Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm – Foodbank Việt Nam
Chất lượng thực phẩm là mức độ thỏa mãn của một tập hợp các thuộc tính của thực phẩm đối với các yêu cầu. Chất lượng thực phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chỉ trên cơ sở xác định đầy đủ các yếu tố thì mới có thể có những biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và tổ chức quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất kinh doanh. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, tuy nhiên có thể chia thành các nhóm yếu tố sau:
Các yếu tố ảnh hưởng tầm vi mô (5M &1E)
Mục Lục
Nguyên vật liệu (Materials)
Tính chất của nguyên vật liệu quyết định trực tiếp đến tính chất của sản phẩm. Muốn có sản phẩm đạt chất lượng, điều trước tiên là nguyên vật liệu để sản xuất cần phải đảm bảo những yêu cầu về chất lượng, mặt khác phải đảm bảo cung cấp cho cơ sở sản xuất những nguyên vật liệu đúng số lượng, chất lượng và đúng kỳ hạn, có như vậy cơ sở sản xuất mới chủ động ổn định quá trình sản xuất và thực hiện đúng kế hoạch chất lượng.
Công nghệ – máy móc (Machines)
Yếu tố công nghệ – máy móc có tầm quan trọng đặc biệt, có tác dụng quyết định việc hình thành chất lượng sản phẩm.
Công nghệ: Ngày nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, quá trình sản xuất thực phẩm ngày càng phát triển và được hiện đại hóa. Công nghệ chế biến càng hiện đại thì sản phẩm sản xuất ra càng đảm bảo vệ sinh và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngược lại, nếu công nghệ chế biến cũ kỹ, lạc hậu thì sản phẩm sản xuất ra kém chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Máy móc: Ngoài yếu tố công nghệ, cần phải chú ý đến việc lựa chọn máy móc, thiết bị. Sự tân tiến và hiện đại của máy móc sẽ góp phần mang đến chất lượng, số lượng các sản phẩm cao hơn, các dịch vụ đảm bảo hơn cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Phương pháp tổ chức, quản lý (Methods)
Con người (Man)
Lực lượng lao động là nhân tố ảnh hưởng có tính quyết định. Được thể hiện ở các mặt:
- Trình độ chuyên môn và ý thức kỷ luật, tinh thần lao động hợp tác của đội ngũ lao động tác động trực tiếp đến khả năng có thể tự mình sáng tạo ra sản phẩm, kỹ thuật công nghệ với chất lượng ngày càng tốt hơn.
- Làm chủ công nghệ ngoại nhập để sản xuất sản phẩm với chất lượng mà kỹ thuật công nghệ quy định.
- Có khả năng ổn định, nâng cao dần chất lượng sản phẩm với chi phí kinh doanh chấp nhận được.
Kiểm tra, thống kê (Measurement)
Đây là bước cuối cùng trước khi sản phẩm được hoàn thiện và tung ra thị trường. Nó có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho các nhà quản lý có thể nắm bắt được về chất lượng sản phẩm như thế nào, có phù hợp và đúng với những tiêu chuẩn mà họ đã đặt ra hay không, từ đó thống kê về số lượng và bắt đầu hoàn thiện, đóng gói để đưa đến người tiêu dùng.
Môi trường (Environment)
Các yếu tố nhiệt độ, thời tiết, môi trường làm việc có tác động trực tiếp và có ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất và chất lượng, số lượng của các sản phẩm mà trực tiếp nhất chính là ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các thiết bị máy móc, nguyên liệu,…
Các yếu tố ảnh hưởng tầm vĩ mô
Chất lượng sản phẩm thực phẩm còn phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố sau:
Điều kiện và nhu cầu của nền kinh tế
Chất lượng của sản phẩm chịu sự chi phối của các điều kiện cụ thể của nền kinh tế, thể hiện ở các mặt: đòi hỏi của thị trường, trình độ, khả năng cung ứng của sản xuất, chính sách kinh tế của Nhà nước…
Nhu cầu của thị trường rất đa dạng, phong phú về số lượng, chủng loại… nhưng khả năng của nền kinh tế thì có hạn: tài nguyên, vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật công nghệ, đổi mới trang thiết bị, kỹ năng của cán bộ công nhân viên… Như vậy, chất lượng của sản phẩm còn phụ thuộc vào khả năng hiện thực của toàn bộ nền kinh tế.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật
Chất lượng của sản phẩm gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó chu kỳ công nghệ của sản phẩm được rút ngắn, công dụng của sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể thỏa mãn với mức chất lượng hiện tại mà phải thường xuyên theo dõi biến động của thị trường về sự đổi mới của khoa học, kỹ thuật liên quan đến nguyên vật liệu, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị,… để điều chỉnh kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển doanh nghiệp…
Hiệu lực của cơ chế quản lý
Trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước về kinh tế – kỹ thuật, hành chính – xã hội… cụ thể hóa bằng nhiều chính sách nhằm ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng dẫn tiêu dùng, tiết kiệm ngoại tệ,…
Hiệu lực của cơ chế quản lý là đòn bẩy quan trọng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của sản xuất, đảm bảo uy tín và quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Mặt khác hiệu lực của cơ chế quản lý còn đảm bảo sự bình đẳng trong sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp trong nước, giữa khu vực quốc doanh, khu vực tập thể, khu vực tư nhân, giữa các nhà doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các yếu tố về phong tục, văn hóa, thói quen tiêu dùng
Ngoài các yếu tố mang tính khách quan như vừa nêu trên, yếu tố về phong tục, văn hóa, thói quen tiêu dùng của từng vùng, từng lãnh thổ và thị trường cũng vô cùng quan trọng.
Các tầng lớp, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán khác nhau thì việc lựa chọn và đánh giá chất lượng thực phẩm cũng có sự khác nhau.
Nhìn chung, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thực phẩm, chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần phải xác định đầy đủ các yếu tố để có những biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và tổ chức quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo foodnk.com