Pháp Luân Công tại Việt Nam: Có bị cấm không? 7 Điều cần làm rõ
Mục Lục
Pháp Luân Công tại Việt Nam: Có bị cấm không? 7 Điều cần làm rõ
Pháp Luân Công tại Việt Nam có bị cấm không? Quan điểm của Nhà nước về Pháp Luân Công như thế nào? Cũng có người thắc mắc tại sao Pháp Luân Công bị cấm ở Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ Việt Nam có cấm Pháp Luân Công không? Pháp Luân Công có hợp pháp ở Việt Nam? Pháp Luân Công tốt hay xấu ở Việt Nam?
Đại sư Lý Hồng Chí – nhà sáng lập Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) – đã cho phép Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) được công bố bài viết “Vì sao có nhân loại” của ông vào ngày 20/01/2023. Kính mời quý độc giả đọc bài viết này tại đây.
Pháp Luân Công tại Việt Nam ngày càng được nhiều người yêu thích và thực hành. Bên cạnh đó, cũng có người nghĩ rằng Pháp Luân Công bị cấm ở Việt Nam; và thắc mắc vì sao Pháp Luân Công bị cấm.
Vậy thực tế, ở Việt Nam, Pháp Luân Công có bị cấm không?
Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện thượng thừa của Phật gia được sáng lập bởi Đại sư Lý Hồng Chí. Bắt đầu được truyền xuất ra ở Trung Quốc đại lục vào năm 1992, Pháp Luân Công đã nhanh chóng được đông đảo người dân Trung Quốc đón nhận và thực hành. Đến nay, Pháp Luân Công đã được hàng triệu người dân từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo tập.
Để thực hành Pháp Luân Công, người học sẽ đọc các cuốn sách được viết bởi Sư phụ Lý Hồng Chí và luyện 5 bài Công pháp hàng ngày; gồm 4 bài luyện công đứng và một bài thiền định. Khi học Pháp Luân Công, người học lấy việc sửa đổi tâm tính, đề cao đạo đức dựa theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn làm căn bản. Không phân biệt giới tính; tuổi tác; công việc… ai cũng có thể tự thực hành trong cuộc sống hàng ngày.
1. Pháp Luân Công tại Việt Nam có bị cấm không?
Pháp Luân Công ở Việt Nam có bị cấm không?
Tại Việt Nam, những người tập Pháp Luân Công đầu tiên được ghi nhận vào khoảng những năm 2000. Nhờ những bài học dạy con người làm điều tốt, hướng thiện; cùng với rất nhiều câu chuyện được chia sẻ về khả năng cải thiện sức khỏe hiệu quả, môn tập này đã nhanh chóng được nhiều người dân đón nhận và trải nghiệm.
Nhiều luật sư, công an, cảnh sát và quân nhân Việt Nam luyện tập Pháp Luân Công. Họ cho biết Pháp Luân Công không bị cấm tại Việt Nam; và hệ thống luật pháp của Việt Nam không có một văn bản pháp luật hợp pháp nào có quy định cấm Pháp Luân Công.
Điều 2 – Hiến pháp Việt Nam
Điều 2 – Hiến pháp Việt Nam 2013 ghi nhận: “Việt Nam là nhà nước pháp quyền, do dân và vì dân”.
Theo nguyên tắc tối thượng của nhà nước pháp quyền thì “người dân được làm những gì pháp luật không cấm; và cán bộ thừa hành pháp luật chỉ làm những gì luật cho phép”.
Dựa theo nguyên tắc nêu trên, có thể thấy rằng không có một văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam cấm tập luyện; giới thiệu; thảo luận về Pháp Luân Công. Việc tập luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam; chia sẻ hay giới thiệu môn tập cho người dân khác là hoàn toàn hợp pháp.
Để làm rõ hơn việc Pháp Luân Công có bị cấm ở Việt Nam không, pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể dưới đây.
2. Tập luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam được bảo hộ bởi Hiến Pháp và Công ước Quốc tế
2.1. Công ước Quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia từ 24/9/1982 (gọi tắt là “Công Ước”) quy định:
“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn; và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo; dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng.”
