Pháp luật về dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp năm 2013

(LSVN) – Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền luôn gắn liền với dân chủ hóa trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và đời sống xã hội. Mở rộng dân chủ trực tiếp là hướng tiếp cận rất quan trọng để đạt được mục tiêu đó ở nước ta hiện nay. Để mở rộng dân chủ trực tiếp, việc hoàn thiện cơ chế pháp lý về vấn đề này là việc làm đầu tiên và quan trọng nhất. Vì thế, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về dân chủ trực tiếp hiện là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn ở nước ta.

Ảnh minh họa.

1. Lý luận chung về dân chủ trực tiếp

1.1. Khái niệm về dân chủ trực tiếp

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuật ngữ dân chủ gồm: Dân là chủ (chỉ vị thế của Nhân dân) và Dân làm chủ (chỉ năng lực và trách nhiệm của Nhân dân). Hai khía cạnh “Dân là chủ” và “Dân làm chủ” luôn đi liền với nhau, thể hiện vị trí, vai trò và quyền của Nhân dân đối với nhà nước. Dân chủ được thực hiện thông qua hai hình thức cơ bản là dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. 

Theo đó, dân chủ trực tiếp được hiểu là sự thể hiện ý chí trực tiếp của người dân để quyết định một vấn đề của nhà nước hay của cộng đồng mà không cần thông qua một thiết chế trung gian, cụ thể là cơ quan đại diện do dân lập ra qua bầu cử. Sự thể hiện ý chí này thông thường có ý nghĩa quyết định, bắt buộc phải được thi hành ngay mà không phụ thuộc vào mong muốn của chính quyền. 

1.2. Phương thức thể hiện dân chủ trực tiếp

Một là, trưng cầu ý dân. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Trưng cầu ý dân thì trưng cầu ý dân được hiểu là: “việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước …”. Hay nói cách khác, trưng cầu ý dân được hiểu là việc cử tri (cả nước hay một địa phương) bỏ phiếu tán thành hay không tán thành khi được hỏi về một vấn đề cụ thể. Về bản chất, trưng cầu ý dân cũng là cách để lấy ý kiến Nhân dân, nhưng có hiệu lực cao hơn việc lấy ý kiến Nhân dân, thể hiện ở việc kết quả lấy ý kiến Nhân dân chỉ có tính chất tham khảo, còn kết quả trưng cầu ý dân thường có hiệu lực bắt buộc với Nhà nước. 

Hai là, bãi nhiệm (hay bãi miễn) đại biểu dân cử. 

Đại biểu dân cử là những người do Nhân dân trực tiếp bầu ra, vì thế Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của họ với tư cách là những người đại diện cho ý chí, lợi ích, nguyện vọng của cử tri; giám sát năng lực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đại biểu cũng như thực hiện các chức vụ được giao; giám sát phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các đại biểu. Một đại biểu dân cử không thể hiện được ý chí, lợi ích, nguyện vọng của cử tri, thiếu năng lực và trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao, hay vi phạm về phẩm chất, đạo đức, lối sống thì có thể bị cử tri bãi nhiệm một cách trực tiếp hay gián tiếp. 

Ba là, lấy ý kiến quyết định của Nhân dân ở cơ sở. 

Khi bàn đến dân chủ, không thể không bàn đến việc phát huy dân chủ tại cơ sở. Trong đó, các nội dung “dân bàn và quyết định trực tiếp” chính là những biểu hiện của dân chủ trực tiếp theo nghĩa cụ thể và truyền thống nhất. Bên cạnh đó, các nội dung “dân bàn, biểu quyết, tham gia ý kiến để cấp có thẩm quyền quyết định” là những biểu hiện của dân chủ trực tiếp theo nghĩa rộng. Đây là những hình thức thực thi dân chủ ở cấp cơ sở đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam kể từ Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.

Bốn là, bầu cử. 

