Phân biệt vi phạm hành chính và vi phạm hình sự (tội phạm)?
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mục Lục
1. Khái niệm vi phạm hành chính và vi phạm hình sự (tội phạm)
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có định nghĩa:
1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Khái niệm tội phạm quy định tại điều 8 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Điều 8. Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Căn cứ pháp lý
Theo pháp luật hiện hành, văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính được quy định trong các Luật, Nghị định về xử phạt hành chính; tội phạm hình sự chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự.
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh lực giao thông đường bộ, đường sắt
– …
– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
3. Dấu hiệu cấu thành hành vi
– Mặt khách quan:
Hành vi vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn tội phạm hình sự (thường được xác định bằng mức độ thiệt hại; số lần vi phạm; công cụ, phương tiện, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm)
– Mặt chủ quan
Do tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của từng trường hợp lỗi là khác nhau,, tội phạm là loại vi phạm pháp luật bị áp dụng chế tài nặng nhất nên tại Bộ luật hình sự quy định 04 hình thức lỗi của chủ thể để giúp giải quyết chính xác các vụ án hình sự:
+ Cố ý trực tiếp là trường hợp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
+ Cố ý gián tiếp là trường hợp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
+ Vô ý vì quá tự tin là trường hợp: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
+ Vô ý do cẩu thả là trường hợp: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Vi phạm hành chính chỉ quy định hai hình thức lỗi là cố ý và vô ý, không có sự phân biệt cố ý trực tiếp hay gián tiếp, vô ý vì quá tự tin hay do cẩu thả
– Chủ thể: Chủ thể thực hiện vi phạm hành chính bao gồm cá nhân và tổ chức; chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân và pháp nhân thương mại.
– Khách thể: Đối với vi phạm hành chính, các hành vi được quy định trong văn bản luật, nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Đối với tội phạm, hành vi được quy định trong Luật hình sự. Một số hành vi hành chính đạt đến đến một mức độ nguy hiểm cho xã hội nhất định sẽ dẫn đến phạm tội.
4. Chế tài xử phạt
Xử lý vi phạm hành chính:
Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
Điều 21. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Đối với tội phạm thì chế tài xử phạt được gọi là “hình phạt”
Điều 30 BLHS quy định:
Điều 30. Khái niệm hình phạt
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Các hình phạt đối với tội phạm:
Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Trục xuất;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Do vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với tội phạm nên các hình thức xử phạt hành chính cũng ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt áp dụng đối với tội phạm.
Bên cạnh đó, án tích của một người bị ghi vào lý lịch tư pháp của người đó. Đối với vi phạm hành chính, việc xử phạt vi phạm hành chính không bị ghi vào lý lịch tư pháp của người đó.
5. Hành vi không vi phạm pháp luật về hình sự, cũng không vi phạm hành chính
Có những hành vi vi phạm đạo đức xã hội nhưng lại không được quy định trong các văn bản, nghị định về xử phạt vi phạm hành chính hay trong bộ luật hình sự. Vì những hành vi này chưa đạt đến yếu tố nguy hiểm cho xã hội hay vi phạm quy định về quản lý nhà nước. Có hành vi vẫn bị mọi người trong xã hội lên án, bài trừ nhưng lại không có chế tài xử phạt đối với những hành vi này. Trong xã hội hiện nay, với sự lên ngôi của các ứng dụng mạng xã hội, đôi khi những lời bình luận, trêu trọc vô tình cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của người khác, dẫn đến họ có những hành động thiếu suy nghĩ, gây đến hậu quả đáng tiếc.
Ví dụ: Anh A và chị B là hai người độc thân có quan hệ tình cảm với nhau, cả hai đều trên 18 tuổi, một lần cả hai có phát sinh quan hệ tình dục tự nguyện dẫn đến chị B có bầu. Do điều kiện kinh tế chưa đủ và chưa sẵn sàng lập gia đình, anh A đã từ chối yêu cầu kết hôn của chị B và muốn chị B bỏ đi em bé. Chị B không chấp nhận và đã kể lại sự việc cho gia đình của mình, nay gia đình chị B muốn khởi kiện anh A hiếp dâm chị B và đòi bồi thường thiệt hại.
Dựa trên câu chuyện nêu trên, anh A và chị B có phát sinh quan hệ tự nguyện và cả hai đã trên 18 tuổi nên anh A không có vi phạm quy định gì của pháp luật. Kể cả pháp luật về phạt hành chính và hình sự. Nếu gia đình chị B có khởi kiện anh A thì cũng không thể đưa ra căn cứ xác định trằng anh A có hành vi hiếp dâm theo điều 141 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 vì thời điểm phát sinh quan hệ tình dục cả 2 đều tự nguyện.
Điều 141. Tội hiếp dâm
1.50 Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2.51 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3.52 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nhưng dựa trên góc độ đạo đức xã hội, anh A có thể vẫn bị lên án vì hành vi không chịu trách nhiệm với chị B và em bé.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)