Phân loại hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại?

Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật nhằm mục tiêu lợi nhuận. Theo quy định tại khoản 16 điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 thì: Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó…

1. Khái quát hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật nhằm mục tiêu lợi nhuận. Theo quy định tại khoản 16, Điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 thì: Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng thì:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể hiểu cho vay là một trong những nghiệp vụ chủ yếu của ngân hàng khi thực hiện tín dụng ngân hàng. Đây là nghiệp vụ chủ yếu khi ngân hàng quyết định cấp tín dụng cho khách hàng và cũng là nghiệp vụ mang về thu nhập chủ yếu cho ngân hàng. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra với ngân hàng. Do vậy các ngân hàng thương mại luôn phải quan tâm tới rủi ro trong cho vay nhằm hạn chế tối đa rủi ro tín dụng xảy ra đối với ngân hàng.

2. Phân loại hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

2.1 Căn cứ vào thời hạn cho vay

Phân chia theo thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng vì thời gian liên quan mật thiết đến tính an toàn và sinh lợi của tín dụng nói chung cũng như khả năng hoàn trả của khách hàng: Thời gian cho vay càng dài thì rủi ro càng lớn nên lãi suất càng cao. Hơn nữa, việc phân chia theo thời gian còn giúp ngân hàng đảm bảo sự phù hợp về kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động được và số tiền cho vay. Theo thời gian, các khoản vay của ngân hàng được phân thành:

Cho vay ngắn hạn: Là loại cho vay có thời hạn đến 12 tháng và được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt vốn lưu động cho các doanh nghiệp và các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn của cá nhân.

Cho vay trung hạn: Là các món vay có khoảng thời gian trên 12 tháng đến 60 tháng. Cho vay trung hạn chủ yếu được mua sắm tài sản cố định, cải tiến hoặc đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng các dự án mới có quy mô nhỏ và thời gian thu hồi vốn nhanh, hình thành vốn lưu động thường xuyên của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới thành lập…

Cho vay dài hạn: Là loại cho vay có thời hạn trên 60 tháng và thời hạn tối đa có thể lên đến 20-30 năm. Cho vay dài hạn nhằm mục đích tài trợ cho các công  trình xây dựng cơ bản như xây dựng nhà ở, sân bay, cầu đường, các thiết bị, phương tiện vận tải có quy mô lớn, xây dựng các xí nghiệp mới…

2.2 Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay

Cho vay tiêu dùng: Cho vay tiêu dùng là khoản cho vay để tài trợ cho việc tiêu dùng nhằm giúp người tiêu dùng có thể sử dụng hàng hóa dịch vụ trước khi họ có khả năng chi trả, tạo điều kiện cho người vay được hưởng mức sống cao hơn. Thông thường quy mô của những khoản vay này nhỏ rủi ro cao vì phụ thuộc phần lớn vào thu nhập và ý thức trả nợ của khách hàng. Mà hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ thu nhập ngầm là rất cao (là những khoản thu nhập không kiểm soát được) nên lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao. Đối tượng được vay là các cá nhân và hộ gia đình vay để phục vụ cho mục đích mua nhà, mua ôtô, du học, du lịch…

Cho vay kinh doanh: Là loại hình cho vay của tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức như: cho vay công nghiệp, cho vay thương mại, cho vay nông nghiệp…

2.3 Căn cứ vào tính chất bảo đảm của khoản vay

Cho vay có tài sản đảm bảo: Là loại cho vay dựa trên cơ sở có bảo đảm như cầm cố, thế chấp, hoặc phải có bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba. Trong nhiều trường hợp, ngân hàng yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo khi nhận tín dụng. Lý do là khách hàng phải đối đầu với rủi ro trong kinh doanh, có thể mất khả năng trả nợ cho ngân hàng. Những biến cố không mong đợi có thể gây ra cho ngân hàng những tổn thất lớn. Chính vì vậy, trừ những khách hàng có uy tín cao, nhiều khách hàng phải có tài sản đảm bảo khi nhận tín dụng của ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, ngân hàng muốn có một nguồn trả nợ thứ hai khi nguồn thứ một là nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh không đảm bảo trả nợ. Hiện nay, hầu hết các khoản cho vay đều phải có tài sản đảm bảo.

Cho vay không có tài sản đảm bảo: Cho vay không có tài sản đảm bảo là việc cho vay chỉ dựa vào uy tín của bản thân khách hàng đi vay mà không có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc sự bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ 3. Cho vay không có tài sản đảm bảo thông thường dành cho khách hàng có uy tín cao, khách hàng truyền  thống, có tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh thường xuyên có lãi… Tuy nhiên, đây là hình thức cho vay mang nhiều rủi ro đối với các ngân hàng, ngân hàng cần thẩm định kỹ khách hàng trước khi quyết định cho vay.

