Phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị coi là phá sản?
Chu kỳ sống của doanh nghiệp có 04 giai đoạn tiêu biểu là khởi nghiệp, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Ở giai đoạn suy thoái, phá sản có thể là bước cuối cùng dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Vậy theo quy định của pháp luật, phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị coi là phá sản?
1. Phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị coi là phá sản?
1. Phá sản là gì? Khi nào một doanh nghiệp bị coi là phá sản?
Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 định nghĩa về phá sản như sau:
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản).
Đồng thời, doanh nghiệp không thể tự tuyên bố phá sản mà phải làm thủ tục phá sản để Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thì mới được coi là phá sản. Cụ thể, Điều 8 Luật Phá sản quy định về thẩm quyền giải quyết phá sản như sau:
– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp:
+ Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc là người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh khác nhau;
+ Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà được Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc một trong các trường hợp do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Ngoài ra, Luật Phá sản không quy định cụ thể mất khả năng thanh toán một khoản nợ bao nhiêu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản, bởi tình hình tài chính của các doanh nghiệp rất khác nhau.
Có những doanh nghiệp nợ vài chục triệu nhưng không có cách gì để trả, trong khi cũng có doanh nghiệp nợ tới vài trăm triệu hoặc vài tỉ vẫn có khả năng thanh toán bình thường.
2. Thủ tục phá sản
2.1. Người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Theo Điều 5 Luật Phá sản, người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là:
– Chủ nợ.
– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
– Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng; Trường hợp sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng thì phải quy định trong Điều lệ công ty quy định.
– Thành viên hợp tác xã/người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.
2.2. Trình tự, thủ tục tiến hành phá sản
Căn cứ các quy định tại Luật Phá sản, thủ tục phá sản tiến hành theo trình tự các bước như sau:
Bước tiếng hành
Đối tượng thực hiện
Nội dung
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án
Người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
– Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án có thẩm quyền;
-Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhận đơn yêu cầu hợp lệ thì có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án để các bên thương lượng rút đơn.
Tòa án ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ (theo Điều 37).
Bước 2: Nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản
Tòa án
Dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Theo Điều 38, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, như sau:
– Nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự;
– Nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án mở tại ngân hàng.
Bước 3: Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Tòa án
– Tòa án thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong 03 ngày, kể từ ngày nộp biên lại nộp tiền lệ phí, tạm ứng phí phá sản. (theo Điều 40).
– Thẩm phán ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (theo Điều 42).
Doanh nghiệp, hợp tác xã
Vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và bị cấm thực hiện một số hoạt động tại Điều 48.
Bước 4: Mở/không mở thủ tục phá sản
Tòa án
– Thông báo, đăng tin quyết định mở/không mở thủ tục phá sản trong 03 ngày kể từ ngày có Quyết định (theo Điều 43).
– Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản (theo Điều 45).
Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
Niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ.
Thời hạn khiếu nại và giải quyết khiếu nại danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ là 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn niêm yết.
(theo Điều 67)
Người tham gia thủ tục phá sản
Có quyền đề nghị xem xét lại trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở/không mở thủ tục phá sản (theo Điều 44).
Bước 4: Họp hội nghị chủ nợ
Tòa án
Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản.
Trường hợp Hội nghị chủ nợ không đáp ứng các điều kiện quy định thì hoãn Hội nghị chủ nợ.
Căn cứ vào kết quả phiên họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án ra quyết định:
– Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán;
– Thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và Quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nếu doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
– Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản nếu đủ điều kiện.
Thời hạn đề nghị xem xét lại, kháng nghị Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Bước 5: Tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Tòa án
Ban hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Trên đây là thông tin về: Phá sản là gì và thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ, giải đáp.
>> Giải thể doanh nghiệp: Những quy định cần biết