Trong văn bản chính thức bằng tiếng Anh của Công ước, “tín ngưỡng” được dịch từ “conscience”. Theo từ điển Cambridge, “conscience” được định nghĩa là việc cá nhân tự đánh giá hành vi của mình có phù hợp với đạo đức không.
Những người tập Pháp Luân Công chiểu theo sách của môn tập này để điều chỉnh hành vi ứng xử của mình trong cuộc sống; bao gồm việc tự đánh giá xem hành vi của mình có phù hợp với các giá trị đạo đức được giảng dạy trong các sách của Pháp Luân Công hay không. Do đó, về bản chất, Pháp Luân Công được hiểu là tín ngưỡng và các quyền tự do của người tập Pháp Luân Công đối với việc tập luyện và tự do bày tỏ môn này được bảo hộ theo quy định tại Điều 18 của Công ước.
Theo Khoản 2 – Điều 2 của Công ước, Việt Nam – với tư cách là thành viên của Công ước – có nghĩa vụ ban hành văn bản pháp luật và những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện các quyền cá nhân được công nhận trong Công ước.
2.2. Người tập Pháp Luân Công ở Việt Nam được Hiến pháp bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Hiến Pháp năm 2013 của Việt Nam khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; và bảo hộ công dân tránh khỏi việc bị xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Điều 24 như sau:
“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016, định nghĩa về “tín ngưỡng” đã bị thu hẹp hết sức đáng kể so với cách hiểu trong Công ước.
Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016
Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, “tín ngưỡng” được định nghĩa là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục; tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Theo định nghĩa này,
“tín ngưỡng”
bị giới hạn bởi hai yếu tố.
Thứ nhất, tín ngưỡng phải gắn liền với lễ nghi. Thứ hai, tín ngưỡng phải gắn liền với phong tục; tập quán truyền thống.
Trên thực tế, không phải tín ngưỡng nào cũng gắn liền với lễ nghi; và lễ nghi không được xem là yếu tố cần thiết để xác định tín ngưỡng. Theo Từ điển Hán-Việt của học giả Đào Duy Anh, “tín ngưỡng” được giải thích là: “Lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa”.
Ngoài ra, cùng với sự mở cửa, giao lưu quốc tế, người dân Việt Nam đã tiếp xúc và tiếp nhận rất nhiều loại tín ngưỡng; hệ tư tưởng khác nhau từ nước ngoài. Do đó, không phải tín ngưỡng nào cũng gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống của Việt Nam.
Như vậy, định nghĩa về “tín ngưỡng” của Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 vô hình chung đã loại bỏ rất nhiều công dân Việt Nam thực hành tín ngưỡng, trong đó có Pháp Luân Công, khỏi trường hợp được bảo vệ.
Do đó, từ khía cạnh pháp luật, định nghĩa về “tín ngưỡng” của Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 cần được điều chỉnh để phù hợp với quy định của Công ước và Hiến Pháp. Đồng thời, việc điều chỉnh này là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền tự do, tín ngưỡng của công dân; bởi lẽ nếu không được điều chỉnh, đây sẽ là kẽ hở để các cơ quan, cán bộ hành pháp xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
2.3. Hiến pháp bảo hộ quyền công dân rèn luyện sức khỏe
Ngoài ra, Pháp Luân Công là môn rèn luyện sức khỏe. Quyền được rèn luyện; chăm sóc; bảo hộ sức khỏe của công dân được quy định tại Điều 20 Hiến Pháp năm 2013: “công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe”; và tại Điều 38: “mọi công dân có quyền được bảo vệ; chăm sóc sức khỏe; và không ai có quyền đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác”.
Do đó, việc tập luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp theo Hiến pháp và quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Một lưu ý rằng các quy định pháp luật của Việt Nam cần tuân thủ và phù hợp với các quy định tại Công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập và là thành viên; bởi lẽ đây là các cam kết mang tính quốc gia.
3. Tại Việt Nam, tặng tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công có vi phạm luật không?
3.1. Quyền tự do ngôn luận theo Công ước Quốc tế
Bên cạnh Điều 18 của Công ước quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Khoản 2 – Điều 19 của Công ước quy định rằng:
“Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến; không phân biệt lĩnh vực; hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in hoặc dưới hình thức nghệ thuật; thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ.”
