Pháp luật về bên thuê và hợp đồng cho thuê tài chính – Thương mại
Bên thuê tài chính là tổ chức, cá nhân, có nhu cầu sử dụng tài sản theo phương thức cho thuê tài chính đồng thời các khách hàng vay vốn ngân hàng, hoặc thuê tài chính từ các tổ chức cho thuê tài chính đều là người tiêu dùng. Chủ thể tham gia giao dịch cho thuê tài chính bao gồm hai bên: bên cho thuê và Đối tượng của hợp đồng cho thuê tài chính là tài sản. Tài sản trong cho thuê tài chính thường có giá trị lớn và có thời hạn sử dụng lâu dài. Các tài sản này có thể là máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác.
Mục Lục
I- Bên thuê tài chính
Bên thuê tài chính là tổ chức, cá nhân, có nhu cầu sử dụng tài sản theo phương thức cho thuê tài chính. Thực tiễn pháp lí ở các nước cho thấy thuật ngữ “người tiêu dùng” trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng thường được sử dụng theo nghĩa rộng, không phải chỉ là những người “ăn” và “uống” hàng hoá đã mua mà bao gồm tất cả tổ chức, cá nhân có thu nhận (acquire) hàng hoá, dịch vụ, tiền vốn, thậm chí cả đất đai thông qua việc mua bán, vay mượn hoặc thuê mướn. Theo cách hiểu này, các khách hàng vay vốn ngân hàng, hoặc thuê tài chính từ các tổ chức cho thuê tài chính đều là người tiêu dùng. Các quốc gia thường có đạo luật riêng về bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời các điều khoản bảo vệ người tiêu dùng cũng được quy định trong từng đạo luật điều chỉnh từng lĩnh vực đặc thù, ví dụ luật tín dụng cho người tiêu dùng (consumer credit act), luật hành nghề thương mại (trade practices act) và luật bán hàng hoá (sale of goods act)… Ở các nước thừa nhận tiền lệ pháp (common law countries), các biện pháp pháp lí nhằm bảo vệ người tiêu dùng còn có thể tìm thấy trong các phán quyết của toà án.
Nhìn chung để bảo vệ người tiêu dùng hay bên thuê trong các giao dịch cho thuê tài chính, luật pháp các nước thường khai thác các biện pháp khá giống nhau, ở úc, đạo luật bán hàng và đạo luật hành nghề thương mại đều có các điều khoản bảo vệ lợi ích của bên thuê trong các quan hệ cho thuê tài chính.
Thứ nhất, pháp luật có những điều khoản quy định các điều kiện mặc nhiên được áp dụng hay nghĩa vụ bảo hành trong cho thuê tài chính. Điều kiện mặc nhiên này được áp dụng trong hai trường hợp:
Trường hợp 1: Khi bên thuê nói rõ hoặc bằng ngụ ý với bên bán về yêu cầu đặc biệt mà hàng hoá phải thoả mãn thì có nghĩa là bên thuê đã tin cậy vào kĩ năng và lời khuyên của bên bán (bên cung ứng) về hàng hoá bất kể bên bán có phải là nhà sản xuất hay không. Trong tình huống này, pháp luật sẽ đương nhiên coi hàng hoá do bên cung ứng bán ra phải phù hợp với yêu cầu của bên thuê (điều kiện ngụ ý của pháp luật). Điều đó có nghĩa là bên bán có nghĩa vụ bảo hành về việc hàng hoá đó thoả mãn yêu cầu của bên thuê. Vì vậy, nếu bên bán cung cấp hàng hoá không phù hợp với yêu cầu đó, bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu hàng hoá bán có nhãn hiệu độc quyền (patent) hoặc thương hiệu (trade name), điều kiện mặc nhiên trên sẽ không được áp dụng.
Trường hợp 2: Nếu hàng hoá được mua theo sự mô tả của bên bán mà bên bán chính là nhà cung cấp hàng hoá đó thì bất . kể bên bán có là nhà sản xuất hay không, pháp luật sẽ đương nhiên coi hàng hoá đem bán phải là hàng hoá có chất lượng thương mại (merchantable), có thể bán được (điều kiện ngụ ý) và bên bán phải bảo hành đối với chất lượng hàng hoá. Tuy nhiên, điều kiện mặc nhiên này sẽ không áp dụng nếu bên thuê đã xem hàng hoá, vì trong trường hợp đó bên thuê đương nhiên bị coi là phải tự phát hiện được những khiếm khuyết của hàng hoá trong quá trình xem xét.
Những điều khoản này bảo vệ được bên thuê ngay cả khi hàng hoá mua là những hàng hoá có nhãn hiệu độc quyền hoặc có thương hiệu mà bên thuê mua theo mô tả của bên bán.
Thứ hai, điều khoản yêu cầu cho thuê tài chính phải được tiến hành theo những thủ tục đặc biệt nhằm giúp khách hàng có được thông tin đầy đủ về bản chất và hệ quả của bản hợp đồng sắp kí kết. Ví dụ: trước khi kí kết hợp đồng, bên thuê phải được thông báo về thời hạn dự kiến của hợp đồng cho thuê tài chính. Đến khi giao kết, hợp đồng phải được kí bằng văn bản, phải quy định rõ giá bằng tiền mặt của hàng hoá, tiền thuê định kì phải trả và phí bảo hiểm.
Thứ ba, điều khoản yêu cầu bên thuê tài chính phải đặt cọc một mức tối thiểu tuỳ thuộc vào bản chất và giá trị của hàng hoá thuê. Mục đích của quy định này là giảm bớt khả năng bên thuê được cấp tín dụng quá dễ dàng, để tránh rủi ro cho bên thuê do thực hiện những cam kết tài chính vượt khả năng của mình.
Thứ tư, điều khoản cấm nhà cung ứng thực-hiện những giao dịch bất bình đẳng với khách hàng.
Thứ năm, điều khoản quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, cũng tương tự như trách nhiệm áp đặt với nhà cung ứng.
Ngoài các điều khoản quy định trong luật thực định, các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng còn được tìm thấy trong các phán quyết của tòa án úc. Ví dụ: khi bên cung ứng hàng hoá cố ý đưa thông tin sai lệch và người tiêu dùng đã quyết định sử dụng hàng hoá vì tin vào thông tin đó, người tiêu dùng có quyền kiện nhà cung ứng và đòi bồi thường thiệt hại; hoặc khi nhà sản xuất, mặc dù không phải là nhà cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng, có sơ suất trong quá trình sản xuất và gây tổn hại cho người tiêu dùng, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đó.
Để bảo vệ quyền lợi của bên thuê với tư cách là người tiêu dùng, pháp luật cho thuê tài chính của Việt Nam có một số điều khoản nhằm bảo vệ người tiêu dùng, ví dụ, điều khoản quy định giới hạn về lãi suất cho thuê tài chính. Công ti cho thuê tài chính không được áp đặt lãi suất quá cao mà phải dựa trên cơ sở mức lãi suất cho vay cơ bản và biên độ do Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định (trường hợp cho thuê bằng nội tệ); hoặc dựa trên lãi suất thị trường quốc tế và cung cầu vốn tín dụng bằng ngoại tệ ở trong nước và các chi phí khác có liên quan (trường hợp cho thuê bằng ngoại tệ). Quy định này giúp bên thuê không bị bên cho thuê áp dụng lãi suất quá cao.
Pháp luật cho thuê tài chính của nước ta không quy định kí cược và bảo lãnh là điều khoản bắt buộc trong hợp đồng cho thuê tài chính mà để cho các bên tự thoả thuận. Cụ thể là pháp luật trao cho bên cho thuê quyền yêu cầu bên thuê kí cược và thực hiện các biện pháp bảo đảm khác nếu thấy cần thiết khi giao kết hợp đồng cho thuê tài chính.cần phải lưu ý rằng đây là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bên cho thuê. Vì vậy, bên cho thuê có thể sử dụng hoặc không sử dụng quyền năng đó của mình. Quy định này tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng kí kết hợp đồng cho thuê tài chính, giải quyết khó khăn về vốn trong quá trình hoạt động đồng thời mở rộng khả năng kinh doanh cho các công ti cho thuê tài chính. Tuy nhiên, quy định như vậy, trong nhiều trường hợp, không mang lại sự an toàn cho cả bên thuê và bên cho thuê, không có khả năng giúp bên thuê tránh khỏi các giao dịch vượt khả năng của mình và khi đó lợi ích của bên cho thuê cũng không được bảo vệ.
