Phân biệt văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch | Luật Thành Đô

Văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch là hai khái niệm tương đối giống nhau về tên gọi nên dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, hai loại hình văn phòng này lại có những đặc điểm pháp lý hoàn toàn khác biệt. Luật Thành Đô sẽ giúp bạn đọc phân tích những điểm khác nhau đó trong bài viết ngày hôm nay.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ 

Luật Doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Về đăng ký doanh nghiệp

II. KHẢI NIỆM VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN VÀ VĂN PHÒNG GIAO DỊCH

2.1. Khái niệm văn phòng đại diện

Khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa: “Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp”.

Văn phòng đại diện chỉ là một đơn vị thuộc doanh nghiệp, do đó mọi vấn đề pháp lý đều có sự phụ thuộc vào trụ sở chính. Đặc điểm nổi bật nhất của văn phòng đại diện là không có chức năng kinh doanh. Đặc trưng đó ảnh hưởng lớn đến sự khác nhau giữa văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch. Ví dụ, Công ty TNHH Honda Việt Nam có trụ sở chính tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, công ty còn thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội với chức năng hoạt động là trụ sở văn phòng và thực hiện hoạt động tư vấn quản lý.

Phân biệt văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch

2.2. Khái niệm văn phòng giao dịch

Pháp luật không định nghĩa cụ thể về khái niệm văn phòng giao dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, địa điểm kinh doanh chính là một dạng phổ biến của văn phòng giao dịch. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Bởi vậy mà văn phòng giao dịch bắt buộc phải diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) có trụ sở chính tại Cầu Giấy, Hà Nội nhưng có nhiều văn phòng giao dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội và trên cả nước. Các văn phòng đại diện này là nơi thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng trên thực tế như gửi, rút tiền,…của ngân hàng.

III. PHÂN BIỆT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN VÀ VĂN PHÒNG GIAO DỊCH 

3.1. Về tên gọi

Tên gọi của văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch trước tiên phải tuân thủ những quy tắc chung tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP về cách đặt tên, tên trùng và gây nhầm lẫn.

Tên của văn phòng đại diện phải có từ “văn phòng đại diện” và được gắn tại trụ sở văn phòng đại diện. Tên gọi của văn phòng giao dịch ngược lại linh hoạt hơn so với văn phòng đại diện. Văn phòng giao dịch có thể xuất hiện với nhiều tên gọi khác nhau như địa điểm kinh doanh, kho hàng,…Tên của văn phòng giao dịch được đặt tại địa điểm kinh doanh phải có thêm cụm “địa điểm kinh doanh” vì bản chất đây là địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Văn phòng giao dịch chỉ là tên mà doanh nghiệp đặt khi đăng ký kinh doanh.

3.2. Về trụ sở

Văn phòng đại diện có thể đặt trụ sở ở cùng tỉnh thành đặt trụ sở chính, các chi nhánh hoặc đặt tại tỉnh thành khác. Vì thế, một doanh nghiệp có thể có nhiều văn phòng đại diện tại các tỉnh thành khác nhau. Thủ tục mở văn phòng đại diện phức tạp hơn so với văn phòng giao dịch bởi cần thông qua hội đồng quản trị của công ty.

Trong khi đó, văn phòng giao dịch chỉ có thể được thành lập tại tỉnh thành có trụ sở chính hoặc chi nhánh của công ty. Pháp luật quy định địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở chính hoặc chi nhánh của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có thể thành lập chi nhánh tại các tỉnh thành khác để mở rộng kinh doanh. Mở văn phòng giao dịch có thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn.

3.3. Về chức năng hoạt động

Khác biệt cơ bản giữa văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch nằm ở chức năng. Đối với văn phòng đại diện, chức năng chủ yếu là các công việc hành chính được trụ sở chính ủy quyền hy giao dịch với khách hàng thay mặt công ty. Chính vì vậy, văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh. Văn phòng đại diện đóng vai trò là trung gian giữa khách hàng với công ty.

Đối với doanh nghiệp cần một địa chỉ hợp pháp để giao dịch với khách hàng hay đối tác mà không có chức năng kinh doanh kiếm lời thì thành lập văn phòng đại diện là một sự lựa chọn hợp lý.

Bản chất của văn phòng giao dịch là địa điểm kinh doanh nên nó có chức năng thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Văn phòng giao dịch có thể bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thực hiện các hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp.Vì vậy, văn phòng giao dịch có chức năng kinh doanh.

3.4. Về mã số thuế

Văn phòng đại diện có mã số thuế riêng với mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số thuế của văn phòng đại diện là mã số doanh nghiệp kèm theo 001, 002,…Đối với văn phòng giao dịch, nếu được đặt tại cùng địa phương với trụ sở chính thì không có mã số riêng. Tuy nhiên văn phòng giao dịch vẫn có mã số thuế riêng nếu khác tỉnh thành với trụ sở chính.

Bài viết cùng chủ đề:

Văn phòng đại diện là gì? Chức năng của văn phòng đại diện

Trên đây là toàn bộ nội dung phân tích của Luật Thành Đô về sự khác nhau của văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn đọc những thông tín hữu ích. Mọi vướng mắc pháp lý cần tư vấn xin vui lòng liên hệ với luật sư của Công ty Luật Thành Đô để được giải đáp miễn phí.

5/5 – (1 bình chọn)