Theo Điều 2 của Công ước:
“Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này; không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc; màu da; giới tính; ngôn ngữ; tôn giáo; quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác; nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội; tài sản; thành phần xuất thân hoặc địa vị khác”.
Do đó, việc người tập Pháp Luân Công tặng tài liệu giới thiệu về môn tập và về việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp Pháp Luân Công cho những người xung quanh được xem là việc họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận theo quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3.2. Nội dung tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công có vi phạm pháp luật Việt Nam không?
Nội dung tài liệu giới thiệu về Pháp Luân Công nhằm cung cấp thông tin về một môn rèn luyện để cải thiện và nâng cao sức khỏe và tinh thần; hướng dẫn con người sống tốt và tử tế; không tham gia chính trị; không chống đối chính quyền Việt Nam. Đồng thời, tài liệu còn cung cấp sự thật về việc ĐCSTQ đàn áp, bức hại, vu khống Pháp Luân Công.
Vì vậy, việc tặng tài liệu này hoàn toàn là hành động thiện nguyện vì mục đích nhân đạo; hoàn toàn phi lợi nhuận và phi chính trị; không có mục đích nào khác ngoài ý muốn giúp người khác hiểu rõ sự thật về môn tu luyện Pháp Luân Công và việc ĐCSTQ đàn áp môn tập này. Những nội dung này cũng không có nội dung nào tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam; hay truyền bá mê tín dị đoan như Luật pháp Việt Nam cấm.
3.3. Tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công có vi phạm Luật Bản quyền, Luật Quảng cáo không?
Những tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công được in ra từ các nguồn cho phép sử dụng miễn phí nên không vi phạm bản quyền.
Các tài liệu này được sử dụng với mục đích để mọi người biết được sự thật về hành vi tà ác, vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công và về môn tu luyện Pháp Luân Công, nên không được xem là tài liệu quảng cáo.
Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 1 – Điều 2 – Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo là việc giới thiệu sản phẩm; hàng hóa; dịch vụ; tổ chức; cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ. Quy định cụ thể như sau:
“Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”
Do đó, việc người tập Pháp Luân Công tặng tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công không được xem là hành vi phát tờ rơi quảng cáo; và không vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo.
In hình người tập Pháp Luân Công cỡ lớn có vi phạm pháp luật không?
Có trường hợp in hình người đang tập luyện một trong những bài công pháp của Pháp Luân Công và có một vài lời hay ý đẹp ở dưới hình ảnh để ca ngợi môn tập này. Hình ảnh được đóng khung lớn và treo trên tường nhà mình. Hình ảnh được in to như tấm áp phích quảng cáo dịch vụ hay sản phẩm như vậy có được xem là hành vi quảng cáo không?
Như đã nói ở trên, nội dung liên quan đến hình ảnh và dòng chữ là dùng để ca ngợi và giới thiệu Pháp Luân Công đến với người dân. Hành vi này không thuộc phạm trù nội dung điều chỉnh của Luật quảng cáo theo luật hiện hành. Bản áp phích in hình người tập luyện là hình ảnh đẹp, không phải là hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục. Do đó, khung hình như vậy là hoàn toàn hợp pháp.
3.4. Tài liệu Pháp Luân Công có vi phạm Luật Xuất bản không?
Các tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công được in từ máy in cá nhân; hoặc photo trắng đen không được xem là xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản 2012.
Tuy nhiên, những tài liệu được in từ “Máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số; ốp xét (offset); flexo; ống đồng; máy in lưới (lụa)”; hoặc photo từ “Máy photocopy màu; máy in có chức năng photocopy màu” có thể được xem là xuất bản phẩm theo quy định tại Khoản 04 – Điều 04 – Luật Xuất bản 2012.