Trong Luật Hiến pháp, thuật ngữ “bầu cử” được hiểu là thủ tục thành lập nên các cơ quan nhà nước hay chức danh nhà nước. Thủ tục này được thực hiện bằng sự bỏ phiếu phổ thông, tự do, bình đẳng của cử tri (đại cử tri, đại diện cử tri) để lựa chọn ra người đại diện cho mình trong số các ứng cử viên. Định nghĩa trên cho phép phân biệt bầu cử với các phương pháp khác dùng để thành lập cơ quan hay chức danh nhà nước, chẳng hạn như bổ nhiệm. Khái niệm bầu cử gắn bó mật thiết với khái niệm “dân chủ“. Bầu cử là “chìa khoá” của dân chủ. Các cuộc bầu cử tự do và bình đẳng là phương thức tạo lập và đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại, vận hành của một chế độ dân chủ.

2. Quy định về dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp năm 2013

2.1. Quy định pháp luật về trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân là một chế định có tính xuyên suốt trong các Hiến pháp Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân (Điều 70) và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội (Điều 74). 

Như vậy có thể thấy rằng, quy định về trưng cầu ý dân trong Hiến pháp năm 2013 tương tự như Hiến pháp năm 1992. Những quy định này cụ thể hơn so với các Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980, song ở mức khái quát hơn so với Hiến pháp năm 1946 khi không đề cập đến những nội dung có thể đưa ra trưng cầu ý dân. Thêm vào đó, tương tự như các Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 xác định quyền bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân là một quyền thụ động, phụ thuộc vào quyết định tổ chức trưng cầu ý dân của Hội đồng Nhà nước (Hiến pháp năm 1980), Quốc hội (Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013) hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Hiến pháp năm 1959). Điều này khác với quy định của Hiến pháp năm 1946, trong đó quyền phúc quyết của Nhân dân mang tính chất vừa là một quyền chủ động.

Nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về trưng cầu ý dân, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Luật đã quy định cụ thể những nội dung quan trọng của chế định trưng cầu ý dân, tạo cơ sở thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp cơ bản này ở nước ta trong thực tế. Những nội dung cốt lõi của Luật bao gồm: 

– Về nguyên tắc trưng cầu ý dân: Luật quy định 03 nguyên tắc trong trưng cầu ý dân, cụ thể là: (1) bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội; (2) thực hiện nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân; (3) việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định (Điều 4). 

– Về nội dung trưng cầu ý dân: Luật quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước (Điều 6). 

– Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân: Luật quy định gồm UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân (khoản 1 Điều 14). Về chủ thể có trách nhiệm thực hiện trưng cầu ý dân: Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, UBTVQH chịu trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên. 

– Về kết quả trưng cầu ý dân: Luật quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu; nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp, Luật Trưng cầu ý dân quy định phải được ít nhất hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành (Điều 44). 

Xét chung, những quy định liên quan trong Hiến pháp 2013 và Luật Trưng cầu ý dân hiện hành đã tạo dựng nền tảng pháp lý khá đầy đủ cho việc thực hiện quyền trưng cầu ý dân của người dân. Mặc dù vậy, đi sâu phân tích các quy định này, có thể thấy vẫn còn một số hạn chế như sau: 

Một là, về quyền đề xuất trưng cầu ý dân của Nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Trưng cầu ý dân hiện hành thì người dân chỉ có quyền thụ động là biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Quy định này, như đã đề cập ở trên, có phần hạn chế hơn so với quy định của Hiến pháp năm 1946, trong đó cho phép người dân có cả quyền chủ động trong những vấn đề mà Nhà nước bắt buộc phải tổ chức trưng cầu dân ý. So sánh với nhiều quốc gia khác, quy định về vấn đề này trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Trưng cầu ý dân hiện hành của Việt Nam còn hạn hẹp hơn, vì pháp luật của nhiều nước trao cho người dân cả quyền đề xuất trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng của đất nước hoặc của địa phương. 

