Phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu

PHÂN BIỆT TÊN THƯƠNG MẠI VÀ NHÃN HIỆU

Hỏi: Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi nhãn hiệu và tên thương mại khác nhau thế nào? Tôi không phân biệt được 2 khái niệm này. Cảm ơn Luật sư.

Căn cứ pháp lý:

Luật Sở hữu trí tuệ.

Trả lời

Tên thương mại và nhãn hiệu thực chất là 2 khái niệm khác nhau về mặt bản chất. Trên thực tế tên thương mại và nhãn hiệu của một hàng hóa, dịch vụ có thể trùng nhau, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn. Le & Associates sẽ phân biệt Tên thương mại và Nhãn hiệu theo các khía cạnh sau đây

1. Khái niệm

Tên thương mại: là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Nhãn hiệu: là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

=> Tên thương mại đại diện cho thực thể (tổ chức, cá nhân). Mỗi thực thể chỉ có một tên thương mại và mỗi tên thương mại chỉ đại diện cho một thực thể. Trong khi đó, nhãn hiệu đại diện cho hàng hóa, dịch vụ. Một nhãn hiệu có thể đại diện cho nhiều hàng hóa, dịch vụ của cùng một tổ chức, cá nhân.

Ví dụ: Công ty cổ phần sữa Việt Nam có tên thương mại là Vinamilk. CTCP Sữa Việt Nam chỉ có 1 tên thương mại là Vinamilk và Vinamilk chỉ đại diện cho CTCP Sữa Việt Nam. Vinamilk phân biệt CTCP Sữa Việt Nam với các tổ chức, cá nhân khác.

Vinamilk sản xuất nhiều sản phẩm: Proby (Sữa chua), Susu (Sữa chua), Vfresh (Nước giải khát), GoldSoy (Sữa đậu nành),… thì Proby, Susu, Vfresh, GoldSoy sẽ là các nhãn hiệu đại diện cho sản phẩm của Vinamilk. Một nhãn hiệu có thể đại diện cho nhiều sản phẩm. Ví dụ nhãn hiệu Vfresh đại diện cho sản phẩm Nước giải khát (bao gồm Nước trái cây, Nước nha đam, Nước đóng chai, Nước chanh muối, Trà) của Vinamilk, phân biệt Nước giải khát của Vinamilk với Nước giải khát của các thương hiệu khác.

Nhãn hiệu Vfresh

Nhãn hiệu Vfresh

2. Thành phần cấu tạo – Dấu hiệu

Tên thương mại: Tên thương mại cấu tạo bởi chữ, số phát âm được.

Nhãn hiệu: Nhãn hiệu cấu tạo bởi từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng, là sự kết hợp của ngôn ngữ và hình ảnh

Ví dụ: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam có tên thương mại là Vinamilk. Vinamilk cấu tạo bởi các chữ phát âm được. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam có nhãn hiệu Vinamilk như dưới đây. Nhãn hiệu Vinamilk được kết hợp bởi từ ngữ và hình ảnh

Nhãn hiệu Vinamilk

3. Quyền sở hữu công nghiệp

Tên thương mại: Được xác lập trên cơ sở chủ sở hữu sử dụng hợp pháp tên thương mại mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ

Nhãn hiệu: Xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp văn bằng bảo hộ cho người đăng ký nhãn hiệu đó.

4. Điều kiện bảo hộ

Tên thương mại: Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt phải đáp ứng các điều kiện:

  • Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.

  • Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

  • Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng

Các trường hợp không được bảo hộ tên thương mại: Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.

Nhãn hiệu: Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác (quy định cụ thể tại điều 74 Luật SHTT)

Các trường hợp nhãn hiệu không bảo hộ được: nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy, biểu tượng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị,… (Quy định cụ thể tại điều 73 Luật SHTT)

5. Phạm vi bảo hộ

Tên thương mại: Bảo hộ trong một địa bàn, trên một lĩnh vực và khu vực kinh doanh

Nhãn hiệu: Bảo hộ trên toàn quốc

6. Thời gian bảo hộ

Tên thương mại: Không hạn chế

Nhãn hiệu: 10 năm, có thể gia hạn bảo hộ, mỗi lần gia hạn được 10 năm

 

Trên đây là tư vấn của Le & Associates về sự khác biệt giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Le& Associates cung cấp các dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả, đăng lý nhãn hiệu, đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đăng ký sáng chế,… Chúng tôi sẽ tư vấn và hướng dẫn cụ thể để quy trình thực hiện diễn ra nhanh chóng nhất. Để được hướng dẫn chi tiết hoặc tìm hiểu về dịch vụ pháp lý của chúng tôi, mời Quý khách hàng liên hệ tới tổng đài 1900 6239 hoặc tới trụ sở/chi nhánh Công ty chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.