Phân biệt quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước

Quản lý nhà nước là gì? Quản lý hành chính nhà nước là gì? Quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước có những điểm giống nhau nào? Phân biệt quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước?

    1. Phân biệt quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước:

    1.1. Khái niệm:

    Quản lý nhà nước:

    Quản lý nhà nước xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước. Quản lý nhà nước thay đổi phụ thuộc vào chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội qua các giai đoạn lịch sử của mỗi quốc gia.

    Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm xác lập một trật tự ổn định, phát triển xã hội theo những mục tiêu mà tầng lớp cầm quyền theo đuổi

    Quản lý nhà nước được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm toàn bộ những hoạt động của bộ máy nhà nước từ lập pháp, hành pháp đến hoạt động tư pháp vận hành như một thực thể thống nhất. Theo nghĩa hẹp thì quản lý nhà nước là hướng dẫn chấp pháp, điều hành, quản lý hành chính do cơ quan hành pháp thực hiện đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

    Có thể hiểu quản lý nhà nước là một dạng của quản lý xã hội đặc biệt mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật nhà nước để điều chỉnh các hành vi của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy  nhà nước thực hiện để nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của con người, duy trì sự ổn định và phát triển của toàn xã hội

    Quản lý hành chính nhà nước:

    Quản lý hành chính nhà nước có phạm vi hẹp hơn so với quản lý nhà nước bởi quản lý hành chính nhà nước là hoạt động thực thi quyền hành pháp, tức là hoạt động chấp hành và điều hành

    Quản lý hành chính nhà nước có tính quyền lực nhà nước được thực hiện bởi các pháp nhân công quyền. Trong hệ thống này đứng đầu là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
    các Bộ, các cơ quan hành chính nhà nước Trung ương, các cấp quản lý hành chính nhà nước địa phương.

    Có thể hiểu quản lý hành chính nhà nước là hoạt động thực thi quyền hành pháp nhằm tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi của công dân do các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thực hiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, duy trì trật tự an ninh, thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của nhân dân

    1.2. Chủ thể quản lý:

    Chủ thể của quản lý nhà nước:

    Chủ thể quản lý nhà nước là cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, họ được sử dụng quyền lực nhà nước để quản lý hoặc họ được trao quyền thực hiện hoạt động quản lý nhà nước. Pháp luật chính là công cụ chủ yếu của quản lý nhà nước. Đối tượng quản lý nhà nước là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong một quốc gia, là sinh hoạt, đời sống của xã hội diễn ra trên từng lĩnh vực.

    Chủ thể của quản lý hành chính nhà nước:

    – Chủ thể quản lý hành chính nhà nước là các cơ quan, cán bộ, công chức hành chính nhà nước trong hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở, các tổ chức và cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý hành chính trong một số trường hợp cụ thể.

    1.3. Mục đích:

    Quản lý nhà nước:

    Mục đích của quản lý nhà nước nhằm thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước

    Quản lý hành chính nhà nước:

    Mục đích của quản lý hành chính nhà nước nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên trong công cuộc xây dựng nền kinh tế, văn hóa và xã hội, hành chính – chính trị

    1.4. Đặc điểm:

    Đặc điểm của quản lý nhà nước:

    – Quản lý nhà nước mang tính quyền lực tối cao, tính mệnh lệnh đây được xem là yếu tố nhằm giúp chúng ta phân biệt được quản lý nhà nước cũng như các hoạt động quản lý mang tính xã hội khác.Tính quyền lực của nhà nước được thể hiện thông qua các văn bản hành chính và các văn bản này thể hiện được những ý chí và quyết tâm của người quản lý nhà nước.

    – Quản lý nhà nước mang tính khoa học, tính kế hoạch bởi nhà nước phải có sự tổ chức các hoạt động quản lý của mình lên đối tượng bị quản lý cho nên cách quản lý phải có tính khoa học và phải nhất quán, cụ thể dựa trên những kế hoạch đã được vạch ra từ trước và phải được nghiên cứu một cách khoa học.

    – Quản lý nhà nước mang tính tổ chức và điều chỉnh: tính tổ chức ở đây được hiểu là khoa học về cách thức thiết lập mối quan hệ giữa con người với con người phục vụ cho quá trình quản lý xã hội. Còn tính điều chỉnh chính là cách mà nhà nước ta sử dụng các công cụ pháp luật, áp dụng pháp luật để buộc đối tượng bị quản lý phải tuân theo những quy luật xã hội khách quan.

