Phân biệt cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, cổ đông trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020
(LSVN) – Ngày 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ chính thức có hiệu lực trong đó có những quy định mới về công ty cổ phần (CP). Công ty CP có mô hình tổ chức khá phức tạp. Để hiểu rõ cơ cấu hoạt động của công ty CP cần phải hiểu được các khái niệm cơ bản, phân biệt được cổ phần, cổ phiếu, cổ tức và cổ đông.
Ảnh minh họa.
Tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định Công ty CP là:
Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Khi tiến hành hoạt động kinh doanh dưới hình thức công ty CP, chúng ta thường hay bắt gặp nhiều thuật ngữ khá giống nhau, như là cổ phần, cổ phiếu, cổ tức và cổ đông. Chúng ta cần hiểu rõ các thuật ngữ đó được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020.
1. Cổ phần
Theo điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
Cổ phần bao gồm cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.
– Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
– Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi, cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
+ Cổ phần ưu đãi cổ tức;
+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
+ Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Lưu ý: Chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông và cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi mới có quyền biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông.
2. Cổ phiếu
Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
– Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
– Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
– Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
– Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;
– Nội dung khác theo quy định tại các điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.
Bên cạnh đó, cổ phiếu là một loại chứng khoán (được coi là tài sản), là đối tượng giao dịch trên sàn chứng khoán (theo khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019).
3. Cổ tức
Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.
Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp được hiểu là khoản tiền chênh lệch giữa tổng doanh thu bán được trừ đi tất cả các khoản chi phí, kể cả thuế. Như vậy, lợi nhuận ròng chính là tiền lãi của doanh nghiệp sau khi đã đóng thuế.
Theo điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau:
– Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
– Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
– Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật (theo khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020).
4. Cổ đông
Theo điểm b khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, ngoại trừ các trường hợp sau:
– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại Hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó. (Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020)
– Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. (Khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020)
Cổ đông có quyền tương ứng với loại cổ phần mình sở hữu.
Việc phân biệt cổ phần, cổ phiếu, cổ tức và cổ đông có thể giúp các cá nhân, tổ chức hiểu rõ khái niệm cơ bản để đầu tư vào công ty CP và thực hiện và hưởng các quyền và nghĩa vụ của mình trong công ty.
Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021.
NGỌC NHI