PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI –
Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI
I. Lịch sử phát triển kinh tế trang trại
Kinh tế trang trại có lịch sử phát triền lâu đời, các chuyên gia về sử học và kinh tế học thế giới đã chứng minh từ thời đế quốc La Mã, các trang trại đã hình thành trong đó lực lượng sản xuất chủ yếu là các nô lệ. Ở Trung Quốc trang trại có từ đời nhà Đường. Với nước ta, trang trại hình thành và phát triển dưới thời nhà Trần với tên gọi chung là các “thái ấp”. Trang trại trên thế giới bắt đầu phát triển mạnh khi chế độ tư bản chủ nghĩa ra đời. Năm 1802 ở Pháp có 5.672.000 trang trại, năm 1882 ở Tây Đức có 5.278.000, năm 1990 ở Mỹ có 5.737.000, năm 1963 Thái Lan có 3.214.000 và Ấn Độ có hơn 44 triệu trang trại.
Quá trình phát triền công nghiệp, số lượng các trang trại giảm, nhưng quy mô về diện tích và quy mô về doanh thu tăng lên. Hiện nay ở Mỹ có 2,2 triệu trang trại, sản xuất mỗi năm 50% sản lượng đậu tương và ngô trên thế giới; ở Pháp có 0,98 triệu trang trại, sản xuất một lượng nông sản gấp 2,2 lần nhu cầu trong nước; 1.500 trang trại của Hà Lan mỗi năm sản xuất 7 tỷ bông hoa, 600 triệu chậu hoa; 4 triệu lao động trong các trang trại của Nhật Bản (chiếm 3,7% dân số cả nước) nhưng bảo đảm lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu người. Như vậy, trang trại là một mô hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nông nghiệp, xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
II. Những chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về kinh tế trang trại
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hình thành và phát triển các trang trại trong thời gian qua và căn cứ vào chủ trương đối với kinh tế trang trại đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 12 năm 1997 và Nghị quyết số 06 ngày 10 tháng 11 năm 1989 của Bộ Chính trị về phát triển nông nghiệp và nông thôn, cần gíải quyết một số vấn đề về quan điểm và chính sách nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế trang trại trong thời gian tới.
III. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về kinh tế trang trại
Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản.
– Phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; có việc làm tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lao động, dân cư xây dựng nông thôn mới.
– Quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất đã hình thành các trang trại gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.
IV. Về chính sách cụ thể
a. Chính sách đất đai:
– Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sống tại địa phương có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để mở rộng sản xuất thì ngoài phần đất đã được giao trong hạn mức của địa phương còn được Uỷ ban nhân đân xã xét cho thuê đất để phát triền trang trại.
– Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê lại quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác để phát triển trang trại theo quy định của pháp luật về đất đai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Hộ gia đình, cá nhân đã được giao hoặc nhận chuyển nhượng, quyền sử dụng đất vượt quá hạn mức sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 1999 để phát triển trang trại thì được tiếp tục sử dụng và chuyển sang phần diện tích đất vượt hạn mức, theo quy định của pháp luật về đất đai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
b. Chinh sách về thuế
– Để khuyến khích và tạo điều kiện hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, nhất là ở những vùng đất trống đồi núi trọc, bãi bồi, đầm phá ven biển, thực hiện miễn thuế thu nhập cho trang trại với thời gian tối đa theo Nghị quyết số 51/1999/NQ-CP, ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10.
– Các trang trại được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai khi thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá để trồng rừng sản xuất, trồng cây lâu năm và khi thuê diện tích ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
c. Chính sách đầu tư tín dụn
Trang trại phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng thương mại của các ngân hàng thương mại quốc doanh. Việc vay vốn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 67/1999/QDD-TTg ngày 30 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chính sách tín dụng ngân hàng phát triển nông nghiệp và nông thôn”, chủ trang trại được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay theo quy định tại Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.
d. Chính sách lao động
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, ưu tiên sử dụng lao động của hộ nông dân không đất, thiếu đất sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo thiếu việc làm. Chủ trang trại được thuê lao động không hạn chế về số lượng; trả công lao động trên cơ sở thoả thuận với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Chủ trang trại phải trang bị đồ dùng bảo hộ lao động theo từng loại nghề cho người lao động và có trách nhiệm với người lao động khi gặp rủi ro, ốm đau trong thời gian làm việc theo hợp đồng lao động.
e. Chính sách khoa học, công nghệ, môi trường
– Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn cùng với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch đầu tư phát triển các vườn ươm giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và các cơ sở sản xuất con giống (chăn nuôi, thuỷ sản) hoặc hỗ trợ một số trang trại có điều kiện sản xuất giống để bảo đảm đủ giống tốt, giống có chất lượng cao cung cấp cho các trang trại và hộ nông dân trong vùng.