    + Quản lý nhà nước mang tính liên tục, ổn định bởi hoạt động quản lý nhà nước cần phải diễn ra thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn bắt kịp với sự vận động biến đổi của đối tượng quản lý. Các quyết định của nhà nước luôn phải có tính ổn định, không được thay đổi quá nhanh.

    Đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước:

    Đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước là những nét đặc thù, để từ đó phân biệt với các dạng quản lý xã hội của các chủ thể quản lý khác. Những đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước như sau:

    – Quản lý hành chính nhà nước mang tính quyền lực nhà nước bởi:

    + Quản lý hành chính nhà nước mang tính quyền lực đặc biệt và có tính tổ chức cao và tính mệnh lệnh đơn phương của Nhà nước. Quản lý hành chính nhà nước mang tính quyền lực nhà nước để phân biệt hoạt động quản lý hành chính nhà
    nước với các hoạt động quản lý khác (trường học, quản lý doanh nghiệp, quản lý bệnh viện,…).

    – Quản lý hành chính nhà nước có tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt điều này được thể hiện trong việc điều hành, phối hợp, huy động mọi lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp để từ đó quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội theo đúng chức năng và thẩm quyền

    – Quản lý hành chính nhà nước có mục tiêu chiến lược, có chương trình, kế hoạch để từ đó thực hiện mục tiêu. Mục tiêu ở đây là mục tiêu tổng hợp bao gồm các mục tiêu mang tính trước mắt và lâu dài, bao gồm: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao…

    + Muốn đạt được mục tiêu, hành chính nhà nước cần xây dựng các chương trình, dự án và hệ thống kế hoạch lâu dài, trung hạn và kế hoạch ngắn hạn.

    – Quản lý hành chính nhà nước có tính liên tục, tương đối ổn định và thích ứng

    Nhiệm vụ của hành chính nhà nước là phục vụ xã hội và công dân. Đây là công việc hàng ngày, cần thiết để duy trì các mối quan hệ xã hội và hành vi công dân được pháp luật điều chỉnh diễn ra thường xuyên, liên tục. Do đó, nền hành chính nhà nước phải đảm bảo tính liên tục, ổn định để đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn trong bất kỳ tình huống nào.

    + Tính tương đối ổn định và thích ứng bởi tính liên tục và ổn định không loại trừ được tính thích ứng. Chính vì vậy, ổn định ở đây chỉ mang tính tương đối, không phải là cố định, không thay đổi. Đời sống kinh tế – xã hội luôn biến chuyển không ngừng, do đó nền hành chính nhà nước luôn phải  thích nghi với xu thế của thời đại, thích ứng với thực tế trong từng thời kỳ, đáp ứng được những nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới. Nhà nước là một sản phẩm của xã hội.

    – Quản lý hành chính nhà nước có tính hệ thống thứ bậc chặt chẽ. Do nền hành chính nước ta được xây dựng bởi một hệ thống chặt chẽ và thông suốt từ Trung ương xuống các địa phương, trong đó cấp dưới phục tùng cấp trên, nhận chỉ thị  và mệnh lệnh cũng như sự kiểm tra thường xuyên của cấp trên. Mỗi cơ quan, mỗi cán bộ công chức hoạt động trong phạm vi thẩm quyền được nhà nước giao

    1.5. Phương tiện:

    Quản lý nhà nước:

    Phương tiện quản lý của  nhà nước chủ yếu là “Pháp luật”. Thông qua pháp luật nhà nước có thể trao quyền cho các tổ chức cũng như cá nhân để họ thay mặt nhà nước tiến hành các hoạt động quản lý nhà nước.

    Quản lý hành chính nhà nước:

    Phương tiện quản lý hành chính nhà nước là những quy phạm pháp luật hành chính

    Xem thêm: Khái niệm và các phương pháp quản lý hành chính nhà nước

    2. Quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước có những điểm giống nhau nào?

    Nhìn chung quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước  đều là những hoạt động được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền

    Mục đích của quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước nhằm thực thi quyền lực nhà nước, để xác lập trật tự ổn định, giúp xã hội phát triển.