Pháp Luật Plus – Yên Bái thí điểm thực hiện 6 thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích
Trong quá trình thí điểm, UBND tỉnh cũng giao Sở TT & TT chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp bưu chính công ích, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Bưu cục trung tâm thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh dùng để minh họa)
Nhằm khai thác hiệu quả mạng bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư và góp phần cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vừa quyết định ban hành Phương án thí điểm thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết 06 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Yên Bái (Phương án).
Triển khai tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Yên
Xuất phát từ thực tế, không phải lĩnh vực nào cũng thường xuyên phát sinh yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính; khá nhiều lĩnh vực, mặc dù bố trí công chức trực cả ngày nhưng số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp được tiếp nhận hoặc trả kết quả rất ít, hiệu quả xử lý công việc không cao.
Do vậy, Phương án do Chủ tịch tỉnh Trần Huy Tuấn kí ban hành có hiệu lực kể từ ngày kí: ngày 01/11/2022; gồm 06 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở: Tư pháp, Nội vụ, Giao thông vận tải; được chuyển giao cho doanh nghiệp bưu chính tỉnh thực hiện tại tất cả các điểm phục vụ bưu chính cấp I, cấp II, cấp III trên địa bàn tỉnh và tất cả các điểm Bưu điện Văn hóa xã tại địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Yên song song với việc thực hiện các thủ tục hành chính này ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh như hiện nay.
Cụ thể gồm các thủ tục sau: Thủ tục hành chính của Sở Tư pháp: Cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; Thủ tục hành chính của Sở Nội vụ: Thủ tục Tặng thưởng Bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ;Thủ tục Tặng thưởng Bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đợt hoặc chuyên đề; Thủ tục hành chính của Sở Giao thông Vận tải: Thủ tục đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp; Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thủ tục cấp phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải.
Điểm bưu điện văn hóa xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Ảnh dùng để minh họa)
Được biết, Phương án thí điểm này có hiệu lực trong thời gian tối đa 6 tháng; sau 6 tháng thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả, lợi ích… của việc thực hiện thí điểm, báo cáo và tham mưu đề xuất hướng triển khai thực hiện tiếp theo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
Trong quá trình thí điểm, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp bưu chính công ích, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ theo yêu cầu Phương án đưa ra. Mặt khác, thực hện kiểm tra giám sát việc nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Trên cơ sở đánh giá khách quan về cơ sở vật chất, nhân lực và khả năng đảm nhận các nhiệm vụ của doanh nghiệp…, Ủy ban nhân dân tỉnh tin tưởng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích có thể đảm bảo thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu cải cách hành chính, với cách thức phục vụ tận tụy, công khai, minh bạch nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công cho tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích bố trí nhân viên đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các điểm phục vụ bưu chính phải thực hiện các nhiệm vụ.
Bưu cục cấp 3 Thái Lão tại xã Nghĩa Lộ (Ảnh dùng để minh họa)
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Dự kiến về những lợi ích khi triển khai Phương án này mang lại, ông Nguyễn Khánh Phương, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông – đơn vị tham mưu thí điểm Phương án cho biết, trước đây cả 6 thủ tục hành chính trên chỉ được tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh, do vậy đối với các tổ chức, cá nhân thay vì phải đi hàng trăm cây số nay chỉ cần đến các điểm Bưu điện ngay tại địa phương gần nhất để thực hiện 6 thủ tục hành chính trên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian đi lại.
Đáng chú ý, việc chuyển cho doanh nghiệp tham gia hỗ trợ việc cung ứng dịch vụ hành chính công còn giúp cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện thủ tục hành chính, xóa đi tâm lý e dè bởi cảm giác xin/cho.
“Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, ý nghĩa tích cực của Phương án là hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính với công chức, viên chức làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; ngăn chặn các tiêu cực, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính” – Ông Phương thông tin thêm.
Đồng thời, đây cũng là giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); góp phần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực, đem lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí của các cơ quan hành chính nhà nước.
“Còn đối với doanh nghiệp bưu chính công ích thì sẽ thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ công ích được giao; khai thác hiệu quả hơn mạng bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư và tạo thêm công ăn việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động. Qua đó khẳng định vai trò, năng lực của doanh nghiệp trong việc triển khai các dịch vụ hành chính công; cũng như khẳng định uy tín, trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đối với xã hội, cộng đồng; góp phần cải cách hành chính, tinh giảm biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay” – Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái về kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trên địa bàn, năm 2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa 3 cấp là 699.103 hồ sơ; trong đó tiếp nhận trực tiếp là 594.180 hồ sơ, qua dịch vụ bưu chính công ích là 1.055 hồ sơ và trực tuyến là 103.868 hồ sơ; trả kết quả 35.340 hồ sơ.
Bưu điện tỉnh Yên Bái là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam được giao nhiệm vụ phục vụ các dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương và kinh doanh các dịch vụ thuộc lĩnh vực bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông có đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị hiện có 178 điểm phục vụ, gồm 1 bưu cục cấp I, 8 bưu cục cấp II, 19 bưu cục cấp III và 150 điểm bưu điện văn hóa xã.