Phân luồng học sinh sau THCS: Cần giải pháp đồng bộ
Phân luồng học sinh sau THCS: Cần giải pháp đồng bộ
Cô và trò Trường THCS Hạc Trì, thành phố Việt Trì trao đổi thông tin về hướng nghiệp.
Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) là giải pháp tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Những năm qua, ngành GD&ĐT đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo hiệu quả phân luồng học sinh
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới. Thực hiện Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành, các đơn vị có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2799/KH-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn tỉnh.
Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Sở chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp; mỗi cơ sở giáo dục thành lập một tổ tư vấn hướng nghiệp. Hướng dẫn các trường THCS phối hợp với Trung tâm GDTX tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện, các trường trung cấp trên địa bàn tổ chức dạy nghề phổ thông. Khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương, dạy nghề gắn liền với sản xuất kinh doanh…”.
Những năm gần đây, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Trong tổng số 19.625 học sinh THCS tốt nghiệp năm học 2020 – 2021 có 3.645 học sinh vào học tại các trung tâm GDNN-GDTX, chiếm 18,57%. Tỉ lệ học sinh sau THCS tham gia học trình độ trung cấp, bổ túc văn hóa THPT gắn với học nghề được tăng lên. Quy mô học sinh học văn hóa cấp THPT kết hợp học trung cấp cũng có xu hướng tăng. Các cơ sở giáo dục được cấp phép thực hiện mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề đã tích cực tuyên truyền, thu hút người học ngay sau khi học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn hóa cấp THPT, kết hợp học trình độ trung cấp tại các cơ sở GDNN.
Việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, tránh tình trạng lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”.
Giờ sinh hoạt hướng nghiệp của học sinh lớp 9, Trường THCS Long Cốc, huyện Tân Sơn.
Giải pháp từ nhiều phía
Khảo sát tại một số trường THCS trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết: Thực hiện chỉ đạo của ngành, các cơ sở giáo dục đã quan tâm bố trí đủ giáo viên tham gia giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9; 100% đơn vị trường THCS đều thực hiện nội dung giảng dạy về giáo dục hướng nghiệp theo quy định, đồng thời phối hợp với các trung tâm GDNN-GDTX tổ chức hoạt động ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Thầy giáo Phạm Văn Toàn – Hiệu trưởng Trường THCS Long Cốc, huyện Tân Sơn cho biết: Trường hiện có 61 học sinh khối lớp 9. Trong học kỳ hai này, nhà trường đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, hướng các em theo học đúng khả năng của mình. Qua khảo sát, hiện có 23 học sinh có mong muốn đăng ký học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện.
Ngoài ra, để làm tốt công tác phân luồng, các trường THCS còn chủ động thành lập ban hướng nghiệp, phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp. Em Đặng Mỹ Duyên, lớp 9E, Trường THCS Tân Dân, thành phố Việt Trì cho biết: Qua nghe tư vấn, phân tích của thầy cô về chương trình học ở bậc THPT và học chương trình GDTX, góp ý của phụ huynh, chúng em biết được những ưu điểm của từng trường, từ đó nhìn nhận khả năng của bản thân để đăng ký phù hợp với năng lực của mình.
Để công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh tốt nghiệp sau THCS đạt hiệu quả cao, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông, phụ huynh, học sinh. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán (giáo dục STEM) trong chương trình phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, cần quan tâm tuyên truyền về những tấm gương thợ giỏi, làm nghề giỏi, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, từ đó giúp học sinh, phụ huynh học sinh tự tin cho con vào học các trường nghề, không còn tâm lý e ngại đồng thời giảm chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội.
Hạnh Thúy