Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm | PK BV Đại học Y Dược 1

PHÂN BIỆT CẢM LẠNH VÀ CẢM CÚM

Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, có nhiều triệu chứng giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Dưới đây là cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm mà bạn cần biết. 

1. Nguyên nhân gây ra cảm lạnh và cúm

Cảm cúm là do một số virus cúm gây ra. Trong khi có hơn 200 loại virus có thể gây ra cảm lạnh, hầu hết gây ra các triệu chứng giống nhau.

Trung bình một người có thể bị cảm từ 1-3 lần mỗi năm. Tuy nhiên một số đối tượng dễ mắc bệnh hơn và khi mắc bệnh dễ gặp biến chứng hơn, bao gồm:

– Người lớn trên 65 tuổi;

– Trẻ em dưới 6 tuổi;

– Người bị suy giảm hệ miễn dịch;

– Người hút nhiều thuốc lá;

– Phụ nữ trong thai kỳ.

Mặc dù virus cúm tồn tại quanh năm nhưng cảm cúm thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Trong khi cảm lạnh thường phát triển vào mùa lạnh là mùa đông và mùa xuân.


Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh do virus gây ra

2. Triệu chứng nhận biết cảm lạnh và cúm

Các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện trong 1-3 ngày sau khi nhiễm virus. Dấu hiệu ban đầu thường gặp là mệt mỏi, hắt hơi và đau họng. Khi các triệu chứng sổ mũi xuất hiện, nước mũi tiết ra chất nhầy trong suốt, sau đó dịch tiết có thể chuyển sang màu trắng, vàng hoặc xanh. Một số triệu chứng của cảm lạnh có thể bao gồm:

– Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;

– Hắt xì;

– Đau họng;

– Ho khan;

– Chảy nước mắt;

– Hiếm có trường hợp sốt.

Các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm có thể giống nhau. Nhưng nếu cảm lạnh có xu hướng phát triển dần dần, thì các triệu chứng của cảm cúm thường nặng hơn, đến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Một số triệu chứng của cảm cúm bao gồm:

– Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;

– Đau họng;

– Ho khan;

– Mệt mỏi;

– Đau nhức cơ và cơ thể;

– Chảy nước mắt;

– Có thể nhức hốc mắt;

– Nhức đầu;

– Nôn mửa và tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em);

– Sốt (nhưng không phải ai bị cảm cúm cũng sốt). 

3. Thời gian nhiễm bệnh cảm lạnh và cúm

Thời gian nhiễm bệnh cảm lạnh hoặc cúm tùy thuộc vào loại virus gây bệnh và khả năng miễn dịch của cơ thể.

Thông thường cảm lạnh không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh và sẽ tự khỏi trong vòng 4-10 ngày. Nhưng cũng có trường hợp ho kéo dài sang tuần thứ hai.Trong khi đó, cảm cúm thường kéo dài hơn từ một tuần đến vài tuần. Đôi khi tình trạng mệt mỏi, ăn không ngon và ho khan vẫn có thể kéo dài sáu đến tám tuần sau đó.

Đa phần các trường hợp bị cảm lạnh và cảm cúm không nguy hiểm. Nhưng một vài trường hợp có thể bị các biến chứng về đường hô hấp, thường gặp hơn ở cảm cúm. Một số biến chứng liên quan đến nhiễm trùng thứ phát hoặc nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang hoặc tai. Cảm lạnh và cúm cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh mạn tính đang mắc phải, ví dụ như hen suyễn. Bạn cần đi khám ngay khi có các triệu chứng dưới đây:

– Khó thở hoặc thở gấp;

– Môi đổi màu tím hoặc xanh;

– Đau tai;

– Đau dai dẳng hoặc có áp lực ở ngực hoặc bụng;

– Lú lẫn, chóng mặt, bất tỉnh;

– Co giật;

– Đau cơ nghiêm trọng;

– Suy nhược cơ thể nghiêm trọng;

– Sốt hoặc ho đã gần khỏi nhưng bị trở lại và trầm trọng hơn, có thể ho ra máu;

– Nôn mửa dữ dội.

4. Điều trị, phòng ngừa cảm lạnh và cảm cúm

 
Tiêm vắc xin cúm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh cúm 

Hầu hết phương pháp điều trị được đưa ra cho cảm lạnh và cảm cúm là kê thuốc làm dịu các cơn đau đầu, đau họng và ho, làm thông mũi và xoang. Nhiều người lựa chọn kháng sinh để điều trị cảm lạnh và cảm cúm ngay từ đầu. Nhưng thực tế kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, trong khi cảm lạnh và cảm cúm là do virus gây ra.

Khi bị cảm lạnh và cảm cúm, người bệnh thường được khuyên:

– Giữ ấm cơ thể;

– Giữ phòng ở ấm áp và có độ ẩm;

– Uống nhiều nước hoặc nước trái cây;

– Làm dịu cổ họng bằng cách xúc nước muối hoặc uống trà chanh mật ong;

– Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi;

– Ăn thức ăn ấm;

– Ngủ nhiều hơn;

– Tránh uống rượu, sử dụng cafein và thuốc lá;

– Hạn chế đi đến những nơi công cộng để tránh làm lây lan virus;

– Luôn sử dụng khăn giấy và rửa sạch tay sau khi hắt hơi.

Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh về đường hô hấp do virus gây ra nên cách phòng ngừa giống nhau. Cách tốt nhất để phòng ngừa là tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.

Để ngăn ngừa cảm cúm, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên được khuyến nghị tiêm vaccine phòng cúm hằng năm. Phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai cũng nên tiêm vaccine. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm. Cảm lạnh không có vaccine nên việc phòng ngừa tập trung vào giữ vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc với người bệnh. Tránh đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. 

Nhìn chung, cảm lạnh có xu hướng nhẹ hơn và nhanh khỏi, trong khi cảm cúm có các triệu chứng nặng hơn, thời gian khỏi bệnh lâu hơn và có nhiều khả năng gây ra  biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang hoặc tai.

Trước đây, sổ mũi và đau họng là biểu hiện của cảm lạnh và cúm. Nhưng hiện nay nó còn là biểu hiện khi nhiễm virus Covid-19. Vì vậy nếu bạn có biểu hiện đau họng và sốt, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán.