Phần cứng máy tính là gì? Chi tiết các bộ phần cơ bản – JobsGO Blog
Đánh giá post
Phần cứng máy tính là gì? Đọc bài viết sau để khám phá các thành phần cơ bản của phần cứng và tìm hiểu cách chúng hoạt động.
1. Phần cứng máy tính là gì?
Một hệ thống máy tính bao gồm 2 yếu tố chính: phần cứng và phần mềm.
Vậy phần cứng máy tính là gì? Là tập hợp của tất cả các thành phần vật lý mà hệ thống máy tính cần để hoạt động. Trong khi đó, phần mềm là một tập hợp các hướng dẫn để máy tính thực hiện các hoạt động cụ thể. Máy tính cần có cả phần cứng và phần mềm.
Một số bộ phận thuộc phần cứng rất dễ nhận ra như vỏ máy tính, bàn phím, màn hình. Trong khi đó, có một số phần cứng máy tính ẩn sâu bên trong mà không phải ai cũng biết đến. Trong phần tiếp theo, JobsGO sẽ cùng bạn tìm hiểu về tất cả các bộ phận cơ bản của phần cứng.
>> Xem thêm: IC là gì? Phân loại IC
2. Phân loại phần cứng máy tính
Có 4 thành phần phần cứng chính trong một hệ thống máy tính:
- Thiết bị đầu vào: các thành phần được sử dụng để nhập dữ liệu thô văn bản/ hình ảnh/ âm thanh hoặc hỗ trợ truyền tệp giữa các máy tính; chẳng hạn như: bàn phím, chuột, micro, tai nghe, webcam, màn hình cảm ứng,…
- Thiết bị xử lý: các thành phần chuyển dữ liệu thô thành thông tin (bộ vi xử lý – CPU).
- Thiết bị đầu ra: gồm các thành phần được sử dụng để hiển thị kết quả (dạng chữ, hình ảnh, âm thanh) của một quá trình xử lý dữ liệu; bao gồm loa, màn hình, máy in,…
- Thiết bị lưu trữ: các thành phần được sử dụng để lưu trữ, chuyển, giải nén các tập tin dữ liệu như ổ cứng, RAM.
3. Các bộ phận cơ bản của phần cứng máy tính
Dưới đây là 12 bộ phận cơ bản của phần cứng máy tính.
3.1 Bộ xử lý trung tâm (CPU) – Central Processing Unit
CPU còn được gọi là bộ vi xử lý – bộ phận chính của bất kỳ hệ thống máy tính nào. CPU là một mạch điện tử thực hiện các hoạt động cơ bản về số học, logic, điều khiển, nhập/ xuất dữ liệu. Hình thức, thiết kế của CPU đã thay đổi theo thời gian, nhưng hoạt động cơ bản của chúng hầu như không thay đổi.
Các thành phần chính của CPU bao gồm:
- Khối điều khiển (CU – Control Unit): chỉ đạo hoạt động của bộ vi xử lý.
- Khối tính toán ALU (Arithmetic Logic Unit): thực hiện các phép toán số học và logic.
- Các thanh ghi (Registers): một bộ nhớ dung lượng nhỏ, có khả năng lưu trữ dữ liệu tạm thời giúp tăng tốc độ xử lý của các chương trình máy tính.
- Opcode: phần bộ nhớ chứa mã hoạt động – lệnh duy nhất có thể được thực thi bởi CPU.
- Phần điều khiển: thực hiện điều khiển các khối và điều khiển tần số xung nhịp.
3.2 Bo mạch chủ
Bo mạch chủ cung cấp cấu trúc cho tất cả các thành phần khác và kết nối chúng, đồng thời cung cấp cách phân phối điện năng, cung cấp thông tin và kết nối với các thiết bị như máy in hoặc chuột. Nó chứa CPU, bộ nhớ và các thiết bị lưu trữ thứ cấp như ổ cứng.
3.3 Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM)
RAM là bộ nhớ ngắn hạn, nơi dữ liệu được lưu trữ khi bộ xử lý cần. Khi không được cung cấp điện, thông tin lưu trữ trên RAM sẽ mất đi.
3.4 HDD/ SSD
HDD (ổ đĩa cứng) và SSD (ổ đĩa bán dẫn) có cùng chức năng lưu trữ dữ liệu nhưng khác nhau về cấu trúc và cách hoạt động. HDD lưu trữ dữ liệu trên bề mặt tấm đĩa tròn phủ vật liệu từ tính. Trong khi đó, SSD không có ổ đĩa xoay, thông tin được lưu trữ trong vi mạch. SSD đọc dữ liệu nhanh hơn, đồng thời cũng đắt hơn HDD.
3.5 Bộ cấp nguồn (PSU)
PSU là bộ phận chuyển đổi nguồn điện AC thành nguồn điện một chiều cho các thành phần bên trong của máy tính sử dụng.
3.6 Bộ xử lý đồ họa (GPU)
Bộ xử lý đồ họa hoặc GPU là thành phần quan trọng của máy tính, nó là thành phần xuất ra tất cả hình ảnh của bạn trên máy tính và cho phép bạn phát lại video.
Nếu bạn chỉ sử dụng máy tính cho các tác vụ đơn giản, card đồ họa được cài đặt sẵn trên bo mạch chủ đã đủ để sử dụng. Tuy nhiên, những máy tính được sử dụng để chỉnh sửa video thường cần có thêm card đồ họa rời.
3.7 Vỏ máy tính
Vỏ máy tính chứa đựng và bảo vệ tất cả các thiết bị điện tử dễ vỡ của máy tính.
3.8 Màn hình máy tính
Màn hình máy tính là một thiết bị đầu ra hiển thị thông tin dưới dạng hình ảnh hoặc văn bản. Thiết bị này thường bao gồm màn hình hiển thị trực quan, một số mạch điện, vỏ và nguồn điện.
3.9 Ổ đĩa quang
Ổ đĩa quang là thiết bị phần cứng cho phép máy tính đọc hoặc ghi dữ liệu lên đĩa DVD, CD và đĩa Bluray bằng tia laser. Tuy nhiên, bộ phận này đang bị loại bỏ ở những máy laptop đời mới giúp thiết bị trở nên nhỏ gọn hơn.
3.10 Loa trong máy tính
Loa máy tính là một thiết bị phần cứng đầu ra kết nối với máy tính để tạo ra âm thanh. Tín hiệu được sử dụng để tạo ra âm thanh phát ra từ loa máy tính được tạo ra bởi card âm thanh của máy tính.
3.11 Bàn phím
Bàn phím là thiết bị nhập liệu gồm một tập hợp các nút có kích thước bằng ngón tay được gọi là phím để nhập dữ liệu vào máy tính. Bàn phím có thể được tích hợp sẵn trong thiết bị (ví dụ laptop) hoặc được kết nối với thiết bị thông qua cáp USB/ Bluetooth.
3.12 Chuột máy tính
Chuột là một thiết bị đầu vào phần cứng nhỏ được sử dụng bằng tay. Nó điều khiển chuyển động của con trỏ và cho phép người dùng di chuyển/ chọn các thư mục, văn bản, tệp và biểu tượng trên máy tính.
Kết luận
Bạn đã biết rõ “phần cứng máy tính là gì?” và các bộ phận cơ bản của phần cứng chưa? Những thông tin trong bài viết này có thể hữu ích khi bạn cần nâng cấp hoặc thay thế các bộ phận của máy tính.
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)