II- Hợp đồng cho thuê tài chính
1- Khái niệm và đặc điểm hợp đồng cho thuê tài chính
Hợp đồng cho thuê tài chính là phương tiện thực hiện giao dịch cho thuê tài chính. Đây là yếu tố quan trọng thể hiện mối quan hệ giữa công ti cho thuê tài chính và khách hàng, là hình thức pháp lí của quan hệ cho thuê tài chính. Chủ thể tham gia giao dịch cho thuê tài chính bao gồm hai bên: bên cho thuê và Đối tượng của hợp đồng cho thuê tài chính là tài sản. Tài sản trong cho thuê tài chính thường có giá trị lớn và có thời hạn sử dụng lâu dài. Các tài sản này có thể là máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác.
Về thời hạn hợp đồng, thông thường luật pháp các nước quy định hợp đồng cho thuê tài chính có thời hạn từ 3 đến 7 năm và không được huỷ ngang. Tuy nhiên, các hợp đồng thuê máy móc phục vụ nông nghiệp có thể có thời hạn dài hơn, tới 10 năm. Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể là bao nhiêu năm mà chỉ quy định chung chung là hợp đồng cho thuê tài chính phải là hợp đồng trung hạn hoặc dài hạn và phải tối thiểu bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản cho thuê và các bên không được huỷ bỏ hợp đồng trước thời hạn. Trong thực tiễn các bên kí kết hợp đồng thường dựa vào khả năng tài chính của mình và vào thời gian khấu hao cần thiết đối với tài sản thuê theo quy định của Bộ tài chính để xác định thời hạn hợp đồng. Thời hạn tối thiểu phải thoả mãn giới hạn luật định nói trên và thời hạn tối đả không quá thời gian cần thiết theo quy định của pháp luật để khấu hao tài sản thuê.
Vậy, hợp đồng cho thuê tài chính là sự thoả thuận bằng văn bản, không hủy ngang giữa bên cho thuê và bên thuê về việc cho thuê một hoặc một số máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và động sản khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với quyền và nghĩa vụ của các bên.
Về mặt hình thức, hợp đồng cho thuê tài chính là văn bản ghi nhận sự cam kết của các bên kí kết hợp đồng, về mặt nội dung, hợp đồng chứa đựng các điều khoản như điều khoản chủ yếu, điều khoản thường lệ và có thể cả điều khoản tuỳ nghi. Các điều khoản này xác định quyền và nghĩa vụ của các bên kí kết hợp đồng và phải phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước.
2- Quyền và nghĩa vụ của các bên
a) Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê
Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê cung cấp toàn bộ giấy tờ có liên quan tới tình hình hoạt động kinh doanh và tới tài sản thuê; có quyền mua hoặc nhập khẩu tài sản theo yêu cầu của bên thuê; có quyền sở hữu tài sản thuê, kiểm tra việc quản lí, sử dụng tài sản thuê cũng như thu hồi tài sản thuê; có quyền được bên thuê bồi thường thiệt hại tài sản do lỗi của bên thuê và được phép chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng cho thuê tài chính; có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu bên thuê vi phạm các điều khoản, điều kiện là căn cứ chấm dứt hợp đồng.
Nghĩa vụ của bên cho thuê là đánh giá năng lực tài chính, uy tín của bên cung ứng; mua hoặc nhập khẩu hàng hoá theo yêu cầu của bên thuê.
