Phân tích khiếu nại và khiếu kiện hành chính

Bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc thêm kiến thức về những nội dung như: Khiếu nại hành chính, đặc điểm khiếu nại hành chính; khiếu nại hành chính và những nội dung khác liên quan…

1. Quyết định hành chính và hành vi hành chính là gì?

– Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng Hành chính 2015 quy định như sau: Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

– Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi các quy định nêu trên.

Người sử dụng đất khi không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai, thì có quyền khiếu nại.

Khái niệm hành vi hành chính đã được Khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định cụ thể.

Theo đó, hành vi hành chính được hiểu là: hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chủ thể của hành vi hành chính là: cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước.

 

2. Khái niệm khiếu nại hành chính 

Khái niệm về khiếu nại hành chính là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

=> Từ khái niệm trên cho thấy, nội dung khiếu nại hành chính là khiếu nại về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỉ luật đối với cán bộ, công chức là những sự việc phát sinh trong trong hoạt động quản lý hành chính.

– Người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại và chọn cơ quan hành chính nhà nước giải quyết khiếu nại của mình.

– Phạm vi khiếu nại hành chính rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước.

– Chủ thể giải quyết khiếu nại hành chính là cơ quan hành chính nhà nước. Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, cơ quan hành chính nhà nước bắt buộc phải thực hiện thủ tục pháp lý nhất định về giải quyết khiếu nại.

– Giải quyết khiếu nại hành chính được thực hiện theo thủ tục hành chính; đối với khiếu nại hành chính lần đầu, cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính vừa có tư cách là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, vừa là người bị khiếu nại; đối với khiếu nại hành chính lần hai, thì cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính là người bị khiếu nại, cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính này là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Các cá nhân, tổ chức khiếu nại tham gia thủ tục pháp lý về khiếu nại với tư cách là người khiếu nại. Để giải quyết khiếu nại hành chính, cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết phải tiến hành kiểm tra, xác minh, làm việc, đối thoại với người khiếu nại và các cơ quan có liên quan (nếu thấy cần thiết) để làm rõ nội dung khiếu nại. Căn cứ các quy định của pháp luật để kết luận nội dung khiếu nại, về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu nại; ban hành quyết định giải quyết khiếu nại và tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại bị xâm hại bởi quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trái pháp luật (nếu có).

 

3. Đặc điểm khiếu nại hành chính

a. Khiếu nại hành chính là quyền của công dân khi tham gia vào quản lý hành chính nhà nước

Nhằm chống lại sự xâm phạm của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước, mặt khác đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hiệu lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Nhà nước luôn bảo đảm quyền công dân, việc tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc, kiến nghị, các khiếu nại của người dân từ rất lâu đã được Nhà nước Việt Nam quan tâm và luôn coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ máy nhà nước.

b. Khiếu nại hành chính là việc cá nhân, tổ chức yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ công chức mà quyết định, hành vi đó có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Như vậy, khiếu nại là đề nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính hay hành vi hành chính hoặc đề nghị của cán bộ, công chức chịu tác động trực tiếp của quyết định kỷ luật đối với cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Đề nghị này xuất phát từ nhận thức chủ quan của người khiếu nại cho rằng quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm.

c. Chủ thể khiếu nại hành chính là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp tới quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. => Chủ thể khiếu nại có thể là công dân, có thể là cơ quan, tổ chức, có thể là cán bộ, công chức chứ không chỉ là công dân như trước đây. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng được hưởng quyền khiếu nại.

Có nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, tuy nhiên cá nhân, tổ chức thường phản ứng trước nhà nước đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính ảnh hưởng hoặc xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

d. Đối tượng của khiếu nại hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính, hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoạt động quản lý thông qua nhiều hình thức khác nhau mà pháp luật quy định, trong đó, việc ra quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức là hình thức quản lý hành chính Nhà nước.

Quyết định hành chính được hiểu là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính; Hành vi hành chính được hiểu là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; Quyết định kỷ luật được hiểu là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

 

4. Khiếu kiện hành chính 

Khái niệm khiếu kiện hành chính là việc người khiếu nại khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính đến Tòa án hay gọi là khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được gọi là khiếu kiện hành chính. Nói cách khác, khiếu kiện hành chính được dùng để chỉ việc người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại của mình đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính tại cơ quan Tòa án, chọn Tòa án là cơ quan giải quyết khiếu nại của mình.

Trước đây, khiếu nại hành chính chỉ do cơ quan hành chính nhà nước giải quyết, vào ngày 01 tháng 7 năm 1996, đã ra đời Tòa Hành chính trong hệ thống Tòa án nhân dân, từ đó Tòa Hành chính cũng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính theo trình tự tố tụng tư pháp. Tại thời điểm đó, Tòa Hành chính thụ lý giải quyết các vụ việc khiếu nại hành chính còn hạn chế.

Hiện nay, theo Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016) đã giải thích rõ: Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh…Đồng thời, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ TổngCục trưởng và tương đương trở xuống và quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh vẫn giữ nguyên; nhưng quy định bổ sung quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

 

5. Thẩm quyền xét xử khiếu nại hành chính

Về thẩm quyền xét xử khiếu nại hành chính, có thể xét trên hai phương diện:

– Xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án theo loại việc và thẩm quyền của các cấp Toà án. Cụ thể: Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

– Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính: 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh…

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).