thể, cây gai xanh sau khi trồng từ 110 đến 120 ngày là cho thu hoạch vụ đầu của năm thứ nhất, sản lượng đạt khoảng từ 1,2 – 1,6 tấn/ha/năm; sản lượng năm thứ 2 trở đi đạt 3,5 tấn/ha/năm và nếu thổ nhưỡng tốt, đủ phân, nước… sản lượng sẽ đạt đến 4,5 tấn/ha/năm. Mỗi năm tính trung bình thu 4 – 6 vụ, năng suất trung bình năm (4.06 tấn/ha/năm/5 vụ). Giá thu mua tính giá trung bình tại địa phương 35.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, trồng cây gai xanh còn góp phần cải tạo đất trồng và được liên kết bao tiêu sản phẩm. Việc triển khai mô hình sẽ góp phần mở thêm hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh. Do vậy, trong thời gian tới, Công ty mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện để mở rộng diện tích trồng gai xanh tại Điện Biên. Cũng theo ông Lương, thời gian tới đơn vị tiếp mở rộng phát triển vùng nguyên liệu trồng, với quy mô dự kiến giai đoạn 2022 – 2023 là 700ha chủ yếu ở các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ.

Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã mở ra triển vọng về hướng sản xuất mới cho người, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, không khuyến khích bà con trồng ồ ạt mà phải có sự liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất bền vững.

Mở rộng phát triển vùng nguyên liệu cho ngành may mặc

Gai xanh là cây bản địa của Việt Nam, đã được nhân dân sử dụng làm đồ may mặc từ lâu đời. Cây gai xanh chủ yếu được chế tạo thành bông sợi cao cấp phục vụ ngành dệt, may. Trước xu hướng phát triển của ngành dệt, may cũng như xu hướng tiêu dùng của các thị trường cao cấp, việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh đang được các địa phương phía Bắc quan tâm thực hiện.

 

02.jpg

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sợi gai An Phước, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

 

Tại các tỉnh phía Bắc, cây gai xanh chủ yếu được trồng tập trung ở các địa phương như: Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An… với diện tích khoảng 1.600 đến 2.000ha. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa, đến nay đã hình thành vùng nguyên liệu cây gai xanh với diện tích 703ha. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đối với cây gai xanh lưu gốc (từ năm thứ hai) với chi phí hơn 71 triệu đồng/ha, năng suất vỏ khô đạt từ 3.000 đến 3.500kg gai/ha, giá bình quân 45.000 đồng/kg người dân thu được từ 132 đến 164,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 64 đến 93 triệu đồng/ha.

Riêng những nơi có năng suất từ 1.000kg trở lên, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Có những gia đình ở các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hoằng Hóa cho thu hoạch 5 lần/năm, sản lượng đạt từ 4.000 đến 5.000kg/ha, lợi nhuận đạt từ 135 đến 150 triệu đồng/ha/năm. Chị Phạm Thị Thanh, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy bộc bạch: “Ban đầu, gia đình tôi trồng cây gai xanh, bán nguyên liệu thô nên hiệu quả chưa cao. Sau khi cán bộ khuyến nông và doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, thu nhập từ loài cây này đã cao hơn. Ba năm qua, gia đình tôi dần mở rộng diện tích trồng cây gai lên hơn 9ha, trong đó diện tích cây gai lưu gốc cho thu hoạch ba lứa/năm”.

So với một số địa phương phía Bắc, cây gai xanh có mặt ở Hòa Bình muộn hơn nhưng do được trồng một cách khoa học, có sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chuyên môn, nên loại cây này từng bước phát huy giá trị. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Ðắc Hùng cho hay, đến nay nông dân trong tỉnh đã trồng được 160ha cây gai xanh tại các huyện Lạc Sơn, Ðà Bắc và thành phố Hòa Bình.

Hiện, trên địa bàn có ba hợp tác xã là đối tác của Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước trong phát triển vùng nguyên liệu; ký hợp đồng với hộ dân về cung ứng vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, thu hoạch, bao tiêu vỏ cây gai theo giá thỏa thuận. Trung bình một năm, kể từ khi trồng, cây gai xanh cho thu hoạch 4 lứa, sản lượng đạt 2,6 đến 2,8 tấn, doanh thu 100 đến 110 triệu đồng/ha. Ðối với cây gai trồng trên đất bãi cho năng suất 3,3 đến 3,5 tấn, thu nhập 130 đến 140 triệu đồng/ha. Trồng cây gai xanh đạt thu nhập cao hơn từ 2,5 đến 4 lần so với các cây trồng truyền thống như ngô, sắn, mía.

Cũng theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ưu điểm nổi bật trong sản xuất cây gai xanh là hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác trên cùng một vùng đất từ 20 – 60 triệu đồng/ha/năm. Loại cây này trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm, dễ trồng, ít sâu bệnh, thích hợp trên nhiều vùng đất khác nhau; gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt, thu mua, chế biến và tiêu thụ nên từng bước hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế chính sách phát triển cây gai xanh với các nội dung như: hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khi chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng gai, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để mua giống cây gai xanh nguyên liệu khi trồng mới; hỗ trợ kinh phí mua máy tước vỏ gai với mức 5 triệu đồng/máy cho tổ chức hoặc hộ gia đình có từ một ha gai nguyên liệu trở lên. Một số địa phương đã ban hành cơ chế hỗ trợ để khuyến khích phát triển cho thành viên hợp tác xã trồng mới cây gai xanh và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm…

Cả nước hiện có 173 làng nghề thêu và dệt đã được công nhận. Nguyên liệu thêu, dệt gồm có tơ tằm, sợi bông, sợi lanh… và gần đây là sợi gai (từ cây gai xanh). Ðây là cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, không chỉ bảo đảm nguyên liệu cho ngành dệt may mà còn giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, thứ nhất, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng tập trung gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến sợi nhằm bảo đảm nguồn cung và chất lượng nguyên liệu cho các làng nghề dệt.

Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi dần tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại, bền vững gắn với thị trường tiêu thụ là các công ty dệt may và các làng nghề dệt truyền thống.

Thứ ba, xây dựng chuỗi liên kết giữa người sản xuất, đơn vị chế biến sợi từ cây gai xanh, các làng nghề dệt thổ cẩm và các đơn vị bao tiêu sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây gai xanh. Thứ tư, phối hợp với các đơn vị cung ứng giống cây gai xanh để tổ chức, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người trồng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm gắn với yêu cầu sử dụng nguyên liệu trong các làng nghề dệt truyền thống.

Mới đây, tại hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía bắc do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, gai xanh là cây trồng có hiệu quả kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu và có chính sách phát triển phù hợp để đưa cây gai xanh trở thành cây trồng chủ lực, từ đó giúp nông dân, nhất là địa bàn miền núi phía bắc làm giàu bằng loại cây này. Các địa phương cần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó quan tâm đến quy trình canh tác, giống, cơ giới hóa, công nghệ chế biến.

 

 

V.N (Tổng hợp)