Phân hữu cơ, Phân vi sinh

Phân hữu cơ, Phân vi sinh

VAI TRÒ CỦA PHÂN BÓN HỮU CƠ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

1. Khái niệm và vai trò của chất hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp

Khái niệm về chất hữu cơ: Dấu hiệu cơ bản làm đất khác đá mẹ là đất có chất hữu cơ. Số lượng và tính chất của chúng tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành đất, quyết định nhiều tính chất: lý, hoá, sinh và độ phì nhiêu của đất.

Khái niệm về phân bón hữu cơ: Là loại phân bón được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, có các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định Quốc Gia.

Phân bón hữu cơ chia thành 4 loại:

Phân hữu cơ truyền thống: Được tạo ra từ nguồn nguyên liệu và cách xử lý truyền thống. Nguyên liệu là chất thải của vật nuôi, phế phẩm trong nông nghiệp, phân xanh (bèo hoa dâu, thân cây họ đậu…) được ủ hoai mục.

Phân hữu cơ sinh học: Có nguồn nguyên liệu hữu cơ được xử lý và lên men theo một quy trình công nghiệp với sự tham gia của một hay nhiều chủng vi sinh vật.

Phân hữu cơ vi sinh: Có nguồn nguyên liệu và quy trình công nghiệp như phân hữu cơ sinh học nhưng có một hoặc nhiều chủng vi sinh vật vẫn còn sống và sẽ hoạt động khi được bón vào đất.

Phân hữu cơ khoáng: Là phân hữu cơ sinh học được trộn thêm phân vô cơ. Thành phần chất hữu cơ trong phân hữu cơ phải đạt 22% trở lên, trong phân hữu cơ khoáng phải đạt 15% trở lên.

Phân hữu cơ

Vai trò của chất hữu cơ trong đất:

Có thể nói chất hữu cơ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả quá trình xảy ra trong đất và liên quan chặt chẽ tới tính chất lý, hoá và sinh học của đất, thể hiện ở những điểm sau:

 – Ðối với quá trình hình thành và tính chất đất.

+ Với lý tính đất: Chất hữu cơ có tác dụng cải thiện trạng thái kết cấu đất, các keo mùn gắn các hạt đất với nhau tạo thành những hạt kết tốt, bền vững. Phân hữu cơ có tác dụng làm đất thông thoáng tránh sự tạo váng, tránh sự xói mòn. Cải thiện lý, hóa và sinh học đất, làm đất tơi xốp, thoáng khí, ổn định pH, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng chống hạn cho cây trồng…. Tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật hoạt động trong đất, giúp bộ rễ và cây trồng phát triển tốt. Góp phần đẩy mạnh quá trình phân giải các hợp chất vô cơ, hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng dễ tiêu N, P, K, trung, vi lượng … để cây trồng hấp thụ qua đó giảm thiểu các tổn thất do bay hơi, rửa trôi gây ra.

+ Với hoá tính đất: Chất hữu cơ xúc tiến các phản ứng hoá học, cải thiện điều kiện oxy hoá, gắn liền với sự di động và kết tủa của các nguyên tố vô cơ trong đất. Chất hữu cơ làm tăng khả năng hấp phụ của đất, giữ được các chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất.

+ Với đặc tính sinh học đất: Trong quá trình phân giải, phân hữu cơ cung cấp thêm thức ăn cho vi sinh vật, khoáng và hữu cơ nên khi vùi phân hữu cơ vào đất tập đoàn vi sinh vật trong đất phát triển nhanh, giun đất cũng phát triển mạnh.

– Chất hữu cơ và mùn là kho thức ăn cho cây trồng và vi sinh vật.

+ Chất hữu cơ đất (kể cả các chất mùn và ngoài mùn) đều chứa một lượng khá lớn các nguyên tố dinh dưỡng: N, P, K, S, Ca, Mg và các nguyên tố vi lượng, trong đó đặc biệt là N. Những nguyên tố này được giữ một thời gian dài trong các hợp chất hữu cơ, vì vậy chất hữu cơ đất vừa cung cấp thức ăn thường xuyên vừa là kho dự trữ dinh dưỡng lâu dài của cây trồng cũng như vi sinh vật đất.