Nghĩa vụ này có liên quan tới việc cấp tín dụng, kí hợp đồng mua hàng hoá với nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất và thanh toán theo đúng thoả thuận trong hợp đồng mua hàng. Bên cho thuê cần phải hoàn tất các nghĩa vụ trên để tạo điều kiện cho nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất giao hàng cho bên thuê theo thoả thuận trong hợp đồng. Khác với pháp luật của một số nước, pháp luật của Việt Nam quy định bên cho thuê không chịu trách nhiệm về việc tài sản cho thuê không được giao hoặc giao không đúng với các điều kiện do bên thuê thoả thuận với bên cung ứng. Như vậy, vai trò của bên cho thuê chỉ dừng lại ở việc tài trợ, đầu tư vốn cho việc mua sắm tài sản thuê và không chịu trách nhiệm đối với việc vận chuyển hàng hoá cũng như giao hàng. Nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất sẽ trực tiếp vận chuyển và bàn giao tài sản cho bên thuê, với vai trò là người đại diện của bên cho thuê đứng ra nhận hàng.
Bên cho thuê còn có nghĩa vụ đăng kí quyền sở hữu, làm thủ tục mua bảo hiểm đối với tài sản thuê, tuy nhiên lại không có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm. Nghĩa vụ đó thuộc về bên thuê. Pháp luật không quy định bên nào là người được bảo hiểm nhưng căn cứ vào thực tiễn của ngành công nghiệp cho thuê tài chính trên thế giới, bên thuê là bên được bảo hiểm.
b) Quyền và nghĩa vụ của bên thuê
Bên thuê có quyền nhận và sử dụng tài sản thuê; quyết định mua tài sản hoặc thuê tiếp tài sản khi mãn hạn hợp đồng; có quyền được bồi thường thiệt íại nếu bên cho thuê vi phạm hợp đồng.
Bên thuê chịu trách nhiệm lựa chọn tài sản thuê, bên cung ứng về đặc tính kĩ thuật, chủng loại giá cả, cách thức và thời hạn giao nhận, lắp đặt và bảo hành tài sản cho thuê; trực tiếp nhận tài sản thuê từ nhà cung ứng;; thanh toán tiền thuê theo thoả thuận trong họp đồng và thanh toán các khoản tiền khác có liên quan đến thuế, lệ phí, bảo hiểm và phí nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu); sử dụng tài sản thuê theo đúng những thoả thuận trong hợp đồng, không được sử dụng vào mục đích khác như cho thuê lại, hoặc dùng để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ khác. Bên thuê còn phải chịu mọi rủi ro về mất mát, hư hỏng đối với tài sản thuê và mọi hậu quả do tài sản này gây ra (trong quá trình sử dụng) cho bên thứ ba. Bên thuê cũng có trách nhiệm cung cấp các tài liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, về các vấn đề liên quan đến tài sản thuê khi bên cho thuê yêu cầu; chịu trách nhiệm về sự lựa chọn, thoả thuận với nhà cung ứng về các vấn đề có liên quan tới tài sản thuê.
c) Nghĩa vụ của cả hai bên
Hai bên có nghĩa vụ thi hành đầy đủ các điều khoản của hợp đồng cho thuê tài chính. Nếu có tranh chấp, hai bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên tinh thần hợp tác. Trường hợp hai bên không tự giải quyết được tranh chấp thì có quyền yêu cầu các cơ quan tài phán giải quyết. Trong quá trình thực hiện các bên không được đơn phương huỷ bỏ hợp đồng trừ trường hợp luật định.
3- Trình tự kí kết hợp đồng
Tuỳ thuộc vào từng hình thức cho thuê tài chính mà trình tự kí kết hợp đồng có thể có đôi chút khác biệt. Phần dưới đây sẽ giới thiệu về các bước tiến hành trong giao kết hợp đồng cho thuê tài chính thông thường.
(i) Kí biên bản thoả thuận về việc mua tài sản
Biên bản thoả thuận mua tài sản cũng giống như hợp đồng mua bán hàng hoá thông thường nhưng khác ở phương thức thanh toán. Ở đây bên có nhu cầu sử dụng tài sản (bên thuê) không có nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản mà nghĩa vụ đó là của bên cho thuê (công ti cho thuê tài chính).
Ở bước này, bên có nhu cầu thuê tài sản sẽ lựa chọn thiết bị phù hợp với yêu cầu của mình về mẫu mã, chủng loại và các chỉ tiêu kĩ thuật đồng thời quyết định ngày giao hàng, điều kiện bảo dưỡng và phương thức thanh toán, rồi kí biên bản thoả thuận về mua hàng hoá với bên cung ứng.
