Phân biệt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân và năng lực hành vi của cá nhân?

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định như sau:

1. Năng lực pháp luật là gì?

1.1. Khái niệm năng lực pháp luật

Năng lực pháp luật là khả năng có quyền, nghĩa vụ pháp lý do nhà nước quy định cho các cá nhân, tổ chức nhất định.

Năng lực pháp luật là khả năng mà pháp luật quy định đối với các chủ thể phải có để có thể được tham gia quan hệ pháp luật. Khả năng này thể hiện ở quy định về các điều kiện khác nhau đối với từng quan hệ pháp luật. Năng lực pháp luật có thể coi là phần tối thiểu trong năng lực chủ thể. Với năng lực pháp luật, các chủ thể chỉ tham gia thụ động vào các quan hệ pháp luật, cụ thể chủ thể không tự tạo ra cũng như không thể tự mình thực hiện được các quyền và nghĩa vụ pháp lý.

Năng lực pháp luật là thuộc tính không thể tách rời của chủ thể vì khi nói tới chủ thể của quan hệ pháp luật thì trước tiên phải nói đến năng lực pháp luật của chủ thể. Tuy nhiên, năng lực pháp luật của chủ thể không phải tự nhiên đã sẵn có mà do các quy định của nhà nước cho các chủ thể. Do đó, các nhà nước khác nhau sẽ có quy định khác nhau về năng lực pháp luật của chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật.

 

1.2. Đặc điểm của năng lực pháp luật

Năng lực pháp luật có các đặc điểm sau đây:

– Năng lực pháp luật là thuộc tính không thể tách rời của mỗi chủ thể.

– Năng lực pháp luật không phải là thuộc tính tự nhiên mà được Nhà nước điều chỉnh trên cơ sở các quy định pháp luật.

– Năng lực pháp luật của không thể chuyển giao, không bị hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân 

2.1. Khái niệm năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân như sau:

– Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

– Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

– Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

 

2.2. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Căn cứ Điều 17 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, theo đó nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân bao gồm:

– Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.

– Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.

– Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa phát vụ phát sinh từ quan hệ đó.

Lưu ý: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền nhân thân như sau:

– Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

– Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Toà án.

Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Điều 158, 159 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản như sau:

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

– Quyền đối với bất động sản liền kề;

– Quyền hưởng dụng;

– Quyền bề mặt.

Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền thừa kế như sau:

– Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

– Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

 

2.3. Phân biệt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân và năng lực hành vi của cá nhân

STT
TIÊU CHÍ
NĂNG LỰC PHÁP LUẬT DÂN SỰ
NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ

1
Căn cứ pháp lý
Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Bộ luật Dân sự 2015
 Điều 19 đến Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015

2
Khái niệm
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

3
Nội dung

Nội dung của năng lực pháp luật dân sự của cá nhân:

– Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.

– Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.

– Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

Nội dung của năng lực hành vi dân sự của cá nhân:

– Khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

– Khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản về hành vi của mình, bao gồm cả hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp.

4
Thời điểm phát sinh và thời điểm chấm dứt
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân có khi cá nhân đạt đến độ tuổi và trí tuệ nhất định, có thể hiểu và làm chủ được hành vi của mình khi xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và tự chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân chấm dứt khi có quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của Toà án.

5
Đặc điểm

– Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

– Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có tính liên tục.

– Mỗi cá nhân sẽ có khả năng xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự khác nhau.

– Năng lực hành vi dân sự của cá nhân có thể gián đoạn hoặc bị mất đi.

6
Hạn chế
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Hạn chế năng lực hành vi dân sự:

– Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Toà án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Toà án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

– Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê gửi tới Quý bạn đọc các vấn đề liên quan đến năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Trường hợp có vướng mắc liên quan hoặc bất kỳ vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ tới Luật Minh Khuê qua số tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 19006162, để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên của chúng tôi hỗ trợ tư vấn và giải đáp nhanh chóng. Trân trọng./.