+ Chất hữu cơ còn là nguồn lớn cung cấp CO2 cho thực vật quang hợp.

+ Chất hữu cơ đất chứa một số chất có hoạt tính sinh học (chất sinh trưởng tự nhiên, men, vitamin…) kích thích sự phát sinh và phát triển của bộ rễ, làm nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào, huy động dinh dưỡng…

– Chất hữu cơ đất có tác dụng duy trì bảo vệ đất.

+ Chất hữu cơ chứa các hợp chất kháng sinh cho thực vật chống lại sự phát sinh sâu bệnh và là môi trường rất tốt làm tăng hoạt tính của hầu hết vi sinh vật đất.

+ Tăng cường sự phân giải của vi sinh vật hoặc xúc tác cho sự phân giải các thuốc bảo vệ thực vật trong đất.

+ Cố định các chất gây ô nhiễm trong đất, làm giảm mức độ dễ tiêu của các chất độc cho thực vật.

2. Thực trạng của đất nông nghiệp Việt Nam

Độ phì nhiêu của đất Việt Nam có biểu hiện rõ ràng nhất là hiện tượng giảm sút hàm lượng hữu cơ trong đất cùng với sự mất mát nhanh chóng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng ở dạng vô cơ. Có hai nhóm yếu tố cùng tác động: yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người. Những năm cuối thập kỷ 50 rất nhiều loại đất có hàm lượng hữu cơ vượt quá 2-3% là phổ biến thì nay đã hiếm thấy, trừ những đất dưới tán rừng. Ngay cả những loại đất thuần thục, vốn là “cái nôi của văn minh lúa nước” cũng chỉ còn trên dưới 1%.

3. Lợi ích của việc bón phân hữu cơ và xu hướng phát triển

Thứ nhất, Cải thiện và ổn định kết cấu của đất, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí. Từ đó:

– Làm cho nước thấm trong đất thuận lợi, hạn chế đóng váng bề mặt, hạn chế chảy tràn, rửa trôi chất dinh dưỡng, ổn định nhiệt độ đất, tăng cường hoạt động của sinh vật đất

– Giúp đất thoát nước tốt, cải thiện tình trạng ngập úng, dư thừa nước,

– Trên đất sét nặng, việc bón phân hữu cơ làm đất tơi xốp sẽ giúp rễ cây trồng phát triển tốt, tăng cường sự thu hút chất dinh dưỡng cho cây.

Thứ hai, Cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho đất, làm dinh dưỡng trở thành dạng dễ hấp thu, tăng cường giữ phân cho đất.

– Phân hữu cơ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây trồng như: đạm, lân, kali, các nguyên tố trung, vi lượng, các kích thích tố sinh trưởng, các vitamin cho cây.

– Gia tăng chất mùn cho đất, tăng khả năng giữ dinh dưỡng cho đất, tăng khả năng điều chỉnh của đất khi bón dư thừa phân hóa học, khắc phục các ảnh hưởng xấu như cháy lá, lốp đổ … Bón phân hữu cơ còn làm tăng khả năng chống chịu của đất khi bị chua hóa đột ngột do ảnh hưởng của bón phân hóa học, làm đất ít chua hơn.

Thứ ba, Tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đất, tăng cường “Sức khỏe’ của đất. Đất sẽ gần như trở thành “đất chết” nếu hệ vi sinh vật đất không hoạt động được.

Phân hữu cơ có ưu điểm là chứa đầy đủ các nguyên tố đa, trung, vi lượng mà không một loại phân khoáng nào có được. Ngoài ra phân hữu cơ cung cấp chất mùn làm kết cấu của đất tốt lên, tơi xốp lên, bộ rễ phát triển mạnh, hạn chế mất nước trong quá trình bốc hơi nước từ mặt đất, chống được hạn, xói mòn.