– Khuyến khích chủ trang trại góp vốn vào quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, liên kết với cơ sở khoa học, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật áp dụng vào trang trại và làm dịch vụ kỹ thuật cho nông dân trong vùng.
f. Chính sách thị trường
– Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, khuyến cáo khoa học kỹ thuật, giúp trang trại định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
– Nhà nước hỗ trợ việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cơ sở công nghiệp chế biến ở các vùng tập trung, chuyên canh hướng dẫn việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản hàng hoá của trang trại và nông dân trên địa bàn.
– Nhà nước khuyến khích phát triển chợ nông thôn, các trung tâm giao dịch mua bán nông sản và vật tư nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận và tham gia các chương trình dự án hợp tác, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
– Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp Nhà nước với hợp tác chủ trang trại, hộ nông dân.
Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích chủ trang trại xuất khẩu trực tiếp sản phẩm mua gom của trang trại khác, của các hộ nông dân và nhập khẩu vật tư nông nghiệp.
g. Chính sách bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại
Tải sản và vốn đầu tư hợp pháp của trang trại không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, Nhà nước cần thu hồi đất được giao, được thuê của trang trại thì chủ trang trại được thanh toán hoặc bồi thường tại thời điểm công bố quyết định thu hồi.
V. Kết quả phát triển kinh tế trang trại
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn, đến nay cả nước có khoảng 150.000 trang trại với diện tích đất sử dụng khoảng 900.000 ha. Kinh tế trang trại phát triền nhanh cả về số lượng và chất lượng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Các trang trại chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3%, chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 10,3%, lâm nghiệp chiếm 2,2%, nuôi trồng thuỷ sản chiếm 27,3% và sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm 4,9%.
VI. Đánh giá
Những mặt được của kinh tế trang trại thời gian qua có thể tựu trung ở một số điểm sau:
Thứ nhất: Đây là một bước phát triển mới của kinh tế hộ gắn với mục tiêu sản xuất hàng hoá qui mô lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hoá, tạo ra các vùng sản xuất tập trung làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn, tăng tốc độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái.
Thứ hai: Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần khai thác thêm diện tich lớn đất trống, đồi núi trọc, diện tích còn hoang hoá (khoảng 20-30 vạn ha) đưa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là ở các vùng trung du, miền núi và ven biền.
Thứ ba: Góp phần huy động lượng vốn đầu tư khá lớn trong dân (có thể tới 20.000 tỷ đồng) để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Thứ tư: Giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, ngoài 30 vạn lao động của gia đình còn thuê thêm 10 vạn lao động thường xuyên và 30 triệu ngày công lao động thời vụ/năm.
Thứ năm: Hàng năm làm ra giá trị tổng sản lượng gần 12.000 tỷ đồng, trong đó 87% là sản phẩm hàng hoá.
Cuối cùng: một số trang trại đã sản xuất và cung cấp giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng.
Tuy vậy, sự phát triển của trang trại đang đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết:
– Chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa được thể chế hoá thành những chính sách cụ thể, việc giao và cho thuê đất chưa được thực hiện chu đáo, nhiều chủ trang trại vẫn còn băn khoăn chưa thực sự yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là gần 30% số đất chưa được giao hoặc cho thuê ổn định lâu dài. Ở hầu hết các địa phương có trang trại phát triền chưa chủ động triển khai quy hoạch sản xuất, thiếu sự gắn bó giữa trang trại với sự hình thành các vùng sản xuất tập trung và định hướng phát triển chung của vùng; hệ thống thuỷ lợi, giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, thị trường kém phát triển, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa nên trang trại chưa góp phần tích cực phát huy được đầy đủ sức mạnh kinh tế của vùng.
– Phần lớn các trang trại mới chủ yếu tập trung mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật truyền thống mà chưa quan tâm nhiều tới việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, tưới nước, cơ giới hoá, bảo quản chế biến vv… nên năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao.
