PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI – Website Quận 7 – TP.HCM
I. Thông tin về bệnh Dại
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.
Tại Việt Nam: Tình hình bệnh Dại có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể: Trong năm 2018, có 103 trường hợp người tử vong vì bệnh Dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017), có 521.831 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại (tăng 21.117 trường hợp so với năm 2017); Trong 9 tháng đầu năm 2019, bênh Dại đã xảy ra tại 24 tỉnh, thành (tăng 4 tỉnh, thành so với cùng kỳ năm 2018) và làm 54 người tử vong.
Nguyên nhân số người tử vong do bệnh Dại vẫn cao là do: (1) 100% các trường hợp tử vong vì bệnh Dại là do bị chó bệnh cắn; (2) Các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng sau khi bị chó cắn; (3) Việc sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh Dại vẫn còn, dẫn đến nhiều người tử vong do lên cơn Dại.
II. Đường truyền lây bệnh và nguy cơ tử vong
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật (chủ yếu là chó, mèo) mắc bệnh Dại lên trên vùng da bị tổn thương.
Gần100% bệnh nhân bị phát dại đều tử vong. Hiện thế giới cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này.
III. Các biện pháp phòng ngừa bệnh Dại
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi hàng năm.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người trông coi.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
– Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
IV. Một số khẩu hiệu tuyên truyền:
1. CHỦ NUÔI CHÓ, MÈO PHẢI THỰC HIỆN: TIÊM PHÒNG BỆNH DẠI CHO CHÓ, MÈO THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THÚ Y; KHI NGHI NGỜ CHÓ, MÈO CÓ TRIỆU CHỨNG BỆNH DẠI PHẢI BÁO NGAY CHO UBND CẤP XÃ (PHƯỜNG) HOẶC CÁN BỘ CHĂN NUÔI, THÚ Y CƠ SỞ VÀ THỰC HIỆN XỬ LÝ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THÚ Y; CÓ BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ VẬT NUÔI KHÁC, GIỮ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN VỆ SINH THÚ Y; TRƯỜNG HỢP CHÓ, MÈO TẤN CÔNG, GÂY THIỆT HẠI THÌ PHẢI BỒI THƯỜNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT. (ĐIỀU 66 – LUẬT CHĂN NUÔI)
2. PHẠT TIỀN TỪ 1.000.000 – 2.000.000 ĐỐI VỚI HÀNH VI “KHÔNG TIÊM PHÒNG VẮC-XIN PHÒNG BỆNH DẠI CHO ĐỘNG VẬT BẮT BUỘT PHẢI TIÊM PHÒNG; KHÔNG ĐEO RỌ MÕM CHO CHÓ HOẶC KHÔNG XÍCH GIỮ CHÓ, KHÔNG CÓ NGƯỜI DẮT KHI ĐƯA CHÓ RA NƠI CÔNG CỘNG” (ĐIỂM B, KHOẢN 2, ĐIỀU 7 – NĐ 90/2017/NĐ-CP; KHOẢN 3, ĐIỀU 2 – NĐ 04/2020/NĐ-CP)
3. CHỦ NUÔI CHÓ, MÈO PHẢI: THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ VIỆC CHĂN NUÔI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ (PHƯỜNG) TẠI CÁC ĐÔ THỊ, NƠI ĐÔNG DÂN CƯ; CHỊU MỌI CHI PHÍ TRONG TRƯỜNG HỢP CHÓ THẢ RÔNG BỊ BẮT GIỮ, KỂ CẢ CHI PHÍ CHO VIỆC NUÔI DƯỠNG VÀ TIÊU HỦY CHÓ. (ĐIỂM A, Đ – KHOẢN 2 – PHỤ LỤC 15 – THÔNG TƯ 07/2016/TT-BNNPTNT)
(Theo tài liệu tuyên truyền của Trạm chăn nuôi và Thú y liên Quận 1, 4, 7)
Bùi Giang