Phân biệt ngoại hối và ngoại tệ? Điều kiện để được làm đại lý đổi ngoại tệ và chi trả ngoại tệ

Không ít người có sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ “ngoại hối” và “ngoại tệ”. Bài viết này Luật Minh Khuê sẽ phân biệt bằng những tiêu chí cơ bản để thấy được sự khác biệt giữa 2 thuật ngữ này. Bên cạnh đó cung cấp tới bạn đọc quy định pháp luật về điều kiện làm đại lý đổi, chi trả ngoại tệ.

Cơ sở pháp lý

Nghị định 89/2016/NĐ-CP

Nghị định 16/2019/NĐ-CP

1. Ngoại hối – ngoại tệ hai thuật ngữ riêng biệt rất hay nhầm lẫn

Thưa luật sư, em đang nghiên cứu pháp luật về ngoại hối, khi đọc các quy định pháp luật em nhận ra có 2 thuật ngữ mà em không thể hiểu rõ bản chất của nó được. Mong luật sư giải đáp giúp em sự khác nhau giữa “ngoại hối” và “ngoại tệ” ạ. Rất mong nhận được giải đáp từ luật sư. Em cảm ơn ạ!

Tiêu chí

Ngoại hối

Ngoại tệ

Định nghĩa

Ngoại hối (foreign exchange) là một thuật ngữ dùng để chỉ các phương tiện sử dụng trong giao dịch quốc tế (International transaction)

Ngoại tệ (foreign currency) là đồng tiền của nước này đối với nước khác, nó có thể được chi trả trực tiếp hoặc thông qua đồng tiền thứ ba trong thanh toán quốc tế.

Mỗi quốc gia đều có một đồng tiền riêng lưu hành theo luật pháp riêng của nó và các đồng tiền không phải do ngân hàng trung ương của quốc gia đó phát hành thì được xem là ngoại tệ.

 

Bao gồm

  • Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
  • Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
  • Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
  • Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; Vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
  • Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

 

Tiền giấy, tiền kim loại

Thị trường

Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động mua bán trao đổi ngoại hối trong đó chủ yếu là mua bán ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế phát hành bằng ngoại tệ. Trung tâm của thị trường ngoại hối là thị trường liên ngân hàng, thông qua thị trường liên ngân hàng, mọi giao dịch mua bán ngoại hối có thể tiến hành trực tiếp với nhau.

 

Thị trường ngoại tệ là thị trường mà người tham gia từ khắp nơi trên thế giới có thể trao đổi, mua bán và dự trữ, đầu tư đối với các loại tiền tệ khác nhau trên thế giới. Hiểu một cách đơn giản, ở đâu có sự trao đổi, mua bán, giao dịch tiền tệ thì ở đó có thị trường ngoại tệ.

Giao dịch

Giao dịch ngoại tệ: Là giao dịch được xác định bằng ngoại tệ hoặc yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ bao gồm các giao dịch phát sinh khi

 

Trong một giao dịch ngoại hối, một đồng tiền được bán để đổi lấy nhau. Tỉ giá thể hiện giá trị tương đối giữa hai đồng tiền. Đơn vị tiền tệ thường được xác định bởi mã “Swift” gồm ba chữ số.

Như vậy, theo quy định trên đây thì ngoại tệ là một phần của ngoại hối. Ngoại tệ là ngoại hối nhưng ngoại hối thì không phải là ngoại tệ vì ngoài ngoại tệ thì ngoại hối còn gồm phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

2. Điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ

Thưa luật sư, theo em thấy thì người nước ngoài đến Việt Nam có nhu cầu đổi tiền nước họ sang tiền Việt để tiêu dung. Thường thì có thể đổi được ở những khách sạn lớn. Vậy luật sư cho em hỏi, điều kiện như thế nào để được làm nơi đổi ngoại tệ ạ? Rất mong nhận được giải đáp từ luật sư. Em cảm ơn!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Theo quy định pháp luật, việc mua bán, trao đổi ngoại tệ được diễn ra tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định đối với tổ chức kinh tế nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định cũng sẽ được cấp phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 89/2016/NĐ-CP:

3. Tổ chức kinh tế (không bao gồm tổ chức tín dụng) là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Và điều kiện để được cấp phép hoạt động đại lý đổi ngoại tệ đối với tổ chức kinh tế được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP và được sửa đổi tại Nghị định 16/2019/NĐ-CP như sau:

Tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ:

Thứ nhất, Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:

+ Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên;

+ Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);

+ Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật;

+ Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;

+ Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.

