Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ở cơ sở

(QK7 Online) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phương thức “nêu gương” trong giáo dục cán bộ, đảng viên và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của người xưa “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” (nghĩa là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới bằng lời nói). Người quan niệm, nêu gương đạo đức là yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên và người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị; có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao và thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”.

 

Phó Đô đốc Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 trao đổi công việc với đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.                                                                          

Trong các nghị quyết, Đảng ta luôn luôn coi trọng việc nêu gương. Cách đây hơn 20 năm, ngày 16-7-1998, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã yêu cầu “Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu của người cộng sản”. Từ đó đến nay Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản nhấn mạnh đến việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã chỉ rõ vấn đề nêu gương; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 7-6-2012 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định 55/QĐ-TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Đặc biệt, mới đây, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, đã ra Quy định số 08-QĐ/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Như vậy, trong mọi thời kỳ cách mạng nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo thì trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn luôn được đề cao. Đó không chỉ là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng mà còn là nét văn hóa để mỗi đảng viên thực sự là tấm gương sáng để dân tin, dân phục và dân theo. Nêu gương là cuộc đấu tranh để cán bộ đảng viên chiến thắng chính bản thân mình, khắc phục yếu kém, khuyết điểm của mình. Nêu gương được xem như một giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc, thấm đẫm đạo lý truyền thống của dân tộc; giá trị ấy được phát huy và kết tinh lan tỏa ở đỉnh cao tư tưởng, đạo đức Bác Hồ. Trước yêu cầu mới của cách mạng hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên luôn phải nêu gương trước, gương mẫu đi đầu.

Đối với lực lượng vũ trang Quân khu 7 thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp nhất là cán bộ chủ trì ở các đơn vị cơ sở đã phát huy cao độ trách nhiệm, gương mẫu trong cuộc sống và công tác. Đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh, tích cực tự học, tự rèn; không ngại khó khăn gian khổ, chủ động, sáng tạo; là trung tâm đoàn kết lãnh đạo chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, còn một số ít cán bộ, đảng viên chủ trì ở một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, chưa thực sự mẫu mực, cá biệt có đồng chí còn vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật… làm ảnh hưởng lòng tin của quần chúng, đến uy tín của cán bộ đảng viên và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Phát huy vai trò “nêu gương” là vấn đề hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ hiện nay.

 Để thực hiện đầy đủ, hiệu quả vấn đề “nêu gương” mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì ở cơ sở cần thực hiện tốt những nội dung:

 Một là, thực hiện “nói đi đôi với làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm, đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông hoặc “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội. Tự mình phải gương mẫu thực hiện nêu gương trước mới giúp người khác làm theo, bản thân mình không gương mẫu thì không thể nói ai được. “Nói đi đôi với làm” phải theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, theo đúng chuẩn mực đạo đức cách mạng càng trở nên cần thiết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực, phẩm chất. Sâu sát, cụ thể, tỷ mỷ, nói ít làm nhiều và đạt hiệu quả cao. Đó chính là mệnh lệnh không lời để thu phục nhân tâm, tạo sự yêu mến, tin tưởng của bộ đội và nhân dân. Nêu gương của cán bộ đảng viên là cán bộ chủ trì ở cơ sở phải thể hiện bằng việc hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm, vụ được giao; phải gương mẫu trong lời nói, hành động; phải giữ nghiêm kỷ luật, pháp luật. Phải thương yêu đồng chí, kính trọng nhân dân, sống có nghĩa có tình; phải tuyệt đối không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đơn vị mình lãnh đạo, chỉ huy phải dân chủ, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối; phải khắc phục nhanh chóng. triệt để yếu kém, khuyết điểm.

Hai là, phải có phương pháp làm việc khoa học. Trong hoạt động thực tiễn, cần “học tập” và “làm theo” Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phong cách làm việc thận trọng, tỉ mỉ, giờ nào việc ấy, tinh thần trách nhiệm cao, thói quen sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng quần chúng. Khi đã đề ra chủ trương, biện pháp thì phải nêu cao đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm lãnh đạo thực hiện cho bằng được. Đồng thời, phải tích cực học tập, nâng cao kiến thức, trình độ; khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm đồng chí, đồng đội. Nghiên cứu, tìm tòi, mạnh dạn đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác. Kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, cơ sở, xa rời quần chúng; phê phán những cán bộ, đảng viên thụ động, ỷ lại chờ trên, sợ trách nhiệm, sợ khuyết điểm và cuối cùng thì không làm được gì cả…

Ba là, coi trọng ý thức giáo dục, rèn luyện đạo đức của chính mình. Hiệu quả “làm theo” bài học nêu gương đạt được ở mức độ nào đều trực tiếp thông qua việc tiếp thu và thực hiện của chủ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Như vậy, việc nêu gương tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thực chất là quá trình… “tự luyện vàng”, để không ngừng hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức và phẩm chất cách mạng. Làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, thiết thực và phải ra sức phấn đấu thực hiện, tránh bệnh hình thức, bệnh thành tích, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân… Thực tế cho thấy, trước những tác động tiêu cực hiện nay, nếu không kiên định, không thường xuyên tự rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, người cán bộ, đảng viên rất dễ sa ngã và đánh mất chính mình trước áp lực của những lợi ích vật chất.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, động lực bên trong giúp mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng tiến bộ. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu thực hiện “nêu gương” được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Sinh thời, Người thường xuyên đặt ra yêu cầu đối với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội là phải rất coi trọng thực hiện chế độ tự phê bình, phê bình.Thực hiện “nêu gương” trong tự phê bình và phê bình phải có phương pháp để bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp và hiệu quả. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Tự phê bình và phê bình phải từ trên xuống; các cấp ủy, cấp lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên nêu gương tự phê bình và phê bình cho cấp dưới và quần chúng noi theo; phải trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của cấp dưới, kể cả những ý kiến trái ngược nhau, ý kiến của những người ngoài Đảng, của các tổ chức chính trị – xã hội và quần chúng nhân dân. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa. Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư). Có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.

Gương mẫu là một mệnh lệnh không lời. Nêu gương mang lại “hiệu ứng lan tỏa”, tập hợp và lôi cuốn quần chúng theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Đồng thời, qua đó làm cho cái thiện, cái đẹp được gieo mầm, nảy nở ngày càng nhiều sẽ lấn át, đẩy lùi cái ác, cái xấu. Vì thế từng cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương mẫu mực về mọi phương diện cho bộ đội noi theo, qui tụ và phát huy cao sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Phó Đô đốc Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7