Phân biệt tín ngưỡng với mê tín dị đoan
Nhiều người hiểu sai giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan dẫn đến ứng xử không phù hợp, gây bất hòa trong đời sống.
Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Lễ hội tín ngưỡng là hoạt động tín ngưỡng tập thể được tổ chức theo lễ nghi truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.
Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng.
Ví dụ: Ngày 1/12/2016, phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO đã chính thức công nhận Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong khi đó, mê tín được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không căn cứ nào để chứng minh. Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (như là tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép…) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, hao tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại về tài sản.
Với những nguy hại của mê tín dị đoan như trên nên Nhà nước nghiêm cấm mọi hình thức mê tín dị đoan và có chế tài thích đáng với người vi phạm. Theo điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ai phạm tội mà làm chết người hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM