Phấn đấu

Minh họa của Dũng NT.
Minh họa của Dũng NT.

Dắt tay con vào lớp 1, người bố dặn dò: “Con gái ngoan cố gắng lên, phấn đấu trở thành học sinh giỏi ngay từ lớp 1 con nhé”.

Tạm biệt người chồng đi công tác biên giới, hải đảo, người vợ thiết tha: “Anh lên đường công tác cố gắng phấn đấu giữ gìn sức khỏe, lập nhiều thành tích anh nhé”.

Những lời dặn dò “phấn đấu” ấy nhỏ nhẹ, thân thương nhưng đã theo chúng ta vào mọi bữa ăn, giấc ngủ suốt cả một đời người, từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành, từ lúc còn trung niên đến khi tuổi già, lúc nào cũng cần phấn đấu để sống, để vươn cao hơn.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Phấn đấu là gắng sức, bền bỉ nhằm đạt tới mục đích cao đẹp. Thí dụ: Phấn đấu trở thành một chuyên gia giỏi”.

Cùng theo sát và đồng hành với phấn đấu, Từ điển cũng cho chúng ta những nghĩa thấu đáo của phấn chấn, phấn khích và phấn khởi đều cùng ở trang 705 của cuốn từ điển này. “Phấn chấn là trạng thái hăng hái, hứng khởi do tác động của một sự việc hoặc ý nghĩ làm nức lòng. Thí dụ: nghĩ đến ngày mai sum họp thấy phấn chấn trong lòng”. “Phấn khích là trạng thái phấn khởi do tinh thần được kích động. Thí dụ: Hết sức phấn khích không biết mệt là gì nữa”. “Phấn khởi là cảm thấy vui vì được cổ vũ, khích lệ. Thí dụ: Phấn khởi trước những thành tích đã đạt được. Những tin tức đáng phấn khởi”.

Rất hoan nghênh Từ điển tiếng Việt đã sắp xếp phấn đấu đi cùng với phấn chấn, phấn khích và phấn khởi, vì chúng liên quan với nhau một cách sống động, một cách biện chứng và một cách nhân quả. Xin được minh chứng qua một số Danh ngôn thế giới:

Nhà triết học lớn Gustave Le Bon (1841 – 1931) đã định nghĩa một cách chắc chắn, khẳng định và mãi mãi đúng đắn về phấn đấu như sau: “Sống tức là phấn đấu. Sự phấn đấu là một quy luật chung. Những ai không phấn đấu thì sẽ không bao giờ đạt được một tiến bộ nào cả”.

Triển khai lời dạy của Le Bon thì thấy quá rõ và quá dễ hiểu.

Một ông già bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nói ngọng, tinh thần u ám. Nếu người đó chịu khó phấn đấu: ăn, uống, tập luyện, nghỉ ngơi đúng cách, đúng khoa học thì sẽ có một cuộc đời mới: ông vẫn làm việc được, không đến nỗi tàn phế như một số bệnh nhân đầu hàng số phận, hoặc cam chịu, hoặc lười tập luyện, đành để uổng phí quãng đời còn lại của mình.

Một người không may phạm lỗi lầm, sa vào vòng lao lý tù tội. Khi được ra tù người đó hỏi giám thị: “Tôi có thể trở thành người có ích nữa không?”. Câu trả lời là: “Có thể chứ, nếu anh chịu khó làm lại từ đầu”. Trên thực tế, đã có nhiều người thành công, có cuộc sống mới bình thường như mọi người khác nhờ khiêm tốn học hỏi và phấn đấu, không bao giờ dám kêu ca, than phiền. Lúc nào cũng phải nhớ kỹ: “Mình phải phấn đấu gấp đôi gấp ba người khác mới hy vọng có cuộc sống mới tốt đẹp hơn”.

Tác giả người Thụy Sĩ, Henri Frédéric Amiel (1821 – 1881) đã phê phán một cách đanh thép: “Một cuộc sống tẻ nhạt không phấn đấu chỉ là một sự tồn tại trên đời mà thôi”.

Việt Nam ta có câu phê phán rất cụ thể để chỉ loại người ăn bám, không phấn đấu nổi để làm được một người bình thường là bọn “giá áo, túi cơm”, tức là ám chỉ cái thân xác đó chẳng khác gì cái giá để mắc áo, cái túi để đổ cơm hàng ngày vào. Loại người này thật đáng phê phán, đáng lên án.

Cũng theo cái mạch tư tưởng phê phán bọn lười nhác không chịu cố gắng học hỏi phấn đấu, tác giả André Billy (1882 – 1971) còn cụ thể hơn, nói kỹ hơn và gay gắt hơn: “Người nào không phấn đấu là người không hoạt động. Người nào không phấn đấu là người không sống. Người nào không phấn đấu là kẻ đã chết”.

Đến đây, ta có thể thấy rõ:

– Muốn phấn đấu tốt phải có sự phấn khởi, phấn khích và phấn chấn để lao vào khó khăn, vất vả và đừng lúc nào nẩy sinh tư tưởng thất bại, chán nản, ngã lòng.

Cách nhìn biện chứng nhất, duy vật nhất, lý trí nhất và mang đầy tính phản biện, đó là cách nhìn lạc quan khi ta quyết tâm phấn đấu cho một ngày mai sáng sủa hơn, dễ chịu hơn. Cần nhớ đến lời động viên chí tình của học giả Georges Duhamel (1800 – 1884): “Không có một đối tượng nào ở đời mà lại không là một nguồn hạnh phúc cả”. Khi hiểu rõ lời dạy này ta có thể tự hào mà suy nghĩ rằng: Hễ ai được may mắn đang thở hít không khí dưới ánh nắng mặt trời này thì người đó đều có quyền vươn lên, có quyền phấn đấu vì một ngày mai tốt đẹp cho bản thân mình. Nói một cách khác: Mọi người sinh ra đều bình đẳng và đều có quyền mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình.

Cụ thể hơn nữa, trong cái kỹ năng để phấn đấu mưu cầu hạnh phúc có nhiều cách nhìn đời khác nhau. Đúng như Frédérick Langbridge đã viết: “Hai kẻ nhìn qua một song cửa/ Kẻ thấy bùn đen, kẻ thấy sao”. Chao ôi, thật chả chí lý lắm sao!

– Trong quá trình đi tìm kiến thức để tích lũy cho từng cá nhân, người học sinh nào bỏ học một tháng, đứt quãng trong một tháng là đứt gẫy toàn bộ những phần sau. Vì sao? Vì sẽ không hiểu được kiến thức mới. Mà không hiểu thì sinh ra chán nản, tự ti, đi đến chỗ phá hỏng công lao bao năm miệt mài học tập. Thành ra, dù trong quá trình học tập có khi khó khăn, có khi dứt quãng thì phải cố mà hàn gắn, cố mà bổ sung ngay. Thí dụ: không học tập trung được thì phải học online, chứ nhất thiết không được hủy cái thói quen học hỏi, thói quen suy nghĩ, thói quen lập luận, va chạm, tiếp xúc hàng ngày.

Làm thế nào để con người không nản chí, không tự cô lập, để không tách ra khỏi cái khó khăn gian khổ chung của cuộc phấn đấu? Có nhiều cách, nhiều phương pháp, nhiều cơ chế. Ở đây chỉ xin nêu hai ý quan trọng là: “Phải biết tự chiến thắng được bản thân mình” và “Phải biết hòa mình vào tập thể một cách mạnh mẽ và tự giác”.

Vấn đề Tự thắng được bản thân mình là chiến thắng to lớn nhất, là bài học cổ điển, kinh điển và luôn luôn đúng, nên đã có nhiều danh ngôn về nội dung này được in vào các loại Từ điển. Chỉ cần nhớ câu mang tính chìa khóa nhất, chuẩn nhất của nhà bác học vĩ đại mọi thời đại, đó là triết gia cổ đại Platon (Năm 429 đến năm 347 trước Công nguyên). Câu danh ngôn để đời của Platon là: “Chinh phục được bản thân mình là một vinh quang lớn lao nhất trong những vinh quang”.

Còn về cái kỹ năng hòa mình vào tập thể rộng lớn của trường học và trường đời, nên nhớ kỹ lời dạy cao quý của Gandhi vĩ đại (1869 – 1948) là: “Giọt nước khi tách rời ra khỏi biển cả có thể tìm thấy sự nghỉ ngơi trong chốc lát, nhưng khi nó đã ở trong biển cả thì không được biết đến sự nghỉ ngơi là gì nữa”.

Hạnh phúc thay cho những ai được hòa mình vào biển cả văn minh hạnh phúc để suốt đời phấn đấu cho một lý tưởng cao đẹp!