Phá sản doanh nghiệp là gì? Đặc điểm phá sản doanh nghiệp?

Phá sản doanh nghiệp là gì? Đặc điểm của phá sản doanh nghiệp? Chủ thể nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp? So sánh giữa giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp?

    Mỗi doanh nghiệp là một thực thể xã hội, nên nó cũng có quá trình đó là sinh ra, phát triển và diệt vong. Dưới tác động của nền kinh tế, của sự cạnh tranh, có những doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trên thị trường, nhưng cũng có doanh nghiệp hoạt động yếu dần, đến khi không còn khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính, tức đã lâm vào tình trạng phá sản. Có thể thấy, phá sản chính là quy luật tất yếu trong nền kinh tế

    *Cơ sở pháp lý:

    – Luật Phá sản 2014.

    Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568

    1. Phá sản doanh nghiệp là gì?

    Trong từ điển tiếng Việt giải thích phá sản là tình trạng một công ti, doanh nghiệp bị thua lỗ, gặp khó khăn về tài chính, hoặc khi thanh lí công ty không đủ thanh toán các khoản nợ đến hạn.

    Trong Luật Phá sản năm 2014 quy định: ” Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân quyết định tuyên bố phá sản”. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán ở đây được xác định là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Mất khả năng thanh toán ở đây có thể hiểu theo nhiều trường hợp như doanh nghiệp không còn tài sản gì; doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng tài chính tuyệt vọng,… Từ đó, có thể hiểu phá sản là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và cơ quan Nhà nước ra quyết định tuyên bố phá sản, chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp đó.

    Phá sản trong tiếng anh là “Bankruptcy“.

    Xem thêm: So sánh giữa phá sản doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp

    2. Đặc điểm của phá sản doanh nghiệp:

    – Về lý do phá sản: lý do duy nhất dẫn đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đó là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thơi hạn 03 tháng từ ngày đến hạn thanh toán

    – Phá sản là thủ tục phục hồi doanh nghiệp đặc thù vì trình tự, thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là một thủ tục tư pháp. Đây là một giai đoạn trong thủ đoạn trong thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản, được tiến hành sau khi Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp và chính Tòa án quyết định thủ tục phục hồi này.

    Hoạt động phục hồi này nằm dưới sự giám  sát nghiêm ngặt của Tòa án. Khác với việc khi doanh nghiệp gặp khó khăn, chủ doanh nghiệp có thể tự thực hiện tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Quá trình phục hồi này hoàn toàn phụ thuộc ý chí của chủ doanh nghiệp, từ việc quyết định có phục hồi hay không, đến tự quyết các phương án phục hồi doanh nghiệp,…

    – Phá sản là thủ tục thanh lý nợ đặc biệt. Gọi đây là một thủ tục thanh lý nợ đặc biệt vì:

    +  Việc đòi nợ và thanh toán nợ mang tính tập thể. Tất cả các chủ nợ đều có cơ hội tham gia vào quá trình đòi nợ và thanh toán nợ. Các chủ nợ  là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ. Pháp luật đã phân chia chủ nợ thành các nhóm khác nhau, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm( Khoản 3 Điều 4 Luật Phá sản 2014), các yêu cầu của chủ nợ sẽ được xem xét công bằng, tại cùng một thời điểm, địa điểm và theo thứ tự ưu tiên nhất định.

    Các chủ nợ không thể đòi thanh toán riêng khoản nợ của mình mà phải thông qua thủ tục gửi giấy đòi nợ. Chủ nợ không gửi giấy đòi nợ hoặc tiến hành đòi nợ riêng lẻ sẽ không được tham gia vào quá trình phân chia tài sản của doanh nghiệp sau này.

    + Việc đòi nợ và thanh toán các khoản nợ tiến hành thông qua một cơ quan đại diện có thẩm quyền. Luật Phá sản quy định cơ quan có thẩm quyền ở đây chính là Tòa án. Việc thanh toán nợ của doanh nghiệp cũng không diễn ra trực tiếp mà phải thông qua đại diện là Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Các chủ nợ nhận được khoản thanh toán cho khoản nợ ở đây chứ không do doanh nghiệp mắc nợ trực tiếp trả.

    + Việc thanh toán khoản nợ được tiến hành trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp. Điều này được hiểu là nợ bao nhiêu thì phải đủ lại bấy nhiêu mà nghĩa vụ của doanh nghiệp mắc nợ sẽ chấm dứt sau khi dùng toàn bộ tài sản của mình để trả nợ mặc dù có thể thanh toán chưa đủ cho các khoản nợ. Vì sau khi thanh lý tài sản để trả nợ, Tòa án ra quyết định phá sản doanh nghiệp, doanh nghiệp không còn tồn tại cũng như không còn tài sản gì thì không có bất kì tài sản để có thể thanh toán hết khoản nợ. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh; trong trường hợp này, trách nhiệm thanh toán nợ vẫn còn tồn tại đến khi khoản nợ được thực hiện xong.

    + Việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông thường, việc thanh toán nợ có thể diễn ra bất cứ khi nào, do các bên tự do lực chọn phương thức thanh toán. Nhưng trong phá sản doanh nghiệp, việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành sau khi có quyết định của Tòa án. Thanh toán nợ trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp phải trên cơ sở quyết định của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý tài sản hay của Tòa án.

    – Thủ tục phá sản thường dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Trong thủ tục phá sản, Tòa án có thể phải ra quyết định pháp lý đặc biệt như quyết định chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp và tiến hành thanh lý tài sản. Sau khi quyết định tuyên bố phá sản được tiến hành, doanh nghiệp sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký.

    – Thủ tục phá sản là thủ tục có khả năng giúp con nợ phục hồi hoạt động kinh doanh. Pháp luật phá sản đặt ra mục tiêu giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản, khôi phục hoạt động kinh doanh đó chính là giai đoạn phục hồi doanh nghiệp

    Xem thêm: Mất khả năng thanh toán là gì? Thế nào là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán?

    3. Chủ thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp:

    Tại Luật Phá sản 2014 quy định thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp là Tòa án nhân dân, theo đó:

    “1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

    b) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

    c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

    d) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

    2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”

    Như vậy, cả Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện đều có thẩm quyền giải quyết cầu phá sản doanh nghiệp theo phạm vi lãnh thổ.

    Xem thêm: Thay đổi trình tự thủ tục phá sản theo Luật phá sản năm 2014

    4. So sánh giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp:

    * Điểm giống nhau giữa giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp gồm:

    – Cả hai thủ tục đều dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp.

    – Doanh nghiệp đều bị thu hồi con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    – Doanh nghiệp đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản

    * Điểm khác nhau giữa giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp

    Thứ nhất, về thủ tục thì

    – Giải thể là một thủ tục hành chính

    – Phá sản là thủ tục tư pháp

    Thứ hai, lý do giải thể không đồng nhất đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau và lý do giải thể rộng hơn so với lý do phá sản.

    – Các trường hợp giải thể đối với mỗi loại hình doanh nghiệp được pháp luật quy định không giống nhau, phụ thuộc vào vị trí, vai trò cũng như ảnh hưởng của doanh  nghiệp. Đối với giải thể tự nguyện là trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của chủ sở hữu doanh nghiệp như việc khi kết thúc thời hạn hoạt động đã được ghi trong điều lệ hay giải thể khi đã hoàn thành mục tiêu hoặc xét thấy mục tiêu đề ra không thể đạt được. Còn giải thể bắt buộc là trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự vi phạm pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đó; khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

    – Lý do phá sản chỉ có thể do nguyên nhân duy nhất đó là mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu

    Thứ ba, chủ thể có thẩm quyền thực hiện các thủ tục khác nhau

    – Do là một thủ tục hành chính, người chủ doanh nghiệp tự mình quyết định việc giải thể doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có thẩm quyền đồng ý hay phản đối về việc giải thể mà chỉ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ giải thể. Còn đối với các trường hợp giải thể bắt buộc, chủ sở hữu doanh nghiệp buộc phải quyết định giải thể doanh nghiệp trên cơ sở quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án.

    – Phá sản là một thủ tục tư pháp, hoạt động do cơ quan nhà nước duy nhất là Tòa án có thẩm quyền tiến hành

    Thứ tư, việc xử lý các quan hệ về tài sản

    – Đối với giải thể thì việc phân chia tài sản phải tiến hành trước khi giải thể doanh nghiệp

    – Đối với phá sản thì việc phân chia giá trị tài sản lại là khâu cuối của quá trình thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án

    Thứ năm, về hậu quả

    – Giải thể luôn dẫn đến chấm dứt hoạt động, xóa tên doanh nghiệp, hợp tác xã

    – Khi thủ tục phá sản được mở, không phải lúc nào cũng dẫn đến việc doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo quyết định của Tòa án. Mà nếu doanh nghiệp khôi phục tốt thì doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục hoạt động.

    Thứ sáu, thái độ của Nhà nước đối với chủ sở hữu, người quản lý, điều hành cơ sở sản xuất kinh doanh

    – Đối với giải thể, pháp luật không có hạn chế gì

    – Với phá sản, pháp luật có quy định hạn chế trong một số trường hợp đối với người quản lý, điều hành cơ sở sản xuất kinh doanh bị phá sản.