Phát huy lợi thế, tiềm năng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

TMO – Với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đang tập trung khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên xác định các sản phẩm du lịch đặc trưng bao gồm: Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ; du lịch thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập danh mục theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó, đã có 17 di sản tiêu biểu, đặc sắc đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thái Nguyên đang khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ảnh: Khắc Thọ  

Bên cạnh đó, Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích được bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, trong đó có 283 di tích đã được xếp hạng với 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích cấp quốc gia, và 218 di tích cấp tỉnh…

Trước lợi thế trên, tỉnh tập trung phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà. Tại vùng chè Tân Cương, các hợp tác xã cơ sở sản xuất chè đã bước đầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như các sản phẩm du lịch, thu hút được nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành, khai thác, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến nay, mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà đã được hình thành, phát triển ở nhiều địa phương như xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Phú Đình (huyện Định Hóa), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), xã Bình Sơn (thành phố Sông Công), xã Minh Lập, Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ)…

Bên cạnh việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, nhiều cơ sở sản xuất chè đã đầu tư chỉnh trang những nương chè đẹp, phát triển thêm các dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng tại tỉnh. Ảnh: TT 

Trong phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn, tỉnh tập trung khai thác tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Di tích Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên) – Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (thành phố Thái Nguyên) – Đền Đuốm (huyện Phú Lương) – Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (huyện Định Hóa); Di tích Lý Nam Đế – Thiền viện Tây Trúc – Di tích Núi Văn, Núi Võ – Di tích lịch sử 27/7 – Khu du lịch Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ)… 

Đối với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tại Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đã có các mô hình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm phù hợp với nhiều đối tượng khách.

Bên cạnh đó, một số điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng khác đang được đầu tư, dự báo sẽ thu hút đông đảo du khách trong thời gian tới như hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà; khu vực sườn Đông Tam Đảo với các điểm nổi bật như Khe Lánh – Khe Đù (thị xã Phổ Yên), hồ Suối Lạnh, hồ Vai Miếu, hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công), suối Kẹm, thác Cửa Tử (huyện Đại Từ)…

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ, bổ sung sản phẩm du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm tại một số điểm đến như hồ Núi Cốc, khu vực Đồng Hỷ – Võ Nhai, hang Suối Mỏ Gà, chùa Hang… Đầu năm 2021, đoàn chuyên gia thám hiểm của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã tổ chức khảo sát, thực hiện thám hiểm, xác lập bản đồ, số liệu, hình ảnh tư liệu tại Thái Nguyên. 

Thời gian qua, địa phương này đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng trong phát triển các sản phẩm du lịch như: phát động Tuần Văn hóa du lịch Thái Nguyên; tham gia Hội chợ du lịch VITM Hà Nội 2022; đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực 3 (Việt Bắc-Tây Bắc); tổ chức Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 4;

Đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2; tham gia Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang 2022; tiếp tục thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên với 6 tỉnh vùng Việt Bắc, với 8 tỉnh vùng Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh…

Thái Nguyên sẽ đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra trong quý IV/2022 

Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá và truyền thông về du lịch trên trang website Du lịch Thái Nguyên Thainguyentourism.vn, cổng thông tin du lịch thông minh; tăng cường ứng dụng nền tảng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch…

Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, Thái Nguyên xác định phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương luôn gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.

Đồng thời, hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch chi tiết cho những điểm tham quan du lịch, từng khu du lịch và hạ tầng du lịch trên cơ sở đó thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch cộng đồng; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.

Thái Nguyên ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm du lịch, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh, liên kết với các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh… 

Theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu canh tranh cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt trên 10%/năm; tạo việc làm cho trên 16.000 lao động; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch trên 12%/năm; tạo việc làm cho 24.000 lao động; tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỷ đồng.

 

 

Thanh Nga