Hai là, những vấn đề cần trưng cầu ý dân: Trong xã hội hiện đại, trưng cầu ý dân thường chỉ được áp dụng với những vấn đề rất quan trọng của đất nước, ví dụ như việc thông qua Hiến pháp mới hay Hiến pháp sửa đổi. Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân hiện hành thì Quốc hội “xem xét, quyết định các vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước” cần trưng cầu ý dân (Điều 17). Quy định như vậy về mặt hình thức không đi ngược với thế giới. Tuy nhiên, Luật Trưng cầu ý dân hiện hành không quy định cụ thể những vấn đề nào được xem là “đặc biệt quan trọng của đất nước”, và cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật này. Vì vậy, phạm vi những vấn đề cụ thể cần trưng cầu ý dân hiện vẫn còn để ngỏ.

Từ những phân tích ở mục trên, có thể khẳng định rằng, so với những giai đoạn trước, hiện tại, hình thức dân chủ trực tiếp là trưng cầu ý dân đã được coi trọng và quy định cụ thể, đầy đủ hơn rất nhiều trong pháp luật nước ta. Điều đó thể hiện ở các quy định về trưng cầu ý dân không chỉ được nêu trong Hiến pháp năm 2013, mà còn được cụ thể hoá trong nhiều văn bản chuyên ngành, mà đặc biệt là các Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Trưng cầu ý dân năm 2015.

Dù vậy, xét về bản chất, pháp luật hiện hành về vấn đề này ở nước ta chưa có những đổi mới mang tính đột phá so với những giai đoạn trước, và trong một số khía cạnh, cụ thể như về quyền chủ động của người dân trong việc khởi xướng, thực hiện trưng cầu ý dân, vẫn hạn chế hơn so với quy định ở giai đoạn đầu (1946-1959) cũng như chưa tiệm cận với xu hướng chung trên thế giới. Đây cũng có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế là từ năm 2013 đến nay, mặc dù pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung đáng kể, song việc trưng cầu ý dân vẫn chưa được áp dụng ở nước ta.

2.2. Quy định pháp luật về bầu cử

Kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (khoản 1, Điều 7); “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định” (Điều 27). 

Các quy định về quyền bầu cử của công dân được cụ thể hóa trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 như sau:

– Về chủ thể của quyền bầu cử: Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này”. 

Như vậy, so với các Luật Bầu cử trước đây, quy định về quyền bầu cử của công dân theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 ngắn gọn hơn, không bao gồm các khía cạnh về nguyên tắc bình đẳng trong quyền bầu cử. 

– Về việc lập danh sách cử tri: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi thường trú hoặc tạm trú, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này.  

Bên cạnh những điểm mới nổi bật nêu trên, trong vấn đề này, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng và hợp lý, cụ thể như: (i) Luật chưa phân định các trường hợp cử tri không được ghi tên vào danh sách cử tri khi thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ mười hai tháng (Khoản 3, Điều 29) và trường hợp cử tri có nguyện vọng thực hiện quyền bầu cử ở nơi cư trú thay vì thực hiện quyền bầu cử ở nơi thường trú (khoản 3, Điều 30); (ii) Luật quy định về việc đi bỏ phiếu nơi khác chưa thực sự hợp lý (khoản 3, Điều 30) khi nêu rằng các cử tri đi bỏ phiếu nơi khác chỉ được thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh (như vậy, trong những trường hợp đó, cử tri bị mất quyền bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và xã).

– Về các quyền tham gia bầu cử: Thực hiện chủ trương mở rộng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, các Luật Bầu cử được ban hành từ năm 1992 đã quy định bổ sung quyền của cử tri trong quá trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Theo các luật này, cử tri không chỉ có quyền bỏ phiếu lựa chọn đại biểu, bầu những người xứng đáng đại diện cho Nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước mà còn có quyền giới thiệu người ứng cử và phát biểu ý kiến về người ứng cử trong các Hội nghị cử tri trong quá trình hiệp thương và vận động bầu cử.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 kế thừa các quy định trên đồng thời cụ thể hoá các quy định cử tri có quyền khiếu nại về những sai sót trong việc lập danh sách cử tri để bảo vệ quyền bầu cử của mình; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử… Ngoài ra, Luật cũng có quy định cụ thể về việc tạo điều kiện cho cử tri thực hiện đầy đủ quyền bầu cử của mình thông qua việc tổ chức hòm phiếu phụ cho cử tri vãng lai; hòm phiếu di động để giúp cử tri già yếu, ốm đau không thể đến các điểm bỏ phiếu; quy định về việc hỗ trợ cử tri tàn tật, không biết chữ trong quá trình bỏ phiếu… Nhờ vậy, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp năm 2021 đã có nhiều đổi mới, đem lại kết quả tích cực, góp phần phát huy dân chủ trong lĩnh vực này. 