Theo quy định tại Luật Xuất bản 2012, một xuất bản phẩm hợp pháp theo pháp luật Việt Nam là một xuất bản phẩm được cấp phép hợp pháp bởi một nhà xuất bản có thẩm quyền cấp phép. Bởi vậy, Khoản 2 – Điều 10 của Luật Xuất bản 2012 nghiêm cấm hành vi xuất bản mà không đăng ký với nhà xuất bản. Cụ thể như sau:
“Nghiêm cấm thực hiện hành vi sau đây:
Xuất bản mà không đăng ký; không có quyết định xuất bản; hoặc không có giấy phép xuất bản”.
Trường hợp vi phạm quy định trên sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đối tượng bị xử phạt là người đứng đầu cơ sở phát hành xuất bản phẩm.
Khoản 1 – Điều 36 – Luật Xuất Bản 2012 quy định về cơ sở phát hành xuất bản phẩm như sau:
“Cơ sở phát hành xuất bản phẩm bao gồm doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập; hộ kinh doanh xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là cơ sở phát hành).”
Do đó, đối tượng bị phạt về hành vi phát hành xuất bản phẩm trái phép là tổ chức; cá nhân (hộ gia đình) có hành vi kinh doanh xuất bản phẩm; mà không phải là cá nhân; tổ chức đang lưu hành, hay sử dụng tài liệu đó; trừ khi tài liệu đó bị cấm lưu hành và công bố công khai bằng văn bản luật bởi bộ phận in của Cục Xuất bản.
Cho đến thời điểm này, tài liệu Pháp Luân Công không thuộc danh mục tài liệu bị cấm xuất bản hay cấm lưu hành theo pháp luật hiện hành Việt Nam.
3.5. Tặng tài liệu tiếng Trung về Pháp Luân Công ở Việt Nam có vi phạm luật không?
Hoàn toàn không vi phạm pháp luật; tương tự như các phân tích về tặng tài liệu giới thiệu về Pháp Luân Công bằng tiếng Việt đã nêu ở trên.
3.6. Người học Pháp Luân Công tặng hoa sen nhỏ có vi phạm pháp luật không?
Những người học Pháp Luân Công thường tặng cho mọi người những bông hoa sen nhỏ; hoặc thẻ giấy nhỏ gọi là “thẻ Bình an”. Trên các vật phẩm này có in chín chữ chân ngôn: “Pháp Luân Đại Pháp Hảo – Chân Thiện Nhẫn Hảo”.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hoa sen và thẻ bình an này không phải là xuất bản phẩm; mà là vật phẩm được làm thủ công của những người học Pháp Luân Công. Đó là tài sản của người làm ra hoặc sở hữu nó.
Do đó, bất kỳ người nào có ý đồ; hoặc tự diễn giải sai với quy định của luật; cho rằng các vật phẩm này là xuất bản phẩm; thậm chí cho rằng là biểu hiện của hoạt động quảng cáo thì hành vi đó là trái với pháp luật; là đang lạm quyền để chiếm đoạt tài sản của công dân; và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
3.7. Chia sẻ các bài viết, thông tin giới thiệu Pháp Luân Công từ các website có ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đăng ký hoạt động ở nước ngoài
Việc chia sẻ các bài viết, thông tin giới thiệu môn tu luyện Pháp Luân Công cũng như bài viết trên các trang web có ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đăng ký hoạt động tại nước ngoài có vi phạm quy định tại Nghị định 15/2020 của Chính phủ không?
Điều 101 – Nghị định 15/2020 quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng
Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan; tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin mê tín, dị đoan không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt; gây hoang mang trong nhân dân;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí; văn học; nghệ thuật; xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hoặc chưa được phép lưu hành; hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng:
Đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những nội dung được người học Pháp Luân Công chia sẻ là những giá trị tốt đẹp mà họ được thụ ích trong quá trình tu luyện; và giá trị Chân – Thiện – Nhẫn là các giá trị phổ quát của nhân loại. Do đó, việc người dân chia sẻ nội dung thông tin những bài viết trên các trang mạng xã hội là hoàn toàn hợp pháp.
Cá nhân chia sẻ những thông tin, nội dung này không vi phạm pháp luật; dù cho thông tin chia sẻ xuất phát từ những trang mạng có server ở nước ngoài; hoặc trang báo có cơ quan chủ quản tại nước ngoài mà có ngôn ngữ là tiếng Việt. Đối tượng bị điều chỉnh bởi luật nếu có, là các trang thông tin nước ngoài; chứ không phải là người đọc; trừ khi thông tin chia sẻ là thông tin không có thật và gây tiêu cực đến người đọc trên diện rộng trong xã hội.