(ii) Đề nghị công ti cho thuê tài chính tài trợ vốn
Sau khi có biên bản thoả thuận về mua hàng, bên thuê sẽ gửi hồ sơ xin thuê thiết bị tới công ti cho thuê tài chính. Hồ sơ gồm đơn xin thuê tài chính, báo cáo tài chính của bên thuê, phương án sử dụng tài sản thuê và có thể có các văn bản khác theo yêu cầu của bên cho thuê.
Công ti cho thuê tài chính sẽ xem xét hồ sơ xin thuê do bên có nhu cầu thuê gửi đến. Nếu hồ sơ được bên cho thuê chấp thuận, hai bện sẽ đàm phán và kí kết hợp đồng cho thuê tài chính.
(iii) Kí kết hợp đồng cho thuê tài chính
Sau khi bên cho thuê chấp nhận hồ sơ bên thuê tài chính của bên có nhu cầu và nếu bên thuê chấp nhận các điều kiện của bên cho thuê thì hai bên sẽ kí kết hợp đồng cho thuê tài chính.
(iv) Chuyển tiếp từ kí kết hợp đồng cho thuê tài chính đến quy trình cho thuê tài chính
Quy trình kí kết hợp đồng cho thuê tài chính không đồng nghĩa với quy trình cho thuê tài chính. Quy trình cho thuê tài chính chứa đựng các bước của quy trình kí kết hợp đồng cho thuê tài chính nhưng để hoàn tất quy trình cho thuê tài chính, các bên trong giao dịch cho thuê tài chính cần phải hoàn tất một số bước tiếp theo.
Thứ nhất, bên cho thuê căn cứ vào các thoả thuận giữa bên thuê và bên cung ứng thiết bị, sẽ kí hợp đồng mua bán hàng hoá với bên cung ứng.
Thứ hai, sau khi hợp đồng mua bán hàng hoá được kí kết, bên cung ứng sẽ giao hàng, lắp đặt, và kí hợp đồng bảo dưỡng với bên thuê.
Thứ ba, sau khi nhận được văn bản thông báo về việc chấp nhận thiết bị từ bên thuê, với tư cách là nhà tài trợ, bên cho thuê sẽ thanh toán tiền mua tài sản theo sự thoả thuận của bên thuê với bên cung ứng. Cuối cùng, bên thuê sẽ trả tiền thuê gồm cả gốc và lãi theo từng kì do hai bên thoả thuận trong họp đồng cho thuê tài chính, cho tới khi mãn hạn hợp đồng.
4- Đình chỉ và chấm dứt hợp đồng
Về nguyên tắc, hợp đồng cho thuê tài chính là hợp đồng không huỷ ngang, chỉ chấm dứt hiệu lực theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật có quy định trong một số trường hợp cụ thể, mỗi bên tham gia kí kết hợp đồng đều có quyền chấm dứt hợp đồng cho thuê trước thời hạn. Đó là trường hợp do lỗi của một trong hai bên kí kết hợp đồng, hoặc do các yếu tố khách quan. Lỗi có thể có khi một trong hai bên vi phạm các điều thoả thuận trong hợp đồng hay vi phạm pháp luật; nguyên nhân khách quan có thể là do bên thuê hay bên bảo lãnh cho bên thuê bị phá sản, giải thể, hoặc do tài sản bị mất mát, hư hỏng không thể phục hồi được. Ngoài ra, hợp đồng có thể chấm dứt hiệu lực trước thời hạn nếu bên cho thuê đồng ý để bên thuê thanh toán toàn bộ tiền thuê trước thời hạn.
Trường hợp hợp đồng chấm dứt do lỗi của bên thuê, bên thuê phải thực thi các nghĩa vụ phát sinh và chịu các chế tài theo quy định của pháp luật. Trường hợp hợp đồng chấm dứt trước thời hạn do bên thuê bị phá sản, giải thể, hợp đồng sẽ được xử lí theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể.