Phân biệt người nghiện và người sử dụng ma tuý

Việt Dũng

  –  

Thứ bảy, 25/12/2021 18:22 (GMT+7)

Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 quy định rõ trường hợp xác định người sử dụng ma tuý (trong đó có việc sử dụng thụ động) và người nghiện để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phân biệt người nghiện và người sử dụng ma tuýTrung tá Hoàng Văn Hiều nói về người nghiện và người sử dụng ma tuý. Ảnh: V.D

Như Lao Động đưa tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Bộ Công an – C04 vừa tổ chức Hội nghị thông tin về Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022.

Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Viện – Cục trưởng C04, thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp sử dụng ma tuý tổng hợp dẫn đến ngáo đá và gây ra các vụ thảm án. Trong khi đó, hành vi sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt hành chính cao nhất 1 triệu đồng nên không đủ sức răn đe.

Bởi thế, việc “đổi mới” này nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý chặt người sử dụng trái phép chất ma tuý, từ đó làm giảm tỉ lệ người nghiện, giảm “nguồn cầu” về ma tuý.

Theo Cục trưởng C04, Luật Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 nêu rõ quản lý người sử dụng ma túy là biện pháp phòng ngừa, không phải xử phạt hành chính, nhằm giúp họ tránh xa ma túy.

Thời hạn quản lý là một năm, tại nơi cư trú, gồm: Tư vấn, động viên, giáo dục; xét nghiệm; ngăn chặn hành vi gây rối trật tự.

Người bị quản lý có trách nhiệm cung cấp thông tin về hành vi sử dụng ma túy của mình cho công an cấp xã nơi cư trú và chấp hành việc quản lý của UBND xã.

Gia đình có trách nhiệm giáo dục, cung cấp thông tin về hành vi của người bị quản lý cho cơ quan chức năng và phối hợp đưa người đó đi xét nghiệm chất ma tuý.

Trong khi đó, trung tá Hoàng Văn Hiều – Phó Trưởng phòng 2, C04 – cho biết, khi phát hiện người nghiện phải phân loại để xác định ai là người sử dụng trái phép chất ma tuý bằng nước tiểu, máu…

“Tuy nhiên, hiện nay, cơ bản xét nghiệm nước tiểu. Ai dương tính sẽ xác định người đó là người sử dụng trái phép chất ma tuý” – trung tá Hiều thông tin.

Căn cứ điều 27 để xác định để đưa người đó đi đến cơ sở y tế để áp dụng biện pháp cai nghiện. Nếu không nghiện thì sẽ đưa người đó vào trường hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý.

Chủ tịch UBND cấp xã sẽ ra quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý. Cơ quan này thành lập tổ quản lý người sử dụng trái phép, giao công an cấp xã làm tổ trưởng, người có uy tín trong dòng họ dễ quản lý.

Trong tổ quản lý sẽ phân công trực tiếp cho một người làm nhiệm vụ động viên để họ nhận thức ra tác hại và giám sát kịp thời. Trong vòng một năm, nếu phát hiện người này dùng lại ma tuý lại đưa đi xác định tình trạng nghiện.

Cũng theo ông Hiều, người nghiện và người sử dụng ma tuý là hai khái niệm khác nhau. Người sử dụng thì bị quản lý, người nghiện thì phải thực hiện biện pháp cai nghiện.

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, quy định tại Điều 30: Được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Khoản 5, Điều 30 của Luật mới quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; hướng dẫn, quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Thiếu tá Hiều cho hay, đây là điểm tiến bộ của luật mới, quy định của luật cũ giao cho cán bộ ở cấp xã kiêm nhiệm, thực hiện do vậy không chuyên sâu, làm hình thức, không hiệu quả.

Quy định của luật mới đảm bảo tính chuyên sâu trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả.

Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy do các cơ sở công lập hoặc do tư nhân thành lập theo quy định cụ thể tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Một vấn đề được nêu trong hội nghị trên, đó là vấn đề người bị thụ động sử dụng ma tuý thì xử lý ra sao. Cụ thể, vừa qua ở Quảng Ninh có một số học sinh ăn phải kẹo có chất ma tuý, dạng cần sa. Theo trung tá Hiều, trường hợp này không được coi là sử dụng ma tuý.