Phá Tam Giang
Về Trang Chính
Một huyền thoại về phá Tam Giang
Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (ÐNNTC) trang 153 chép Phá Tam Giang trước có tên là Hạt Hải có nghĩa là biển cạn, từ nam chí bắc dài 30 dặm, từ đông sang tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu nguồn Ô Lâu – Thọ Lai (hệ thống sông Lương Ðiền) chảy xuống Phá về phía tây nam có 3 cửa sông đổ vào là sông Tả, sông Trung và sông Hữu nên vua Minh Mạng đổi tên gọi là Tam Giang, nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn.
==
Phá Tam Giang
Trong ca dao xưa ở Thừa Thiên – Huế có câu:
Thương anh, em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang
Trong qua khứ, một số lý giải về ấn tượng “Sợ phá Tam giang” vì cho rằng “nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn” và đưa vào một số dẫn chứng về bài ca “Cửa biển Tư Hiền” với 3 ngọn sóng thần thường đánh đắm thuyền bè. Truyện kể Thái Tông hoàng đế từng đến đây chơi, trông thấy sóng yêu làm hại thuyền, nổi giận sai đem đại bác ra bắn, trúng được 2 ngọn sóng máu phun ra đỏ cả dòng nước, còn một sóng chạy ra biển cả trốn mất; từ đấy thuyền bè đi lại không lo gì nữa, đến nay người ta còn ca tụng (ÐNNTC trang 147).
Phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Ðiền. Quảng Ðiền là một địa danh có từ cách đây hơn 200 năm, nguyên là đất quận Nhật Nam thời thuộc Hán, sau là châu Lý của Chiêm Thành; thời nhà Trần là quận Trà Kệ thuộc châu Hóa; thời nhà Lê đổi thành huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.
Trong Ô Châu Cận Lục của Dương văn An viết vào đầu nửa thế kỷ XVI (1555) dưới thời Lê – Mạc thì vùng Quảng Ðiền – Phong Ðiền hiện nay nằm trong địa phận 2 huyện Kim Trà và huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.
Dưới thời nhà Nguyễn đổi Ðan Ðiền thành Quảng Ðiền (Ðại Nam Nhất Thống Chí-trang 96). Hiện nay huyện Quảng Ðiền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, địa danh Ðan Ðiền xưa được mang ra đặt tên cho một cây cầu hiện nay ở thị trấn Sịa.
Vùng đất Quảng Ðiền – Phong Ðiền là quê hương của nhiều nhân vật lừng danh trong lịch sử Việt Nam từ cổ tích cho đến nhân vật liệt nữ tăng đạo. Ða số thuộc vào thời các chúa Nguyễn như:
Ông Nguyễn Quang Tiền, Ông Nguyễn Văn Hiền giữ chức Quản tiên phong thủy đạo, Ông Nguyễn Văn Thành tổng trấn bắc thành thời Gia Long, Nguyễn Ðô, Nguyễn Đình Ðức được thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần, thượng thư Lương Tiến Tường, Ðoàn Văn Phú, Ðặng Văn Thêm, Lê Văn Phú đều được thờ ở đền Hiền Lương, Lê Phúc Sơn thờ ở đền Trung Nghĩa; đặc biệt ông Thân Văn Quyền được vua Minh Mạng phái đi Pháp về sau giữ chức Bố chính tỉnh Ðịnh Tường cũng được thờ ở đó.
Gương liệt nữ có bà Nguyễn Thị Xuân… thủ tiết thờ chồng.
Các di tích lịch sử của Quảng Ðiền gắn liền với các hoạt động lễ hội như đình Thủ Lễ gắn với hội vật, các điệu hò như mái nhì, hò ô, hò giã gạo được ưa chuộng trong dân gian; các trò chơi chọi gà, đua thuyền, kéo co, vật võ, bài chòi thường được tổ chức trong các dịp lễ, tết…
Văn hóa ẩm thực đặc biệt như: bánh tráng, tôm chua chợ Sịa, bún bò, cháo cá dìa, trìa phá Tam giang và các món ăn đặc sản chế biến từ cá tôm vùng nước lợ thì không có nơi nào phong phú hơn ở vùng đầm phá Tam Giang, ngay cả chim nước như le le, vịt nước hay các loài lưỡng thê cũng vậy.
Khí hậu ở Quảng Ðiền, Tam Giang được phân thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng gió Tây Nam nên không khí khô nóng, oi bức. Mùa mưa từ tháng 9 năm trước đến tháng giêng năm sau. Tháng 9-10 thường kéo theo lũ lụt. Tháng 11 mưa kéo dài. Các tháng 7,8,9,10 thường hay có bão.