Vào những năm của thập kỷ 60 thế kỷ 20 do nguồn phân khoáng có hạn nên sử dụng phân chuồng bình quân hơn 6 tấn/ha/vụ. Trong giai đoạn 15 năm (1980-1995) việc sản xuất và sử dụng phân hữu cơ có giảm sút, nhưng từ năm 1995 trở lại đây do yêu cầu thâm canh, các chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân hữu cơ được phục hồi. Kết quả điều tra của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa ở một số vùng Đồng bằng, trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ cho thấy trung bình  mỗi vụ cây trồng bón khoảng 8-9 tấn/ha/vụ. Ước tính toàn quốc sản xuất, sử dụng khoảng 65 triệu tấn phân hữu cơ/năm.

Hiện nay trên thị trường có tất cả 9001 loại phân bón có trong danh mục, trong đó có 2408 loại phân hữu cơ chế biến, gồm: phân  hữu cơ khoáng 997 loại, phân hữu cơ + hữu cơ sinh học 737 loại, phân hữu cơ vi sinh 535 loại và phân hữu cơ sinh vật 139 loại.

4. Các loại phân bón hữu cơ trên thị trường

Hiện có một số loại phân bón hữu cơ được chế biến truyền thống như phân chuồng, phân gia cầm, phân bò …. hoặc các loại phân bón hữu cơ chế biến như phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh (phân bón cao cấp), Ngoài những ưu điểm thì phân bón hữu cơ truyền thống cũng có nhược điểm như: hàm lượng chất dinh dưỡng thấp nên phải bón lượng lớn, đòi hỏi chi phí lớn để vận chuyển và nếu không chế biến kỹ có thể mang đến một số nấm bệnh cho cây trồng, nhất là khi phân bón hữu cơ được chế biến từ nguyên liệu là chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E.coli, Salmonella, Coliform là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm hoặc ô nhiễm thứ cấp do có chứa các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây hại quá mức quy định.

Ở những vùng trồng rau bằng công nghệ cao hoặc các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nông dân đã sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh nhập khẩu như phân bón hữu cơ vi sinh Divital – Germany… Với 100% nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên, không chất độc hại, là phân bón hữu cơ vi sinh Divital-Germany giàu năng lượng được xử lý bằng công nghệ sinh học tiên tiến của Cộng Hòa Liên Bang Đức, giúp cây trồng thỏa mãn về nhu cầu dinh dưỡng nhờ khả năng của vi sinh vật khoáng hóa vật chất vùng rễ. Bằng nguồn năng lượng nội tại với tác động của điều kiện tự nhiên, dinh dưỡng trong đất, trong phân bón được giải phóng và cung cấp đều đặn cho cây theo nhu cầu. Các chủng vi sinh vật đối kháng trong Divital-Germany ngăn ngừa được một số tác nhân gây bệnh cho cây trồng, hạn chế hiện tượng ngộ độc chất hữu cơ cho cây.

Phân hữu cơ vi sinh Tiến Nông

Phân bón Hữu cơ vi sinh – TN Divital – Germany

5. Biện pháp hạn chế thoái hóa đất

Trước tình hình thoái hóa đất như trên, vấn đề đặt ra là phải sử dụng đất hợp lý, duy trì, bảo vệ và cải thiện hàm lượng hữu cơ đất là rất cần thiết nhất là trong điều kiện nước ta hiện nay chất hữu cơ và mùn dễ bị khoáng hóa và rửa trôi khỏi đất.

– Biện pháp sinh học: Biện pháp này giữ vị trí rất quan trọng.

+ Biện pháp thường xuyên và có hiệu lực nhất hiện nay là tăng cường sử dụng các loại phân bón có chứa hữu cơ.

+ Trồng cây phân xanh như bèo dâu, điền thanh, các loại muồng …

– Bón vôi hoặc chất điều hòa pH đất kết hợp với bón phân hữu cơ có tác dụng điều hòa phản ứng đất tạo điều kiện cho vi sinh vật đất hoạt động mạnh.

– Biện pháp canh tác: Thực hiện các biện pháp như cày bừa, xới xáo, tưới tiêu … hợp lý và kịp thời để đất luôn có độ ẩm thích hợp.

Th.S Lê Thị Hồng Nhung