Phân biệt hình thức chiết khấu thương mại và hình thức khuyến mại

Hiện nay các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và cả người tiêu dùng vẫn bị nhầm lẫn hai hình thức xúc tiến thương mại là “chiết khấu” và “khuyến mại”. Vậy cụ thể sự khác nhau giữa hai hình thức này là gì?

 

Luật sư tư vấn:

1. Khái niệm chiết khấu thương mại và khuyến mại

Chiết khấu thương mại là khoản chiết khấu mà doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.

Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

 

2. Phân biệt hình thức khuyến mại và chiết khấu thương mại

2.1 Mục đích

Chiết khấu thương mại: Là khoản mà người bán giảm trừ cho người mua khi người mua đã mua hàng với số lượng lớn (tính trên 1 lần hoặc trong một khoảng thời gian) và thường ổn định, mang tính dài hạn;

Khuyến mại: Là khoản giảm trừ, chiến thuật bán hàng mang tính ngắn hạn (có thời gian cụ thể) nhằm thúc đẩy doanh số trong thời gian đó.

 

2.2 Các hình thức thể hiện

Chiết khấu thương mại:

Khi đạt được sự thỏa thuận, thống nhất hợp đồng giữa hai bên thì bên bán sẽ thực hiện giảm trừ cho bên mua khi mua hàng hóa.

Khuyến mại: 

Các hình thức khuyến mại (theo Điều 92 Luật thương mại)

– Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.

– Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.

– Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

– Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.

– Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

– Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

– Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.

– Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.

– Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.

 

2.3 Sự cho phép của cơ quan quản lý

Chiết khấu thương mại: Là thoả thuận giữa 2 bên và quy định cụ thể trong hợp đồng (không cần đăng ký với cơ quan quản lý)

Khuyến mại: Công khai và phải có thông báo/đăng ký với Sở công thương tại nơi doanh nghiệp tổ chức khuyến mại.

 

2.4 Giá tính thuế

Chiết khấu thương mại: Giá tính thuế là giá đã trừ chiết khấu.

Khuyến mại: Giá tính thuế = 0 nếu đăng ký khuyến mại.

 

2.5 Thời gian duy trì

Chiết khấu thương mại: Hợp đồng có thể được duy trì thường xuyên, mang tính trung, dài hạn.

Khuyến mại: Chỉ được thực hiện theo từng đợt đăng ký với cơ quan quản lý và bị giới hạn trong thời gian nhất định

 

2.6 Đối tượng khách hàng

Chiết khấu thương mại: Thường áp dụng cho khách hàng bán buôn (bán sỉ).

Khuyến mại: Áp dụng cho mọi khách hàng, thường cho khách hàng mua lẻ.

 

3. Chiết khấu thương mại có phải đăng ký không ?

Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại không quy định chiết khấu thương mại là một hình thức khuyến mại.

Như vậy, khi thực hiện hoạt động chiết khấu thương mại, Công ty không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo/ đăng ký hoạt động khuyến mại theo quy định của Luật Thương mại và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

 

4. So sánh chiết khấu thương mại và hình thức khuyến mại giảm giá

4.1 Chiết khấu là gì ?

Chiết khấu, hoặc hay được gọi là chiết khấu thương mại, là khoản giá trị mà người bán trích cho người mua khi người mua sử dụng dịch vụ hoặc mua hàng hóa với số lượng nhất định nằm trong chính sách bán hàng của người bán. 

Thường thì việc chiết khấu sẽ được áp dụng với các hóa đơn mua hàng lớn hoặc những khách hàng bán buôn (bán sỉ). Nói cách khác, chiết khấu chính là một hình thức giảm giá khi khách hàng mua với số lượng lớn. 

Theo quy định của pháp luật, có hai loại chiết khấu: chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán. Chiết khấu thanh toán là việc giảm trừ khi khách hàng thanh toán trước thời hạn. Trong khi đó, chiết khấu thương mại là giảm trừ khi khách hàng mua hàng số lượng lớn. 

Như vậy, nếu khách hàng đi mua hàng ở cửa hàng, siêu thị, mua hàng lẻ, v.v. thì đó không được gọi là chiết khấu. 

