Phân tích về thuế quan và các hạn chế định lượng; Xóa bỏ thuế quan
Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc thêm kiến thức về thuế quan và các hạn chế định lượng; Xóa bỏ thuế quan; Các loại hàng rào trong quan hệ thương mại quốc tế như: Hàng rào thuế quan; Hàng rào phi thuế quan…
Mục Lục
1. Thuế quan
Thuế quan là thuế đánh vào hàng hóa khi di chuyển qua cửa khẩu của một quốc gia. Thuế quan hóa là việc chuyển các biện pháp phi thuế quan thành tương đương thuế quan ràng buộc.
2. Hàng rào thuế quan
Thuế quan là tên gọi chung chỉ các sắc thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thuế quan ra đời với 2 mục đích chính là: (i) Góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; và (ii) Bảo hộ sản xuất trong nước. Bằng cách đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu, nhà nước tạo áp lực tăng giá bán của hàng hóa nhập khẩu, qua đó, giúp các nhà sản xuất trong nước có lợi thế trong cạnh tranh về giá với hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, thuế quan chính là hàng rào mang tính chất kinh tế đối với hàng hóa nhập khẩu.
3. Hàng rào phi thuế quan
Bên cạnh hàng rào thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này vào quốc gia khác còn có thể phải đối mặt với các hàng rào phi thuế quan. Hàng rào phi thuế quan được hiểu là các cách thức ngăn chặn hoặc gây trở ngại cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không phải là đánh thuế nhập khẩu. Hàng rào phi thuế quan có 2 nhóm chính là: (i) Hàng rào hành chính; (ii) Rào cản kỹ thuật.
Thứ nhất, hàng rào hành chính là các quy định có tính chất mệnh lệnh hành chính nhà nước nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng rào hành chính bao gồm các quy định pháp luật về cấm nhập, cấm xuất, giấy phép, hạn ngạch (quota), hạn chế xuất khẩu tự nguyện, tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc. Cụ thể:
– Cấm nhập hoặc cấm xuất là những quy định pháp lý mà một quốc gia không cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu những hàng hóa nhất định. Đối với những hàng hóa có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe con người, an ninh, quốc phòng và môi trường thì cấm nhập, cấm xuất là cần thiết. Tuy nhiên, đối với những hàng hóa thông thường nếu quy định cấm nhập hoặc cấm xuất thì đây chính là biện pháp hành chính tạo ra hàng rào ngăn cản tự do thương mại quốc tế.
– Giấy phép nhập khẩu là một trong những cách thức tạo ra rào cản đối với tự do hóa thương mại bằng cách yêu cầu nhà nhập khẩu phải đệ đơn để được cấp giấy phép nhập khẩu cho những loại hàng hóa nhất định. Trong thực tiễn, các thủ tục hành chính này đã tạo ra những rào cản không nhỏ đối với hàng hóa nhập khẩu.
– Hạn ngạch (quota) là quy định lượng tối đa theo giá trị hoặc theo khối lượng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu trong một thời kỳ nhất định. Hạn ngạch có thể quy định cho từng nhà nhập khẩu/xuất khẩu hoặc quy định cho từng quốc gia có hàng hóa xuất khẩu sau đó quốc gia này lại phân bổ hạn ngạch cho các nhà xuất khẩu của quốc gia đó.
– Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là thỏa thuận giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu về giới hạn tối đa theo giá trị hoặc theo khối lượng của một mặt hàng nào đó xuất khẩu từ một nước vào nước kia. Cách thức này gần giống như hạn ngạch nhưng khác ở chỗ, trong khi hạn ngạch là quy định đơn phương của một quốc gia thì hạn chế xuất khẩu tự nguyện là sản phẩm của một hiệp định song phương.
– Tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc là một cách thức ngăn cản hàng hóa nhập khẩu, theo đó một quốc gia quy định một mặt hàng nào đó phải đạt một tỷ lệ nội địa hóa mới được tiêu thụ tại quốc gia đó.
Thứ hai, rào cản kỹ thuật bản thân nó chỉ là những quy chuẩn kỹ thuật do một quốc gia quy định đối với hàng hóa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nó lại được sử dụng như là một cách thức để cản trở hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa. Bởi vậy, những quy chuẩn kỹ thuật này được gọi là rào cản kỹ thuật.
Ngoài hai nhóm hàng rào phi thuế quan có tính chất chính thống nêu trên, còn có những rào cản phi thuế quan không chính thống khác như sự nhũng nhiễu của công chức hải quan, sự không rõ ràng của các quy định về xuất xứ hàng hóa, sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục thông quan…
4. Thuế quan và các hạn chế định lượng
Có một thời gian dài thuế quan và các hạn chế định lượng là công cụ chính sách thương mại chủ yếu của các nhà hoạch định chính sách quốc gia. Thuế quan có tác dụng kép, vừa để tăng nguồn thu, vừa để giúp thục hiện một só mục tiêu về chính sách nội địa: trong trường họp như thuế nhập khẩu bảo vệ nhà sản xuất trong nước và thuế xuất khẩu nhằm đảm bảo an toàn về cung cấp của một số nguồn lực khan hiếm trong nước. Biện pháp hạn chế định lượng từng là một công cụ hiệu nghiệm để đạt một số mục tiêu về chính sâch.
Trong khi thuế nhập khẩu cao có tác dụng làm nản chí các nhà sản xuất nước ngoài vì tăng giá sản phẩm của họ tại nước nhập khẩu, thì hạn ngạch hoặc giới hạn tổng khối lượng nhập khẩu có thể ngăn chặn một cách có hiệu quả việc nhập khẩu một sản phẩm nào đó.
