Phát huy lợi ích truyền tin của mạng xã hội
Trong thời đại bùng nổ công nghệ 4.0 hiện nay, mạng xã hội được coi như là xương sống trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt là trong việc truyền và nhận thông tin. Tuy nhiên để tiếp cận được những thông tin bổ ích, vai trò và trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội cần được nâng cao một cách hiệu quả.
Theo số liệu báo cáo Digital 2022 do We Are Social thực hiện về hành vi của người dùng Internet, mạng xã hội, thiết bị di động, e-commerce tại Việt Nam, trong đầu năm 2022, có 72,1 triệu người dùng Internet trên tổng số 98,56 triệu dân tương đương với tỷ lệ thâm nhập là 73,2%. Trong đó số lượng tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam là 78,95 triệu, tương đương với tỷ lệ thâm nhập là 78,1%, tăng gần 5 triệu tài khoản so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi người dùng mạng xã hội tại Việt Nam dành trung bình 2 tiếng 28 phút để truy cập mỗi ngày.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng trung bình mỗi người sử dụng khoảng 7,4 nền tảng mạng xã hội khác nhau cho việc liên lạc, cập nhật tin tức. Trong tổng số 15 mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam, Facebook đứng đầu về tỷ lệ người dùng với 93,8%, vị trí số 2 là Zalo với 91,3% người dùng. Ngoài ra, dữ liệu trong báo cáo cho biết Facebook còn giữ vị trí số một trong số các mạng xã hội được sử dụng để dẫn đến trang web của bên thứ 3 với 69,79%, theo sau là YouTube với 13,01%, tiếp theo đó lần lượt là Pinterest (7,45%), Twitter (3,72%), Instagram (3,16%) và cuối cùng là Reddit (1,78%).
Ảnh: We Are Social
Với sự phổ biến và tiện dụng của mạng xã hội, ngày càng có nhiều người dùng sử dụng làm công cụ để truy cập tiếp nhận thông tin. Đặc biệt là Facebook, mạng xã hội có lượng người dùng cao nhất tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Hiện nay, hầu hết người dùng internet chọn cập nhật tin tức hằng ngày thông qua Facebook do tính chất dễ dàng kết nối giữa những người dùng với nhau khiến thông tin được truyền đi nhanh chóng và tiện lợi trong việc tiếp cận.
Tuy nhiên, sự đa dạng thông tin trên mạng xã hội hiện nay có thể khiến cho người đọc bị hiểu lầm và bị tác động tiêu cực nếu những thông tin độc hại xuất hiện ngày càng nhiều trong khi lượng thông tin tích cực, bổ ích lại không được lan truyền rộng rãi. Do đó, để mạng xã hội phát huy được mặt lợi ích trong việc truyền đi những thông tin hữu ích cần có những biện pháp hiệu quả đến từ chính những người dùng mạng xã hội.
Lan truyền những tấm gương người tốt, việc tốt
Hiện nay rất nhiều người dùng mạng xã hội tận dụng tính năng chia sẻ để truyền đi những thông tin vừa cập nhật được đến bạn bè và người thân. Tuy nhiên, số lượng thông tin tích cực có phần ít hơn so với những thông tin gây hiểu nhầm, có tác động xấu đến người đọc. Một phần do bộ lọc, phân loại thông tin của các nền tảng mạng xã hội vẫn còn có lỗ hổng, mặt khác những thông tin giả, độc hại được tạo ra một cách tinh vi trà trộn vào những thông tin được coi là hữu ích khiến những thông tin đó thu hút được nhiều người đọc, tăng lượt tương tác và chia sẻ đến những người dùng mạng xã hội khác.
Theo nghiên cứu của Đại học New York và đại học Grenoble Alpes (Pháp) về hành vi người dùng Facebook, thông tin sai lệch trên Facebook có thể có được lượng tương tác gấp 6 lần so với những thông tin chính xác, đáng tin cậy.
Để giảm thiểu, ngăn chặn những loại thông tin đó gây ảnh hưởng tới người đọc, người dùng mạng xã hội cần tiếp cận và chia sẻ những bài viết, những hình ảnh về những câu chuyện người tốt, việc tốt, những người với tâm thế luôn sẵn sàng đóng góp cho xã hội. Ví dụ như câu chuyện về những y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an tham gia phòng chống dịch COVID-19 hay câu chuyện về những tấm gương quên mình xả thân cứu giúp người gặp nguy hiểm. giúp lan tỏa những điều tích cực đến với người đọc khác. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người dùng mạng xã hội không chỉ trong cách sử dụng những nền tảng mạng xã hội mà còn có thể giúp chuyển hóa những thông tin tiếp nhận thành những hành động thiết thực bên ngoài cuộc sống.
Ảnh: New York Times
Tăng cường sử dụng nền tảng phát video để truyền đạt những thông tin bổ ích
Mặc dù Facebook vẫn đang đứng đầu trong danh sách những nền tảng mạng xã hội có lượt người dùng nhiều nhất, số lượng người sử dụng những nền tảng phát video như Tiktok hay YouTube đang ngày càng có xu hướng đi lên. Tại Việt Nam, đặc biệt là sau đợt dịch COVID-19, người sử dụng mạng xã hội đang dành nhiều thời gian hơn cho những nền tảng phát video.