Thứ hai, có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ; tại nơi giao dịch phải có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.”6. Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.

Thứ ba, một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép.

3. Điều kiện trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ

Thưa luật sư, tôi là Bùi Giang. Tôi có một vấn đề về pháp luật ngân hàng mong được luật sư giải đáp. Tôi muốn hỏi điều kiện để được hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ đối với tổ chức kinh tế là gì ạ? Văn bản pháp luật nào quy định điều này? Rất mong nhận được giải đáp. XIn cảm ơn!

Chào bạn, thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 89/2016/NĐ-CP, đối với tổ chức kinh tế để được hoạt động trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ cần đáp ứng điều kiện sau:

Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ:

Thứ nhất, Có hợp đồng với đối tác nước ngoài về dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;

Thứ hai, Có phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ do người đại diện hợp pháp ký.

Bên cạnh đó, pháp luật quy định cụ thể điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận gia hạn thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ như sau:

Thứ nhất, Đáp ứng các điều kiện được hoạt động trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ

Thứ hai, Văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ đã được cấp còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

Thứ ba, Không vi phạm chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tối thiểu 04 quý từ thời điểm được cấp văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận gia hạn gần nhất đến thời điểm xin gia hạn.

4. Điều kiện làm đại lý chi trả ngoại tệ?

Kính chào công ty luật Minh Khuê. Tôi được biết có đại lý chi trả ngoại tệ của ngân hàng. Vậy, cần đáp ứng điều kiện gì để được hoạt động đại lý chi trả ngoại tệ ạ? Rất mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn!

Chào bạn, thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định 89/2016/NĐ-CP và sửa đổi tại Nghị định 16/2019/NĐ-CP thì điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét và chấp thuận đăng ký hoạt động đại lý chi trả ngoại tệ đó là được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý chi, trả ngoại tệ.

Bên cạnh đó, điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận gia hạn đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ:

+ Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý chi, trả ngoại tệ.

+ Văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ đã được cấp còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

+ Không vi phạm chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tối thiểu 04 quý từ thời điểm được cấp văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận gia hạn gần nhất đến thời điểm xin gia hạn.

5. Đổi ngoại tệ ở đâu là hợp pháp?

Chào công ty luật Minh Khuê. Tôi muốn được giải đáp về đổi ngoại tệ. Tết vừa rồi con tôi được lì xì bằng tiền đô. Tôi muốn đổi số tiền này ra tiền Việt Nam nhưng lại ngại vào ngân hàng vì thủ tục và phải giải thích nguồn gốc. Vậy tôi có thể đổi ở đâu ngoài ngân hàng mà vẫn là hợp pháp và đảm bảo an toàn? Rất mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn!

Chào bạn, thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 quy định: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng cho phép.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 3 Thông tư 20/2011/TT-NHNN quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành có quy định về địa điểm bán ngoại tệ như sau:

Việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ là:

– Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:

+ Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên;

+ Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);

+ Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật;

+ Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;

+ Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.

– Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ; tại nơi giao dịch phải có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.

– Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.

– Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì ngoài ngân hàng, bạn có thể đổi ngoại tệ ở những tổ chức đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Phân biệt ngoại tệ và ngoại hối, quy định pháp luật về điều kiện làm đại lý đổi, chi trả ngoại tệ”

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Bộ phận tư vấn pháp luật Ngân hàng – Luật Minh Khuê