Trong một số trường họp cả hai công cụ trên được áp dụng đồng thời. Chẳng hạn một quốc gia có thể quyết định cho một mặt hàng nhập khẩu nào đó được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi với giới hạn khối lượng nhập khẩu nhất định, lượng hàng nhập khẩu vượt qua giới hạn đó sẽ bị đánh thuế ở mức MFN (được gọi là hạn ngạch thuế quan). Trong ngành nông nghiệp, hạn chế định lượng nhập khẩu thường được điều chỉnh tương ứng với giai đoạn thu hoạch cấc sản phẩm trong nước.
5. Xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan
Việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan chính là nguyên tắc cơ bản của hội nhập.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư càng mạnh mẽ. Quá trình tự do hóa thương mại được thực hiện trên cơ sở các hiệp định song phương và đa phương, ở phạm vi khu vực và trên thế giới. Điển hình cho các thỏa thuận ở phạm vi khu vực là: EU, NAFTA, AFTA… và toàn cầu là WTO. Bởi vậy, khi bàn về hội nhập quốc tế không thể không đề cập đến những quy định có tính nguyên tắc của WTO. Các nước thành viên WTO phải thống nhất thực hiện những nguyên tắc cơ bản nhằm xóa bỏ hoặc giảm bớt những rào cản của thương mại quốc tế. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, ràng buộc về thuế quan. Các nước đều được thúc giục, ở đâu có thể thì loại bỏ bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách giảm thuế nhập khẩu trong đàm phán thương mại đa biên. Thuế nhập khẩu được cắt giảm như trên bị buộc không được tăng lên nữa bằng cách bị liệt kê vào trong danh mục cam kết quốc gia của mỗi nước.
Thứ hai, bảo hộ các ngành sản xuất trong nước thông qua thuế quan. Mặc dù WTO được sinh ra là để thúc đẩy tự do hóa thương mại, song WTO thừa nhận rằng, các nước thành viên có thể sẽ phải bảo vệ sản xuất trong nước chống lại cạnh tranh nước ngoài. Tuy vậy, WTO yêu cầu các nước phải tiến hành sự bảo hộ đó thông qua thuế quan. Bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh phù hợp với nguyên tắc của WTO là những trường hợp áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế chống phân biệt đối xử. Để áp dụng những biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh này, các nước phải tuân thủ những ràng buộc của WTO nhằm tránh sự lợi dụng để bảo hộ sản xuất nội địa. Hạn ngạch thuế quan cũng được áp dụng với tư cách là một công cụ được WTO thừa nhận để bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước. Đây chính là công cụ kết hợp giữa hạn ngạch và thuế quan.
Thứ ba, xóa bỏ các rào cản phi thuế quan. WTO quy định các nước thành viên phải xóa bỏ các rào cản phi thuế quan, bao gồm cả các rào cản có tính chất hành chính như hạn ngạch, giấy phép, hạn chế xuất khẩu tự nguyện và quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa để được tiêu thụ trong nước. Các quốc gia thành viên WTO cũng không được áp dụng biện pháp cấm nhập trừ trường hợp những hàng hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, quốc phòng và đời sống con người. WTO cũng ngăn cản các quốc gia sử dụng các rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước bằng Hiệp định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Hai hiệp định này quy định những nguyên tắc và các công cụ để đảm bảo rằng các quy chuẩn kỹ thuật của một quốc gia không tạo ra rào cản đối với tự do hóa thương mại giữa các quốc gia.
Xét dưới góc độ nguyên tắc chung nhằm tránh lợi dụng để bảo hộ, TBT và SPS có nhiều điểm tương đồng. Sự khác nhau giữa hai hiệp định này liên quan đến 4 vấn đề: (i) Bằng chứng khoa học trong soạn thảo các quy định; (ii) Cách thức cụ thể để áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử; (iii) Điều kiện để các nước có thể đi chệch khỏi tiêu chuẩn quốc tế; (iv) Biện pháp tạm thời khi có lan truyền dịch bệnh.
Như vậy, có thể thấy, trong quá trình hội nhập, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và các rào cản phi thuế quan là tất yếu khách quan do sự ràng buộc mà các quốc gia đã cam kết với nhau trong một định chế thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu là WTO cùng với các cam kết khác khi các quốc gia ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Căn nguyên quan trọng để các quốc gia đi đến cam kết và thực hiện các cam kết này chính là những lợi ích của tự do hóa thương mại mang lại lớn hơn những bất lợi mà nó gây ra.
Tuy vậy, quá trình cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan của các nước thành viên WTO với tư cách là một điều tất yếu khách quan cũng không phải chỉ diễn ra trên những con đường rải đầy hoa hồng. Quá trình ấy cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Đó chính là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Thất bại của vòng đàm phán Doha trong suốt hơn một thập kỷ từ 2001 đến 2012 là minh chứng cho nhận định này. Theo đó, các nước đã thất bại trong việc đàm phán để tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại hơn nữa, đặc biệt là các thỏa thuận về tiếp tục giảm thuế quan trong lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận trong Hiệp định nông nghiệp của GATT 1994. Tất nhiên, với tư cách là một quá trình tất yếu khách quan, tự do hóa thương mại toàn cầu không dừng lại bởi thất bại của vòng đàm phán Doha. Một năm sau, vào ngày 7/12/2013, các nước thành viên WTO đã thông qua Thỏa thuận Bali. Thỏa thuận Bali có 10 văn kiện trong 3 phần là: (i) Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại; (ii) Cam kết về nông nghiệp; và (iii) Cam kết về phát triển (TS. Lê Đăng Doanh, 2014). Những cam kết quan trọng đạt được trong Thỏa thuận Bali là: Tiếp tục giảm thuế nhập khẩu trong lĩnh vực nông sản, giảm trợ cấp đối với nông sản, giảm thủ tục hải quan, cải thiện hệ thống hạn ngạch thuế quan.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên soạn).