– Một số chủ trang trại chưa nắm bắt kịp thời yêu cầu của thị trường để định hướng sản xuất nên sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ, hiệu quả chưa cao.
– Nhà nước chưa có biện pháp hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả.
VII. Các đối tượng và ngành sản xuất được xem xét để xác định là kinh tế trang trại
Hộ nông dân, hộ công nhân viên Nhà nước và lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu, các loại hộ thành thị và cá nhân chuyên sản xuất (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản) hoặc sản xuất nông nghiệp là chính có kiêm nhiệm các hoạt động dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn.
A. Các đặc trưng chủ yếu của kinh tế trang trại
1. Mục đích sản xuất của trang trại là sản xuất nông, lâm, thuỷ sản hàng hoá với quy mô lớn.
2. Mức độ tập trung hoá và chuyên môn hoá các điều kiện và yếu tố sản xuất cao hơn hẳn (vượt trội) so với sản xuất của của nông hộ, thể hiện ở quy mô sản xuất như: đất đai, đầu con gia súc, lao động, giá trị nông sản thuỷ sản hàng hoá.
3. Chủ trang trại có kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp điều hành sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng lao động gia đình và thuê lao động bên ngoài sản xuất hiệu quả cao, có thu nhập vượt trội so với kinh tế hộ.
B. Chỉ tiêu định lượng để xác định là kinh tế trang trại
Mỗi hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản được xác định là trang trại phải đạt được cả hai tiêu chí định lượng sau đây:
1. Giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ bình quân 1 năm:
– Đối với các tỉnh phía Bắc và duyên hải miền Trung: 40 triệu đồng trở lên.
– Đối với các tỉnh phía Nam và Tây nguyên: từ 50 triệu đồng trở lên.
2. Quy mô sản xuất phải tương đối lớn và vượt trội do với kinh tế nông hộ tương ứng với từng ngành sản xuất và vùng kinh tế.
a. Đối với trang trại trồng trọt:
+ Trang trại trồng cây hàng năm:
Từ 2 ha trở lên đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải Miền Trung.
Từ 3 ha trở lên đối với các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
+ Trang trại trồng cây lâu năm:
Từ 3 ha trở lên đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải Miền Trung.
Tứ 5 ha trở lên đối với các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
Trang trại trồng hồ tiêu 0,5 ha trở lên.
+ Trang trại lâm nghiệp
Từ 10 ha trở lên đối với các vùng trong cả nước.
b. Đối với trang trại chăn nuôi
+ Chăn nuôi đại gia súc: trâu, bò vv…
Chăn nuôi sinh sản, lấy sữa có thường xuyên từ 10 con trở lên.
Chăn nuôi lấy thịt có thường xuyên từ 50 con trở lên.
+ Chăn nuôi gia súc: lợn, dê, vv…
Chăn nuôi sinh sản có thường xuyên đối với hơn 20 con trở lên, đối với dê, cừu từ 100 con trở lên.
Chăn nuôi lợn thịt có thường xuyên từ 100 con trở lên (không kể lợn sữa), dê thịt từ 200 con trở lên.
+Chăn nuôi gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, vv…có thường xuyên từ 2.000 con (không tính số đầu con dưới 7 ngày tuổi)
c. Trang trại nuôi trồng thuỷ sản
Diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản có từ 2 ha trở lên (riêng đối với nuôi tôm thịt theo kiểu công nghiệp từ 1 ha trở lên)
d. Đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có tính chất đặc thù như: trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, nuôi ong, giống thuỷ sản và thuỷ đặc sản thì tiêu chí xác định là giá trị sản lượng hàng hoá (tiêu chí 1)
VIII. Định hướng phát triển
Qua thưc tiễn phát triển kinh tế trang trại như trên, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 2 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại chúng ta cần tập trung thực hiện giải pháp sau:
1. Quy hoạch vùng phát triển trang trại
Để trang trại phát triển tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khả năng cạnh tranh mới, khắc phục tình trạng trang trại phát triển tự phát. Các tỉnh thành phố cần rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xác định các vùng phát triển trang trại; công bố quỹ đất có thể giao hoặc cho thuê để phát triển trang trại, chủ yếu là các vùng đất trống, đồi núi trọc, đất còn hoang hoá, ao hồ, đầm, bãi bồi ven sông, ven biển…Hướng trong 5-10 năm tới, khai thác đưa vào sử dụng trong nông nghiệp khoảng 1 triệu ha, trồng và khoanh nuôi tái sinh 2 triệu ha rừng sản xuất.