Trong báo cáo Digital 2022 của We Are Social cũng cho thấy Tiktok, nền tảng phát video phổ biến hiện nay đứng ở vị trí thứ 4 với 75,6% người dùng tại Việt Nam. Với sự sinh động và cuốn hút hơn so với những bài đăng thông thường trên những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter,… nền tảng phát video cần được tận dụng và phát huy để truyền đi những thông tin tích cực đến những người xem. Điều này cần những người sử dụng nền tảng đó tăng cường đăng tải những video có nội dung lành mạnh, hàm chứa những thông điệp tốt đẹp đến với những người dùng khác.
Đặc biệt với nền tảng phát video có số lượng tài khoản cao như Tiktok, người sử dụng dễ dàng tạo ra được trào lưu (trend), qua đó những người dùng có thể tận dụng lợi ích đó để lan tỏa những trend thiết thực cho xã hội. Không chỉ có vậy, hiện nay ngày càng có nhiều người dùng nhỏ tuổi trên các nền tảng phát video. Những đối tượng này rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiếp nhận được khi tham gia vào mạng xã hội. Do đó, những video về thông tin bổ ích như kỹ năng sống hay kiến thức cơ bản cần được lan truyền nhiều hơn để những người xem nhỏ tuổi dễ dàng đón nhận, giúp ngăn chặn được sự tiếp cận những video với nội dung tiêu cực, độc hại, tác động xấu đến hành vi và nhận thức của những người xem đó.
Ảnh: Bloomberg
Đăng tải rộng rãi những hình ảnh tích cực lên các nền tảng mạng xã hội
Bên cạnh phát video, viết dòng trạng thái, đăng tải hình ảnh là một trong những tính năng của mạng xã hội có sức hút đối với người đọc, người xem. Để những thông tin tốt đẹp lan tỏa rộng rãi đến những người dùng trên mạng xã hội. Ví dụ những bức ảnh ý nghĩa về cuộc sống, về những hành động, nghĩa cử cao đẹp, về các khu di tích lịch sử, vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh cần được phát đi một cách mạnh mẽ nhằm tăng lượng xem, lượng theo dõi của người dùng khác trên mạng xã hội.
Mặc dù mức độ phổ biến tại Việt Nam thấp hơn so với Facebook và Zalo, Instagram – một nền tảng chuyên dụng giúp người dùng đăng tải hình ảnh cũng có một vị trí nhất định đối với người tham gia vào mạng xã hội. Vì thế, người dùng Instagram nên tận dụng tính năng sẵn có cùng với sự liên kết với Facebook có của nền tảng này để đăng tải và chia sẻ những hình ảnh tích cực đến những người dùng khác. Thêm vào đó, những bức ảnh được chèn còn giúp tăng độ hấp dẫn của những bài viết với nội dung hữu ích trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Twitter, khiến cho những bài viết đó có thêm nhiều lượt tương tác và chia sẻ.
Điều này góp phần giúp cho những thông tin tích cực lan rộng đến những người dùng mạng xã hội khác, khiến những tin xấu độc không thể phát tán đến người đọc. Không những thế, việc đăng tải những hình ảnh tích cực còn giúp những người dùng mạng xã hội nhỏ tuổi có cơ hội bổ trợ kiến thức, nâng cao tinh thần học hỏi, noi gương những hành động đẹp.
Nâng cao ý thức trách nhiệm và kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội
Để mạng xã hội là nơi chia sẻ những điều tốt đẹp, không chỉ cần những bài viết ý nghĩa, những hình ảnh hay video bổ ích đơn thuần mà còn cần đến ý thức, trách nhiệm và kỹ năng của chính những người sử dụng mạng xã hội. Mỗi người dùng mạng xã hội cần đóng góp một phần nào đó trong việc truyền đi những thông tin hữu ích bằng cách khuyến khích bạn bè và người thân, những người đang tham gia vào mạng xã hội tích cực đăng tải và chia sẻ.
Bên cạnh đó, mỗi người dùng mạng xã hội còn cần lưu ý nhiều hơn nữa trong quá trình tham gia sử dụng các nền tảng mạng xã hội, cần sử dụng câu từ phù hợp, tránh dựa nhiều vào cảm xúc, chủ quan để đưa ra những bình luận dưới mỗi bài viết, hình ảnh hay video hay để đăng tải một chủ đề nào đó.
Không những vậy, người dùng mạng xã hội cần phải hạn chế tối đa sự tập trung vào những bài đăng mang tính tiêu cực, để tránh bị tác động, ảnh hưởng dẫn đến chia sẻ và truyền tải những nội dung đó đến nhưng người dùng mạng xã hội khác. Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cần trang bị riêng cho mình những kỹ năng sàng lọc, phân loại, kiểm chứng các nguồn thông tin khi tiếp cận để không trở thành nạn nhân của những tin giả, tin độc hại được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội./.