4. Nhiều báo đài Việt Nam đăng tin người tập Pháp Luân Công tặng tài liệu giới thiệu là vi phạm pháp luật
Nhiều báo đài Việt Nam đưa tin và đăng hình ảnh người tập Pháp Luân Công bị bắt với lý do vi phạm pháp luật do tuyên truyền môn tập này. Điều này có đúng không?
Người tập Pháp Luân Công tặng tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công không phải là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính như phân tích ở trên.
Ngay cả đối với hành vi vi phạm hành chính thì việc công khai hành vi này trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng rất hạn chế ở một số trường hợp nhất định.
Điều 72.1
–
Luật xử phạt vi phạm hành chính
“Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn; hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội; thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”.
Do đó, việc các báo đài Việt Nam đăng tin; hình ảnh người tập Pháp Luân Công và viết rằng họ vi phạm pháp luật do tặng tài liệu giới thiệu môn tập là hành vi vi phạm pháp luật vì những lý do sau:
Điều 32 – Bộ Luật Dân Sự năm 2015
“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.”
Do đó, việc đăng công khai hình ảnh của cá nhân trên các phương tiện truyền thông mà không được sự đồng ý của họ là vi phạm quy định của Bộ Luật Dân Sự.
Theo Khoản 3 – Điều 32 – Bộ Luật Dân Sự 2015: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi; tiêu hủy; chấm dứt việc sử dụng hình ảnh; bồi thường thiệt hại; và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Vi phạm Luật Báo chí
Việc đăng tin của các cơ quan truyền thông còn vi phạm quy định tại Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
Theo đó, Khoản 3 Điều 5 Nghị định này quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng; hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai; sinh hoạt tập thể; các buổi lao động; biểu diễn nghệ thuật; thể dục thể thao; những người có lệnh truy nã; các cuộc xét xử công khai của Tòa án; những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”.
Như vậy, theo các cơ sở pháp luật nêu trên, nếu như tờ báo nào hay cơ quan; cá nhân nào đưa tin; đăng tin và sử dụng những thuật ngữ trái với pháp luật Việt Nam; có ý đồ “hạn chế người dân tập luyện Pháp Luân Công” thông qua việc sử dụng ngôn ngữ phiến diện gắn với Pháp Luân Công như “chưa cho phép”; hay “truyền đạo Pháp Luân Công trái phép”; hoặc “bất hợp pháp” thì đó là có ý đồ gây hiểu lầm cho dân chúng; cố ý đưa thông tin không đúng để giới hạn quyền công dân của người khác.
Báo chí nhà nước/cá nhân sử dụng cụm từ “bắt quả tang” đối với người học Pháp Luân Công đang tặng tài liệu giới thiệu pháp môn là đúng hay sai?
Nếu báo chí; cá nhân; tổ chức nào có lời nói; hay lan truyền cụm từ “bắt quả tang” đối với việc người dân đi tặng tài liệu Pháp Luân Công thì hành vi đó là sai, là vi phạm pháp luật; bởi vì không có một quy định nào của pháp luật hiện hành cấm và phạt công dân chia sẻ, tặng tài liệu có nội dung về Pháp Luân Công. Vậy nên, việc giới thiệu, tặng tài liệu Pháp Luân Công là hành vi không vi phạm pháp luật.
Cụm từ “bắt quả tang” được sử dụng đối với phạm tội hình sự. Cụ thể, Điều 111 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về “Bắt người phạm tội quả tang” như sau:
“1. Đối với người đang thực hiện tội phạm; hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an; Viện kiểm sát; hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt; hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Do vậy, việc báo chí; hay cá nhân; tổ chức nào đưa tin về người học Pháp Luân Công với cách gọi “bắt quả tang [người đó] đang có hành vi tuyên truyền; phát tán tài liệu có liên quan đến Pháp Luân Công” là hành vi vi phạm pháp luật; là xâm phạm đến quyền công dân và uy tín của người đó.