Xác định phương hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế đất đai, khí hậu của mỗi vùng và có tính đến khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây, con, vv…đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại.
2. Tiến hành giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất chưa được cấp.
Các địa phương rà soát lại các trang trại hiện có, xúc tiến nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận theo chính sách đất đai nêu trong Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Tổng cục Địa chính.
3. Nâng cao trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) ở các trang trại.
Trang trại là nơi sản xuất nông sản hàng hoá nên phải có khả năng cạnh tranh cao. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, phải nâng cao trình độ ứng dụng KH&CN.
Đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi đầu mối kênh trục chính kết hợp với vốn của trang trại đào ao, đắp đập, xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ, ứng dụng các phương pháp tưới tiêu khoa học, tiết kiệm nước.
Đầu tư xây dựng các cơ sở ươm, nhân giống cây trồng, vật nuôi, cây giống lâm nghiệp. Hỗ trợ các trang trại áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sản phẩm: áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến có quy mô vừa và nhỏ; sử dụng máy móc phù hợp để làm đất, vận chuyển, bơm nước…
Tổ chức tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hỗ trợ các trang trại áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời khuyến khích các chủ trang trại tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới hộ nông dân trong vùng.
Các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học theo dõi sát nhu cầu của trang trại, liên kết với các trang trại để xác định các mô hình chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân.
Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, xử lý kịp thời những trường hợp buôn bán hàng giả, hàng chất lượng xấu, để giúp nông dân và các chủ trang trại phát triển sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro.
4. Hỗ trợ trang trại tiếp cận thị trường, tiêu thụ nông lâm sản hàng hoá
Hướng dẫn các cơ sở công nghiệp chế biến hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hoá với các chủ trang trại và hộ nông dân. Tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ các trang trại, thực hiện liên kết giữa các trang trại với các doanh nghiệp Nhà nước để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại có khả năng tham gia xuất khẩu sản phẩm trực tiếp. Quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ở các địa bàn tập trung phát triển kinh tế trang trại.
Tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn các trang trại sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
5. Nâng cao năng lực quản lý của chủ trang trại và nâng cao tay nghề của người lao động.
Số chủ trang trại có trình độ chuyên môn mới chiếm khoảng 32%, do đó việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các chủ trang trại đặt ra rất cấp bách. Trước mắt, thông qua tổng kết, tổ chức tham quan các trang trại quản lý kinh doanh giỏi để học tập lẫn nhau và tổ chức bồi dưỡng những kiến thức về khoa học và quản lý. Về lâu dài, tổ chức các khoá đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý cho các chủ trang trại.
6. Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại.
Các địa phương có kế hoạch bố trí vốn để hỗ trợ các trang trại đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở chế biến, cung cấp thông tin. Trang trại được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nườc. Thực hiện miễn thuế thu nhập với thời gian tối đa nếu chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở những địa bàn đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi, đầm phá ven biển. Thực hiện miễn giảm thuế đất cho chủ trang trại khi thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá để trồng rừng sản xuất, trồng cây lâu năm, thuê diện tích đất ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư, cải tạo để sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với kinh tế trang trại, đảm bảo các chủ trang trại thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác bảo vệ và làm giàu đất, bảo vệ môi trường; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo pháp luật. Đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ trang trại về tài sản và các lợi ích khác.
7. Tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn lương thực, thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để chủ động hội nhập.
Chúng ta đã ra nhập WTO, đã tham gia buôn bán với 149 nước, tại sao chúng ta lại không liên kết với nhau?. Vậy ngay từ bây giờ cần phải tổ chức liên kết hợp tác thích hợp, đó là câu lạc bộ trang trại để cùng nhau học tập, trao đổi, giúp đỡ nhau về khoa học, công nghệ, về kinh nghiệm sản xuất, quản lý, thông tin thị trường, giá cả…kịp thời, hiệu quả. Phải xây dựng quy trình sản xuất từ khâu giống đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản tạo ra nông sản, thực phẩm sạch, an toàn lương thực, thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm của ta có thể cạnh tranh và tiêu thụ cả ở trong nước và nước ngoài, cũng chính là chúng ta chủ động bước vào hội nhập.