2.3. Quy định pháp luật về bãi nhiệm đại biểu

Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 2 Điều 7 như sau: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Tiếp đó, Hiến pháp năm 2013 quy định việc: “bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”. Như vậy, giống như Hiến pháp năm 1992, theo các quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013, việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không chỉ là quyền của cử tri như đã được quy định trong Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980, mà còn là quyền của các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND). 

Cụ thể hoá các quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013, khoản 1 Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”. Tương tự, đối với đại biểu HĐND, khoản 1 Điều 102 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 cũng quy định: “Đại biểu HĐND không đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm”. 

Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 40 Luật Tổ chức Quốc Hội năm 2014 và khoản 4 Điều 102 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, việc phân định quyền, trách nhiệm, trình tự đối với việc bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được giao cho UBTVQH. Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là những người được cử tri bầu. Quy trình bãi nhiệm đại biểu HĐND đã được quy định khá cụ thể. Đối với trường hợp đưa ra HĐND bãi nhiệm thì Thường trực HĐND sẽ trình HĐND cùng cấp về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND. HĐND sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND. Đối với trường hợp đưa ra cử tri bãi nhiệm sẽ được tổ chức tại nơi đại biểu đó được bầu hoặc Tổ đại biểu đang sinh hoạt. UBTVQH ấn định ngày bỏ phiếu đối với trường hợp bãi nhiệm đại biểu HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp tỉnh ấn định ngày bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Ngày bỏ phiếu theo quy định phải là ngày chủ nhật. Các quy định bỏ phiếu thực hiện theo quy trình bỏ phiếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. 

Nghiên cứu các trường hợp bãi nhiệm đại biểu HĐND đã nêu trên cho thấy, tất cả đều được đề nghị bởi UBMTTQ và đều do HĐND bãi nhiệm, trong khi tất cả các trường hợp bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đều được đề nghị bởi UBTVQH và đều do Quốc hội bãi nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc cử tri hiện vẫn chưa thể vai trò gì trong việc đề nghị bãi nhiệm và bãi nhiệm đại biểu dân cử ở bất kỳ cấp nào của nước ta, cho dù quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử của cử tri đã được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nói cách khác, quyền hiến định của cử tri trong việc bãi nhiệm đại biểu dân cử ở nước ta mới chỉ mang tính lý thuyết, chưa được thực hiện trên thực tế. 

Thêm vào đó, nghiên cứu những trường hợp trên cũng cho thấy, các đại biểu dân cử bị bãi nhiệm đều là do có hành vi sai phạm về pháp luật, không có trường hợp nào bị bãi nhiệm là do kết quả hoạt động không tương xứng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Điều này cũng có nghĩa là pháp luật và việc thực hiện pháp luật về bầu cử của nước ta còn thiếu hợp lý, dẫn đến để lọt những người không xứng đáng vào đội ngũ đại biểu dân cử.

2.4. Quy định pháp luật về lấy ý kiến quyết định của Nhân dân ở cơ sở

Dân chủ ở cơ sở bao gồm nhiều hình thức, trong đó đặc biệt quan trọng là Nhân dân thực hiện quyền làm chủ bằng cách trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình với tổ chức và hoạt động của cơ quan chính quyền ở cơ sở. Với việc Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận và nhấn mạnh hình thức làm chủ của Nhân dân là dân chủ trực tiếp, việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh về dân chủ cơ sở năm 2007, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về lấy ý kiến quyết định của Nhân dân ở cơ sở, đã mang một sắc thái và sức sống mới, và vì vậy đã đạt được những thành tựu mới đáng khích lệ. 

Theo Báo cáo gần đây của UBTVQH, thực hiện Điều 10 Pháp lệnh về dân chủ cơ sở, ở các địa phương trên cả nước, hầu hết những vấn đề thuộc phạm vi Nhân dân quyết định đều được đưa ra công khai để Nhân dân bàn và quyết định. Đặc biệt, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đều được công khai dân chủ từ bước khởi công đến khi hoàn thành công trình. Kết quả là đã tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng, người dân nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, vận động nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, vận động xây dựng đường điện “thắp sáng đường quê”, vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách… Đối với việc xây dựng hương ước, quy ước làng, xã – một ví dụ nổi bật cho hình thức dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở – trong thời gian qua, tại các địa phương, hoạt động này đã được thực hiện bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, phù hợp với các quy định của pháp luật, với những nội dung gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Nhà nước. Ở một số địa phương, toàn bộ các thiết chế cơ sở đã xây dựng được hương ước, quy ước theo quy định. 

Một công việc quan trọng khác thể hiện rõ nét ý kiến quyết định của Nhân dân ở cấp cơ sở đó là việc bầu và bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Theo quy định của pháp luật hiện hành quy định, Mặt trận tổ quốc có trách nhiệm giám sát việc thực hiện những nội dung công khai để Nhân dân biết, giám sát những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến, những nội dung Nhân dân trực tiếp bàn và quyết định. Hoạt động giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ của Mặt trận tổ quốc được thông qua hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Ban Thanh tra Nhân dân. Những hoạt động này trong những năm qua được thực hiện rất tốt. Việc bầu, bãi nhiệm Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đều được thực hiện trên cơ sở các cuộc họp của cử tri, của Nhân dân tại xã, phường, thị trấn. Điều này đã góp phần đưa việc thực hiện dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp ở cơ sở nói riêng đã đi vào nề nếp, bước đầu hình thành trong Nhân dân thói quen, ý thức trách nhiệm về những vấn đề của địa phương mình. 

Tóm lại, mặc dù không có những quy định mới, song việc thực hiện các quy định pháp luật về dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở, mà đặc biệt là hoạt động lấy ý kiến quyết định của Nhân dân ở cơ sở từ năm 2013 đến nay đã được nhiều kết quả tốt, mở ra triển vọng mới cho việc thúc đẩy dân chủ trực tiếp nói chung, dân chủ trực tiếp ở cơ sở nói riêng ở Việt Nam trong những năm tới. Điều này, ngoài sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, còn có nguyên nhân từ quy định mới ghi nhận dân chủ trực tiếp như là một trong các phương thức chính để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước mà được quy định trong Điều 6 Hiến pháp năm 2013.

3. Giải pháp thúc đẩy dân chủ trực tiếp ở nước ta hiện nay

3.1. Giải pháp đổi mới tư duy và tăng cường nhận thức, năng lực về dân chủ trực tiếp

Thứ nhất, tăng cường nhận thức về dân chủ trực tiếp cho các chủ thể có liên quan. Thực tiễn ở nước ta cho thấy những hạn chế trong pháp luật về dân chủ trực tiếp có nguyên nhân phát sinh từ nhận thức, ý thức thiếu đầy đủ và thiếu nghiêm túc của một bộ phận cán bộ, cũng như sự thờ ơ, thiếu quan tâm của một bộ phận Nhân dân. Vì vậy, đổi mới, nâng cao nhận thức về dân chủ trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức trong việc tôn trọng và bảo đảm để Nhân dân tham gia thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ ý nghĩa và cách thức thực thi dân chủ trực tiếp đúng pháp luật. Trong vấn đề này, việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước về thực hiện dân chủ trực tiếp có ý nghĩa quan trọng hơn cả để thúc đẩy quá trình hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