Khiến cho độc giả hiểu sai về Pháp Luân Công
Việc sử dụng ngôn từ “bắt quả tang” có thể khiến cho độc giả hiểu sai rằng việc chia sẻ; giới thiệu tài liệu có liên quan đến Pháp Luân Công là một hành vi phạm phạm tội hình sự tại Việt Nam.
Cách sử dụng ngôn từ như vậy là gián tiếp hạn chế quyền công dân của độc giả; khiến cho họ “sợ hãi”; nhầm tưởng rằng Pháp Luân Công bị cấm ở Việt Nam mà không biết tại sao. Việc đưa tin như vậy cũng là gián tiếp ngăn cản độc giả có thể tiếp nhận những lợi ích khi tập luyện và đề cao tâm tính theo Pháp Luân Công một cách miễn phí.
Bên cạnh đó, việc sử dụng từ ngữ như vậy làm cho độc giả nước ngoài hiểu sai về Nhà nước Việt Nam; rằng Nhà nước Việt Nam nghe theo chính quyền Trung Quốc; không độc lập trong việc quản trị và điều hành đất nước; trong khi đó, các nước trên thế giới lại vinh danh và chào đón Pháp Luân Công.
Cũng lưu ý rằng, cụm từ “bắt quả tang” không sử dụng đối với những hành vi vi phạm hành chính; mà thay vào đó là thuật ngữ “phát hiện vi phạm hành chính”.
Như vậy, bất kỳ cơ quan báo chí; cá nhân; tổ chức nào sử dụng từ “bắt quả tang” một cách ác ý đối với người tặng tài liệu hay giới thiệu Pháp Luân Công thì đó là hành vi vi phạm pháp luật; và xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của họ.
Cần xử lý như thế nào?
Người tập Pháp Luân Công nào bị đăng hình ảnh, thông tin trái pháp luật như vậy thì có quyền yêu cầu cơ quan vi phạm phải gỡ bỏ thông tin ra khỏi các bản tin đó; và xin lỗi công khai. Cơ sở pháp lý cho yêu cầu này là:
Khoản 1 – Điều 42 – Luật Báo Chí quy định:
“Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật; xuyên tạc; vu khống; xúc phạm uy tín của cơ quan; tổ chức; danh dự; nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng; phát lời cải chính; xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan; tổ chức; cá nhân đó.
Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng; phát lời cải chính; xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.”
Ngoài ra, Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính vi phạm trong hoạt động báo chí; hoạt động xuất bản: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đăng; phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó (xem thêm Điều 8); và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như gỡ bỏ bản tin; xin lỗi; cải chính công khai theo yêu cầu của bên bị xâm phạm (xem thêm Điều 3).
5. Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về Pháp Luân Công
Mặc dù không có một văn bản pháp quy nào của Nhà nước Việt Nam đề cập đến ba chữ “Pháp Luân Công”, nhưng vào ngày 09/4/2009, khi báo chí quốc tế hỏi Bộ Ngoại Giao Việt Nam: “Việt Nam có chính sách chống lại hoạt động này không, liệu Trung Quốc có gây sức ép đối với Việt Nam trong việc cấm Pháp Luân Công hoạt động hay không?”, ông Lê Dũng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc bấy giờ – đã phát biểu: “Việt Nam không có Pháp Luân Công. Hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam”.
Như vậy, dựa trên câu trả lời của người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, tức là đại diện cho chính quyền Việt Nam, ông Lê Dũng nói: “Việt Nam không có Pháp Luân Công” là khẳng định ở Việt Nam không có tổ chức nào; hay một pháp nhân đăng ký hoạt động với nhà nước Việt Nam với danh nghĩa là “Pháp Luân Công”. Phát ngôn của ông Lê Dũng cũng khẳng định “quyền rèn luyện sức khỏe được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam”.
Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm
Trong bài viết “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014; tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững” vào dịp năm mới 2014, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm; và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ; công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Do vậy, việc người dân tập luyện Pháp Luân Công – một môn khí công của Phật gia, để rèn luyện sức khỏe và nâng cao đạo đức tinh thần là hoàn toàn hợp pháp; và phù hợp với quyền được chăm sóc sức khỏe (Điều 38 của Hiến Pháp); quyền tự do ngôn luận (Điều 2 của Hiến Pháp) trong trường hợp này là quyền tự do được cho; tặng tài liệu; thông tin; chia sẻ; bình luận các nội dung về Pháp Luân Công.
Như vậy, có thể khẳng định rằng thông tin “Pháp Luân Công bị cấm tại Việt Nam” là không đúng.
6. Cán bộ, viên chức, Đảng viên tập Pháp Luân Công tại Việt Nam có vi phạm pháp luật không?
Không có quy định của pháp luật nào cấm cán bộ; viên chức; Đảng viên tập Pháp Luân Công.
Cán bộ; viên chức; Đảng viên có đầy đủ các quyền của công dân về tự do tín ngưỡng và rèn luyện sức khỏe theo quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và Hiến Pháp để tập luyện Pháp Luân Công như phân tích ở trên.
7. Giới chức một số địa phương nói “cấm tụ tập đông người từ 5 người trở lên”…
Một số giới chức địa phương thường đưa ra lý do “cấm tụ tập đông người từ 5 người trở lên”; hoặc “tụ tập từ 5 người trở lên thì phải đăng ký với chính quyền” để làm khó những người dân luyện 5 bài Công pháp của Pháp Luân Công ở nơi công cộng như: bãi biển; công viên…
Nghị định 38/2005/NĐ-CP và Thông tư 09/2005/TT-BCA về trật tự công cộng; quy định về thủ tục đăng ký với cấp chính quyền cho trường hợp là nhóm đông người tập trung lại tại nơi công cộng nhằm mục đích đưa ra yêu cầu; hoặc kiến nghị liên quan đến đời sống chính trị – xã hội.
Trong khi đó, những người tập luyện Pháp Luân Công không đưa ra yêu cầu hay kiến nghị nào cả. Những người này chỉ tập luyện 5 bài công pháp để rèn luyện sức khỏe.
Công viên hay bãi biển là nơi dành cho người dân vui chơi và đến để rèn luyện sức khỏe. Đây cũng là quyền được ghi nhận trong Hiến Pháp và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia làm thành viên. Do đó, công dân hoàn toàn có quyền đến để sinh hoạt và rèn luyện sức khỏe của mình; bao gồm việc tập luyện Pháp Luân Công.
8. Ngày càng có nhiều người tập Pháp Luân Công tại Việt Nam
Hiện, có người vẫn e ngại và thắc mắc Pháp Luân Công có phải tà giáo?
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc tập luyện, giới thiệu và chia sẻ về Pháp Luân Công tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp. Pháp Luân Công không phải là “đạo lạ” hay “tà giáo” như một số cơ quan chức năng tại một số nơi tuyên truyền.
Ngày càng có nhiều người dân Việt Nam thực hành Pháp Luân Công trong cuộc sống hàng ngày và nhận được nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình. Hầu hết tại các tỉnh, thành ở Việt Nam đều có người học Pháp Luân Công. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy điểm tập Pháp Luân Công ở Hà Nội; TP. HCM; Đà Nẵng; Nha Trang; Cần Thơ; Hải Phòng… Những người tập Pháp Luân Công tại đây sẽ hướng dẫn miễn phí cho bạn.
Việc thực hành Pháp Luân Công trong cuộc sống hàng ngày không chỉ giúp cải thiện sức khoẻ mà còn giúp nâng cao tâm tính, đạo đức. Nếu có ai thắc mắc rằng “Pháp Luân Công tại Việt Nam có bị cấm không?” thì câu trả lời là “KHÔNG”. Bạn có thể dễ dàng vào các trang web chính thức của Pháp Luân Công để tải tài liệu và hướng dẫn thực hành. Bạn có thể tìm đọc các bài chia sẻ về trải nghiệm đề cao tâm tính; cải thiện sức khỏe khi tập Pháp Luân Công trên website, facebook; hoặc liên lạc với người học tại địa phương để được hướng dẫn chi tiết.
Trang Linh – Thuỷ Vân – Diệp Anh