PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ KINH TẾ CÂY CAM SÀNH | Cổng thông tin điện tử huyện Bạch Thông

Nhận thấy giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển của cây cam sành, huyện Bạch Thông đề ra kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025 sẽ trồng mới 500ha.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Bạch Thông xác định thực “Chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trồng mới 500ha cây cam sành và xây dựng 03 mô hình trồng cây cam sành không hạt để phục cho việc nhân rộng, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 Vườn cam sành của gia đình ông Thu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Đã nhiều năm nay, cứ dịp cận Tết vườn cam của gia đình ông Bùi Xuân Thu, thôn Bản Chàn luôn đông thương lái và người dân tìm đến thu mua. 45 năm định cư mảnh đất Dương Phong là chừng ấy năm ông Bùi Xuân Thu gắn bó mật thiết với cây quýt, cây cam. Đây chính là hai loại cây trồng chủ lực mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình ông và nhiều bà con trong xã. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Thu thu nhập khoảng 600 – 800 triệu đồng từ 04ha quýt và cam sành. Những năm gần đây giá quýt xuống thấp, trong khi sản lượng không cao vì cây thoái hóa thì cây cam sành vẫn cho thu nhập ổn định. Ông Thu chia sẻ: “ Với giá bán 20.000 – 25.000 đồng/kg, 01 ha cam sành cho thu nhập khoảng 250 – 300 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với trồng quýt. Với chất lượng được bảo đảm và thương hiệu được khẳng định không bao giờ phải bận tâm về đầu ra vì ngay khi quả còn xanh đã có thương lái đến đặt bao tiêu”

Là cây trồng bản địa, có nhiều đặc điểm quý, cam sành giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều nông hộ. Nếu như cây quýt chỉ cho thu hoạch khoảng 1 tháng thì cây cam sành thời gian hái bán kéo dài vài ba tháng trong điều kiện bảo quản sau thu hoạch tốt. Điều này sẽ giảm áp lực về thời gian thu hái cho các chủ vườn, đồng thời cũng lựa chọn được thời điểm hợp lý, có lợi nhất khi bán.

Theo thống kê trên địa bàn huyện hiện có 230 ha cây cam sành (tập trung chủ yếu ở xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong), trong đó có 145 ha đang cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 110 tạ/ha, sản lượng khoảng 1.600 tấn/năm, giá trị đạt trên 31 tỷ đồng. Cam sành bước vào giai đoạn chín và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch (nếu hái về bảo quản tốt có thể giữ được thêm 3 tháng) trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên rất thuận lợi cho tiêu thụ. Là cây trồng bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Khi chín, cam có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát, vỏ vàng tươi, dày thuận lợi cho việc vận chuyển và bảo quản.

Định hướng về phát triển vùng trồng cam sành của huyện, đồng chí Đỗ Thị Hiền –  Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cho biết: “Bạch Thông là huyện có diện tích cây ăn quả có múi tập trung lớn nhất của tỉnh và là những cây trồng chủ lực giúp các xã xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, các xã phía Tây của huyện còn nhiều dư địa và lợi thế để mở rộng diện tích cây cam sành lên khoảng 500ha vào năm 2025 theo định hướng chung. Huyện đang thực hiện chủ trương thay dần diện tích quýt bản địa đã thoái hóa bằng cây cam sành và trồng mới với khoảng 100ha/năm. Tuy nhiên, để đưa cây cam sành lên tầm cao mới còn nhiều việc mà cấp, ngành chức năng cần phải làm, trọng tâm là thay đổi thói quen, kỹ thuật canh tác cho người dân, xây dựng thương hiệu đủ mạnh và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất”.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Bạch Thông xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện trồng mới 500ha cây cam sành và xây dựng 03 mô hình trồng cây cam sành không hạt để phục cho việc nhân rộng, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổ chức hội thảo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển vùng cây cam, quýt; triển khai các chính sách hỗ trợ người dân trồng mới, cải tạo thâm canh cây cam sành chính là những bước đi cụ thể hóa nghị quyết chuyên đề về cây trồng có múi của huyện Bạch Thông./.

Đào Kiên