 

4.2 Giảm giá là gì ?

Giảm giá là việc người mua giảm giá trị của một hoặc nhiều hàng hóa mà người mua mua cho người mua. Chương trình giảm giá chỉ xuất hiện khi hàng hóa lỗi mốt, hỏng hóc, mất phẩm chất vốn có, v.v. Thông thường thì giảm giá sẽ được áp dụng đối với các khách hàng vãng lai, các đơn hàng bán lẻ, v.v. 

Ví dụ: Chương trình giảm giá 10% khi khách hàng mua các sản phẩm đồ gia dụng. 

Ít người biết rằng các chương trình giảm giá sẽ có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và sẽ phải nộp thuế tương ứng với chương trình giảm giá đó. 

Một số kênh bán hàng online thường có các chương trình khuyến mãi, mã giảm giá mà bạn nên biết đó là Lazada, Tiki, Sendo… bạn có thể tận dụng chúng để được giảm thêm tiền khi mua sắm.

 

4.3 Điểm giống nhau giữa chiết khấu và giảm giá 

Điểm giống nhau lớn nhất giữa chiết khấu và giảm giá chính là mục đích của hai hình thức. Cả hai đều hướng đến đưa ra các ưu đãi về giá hấp dẫn nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng hoặc số lượng sản phẩm được tiêu thụ bởi khách hàng.

Đồng thời, việc chiết khấu và giảm giá sẽ giúp giảm số lượng hàng tồn kho của người bán, giúp người bán có thêm lượng khách hàng thân quen. Đây cũng là một cách tốt để quảng cáo thương hiệu nếu hiện tại thương hiệu đó chưa có tiếng tăm lớn, hoặc cần xâm nhập thị trường sâu rộng hơn. 

Ngoài ra, hai hình thức còn cùng được thể hiện trên hóa đơn. Cụ thể, chiết khấu và giảm giá đều là các hình thức ưu đãi về giá, hạ giá bán xuống một mức nhất định trên từng sản phẩm hoặc trên cả hóa đơn. Người mua sẽ được mua hàng thấp hơn so với giá niêm yết do nhiều yếu tố khác nhau. 

Điểm khác nhau cần biết giữa chiết khấu và giảm giá

Sự khác biệt ít người biết giữa chiết khấu và giảm giá là sự công khai. Theo quy định của pháp luật, chiết khấu được thể hiện dưới hình thức thỏa thuận của các bên trong quan hệ mua bán. Chiết khấu có thể không công khai – vì bản chất là mối quan hệ giữa hai hoặc các bên trong quan hệ mua bán.

Trong khi đó, các chương trình giảm giá bắt buộc phải công khai – vì đối tượng hướng đến là tất cả khách hàng chứ không đơn thuần chỉ là một vài chủ thể nhất định trong quan hệ mua bán. 

Bên cạnh đó, các ưu đãi chiết khấu thường sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian trung hoặc dài hạn. Còn giảm giá bán hàng sẽ chỉ được áp dụng trong một thời gian cụ thể, đã được niêm yết trên thông báo công khai. Thời gian của chiết khấu sẽ được quy định trong hợp đồng, còn thời gian thực hiện giảm giá sẽ theo thời gian đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. 

Một điểm khác nhau nữa nằm ở hình thức chiết khấu và hình thức giảm giá. Chiết khấu thường là giảm giá trực tiếp trên hóa đơn mua bán, trong khi giảm giá có thể là giảm giá bán trên hóa đơn, hoặc tặng kèm sản phẩm (ví dụ như mua 5 sản phẩm sẽ được tặng 1 sản phẩm). 

Đồng thời, chiết khấu sẽ yêu cầu người mua phải đạt một số lượng cụ thể, còn giảm giá thường sẽ không phụ thuộc vào số lượng hàng hóa mà người mua mua. 

Thêm vào đó, chiết khấu sẽ hướng đến áp dụng đối với các hóa đơn có số lượng hàng hóa lớn, các nhà buôn, bán sỉ. Giảm giá có đối tượng hướng đến rộng hơn, và thường là các khách mua lẻ. 

Như vậy, cần phải có một quá trình tìm hiểu kỹ càng ta mới thấy được sự khác nhau giữa chiết khấu và giảm giá, vì thường khách hàng sẽ chỉ để tâm đến ưu đãi mà người bán tung ra.

luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số:

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn về cách phân biệt hình thức chiết khấu thương mại và hình thức khuyến mại. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phậngọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.