Phân hạng giáo viên: Vì đâu nên nỗi ?

TS Cù Văn Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Á

  –  

Chủ nhật, 20/02/2022 09:56 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý cho Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập. Rất nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn, tâm tư về một số nội dung trong dự thảo trong đó có việc phân hạng giáo viên thành “hạng I”, “hạng II”, “hạng III” để làm căn cứ xếp lương.

Phân hạng giáo viên: Vì đâu nên nỗi ?
Giáo viên hiện vừa phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo chất lượng dạy học và lo đủ các văn bằng để được xếp hạng phục vụ cho việc xếp lương. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Báo Lao Động tạo diễn đàn để giáo viên và bạn đọc cả nước góp ý về dự thảo thông tư, cũng như bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Trước tiên, xin đăng tải bài viết của TS Cù Văn Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Á.

Phân hạng giáo viên không khác nào “gọt chân cho vừa giày”

Để không bị sa vào các văn bản, thông tư và hướng dẫn của các cơ quan từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Chính phủ, tác giả cố gắng đi tìm nguyên nhân của vấn đề phân hạng giáo viên nhằm tìm câu trả lời “vì đâu mà nên cớ”.

Tác giả cho rằng, khách quan mà nói, ngành giáo dục cũng đang là trải nghiệm của chính sách viên chức chưa phù hợp. Luật Viên chức 2010 thông qua và có hiệu lực 2012 và được sửa đổi, bổ sung một số lần. Tuy nhiên, vấn đề phân hạng đối với công chức trong bộ máy công quyền ở nước ta có lẽ tương thích hơn trong hệ thống, còn đối với viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp là đang bị “lỗi”.

Ngành giáo dục là ngành triển khai ráo riết, quy mô rộng và số lượng đông, vì vậy tất cả những hạn chế và bất cập sẽ được “phô bày” của quá trình hậu chính sách. Sẽ không là quá nếu nói rằng thực trạng phân hạng giáo viên hiện nay của ngành giáo dục sẽ là điển hình cho một số ngành không phù hợp với quy định này. (Ngành y tế sắp tới cũng có thể không tránh khỏi những vướng mắc như vậy vì có nhiều đặc điểm giống nhau).

Quá trình triển khai chính sách hạng giáo viên, theo quan sát của người viết nhóm được hưởng lợi nhất là một số trường có thẩm quyền cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Một điều rõ ràng là trong hệ thống nhân sự thuộc ngành giáo dục nước ta có đặc điểm là tính đa dạng, nhiều thế hệ, sự giao thời, chuyển tiếp… dẫn tới bằng cấp khác nhau, thâm niên khác nhau, chuẩn hóa khác nhau, đánh giá sẽ khác nhau…

Có thể vì lý do không tính toán hết mức độ phức tạp của thực tế phong phú này, do đó, việc đơn giản hóa hạng giáo viên thành 3 hạng (I, II, III) ở mỗi cấp không khác nào “gọt chân cho vừa giày”.

Và hệ quả của việc “bóp, bó, gói” tất cả các hiện thực sinh động về quyền lợi, lương thưởng, bằng cấp, thành tích, chứng chỉ, thâm niên… trong công tác nhân sự của ngành vào các thông tư, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp… là một điều chưa thành công.

Nên bãi bỏ quy định phân hạng giáo viên

Như ở phần trên tác giả đã chỉ ra việc phân chia hạng giáo viên có nguồn cơn từ các quy định của Luật Viên chức, nhưng ngành Giáo dục cũng nên xem xét quy định đó có phù hợp với ngành mình không và có kiến nghị sửa đổi.

Xuất phát từ một chủ trương rất đúng đắn của Đảng về chính sách cho công chức, viên chức, Luật Công chức, Viên chức xác định, phân chia các hạng, ngạch nhằm dễ dàng quản lý, xác định vị trí, chức danh việc làm cũng như nâng lương, tăng lương và đảm bảo các quyền lợi khác của công chức, viên chức.

Trải qua quá trình khảo nghiệm thực tế, có ngành nghề tương thích, có ngành không. Ngành giáo dục thông qua báo chí, truyền thông như một kênh để “feedback” (phản hồi) những yếu tố không phù hợp của chính sách này với các cơ quan có thẩm quyền.  Những phản hồi gần đây cho thấy tính không khả thi, thiếu hiện thực của vấn đề hạng giáo viên đã đến độ cao trào.

Xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng để xếp lương, dựa trên trình độ đào tạo, bồi dưỡng, đạo đức nghề nghiệp… là không phù hợp. Chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào hay nghiên cứu nào chứng minh giáo viên có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, dạy tốt hơn giáo viên có bằng Cử nhân, cao đẳng ở giáo dục phổ thông.

Ngành giáo dục lo công tác đào tạo con người, giáo dục các thế hệ tương lai để thành người tài đức là điều quan trọng nhất. Do đó hãy để các thầy cô bớt lo âu, phức tạp hóa tình hình, và đừng để họ vướng bận quá nhiều vào vấn đề đáp ứng các yêu cầu để được xếp hạng. Chúng ta phải làm sao cho “hành trang” thầy cô giáo đi cùng học sinh càng nhẹ càng tốt.

Thay cho lời kết, tác giả nhớ lại câu chuyện xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phong tướng cho Võ Nguyễn Giáp. Khi được báo chí phương Tây hỏi, Người trả lời rất đơn giản, dễ hiểu và dung dị: “Đánh thắng cấp nào phong hàm cấp đó” (1).

Đây cũng là cách chọn người tài của Bác, ngành Giáo dục có thể học tập. Nhiều giáo viên kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ quy định phân hạng giáo viên như hiện nay, tất cả chỉ có một hạng, xếp lương theo thâm niên, thành tích, kết quả công việc từng quý, từng năm. Đồng thời, bãi bỏ quy định về bằng cấp, chứng chỉ vô bổ, vừa gọn nhẹ, tiết kiệm, vừa tạo động lực phấn đấu liên tục, cạnh tranh tích cực cho nhà giáo.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,