2.4 Căn cứ vào phương thức cho vay

Cho vay trực tiếp từng lần: Là hình thức cho vay tương đối phổ biến của ngân hàng đối với các khách hàng không có nhu cầu vay thường xuyên, không có điều kiện để được cấp hạn mức thấu chi. Theo từng kỳ hạn nợ trong hợp đồng, ngân hàng sẽ thu gốc và lãi. Trong quá trình khách hàng sử dụng tiền vay, ngân hàng sẽ kiểm soát mục đích và hiệu quả. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hợp đồng, ngân  hàng sẽ thu nợ trước hạn hoặc chuyển nợ quá hạn. Lãi suất có thể cố định hoặc thả nổi theo thời điểm tính lãi. Nghiệp vụ cho vay từng lần tương đối đơn giản Ngân hàng có thể kiểm soát từng món vay tách biệt.

Cho vay theo hạn mức tín dụng: Đây là nghiệp vụ tín dụng theo đó ngân hàng thỏa thuận cấp cho khách hàng hạn mức tín dụng, hạn mức tín dụng có thể tính cho cả kỳ hoặc cuối kỳ. Đó là số dư tối đa tại thời điểm tính, hạn mức tín dụng được cấp trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn và nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Cho vay trong hạn mức: Số dư nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức. Khách hàng có thể vay trả nhiều lần trong kỳ nhưng dư nợ không vượt quá hạn mức.

Cho vay ngoài hạn mức: Số dư lớn hơn hạn mức. Ngân hàng quy định hạn mức tín dụng cuối kỳ. Dư nợ trong kỳ có thể lớn hơn hạn mức nhưng đến cuối kỳ khách hàng phải trả nợ để giảm dư nợ sao cho dư nợ cuối kỳ không vượt quá hạn mức. Mỗi lần vay khách hàng chỉ cần trình bày phương án sử dụng tiền vay, nộp  các chứng từ chứng minh đã thu mua hàng hoặc dịch vụ và nêu yêu cầu vay. Sau khi kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ ngân hàng sẽ phát tiền cho vay. Đây là hình thức cho vay thuận tiện với những khách hàng vay mượn thường xuyên, vốn vay tham gia thường xuyên vào quá trình sản xuất kinh doanh. Trong nghiệp vụ này ngân hàng không xác định trước kỳ hạn nợ và thời hạn tín dụng. Khi khách hàng có thu nhập, ngân hàng sẽ thu nợ, do đó tạo chủ động quản lý ngân quỹ cho khách hàng. Tuy nhiên các lần vay không tách biệt thành các kỳ hạn nợ cụ thể nên ngân hàng khó kiểm soát hiệu quả sử dụng từng lần vay. Ngân hàng chỉ có thể phát hiện vấn đề khi khách hàng nộp báo cáo tài chính hoặc dư nợ lâu không giảm sút.

Cho vay thấu chi: Là hình thức cho vay qua đó ngân hàng cho phép người vay được chi trội (vượt) trên số dư tiền gửi thanh toán của mình đến một thời hạn nhất định và trong khoảng thời gian xác định. Giới hạn này gọi là hạn mức thấu chi. Thấu chi dựa trên cơ sở thu và chi của khách hàng không phù hợp về thời gian và quy mô. Thời gian và số lượng thiếu có thể dự đoán được, song không chính xác. Do vậy, hình thức cho vay này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình thanh toán: Chủ động, nhanh chóng và kịp thời. Thấu chi là hình thức tín dụng ngắn hạn, linh hoạt, thủ tục đơn giản, phần lớn là không có đảm bảo, có thể cấp cho cả doanh nghiệp và cá nhân vài ngày trong tháng, vài tháng trong năm dùng để trả lương, chi các khoản phải nộp, mua hàng… Hình thức này nhìn chung chỉ sử dụng với các khách hàng có độ tin cậy cao, thu nhập đều đặn và kì thu nhập ngắn.

Cho vay luân chuyển: Là nghiệp vụ cho vay dựa trên luân chuyển của hàng hóa, áp dụng đối với các doanh nghiệp thương mại hoặc doanh nghiệp sản xuất có chu kỳ tiêu thụ ngắn ngày, có quan hệ vay trả thường xuyên với ngân hàng. Doanh nghiệp khi mua hàng có thể thiếu vốn, ngân hàng có thể cho vay để mua hàng và sẽ thu nợ khi doanh nghiệp bán hàng. Cho vay luân chuyển rất thuận tiện cho khách hàng. Thủ tục vay chỉ cần thực hiện một lần cho nhiều lần vay. Khách hàng được đáp ứng vốn kịp thời, vì vậy việc thanh toán cho người cung cấp sẽ ngắn gọn. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ (hàng hóa tồn đọng…) thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn do thời hạn của khoản vay không được quy định rõ ràng.

Cho vay trả góp: Là hình thức tín dụng theo đó ngân hàng cho phép khách hàng trả gốc làm nhiều lần trong hạn mức tín dụng đã thỏa thuận. Cho vay trả góp thường được áp dụng đối với các khoản vay trung và dài hạn, tài trợ cho tài sản cố định hoặc lâu bền. Số tiền một lần trả được tính toán sao cho phù hợp với khả năng trả nợ (thường là khấu hao và thu nhập sau thuế của dự án, hoặc thu nhập hàng kỳ của người tiêu dùng). Đây là hình thức tín dụng tài trợ cho người mua (qua đó đến người bán) khuyến khích tiêu thụ hàng hóa. Cho vay trả góp rủi ro cao do khách hàng thường thế chấp hàng hóa mua trả góp. Khả năng trả nợ phụ thuộc vào thu nhập đều đặn của người vay. Nếu người vay mất việc, ốm đau, thu nhập giảm sút  thì khả năng thu nợ của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, rủi ro trả góp thường là cao nhất trong khung lãi suất cho vay của ngân hàng.

Cho vay gián tiếp: Phần lớn cho vay của ngân hàng là cho vay trực tiếp. Bên cạnh đó, ngân hàng phát triển các hình thức cho vay gián tiếp. Đây là hình thức cho vay thông qua các tổ chức trung gian. Ngân hàng cho vay thông qua tổ, đội, hội, nhóm như: nhóm sản xuất, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn  thanh niên… Hình thức cho vay này có 2 loại: Cho vay gián tiếp thông qua người bán lẻ các sản phẩm đầu vào của quá trình sản xuất (nguyên liệu, cây giống…) hoặc sản phẩm tiêu dùng. Việc cho vay này sẽ hạn chế người vay sử dụng tiền sai mục đích; Cho vay gián tiếp thông qua các tổ chức trung gian (Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên…). Các tổ chức trung gian này sẽ đứng ra bảo lãnh cho các thành viên trong hội vay vốn của ngân hàng nhằm mục đích phát triển kinh tế cho các thành viên trong hội, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm… Cho vay gián tiếp áp dụng với các thị trường có nhiều món vay nhỏ, người vay phân tán, cách xa ngân hàng. Cho vay qua trung gian nhằm giảm bớt rủi ro, chi phí của ngân hàng. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ các khiếm khuyết. Nhiều trung gian đã lợi dụng vị thế của mình và nếu ngân hàng không kiểm soát tốt sẽ tăng lãi suất cho vay lại, hoặc giữ lấy số tiền của các thành viên khác cho riêng mình. Các nhà bán lẻ có thể lợi dụng bán hàng kém chất lượng hoặc với giá đắt cho người vay vốn.

Cho vay hợp vốn: Là hình thức cho vay gồm một nhóm các tổ chức tín dụng cùng cho vay đối với một dự án vay vốn của khách hàng. Trong đó có một tổ chức tín dụng làm đầu mối dàn xếp, phối hợp với các tổ chức tín dụng khác. Các tổ chức tín dụng phải ký kết với nhau về việc hợp vốn trên. Hiện nay, ở Việt Nam hình thức này tương đối phát triển, nguyên nhân là nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn lớn nhưng các ngân hàng bị giới hạn bởi luật, quy định một ngân hàng không được cho vay quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng.

Cho vay theo dự án đầu tư: Phương thức này áp dụng đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các dự án phục vụ đời sống. Khách hàng vay vốn phải có vốn đầu tư tham gia vào dự án. Vốn tham gia dự án có thể là tiền hoặc tài sản được đưa vào sử dụng cho dự án kể cả giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà xưởng, tiền thuê đất đã trả, các chi phí mà khách hàng đã đầu tư vào dự án. Vốn tham gia của chủ đầu tư phải đưa vào công trình trước khi ngân hàng cho vay sau khi hoặc cùng tham gia theo tỉ lệ. Đối với các dự án cải tiến mở rộng sản xuất, hợp lý hóa sản xuất phải có vốn tự có tối thiểu tham gia dự án bằng 10% tổng mức vốn đầu tư của dự án mở rộng. Đối với dự án đầu tư mới, khách hàng phải có vốn tham gia tối thiểu bằng 30% tổng mức vốn đầu tư cho dự án mới.

Tổng nhu cầu vốn của dự án bao gồm cả vốn cố định và vốn lưu động. Căn cứ để giải ngân là hợp đồng thi công, chứng từ cung ứng, nhập khẩu vật tư, thiết bị, công nghệ, giá trị khối lượng… đã được xác định. Trường hợp đặt cọc mua thiết bị nước ngoài phải có bảo lãnh của ngân hàng phục vụ người bán, đặt cọc trong nước thì tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét quyết định. Phương thức vay này có kì hạn rất dài, hàm chứa nhiều rủi ro. Do phải phụ thuộc lớn vào tính khả thi của dự án. Do vậy, ngân hàng cần thẩm định tốt hồ sơ xin vay dự án đầu tư.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật ngân hàng – Công ty Luật Minh Khuê