Phát huy vai trò của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả; nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý…

Kế thừa Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm: quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn.

Thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện có chức năng dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nội dung: “Hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư,…cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý Nhà nước ở các đơn vị này về phòng Nông nghiệp (hoặc phòng Kinh tế) cấp huyện”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 5301/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 chuyển giao các Trạm nêu trên, Ban phát triển nông thôn miền núi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành các Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm. Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự giảm mạnh các tổ chức, đơn vị. Từ 69 Trạm trực thuộc Sở đã hợp nhất, tinh gọn lại thành 21 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.

Các trung tâm mới thành lập sẽ thực hiện chức năng dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Nông dân Con Cuông chăm sóc cam. (Ảnh: Báo NA)

Mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ và các ngành đã kịp thời tham mưu xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cũng như hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm của Trung tâm. Để tiếp tục đảm bảo công tác quản lý Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý, hoạt động và chế độ thông tin báo cáo giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, khuyến nông và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh. Vấn đề tồn đọng đã lâu cũng từng bước được giải quyết dứt điểm trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy đó là tuyển dụng các hợp đồng thu hút vào biên chế.

Khó khăn trong hoạt động

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự ra đời của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện là hướng đi đúng đắn và là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, điều khiến cho Đoàn giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh băn khoăn, trăn trở khi làm việc với các huyện, các ngành liên quan về chuyên đề giám sát tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh vừa qua là hoạt động của Trung tâm hiện nay nhìn chung rất hạn chế, nhiều khó khăn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng mô hình này sẽ phải quay lại như trước đây, trở về trực thuộc các cơ quan của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động

Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế có thể nhìn thấy, đó là do cơ sở pháp lý đối với mô hình này chưa được hoàn thiện. Đến nay, chưa có hướng dẫn của cơ quan Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm; các quy định có liên quan về lĩnh vực này chưa được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ trong chính sách, pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn (như Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thú y và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hai Luật này). Nhân lực ở các Trung tâm sau hợp nhất vừa thừa vừa thiếu, phổ biến nhất là thiếu cán bộ có chuyên môn cao. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu triển khai chức năng, nhiệm vụ; nguồn vốn hoạt động khó khăn. Cơ chế quản lý cũng chưa khác nhiều so với trước đây mặc dù chức năng, nhiệm vụ đã có sự chuyển đổi.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất

Mục tiêu hợp nhất các đơn vị và thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đã được xác định rõ: bảo đảm hệ thống tổ chức tinh gọn, thống nhất cơ chế quản lý, có năng lực tự chủ, tập trung được nguồn lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng dàn trải và trùng lặp. Phát triển chuyên ngành, chuyên môn kỹ thuật; thực hiện lộ trình về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện có 02 chức năng cơ bản: thứ nhất, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, khuyến nông, phát triển nông thôn khi được cấp có thẩm quyền giao; thứ hai, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, khuyến nông, vật tư nông nghiệp và các dịch vụ khoa học kỹ thuật nông nghiệp khác tại địa phương.

Mặc dù chưa có quy định, hướng dẫn của Trung ương nhưng có thể thấy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm đã được định hình khá rõ. Trong đó, việc thực hiện chức năng dịch vụ nông nghiệp sẽ có tác động to lớn đối với nông nghiệp, nông thôn nói chung và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nói riêng như thực tế một số địa phương trong cả nước đã thực hiện thành công. Cụ thể: xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất như cung ứng giống, vật tư và thiết bị các loại; tư vấn, xây dựng, lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới; dịch vụ thu mua, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ; phối hợp các địa phương xác định vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, đề xuất đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn mới…

Để loại hình đơn vị mới này hoạt động hiệu quả và phát triển một cách bền vững rất cần sự quyết tâm đổi mới của bản thân các Trung tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của các cấp, các ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể cũng như người dân.

Diện mạo nông thôn mới ở Yên Thành (Nghệ An) ngày càng khởi sắc. (Ảnh: Báo NA)

Trước hết, cần sự đồng bộ, hoàn thiện kịp thời của hệ thống pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn tạo hành lang, khung khổ pháp lý. Từ trực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm đã được chuyển giao về Ủy ban nhân dân cấp huyện, do đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị hoạt động, nhất là trong giai đoạn đầu thành lập. Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng như tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cần sự quan tâm, hỗ trợ không chỉ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn của các ngành: Tài chính, Công thương, Khoa học công nghệ, Lao động – Thương binh và Xã hội v.v… Đồng thời, với vai trò kết nối, thiết nghĩ, Trung tâm cũng là chủ thể gắn kết các bên trong chu trình quản lý, đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ: cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể – viện, trường – người nông dân – doanh nghiệp.

Là hướng đi, sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, hy vọng và tin tưởng rằng trong thời gian tới, với các giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện sẽ có sự khởi sắc, đóng góp đắc lực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn./.