Phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục năm 2019 là gì?

Căn cứ pháp lý

– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 sau đây gọi là Luật Giáo dục năm 2019.

– Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Nghị định này quy định, chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, bao gồm: Thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự; chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục

Căn cứ vào Điều 1 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật này như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.”

Trước hết, theo từ điển Tiếng Việt thì có thể hiểu giáo dục là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch nhằm bồi dưỡng cho người ta những phẩm chất đạo đức, những tri thức cần thiết về tự nhiên và xã hội, cũng như những kĩ năng, kĩ xảo cần thiết trong đời sống. Giáo dục là quá trình đào tạo con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị cho con người tham gia đời sống xã hội, tham gia lao động sản xuất, nó được thực hiện bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử – xã hội của loài người.

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc trưng của xã hội loài người, nảy sinh cùng với xã hội loài người, trở thành một chức năng sinh hoạt không thể thiếu được và không bao giờ mất đi ở mọi giai đoạn phát triển của xã hội. Giáo dục là một bộ phận của quá trình tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội, một trong những nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt và mang tính lịch sử cụ thể, tính chất, mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và tổ chức giáo dục biến đổi theo các giai đoạn phát triển của xã hội, theo các chế độ chính trị – kinh tế của xã hội.

Hệ thống là tổng thể sự sắp xếp theo thứ tự, quy củ và có liên hệ chặt chẽ với nhau, do đó hệ thống giáo dục quốc dân có thể coi như là một sự sắp xếp theo thứ tự, liên kết chặt chẽ để đào tạo một công dân trong phạm vi toàn quốc. Hệ thống giáo dục quốc dân hướng đến sự phổ cập giáo dục cho toàn người dân trong cả nước, tìm được ra những nhân tài cống hiến cho sự phát triển nước nhà nên không phân biệt già, trẻ, gái, trai; người ở miền ngược hay người ở miền xuôi; người dân tộc ít người hay người tôn giáo,… Bởi giáo dục luôn được xem là gốc gác của sự phát triển bền vững, đầu tư cho giáo dục chưa bao giờ là một sự đầu tư lãng phí vì nhờ có giáo dục mà có thể thay đổi được cả một “vận mệnh” của một đất nước. Pháp luật Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Còn cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục bao gồm các cơ sở giáo dục từ sơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở giáo dục đại học; nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; người học tại các cơ sở giáo dục; bên cạnh đó là các quy định về quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục ví dụ như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành có liên quan,…

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục

Luật Hoàng Anh