Vùng đất mang nét đặc thù chung của nền văn hoá Huế, và cũng là nơi có nền văn hoá Chăm Pa, những di tích mang dấu ấn của một thời lịch sử như Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng. Những người con của Quảng Ðiền đã đi vào những trang sử hào hùng của quê hương đất nước như Ðặng Tất, Ðặng Dung, các nhà chí sĩ như Trần Thúc Nhẫn…
Phá Tam Giang giới hạn phía Bắc là cửa sông Ô Lâu, phía Nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An. Từ Ô Lâu tới Thuận An dài 26 km, chiều rộng phá từ 2-3,5km. Thuộc địa phận 12 xã của ba huyện Quảng Ðiền, Phong Ðiền và Hương Trà. Phá Tam Giang có diện tích khoảng 5.200ha. Phá Tam giang có độ sâu từ 2 đến 7m, sâu nhất là 10m; phía Bắc phá là Quảng Thái, một vùng phù sa nhờ 2 con sông Ô Lâu và Nịu mang lại sau những mùa lụt, phá Tam Giang từ đây vẽ một vòng cung ra hướng Bắc. Đông Bắc thì gặp một vùng đất đầm thuộc Phong Chương, Ðiền Lộc, Ðiền Môn…Tên các làng dọc theo vùng đất này nghe rất lạ tai như Thủy Nịu, Trằm Nầy, Trằm Dét…
Ngoài đường bộ thì đường thuỷ là một loại giao thông chính của vùng này, con sông Bồ là thủy lộ chính. Sông Bồ bắt nguồn từ dãy núi Sơn Hồ chảy theo tuyến Phú Ốc đến Phú Lễ; chia ra một nhánh chảy về phía Tây Nam – gồm các xã: Hương Xuân, Hương Toàn (Huyện Hương Trà), Quảng Thọ, Quảng Thành (Huyện Quảng Ðiền) đi ra sông Sình và về biển Ðông; một nhánh khác chảy quanh ra phía Bắc đến các làng Cổ Tháp, Sơn Tùng, chảy qua Nam Dương hợp với sông Nam Phù (…) chảy vòng lại phía Ðông Bắc đến thôn An Xuân rồi đổ ra phá Tam Giang.
Thủy lộ chính từ phía bắc hay từ thượng lưu đi ra biển hay xuôi vào nam là con sông cái. Một trong số 3 con sông này, khi đến Vân Trình có sông Vĩnh Ðịnh từ phía bắc Hải Lãng – Quảng Trị hợp vào, khi sắp đến cửa sông thì giòng sông chảy ngang qua xứ Bàu Ngược chảy thêm 7 dặm nữa mới đổ vào phá Tam Giang (ÐNNTC-trang 147).
Tương truyền chỗ Bàu Ngược sông rộng nước sâu, mùa thu mùa đông thường nhiều sóng gió bão, thuyền đi đến đây gặp gió ngược thường bị đắm. Thật sự bàu nước ở đoạn sông, theo như nhận định về khoa học hiện đại, có thể giải thích như là Bàu Ngược này có một cấu trúc khá đặc biệt về địa chất làm giòng nước chảy ngược về thượng lưu, tạo ra một giòng xoáy mạnh có thể nhấn chìm thuyền bè đi ngang qua nó, trường hợp này cũng đã xảy ra trên thế giới như ở California – Hoa Kỳ hay ở phía đông thành phố Lehan – Trung Quốc. Thường thì giòng xoáy này xảy ra không định kỳ, không có dấu hiệu báo trước nên người ta rất khó biết hay tiên liệu khi nào xảy ra; cư dân địa phương gọi là Bàu Ngược. Khi nội tán kiêm án sát sứ tổng tri quân quốc trọng sự Nguyễn Khoa Ðãng cho đào một con kênh khác thông với sông chính làm giảm bớt lưu lượng nước đổ vào bàu này, từ đó giòng xoáy và sóng cũng bớt dần, thuyền bè đi lại thuận tiện. Còn ở Trung Quốc, người ta đã xây một tượng Phật vĩ đại cao 71 mét trên một ngọn núi đá nằm trên bờ sông ngay khúc sông thường hay xảy ra tai nạn vào năm 713, và sau khi tượng Phật khánh thành thì không còn các tai ương xảy ra nữa. Mãi về sau này, gần đây các nhà nghiên cứu và tôn giáo mới đưa ra một giải thích có tính khoa học thuyết phục hiện tượng bí ẩn này là: khi thi công tượng Phật trên ngọn núi đá thì hàng ngàn, hàng vạn mét khối đất đá từ trên cao đã rơi xuống sông và lấp kín các hố sâu dưới lòng sông mà chính các vùng trũng, các hố sâu này là nguyên nhân tạo ra giòng xoáy.
Như thế, ở Trung Quốc hay ở Bàu Ngược – Tam Giang – Quảng Ðiền, các bậc cao nhân đã nghĩ ra phương pháp triệt tiêu nguyên nhân tạo ra giòng xoáy.
Và câu ca dao xưa đã có đoạn kết:
Phá Tam giang thì nay đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội tán dẹp yên.
Và đến đầu thế kỷ 21, Bàu Ngược đã được phù sa bồi lắng tạo thành một bãi bồi. Hiện nay cư dân địa phương gọi trại đi là Bàu Nhà Nước hay Bãi Bồi. Di tích mũi tàu và cột cờ vẫn còn đó như một chứng tích của một huyền thoại về phá Tam giang, nó chỉ nằm cách 1 km sau lưng chợ Sịa (mới).
Nguồn tin: songnuoctamgiang.com.vn
VỀ VỚI TAM GIANG- THẾ CHÍ ĐÔNG- ĐIỀN HẢI- PHONG ĐIỀN- THỪA THIÊN- HUẾ
Về Trang Chính