Phát tán bài giảng mà không được phép của giảng viên có vi phạm pháp luật không?

Việc sinh viên ghi âm, quay hình lại các bài giảng của giảng viên trong quá trình học tập xong phát tán những bài giảng đấy mà chưa được sự đồng ý của giáo viên thì có vi phạm pháp luật không? Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê sẽ làm rõ vấn đề này:

Luật sư tư vấn:

 

1. Bài giảng của giảng viên có được coi như là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả không?

Căn cứ theo điểm b Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có quy định bài giảng, bài phát biểu và các bài nói khác được Luật sở hữu trí tuệ xác định là các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả. Một bài giảng, bài phát biểu được bảo hộ quyền tác giả khi: 

– Bài giảng, bài phát biểu và những bài nói khác được điểm b Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 là những loại tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định; 

– Trong các trường hợp tác giả của bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được tác giả tự thực hiện việc định hình dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình thì tác giả của bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác sẽ được hưởng quyền tác giả đối với những tác phẩm của mình, đồng thời cũng được công nhận là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật sở hữu trí tuệ.

Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP thì việc định hình một tác phẩm được hiểu là sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, các đường nét, hình khối, bố cc, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc là những sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới các dạng vật chất nhất định để từ việc định hình này có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt nội dung của tác phẩm này. 

Như vậy căn cứ theo các quy định được nêu ở trên bài giảng của giáo viên là sản phẩm của sự sáng tạo do giáo viên xây dựng vì vậy có thể được coi là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Trường hợp Quý khách hàng còn bất cứ vướng mắc gì về nội dung đã nêu trên Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài số: 19006162 để được hỗ trợ trực tiếp. Rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý khách hàng. Trân trọng!

 

2. Phát tán bài giảng không được sự cho phép của giảng viên có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì nếu trường hợp một tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, có đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất ra bản ghi âm, ghi hình thì tổ chức, cá nhân đó được xác định là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó trừ trường hợp các bên có liên quan đến bản ghi âm, ghi hình có sự thỏa thuận khác. Như vậy đối với bản ghi âm, ghi hình của giáo viên thì có thể xảy ra các trường hợp sau: 

  • Trường hợp giảng viên trực tiếp giảng bài và là người trực tiếp thực hiện việc định hình bài giảng của mình dưới các dạng là bản ghi âm, ghi hình thì giảng viên sẽ được xác định là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình do mình định hình cũng như là được hưởng đầy đủ các quyền tác giả đối với tác phẩm do mình định hình. Do đó giảng viên thuyết giảng sẽ được xác lập các quyền liên quan đến nhân thân ví dụ như: quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền sửa chữa các nội dung trong tác phẩm, quyền công bố tác phẩm,… và được xác lập quyền tài sản đối với tác phẩm của mình ví dụ như các quyền: quyền sao chép tác phẩm, quyền truyền đạt, phân phối, nhận thù lao đối với tác phẩm của mình,…. Do đó trường hợp sinh viên sử dụng bài giảng của giảng viên và phát tán các bài giảng này thì cần phải được sự đồng ý của giảng viên. 
  • Trường hợp giảng viên không định hình bài giảng của mình dưới dạng bản ghi âm, ghi hình  mà việc ghi âm ghi hình là do một chủ thể khác, có thể là sinh viên tham gia lớp học ghi âm, ghi hình lại thì có thể hiểu việc giảng viên giảng bài giảng của mình một cách công khai, thực hiện trên một phạm vi rộng và có sự tham gia, tiếp cận của rất nhiều chủ thể khác nhau do đó việc kiểm soát hoạt động ghi âm, ghi hình của những chủ thể tham gia nghe bài giảng của giảng viên là rất khó để có thể kiểm soát được. Ngoài ra cơ chế xử lý đối với cách hành vi tự ý ghi âm, ghi hình này cũng đang còn khá là hạn chế, cụ thể: 

– Đối với các hành vi ghi hình người khác và phát tán hình ảnh của người đó mà chưa được sự đồng ý thì hành vi này là hành vi vi xâm phạm đến quyền nhân thân (quyền cá nhân đối với hình ảnh) được quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, nếu sử dụng vào mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh.

– Còn đối với các trường hợp ghi âm thì pháp luật hiện hành lại chưa có bất cứ một cơ chế xử lý đối với hành vi này. 

  • Trường hợp giảng viên là người trực tiếp thuyết giảng bài giảng nhưng nhà trường lại là chủ thể thực hiện các hoạt động về định hình bài giảng này dưới các dạng ghi âm, ghi hình thì căn cứ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, người giảng viên xây dựng, thuyết giảng bài giảng sẽ là tác giả của bài giảng đó còn nhà trường là người định hình nên bài giảng thì sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài giảng đó. Như vậy trường hợp này người giáo viên xây dựng nên bài giảng sẽ là chủ thể được quyền nắm giữ quyền nhân thân đối với bài giảng còn chủ thể nắm giữ quyền tài sản đối với bài giảng lại là nhà trường (cơ quan trực tiếp định hình bài giảng này), do đó nhà trường sẽ hoàn toàn có quyền ngăn cấm các chủ thể khác xâm phạm đến quyền tác giả của bài giảng này. Như vậy mọi hành vi khai thác, sử dụng, phân phối, phát tán mà không xin phép thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm. 

Khoản 1, điều 44, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định:

“Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan”.

Giáo viên của bạn đầu tư thời gian, công sức để xây dựng bài giảng và thể hiện bài giảng, cơ sở vật chất (bàn ghế để các bạn ngồi học, điện, nhà-nơi giảng bài) để thể hiện bài giảng này, do đó, giáo viên của bạn là chủ sở hữu đối với bài giảng đã được ghi âm, ghi hình đó. 

Theo quy định tại khoản 3, điều 20, Luật này, việc ghi âm, ghi hình hoặc sao chép sự thể hiện bài giảng đó phải được sự đồng ý của giáo viên. 

Căn cứ theo quy định tại điều 32, Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, bạn có thể cho phép bạn của bạn tự mình sao chép một bản nếu vì mục đích phục vụ việc học tập, nghiên cứu khoa học của bản thân. Bạn không được phát tán lên các phương tiện thông tin đại chúng kể cả trong trường hợp không nhằm mục đích kinh doanh khi chưa được sự đồng ý của chủ nhân của bài giảng này bởi việc đó sẽ làm ảnh hưởng đến việc khai thác bài giảng, gây phương hại đến lợi ích của người giáo viên đó.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay  số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Luật Minh Khuê trân trọng cảm ơn!