Thứ hai, bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc xây dựng và thực thi pháp luật về các phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp. Dân chủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng việc thực thi dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp, đòi hỏi những nguồn lực vật chất và những điều kiện bảo đảm về mặt kỹ thuật nhất định. Vì vậy, đòi hỏi cơ quan nhà nước các cấp cần có kế hoạch và biện pháp bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc xây dựng và thực thi pháp luật về các phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp. Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, việc bảo đảm các điều kiện về vật chất – kỹ thuật để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp là vấn đề rất quan trọng, không được coi nhẹ trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Thực tế ở nước ta thời gian qua cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật là yếu tố hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng pháp luật và giải pháp thực tiễn nhằm đảm bảo cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Không chỉ trong việc tổ chức thực hiện dân chủ trực tiếp, mà ngay trong việc xây dựng, sửa đổi để hoàn thiện pháp luật về vấn đề này thì cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng rất cần thiết. 

3.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về các hình thức dân chủ trực tiếp

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về bầu cử. Do tính chất quan trọng của cuộc bầu cử, nên chế độ bầu cử và việc tổ chức bầu cử vào luôn là vấn đề được rất nhiều các lực lượng, tổ chức, cá nhân quan tâm. Qua nghiên cứu thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về bầu cử của nước ta, có thể xác định trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng sau: 

Một là, cần tiếp tục hướng dẫn chi tiết một số quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND liên quan đến việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri.

Hai là, cần quy định nguyên tắc chọn ứng cử viên theo quê quán (sinh quán ở đâu thì ứng cử ở đó) hoặc theo nơi ở, nơi làm việc (sinh sống ở đâu hoặc làm việc ở đâu thì ứng cử ở đó). Quy định này sẽ giúp ứng cử viên và cử tri có được sự gắn bó, liên kết nhất định với nhau, tạo điều kiện để cử tri nắm bắt về thân thế, sự nghiệp, tư cách, năng lực của ứng cử viên tốt hơn.

Ba là, cần quy định tăng số lượng ứng viên ở mỗi đơn vị bầu cử, tỷ lệ có thể là 2 chọn 1 (ví dụ, nếu cần chọn 3 đại biểu thì danh sách phải có 6 ứng cử viên) để cử tri có nhiều cơ hội lựa chọn. Việc lựa chọn và sắp xếp ứng cử viên vào các đơn vị bầu cử cần theo các tiêu chí khách quan, vô tư, không bố trí người ứng cử quá chênh lệch về trình độ, năng lực và vị trí công tác để phòng ngừa hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”. 

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân. Để hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành để khắc phục những hạn chế cụ thể sau đây: 

Một là, bổ sung quyền đề xuất trưng cầu ý dân của Nhân dân/cử tri: Để tiến hành được một cuộc trưng cầu ý dân thì trước tiên phải có sáng kiến trưng cầu ý dân – đó là cơ sở để hình thành một cuộc trưng cầu ý dân trong tương lai. 

Hai là, làm rõ thẩm quyền quyết định và hiệu lực của trưng cầu ý dân: Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân, nhưng cũng trong Hiến pháp lại quy định mọi công việc của Nhà nước được giao cho các cơ quan nhà nước (bao gồm Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ,…) quyết định. 

Ba là, về cách thức trưng cầu ý dân. Mặc dù Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã giao cho UBTVQH nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, song các quy định đó chưa cụ thể và chưa đủ để có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trong thực tế. Vì vậy, cần có thêm văn bản pháp luật để quy định cụ thể các vấn đề này, trong đó bao gồm trình tự, thủ tục phát hành phiếu trưng cầu, thể thức bỏ phiếu và kiểm phiếu; việc tổ chức việc bỏ phiếu, tổng hợp, công bố kết quả, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Tài liệu tham khảo:

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, 2019;

2. Hiến pháp 2013.

NGUYỄN PHI HÙNG

Toà án Quân sự Quân khu 4

Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự